Từ Tiên Lãng đến Thái Bình

0:00 / 0:00

Biến cố Mỹ Yên hiện giờ vẫn còn xôn xao công luận, khi – ngược dòng thời gian hơn một năm về trước - tiếng súng hoa cải cảnh báo chứ không cố sát của anh em Đòan Văn Vươn ở Tiên Lãng vẫn chưa nguôi trong lòng người dân oan nói riêng và dư luận nói chung, thì hôm thứ Tư ngày 11 tháng 9 vừa rồi, tiếng súng cố sát Thái Bình của dân oan Đặng Ngọc Viết thảm khốc hơn khi nhắm vào đầu 5 cán bộ tại Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Thái Bình khiến một người tử vong (tính cho tới thời điểm này), 3 người trọng thương, một người bị bắn trượt; và kẻ sát nhân – cũng là nạn nhân – sau đó tự sát. Như vậy là quê hương Thái Bình của Đặng Ngọc Viết – cũng là quê hương của những nông dân cần cù một sương hai nắng “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” – nói theo lời blogger Võ Văn Tạo – “lại chẳng ‘thái bình’ !”.

Thủ phạm là Luật đất đai

Qua bài “Giá nào để cứu chuộc ?”, blogger Dân Nguyễn nhận thấy tiếng súng Tiên Lãng phát từ “súng bắn chim săn thú” chỉ để “đánh động dư luận” trong khi súng Thái Bình “kê vào đầu quan chức mà nhả đạn ” ngay tại chốn công đường khiến người dân cắt nghĩa sự kiện này “rất ngắn gọn và chính xác” rằng “tức nước vỡ bờ”, “Con giun xéo lắm cũng quằn” hay “ nơi nào có áp bức thì nơi đó có đấu tranh”…cho dù phía chính quyền “tránh nói, tránh nghe tới” những cụm từ như vậy, mà chỉ có cái nhìn duy nhất như “ tội phạm cực kỳ nguy hiểm, cực kỳ manh động…” mà thôi. Tác giả Dân Nguyễn phân tích:

Dù thế nào thì hành động giết người cũng không thể được biện minh. Nhưng khi nghe một vụ xả súng của kẻ tâm thần, người ta hết sức xót xa thương tiếc những nạn nhân. Khi nghe tin một vụ đánh bom của bọn khủng bố, người ta cũng dành tình cảm xót thương cho những nạn nhân, và căm phẫn kẻ gây tội ác…Còn vụ nổ súng ở Thái Bình thì sao ? Xét đến cùng, kẻ gây tội vừa là thủ phạm, lại vừa là nạn nhân. Hệt Chí Phèo, muốn làm người lương thiện mà đâu có được! Đáng giận, nhưng cũng đáng thương! Thủ phạm đích thực chính là cái Luật đất đai “Sở hữu toàn dân” kia. Bởi vì bản chất của cái luật này, ai cũng thấy là “Sở hữu toàn quan”. Chừng nào cái luật “Sở hữu toàn dân” trí trá kia chưa bị “bắt”, thì nó vẫn còn là thủ phạm cực kỳ nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn xã hội và cho toàn dân…

Nhắc đến “sở hữu tòan dân”, nhà báo Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Saigòn Giải phóng, cho đây là nguyên nhân của vấn đề:

Chừng nào cái luật "Sở hữu toàn dân" trí trá kia chưa bị "bắt", thì nó vẫn còn là thủ phạm cực kỳ nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn xã hội và cho toàn dân…<br/> - Tác giả Dân Nguyễn

Luật lệ quy định đất đai là của toàn dân, chính là ở đó. Cái đó đã tạo điều kiện tước đoạt đất của dân cho nên dân người ta mới phản ứng như thế và phản ứng như thế là đúng. Muốn khắc phục phải thay đổi vấn đề “đất đai là của toàn dân” phải bỏ cái đó mới được.

Blogger Phạm Đình Trọng nhấn mạnh rằng:

Chỉ có trả lại quyền sở hữu đất đai thiêng liêng của người dân, cho người dân chứ không thể lấy cái quyền công hữu hóa đất đai là sở hữu toàn dân để cướp đất của người ta được. Chỉ tạo điều kiện cho bọn quan tham nó cướp đất của người dân và nó sẽ đẩy nhà nước này tới chỗ đối lập với toàn bộ dân tộc Việt Nam chứ không phải chỉ mấy người nông dân mà thôi đâu.

Bà Nguyễn Thị Thương, vợ dân oan Đoàn Văn Vươn đang bị tù tội oan khuất trong “biến cố Tiên Lãng” cũng lên tiếng:

Bất công, không công bằng với người dân, họ bị dồn đến bước đường cùng nên mới bộc phát đến như thế !

Theo blogger Osin Huy Đức thì “Cái gọi là ‘chênh lệch địa tô’ mà những người cộng sản đòi xóa bỏ đang trở lại và khiến họ trở nên mù lòa, đồng thời, đẩy người dân tới ‘bước đường cùng’. Quả bom Đoàn Văn Vươn đã không đủ để cảnh báo một hệ thống đã cạn kiệt khả năng thức tỉnh”.

Qua bài tựa đề “Những cái chết được báo trước”, blogger Thùy Linh cũng lưu ý rằng “Tiếng súng hoa cải của anh em Đoàn Văn Vươn hầu như không tưới tẩm một chút ân hận, một chút nghĩ lại, một chút thay đổi…của chính quyền. Kẻ xua quân đi cướp bóc dân thì ngồi ở vị trí điều tra và quan tòa. Và sau đó họ được tưởng thưởng bằng cái lon tướng với sự hả hê”. Theo nhà văn Thùy Linh thì “Chưa khi nào mùi tử khí phả vào chúng ta với những đau đớn, nghẹn ngào lẫn phẫn uất, một cuộc sống được gọi là thời bình, được cho là ‘dân chủ gấp vạn lần’ tư bản; được coi là ‘đang bị các thế lực thù địch chống phá quyết liệt’; được rao giảng là một một nhà nước “vì dân, do dân, của dân”…Nhưng, nhà văn Thùy Linh báo động, “Nhiều năm rồi người ta không còn xa lạ với đoàn đoàn lũ lũ dân oan khiếu kiện đất đai trôi nổi, vật vờ khắp các thành phố nhỏ, to. Tiếng kêu của những kẻ bần cùng rơi vào một hố đen quyền lực, thăm thẳm những mưu mô, toan tính bằng một thái độ cương quyết, tàn bạo, lạnh lùng...Thậm chí những dân oan còn bị chính quyền xua đuổi, trấn áp, kể cả những ai muốn giúp đỡ họ. Phía trước là một tương lai không lối thoát. Phía sau là sự dồn đuổi, cướp bóc của bạo quyền. Họ đi về đâu ?”.

Blogger Lê Diễn Đức thì thấy “rõ ràng là có gì khuất tất” gây nên cảnh bất công ngoài sức chịu đựng của dân oan, dồn họ vào bước đường cùng thì mới “nảy sinh ra hành động trả thù khốc liệt như thế”. Qua bài “Tiếng gọi từ cái chết”, blogger Lê Diễn Đức cho biết:

Chúng ta đã từng chứng kiến sự bất công này khắp ba miền Trung Nam Bắc suốt hơn hai thập niên qua. Cảnh nông dân ăn nằm vật vã nơi vỉa hè, công viên để khiếu kiện đất đai trở thành bức tranh thường lệ. Bi kịch như nông dân Vụ Bản đeo khăn tang, nông dân Dương Nội bày biện âm binh để đòi đất và giữ đất. Biết bao bà mẹ Việt Nam cầm những tấm bằng "Tổ quốc ghi công" lê lết tìm đến các cơ quan công quyền với tờ đơn khiếu nại trong vô vọng và bất lực. Người ta đã phải khoả thân để chống đối như hai mẹ con bà Phạm Thị Lài ở Cần Thơ, phải tự thiêu như bà Đinh Thị Kim Liêng, phải nổ súng để bảo vệ thành quả mồ hôi nước mắt của mình như Đoàn Văn Vươn ở Tiên lãng, Hải Phòng...Tiếng súng Đòan Văn Vươn vì không chết nên anh phải chịu bản án 5 năm tù. Anh Viết không muốn thế. Anh chọn cái chết !

Những cái chết được báo trước

Một thanh niên đi ngang một dự án xây dựng tại Hà Nội hôm 24/4/2009, ảnh minh họa. AFP photo
Một thanh niên đi ngang một dự án xây dựng tại Hà Nội hôm 24/4/2009, ảnh minh họa. AFP photo (Một thanh niên đi ngang một dự án xây dựng tại Hà Nội hôm 24/4/2009, ảnh minh họa. AFP photo )

Khi viết về “Những cái chết được báo trước”, nhà văn Thùy Linh cũng không quên nhắc tới “ thêm một trường hợp đau lòng” xảy ra ở Lâm Đồng, nơi dân oan Phạm Anh Nam tự tử vào tháng 10 năm 2011 mà mãi đến đầu năm 2013 này người ta mới biết cái chết oan khuất đó khi con gái ông, cô Phạm Thị Anh Kiều, mang di ảnh của cha ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng kêu oan cho thân phụ, với lá thư tuyệt mệnh mà dân oan đau khổ ấy để lại cho vợ con ông – nguyên văn - rằng “Anh rất thương em và các con. Nhưng vì hạnh phúc cho nhiều gia đình, anh phải đòi công lý”. Đó là chưa kể, nói theo lời blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh, cụ dân oan Hà Thị Nhung “gửi lại linh hồn mình nơi vườn hoa Lý Tự Trọng để đưa cái xác vô hồn về lại quê hương sau bao năm kiếm ăn lần hồi bằng nhặt rác để đi kiện, sau bao năm chạy tán loạn khi thấy công an hoặc côn đồ khủng bố ngày đêm”.

Nhà văn Thùy Linh nêu lên câu hỏi rằng thế còn trường hợp Đặng Ngọc Viết – vẫn liên quan đến chuyện đất đai, giải tỏa, đền bù - thì sao ? Nhà văn nhận thấy Đặng Ngọc Viết không còn bất cứ hy vọng, sự cảm thông, đối thọai, công lý ở “những người khoát áo chính quyền” khi mọi ngôn từ không còn tác dụng, muốn đối thọai không ai lắng nghe, mọi ngả sống bị bít lối…Nhưng, blogger Thùy Linh nhấn mạnh, “ngôn từ tắt tiếng không có nghĩa là sự im lặng…”. Và “Cái chết được báo trước” của Đặng Ngọc Viết, theo nhà văn Thùy Linh, thể hiện qua “Cái cách Viết chuẩn bị ảnh thờ cho mình, nói lời tạm biệt với cha già bệnh tật trước lúc ra đi, quì trước tượng Bồ Tát Quan Thế Âm sám hối hay cầu xin vãng sanh chỉ ít giây tự bắn vào ngực mình…như một bi tráng ca thời đại”.

Qua bài “Chết ngay và chết từ từ”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh rằng có một vấn đề còn lớn hơn cả vụ án mạng này, đó là giới cầm quyền không chỉ điều tra về phía người gây án, vì đây là điều tất nhiên, mà họ cần phải “điều tra nguyên nhân gây án, điều tra những người bị hại”. “Trưởng thôn Khoai Lang” Nguyễn Quang Vinh nhận xét:

Không đi tới tận cùng nguyên nhân, chỉ xét về một phía đối tượng gây án đã chết mà đình chỉ vụ án thì lại dung dưỡng cho những ẩn họa đối kháng gây bất ổn xã hội.<br/> - Nguyễn Quang Vinh

Theo thông tin ban đầu công an Thái Bình nói với báo chí, nguyên nhân gây án có liên quan đến việc giá cả, phương thức, hành xử đền bù giải phóng mặt bằng giữa gia đình Viết và một số gia đình khác với chính quyền. Mâu thuẫn tới mức nào để sinh án mạng như thế, mà lại án mạng ngay tại cơ quan nhà nước. Bỏ qua nguyên nhân này, chỉ căn cứ vào đối tượng đã chết để đình chỉ điều tra là vội vàng. Phải khởi tố vụ án mới có đủ thực quyền và sức mạnh để truy đến cùng nguyên nhân. Nếu có chuyện chính quyền ép dân, chính quyền không tuân thủ quy định pháp luật trong đền bù đất hoặc tiêu cực thì phải xử lý nghiêm những người đại diện chính quyền làm việc này. Không đi tới tận cùng nguyên nhân, chỉ xét về một phía đối tượng gây án đã chết mà đình chỉ vụ án thì lại dung dưỡng cho những ẩn họa đối kháng gây bất ổn xã hội.

Sau cùng, nhà văn Thùy Linh “Cầu cho những hương hồn mệt mỏi nơi trần thế như ông Nguyễn Anh Nam, Đặng Ngọc Viết được siêu sanh. Vì họ đã trả nợ bởi chính cái chết của mình…Bởi những kẻ đáng bị xử án trước những cái chết như thế này vẫn sống nhởn nhơ và ‘giương cao ngọn cờ bách chiến bách thắng’ - một ‘chiến thắng’ trước cái chết của người dân mà họ làm ‘đại diện’…”.

Nhà báo Lê Diễn Đức thì “xin thắp nén nhang cho con người bất hạnh Đặng Ngọc Viết”, blogger Dân Nguyễn “Xin cắm một nén nhang lên mộ Viết, một người vốn dĩ hiền lành trên quê lúa Thái Bình”. Còn cư dân mạng Trương Ba Không bày tỏ nỗi buồn rằng:

Mình đã khóc khi đọc 6 bài báo về một chủ đề. Khóc âm thầm cho những nỗi đau riêng của những kiếp người kém may mắn… nhưng khi chợt biết anh Đặng Ngọc Viết đã tự sát sau khi xả súng vào một nhóm quan chức địa phương Thái Bình, thì mình đã khóc oà thành tiếng cho nỗi đau của cả một xã hội loạn.