Bị đánh bầm tím chỉ vì bênh vực hai công nhân mới qua, rồi lại bị bắt đi giam lỏng gần hơn tuần nay. Đó là trường hợp của cô Nguyễn thị Hương, công nhân hãng mì sợi Twenty-Twenty ở Malaysia.
Cách nay khoảng 2 tuần, hai cô công nhân người Việt mới qua làm tại hãng này, vì không biết tiếng Mã Lai nên khi đốc công người Bang-La (Bangladesh) bảo sáng hôm sau đi làm lúc 6 giờ , hai cô không hiểu nên đến 8 giờ sáng mới đến chỗ làm. Người đốc công giận dữ đuổi hai cô về.
Bạn của hai cô là cô Nguyễn thị Hương, làm việc ở đây lâu năm, biết tiếng Mã Lai nên lên tiếng can thiệp, cô nói “ông nên thông cảm cho họ, mới qua, không hiểu tiếng nên mới đi làm không đúng giờ, thực là ‘bodoh’.” ‘Bodoh’ theo tiếng Mã có nghĩa là “ngốc” ý cô muốn nói việc đi làm không đúng giờ là “ngốc”, thế nhưng đốc công người Bang-La tức giận đánh cô bầm mặt và đùi. Cô Hương kể lại:
"Mày đi mà nói với người không biết tiếng, mày bảo đi 6 giờ thì nó không hiểu tiếng nên nó đi 8 giờ." Em chỉ có hỏi thế thì nó quay ra đá em luôn, nó đá em 3 cái vào đùi, đùi vẫn tím đấy, nó cầm que vụt em lần thứ tư mà…."
Công ty Twenty-Twenty có khoảng 500 công nhân gồm nhiều sắc dân khác nhau, trong đó có khoảng 50 công nhân Việt Nam. Chủ hãng là người Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên, nhân viên hãng này đàn áp công nhân. Theo cô Hương, thì đốc công người Bang-La chỉ bức hiếp công nhân Việt Nam:
“ Thằng này gây sự với người Việt Nam mình quá nhiều rồi, nó chèn ép người Việt Nam nhà mình đấy. Đến hôm nay nó đánh em đau nên mọi người mới như thế này chứ”
Sau khi cô Hương bị đánh, các công nhân đòi chủ hãng phải ngưng việc người đốc công 15 ngày hoặc 1 tháng để trừng phạt. Chủ nhân hứa với công nhân tạm thời sẽ không cho anh này làm đốc công một thời gian. Nhưng ngày hôm sau, công nhân đi làm, vẫn thấy anh này mặc y phục đốc công làm việc bình thường. Họ giận dữ cho rằng chủ hãng đã không giữ lời hứa với công nhân và đình công để đòi lại công lý cho bạn. Anh Tuấn, một công nhân làm việc lâu năm trong hãng này cho biết:
“Vì lý do tụi em là người Việt Nam sang đây làm ăn chứ không phải để đánh nhau, nên tụi em chỉ muốn đòi lại công lý và công bằng thôi. Tình hình này thì tụi em muốn là : 1 cho thằng kia về nước. hoặc cho xuống làm công nhân bình thường, không cho làm đốc công nữa, thế là boss hứa với tụi em sẽ đình chỉ thằng kia 1 tháng hoặc sẽ cho làm công nhân bình thường, em mới nói, vậy là ngày mai tất cả công nhân Việt Nam sẽ đi làm, thế là tụi em sáng hôm sau vẫn đi làm bình thường thôi, lên thấy nó, thấy nó vẫn đi làm, vẫn mặc áo đốc công bình thường như vậy thì em mới lên nói boss, boss nói là nó làm 1 tháng rồi nó về, em nói boss nói thế này không được : hôm qua boss nói thế này, sao hôm nay boss lại nói khác, thế là bọn em không đồng ý. Bọn em quyết định không đi làm, thế là boss cắt điện, cắt nước, cắt hết tất cả mọi thứ không cho xài.”
Theo lời bạn khuyên, cô Hương lên đồn công an để khai báo và trình bằng chứng bị đánh đập. Trong khi cô đang khai báo ở đồn công an thì công ty môi giới cho người xuống bắt cô đi vì nghĩ là cô sẽ kiện họ. Cô Hương kể lại:
“Trong khi người công an đang đánh máy lời khai của em thì cái ông làm việc ở công ty, cái ông béo mập quản lý công nhân ở công xưởng nó chửi em, nó lôi em về luôn, nó bảo là báo cáo cái gì ? Em bảo là em không kiện cáo gì cả, tao chỉ xin giấy chứng nhận thôi. Nó bắt em chở thẳng về công ty, nó vẫn bắt em ngồi trên xe, không được xuống, em vẫn ngồi trên xe, trong khi đấy là bên ngoài có 4 thằng công an ở bên ngoài, về nhà nó định bắt thêm mấy người nữa. Xong nó điện cho môi giới đến chở em về môi giới.”
Sau khi bắt cô Hương tại đồn công an, họ (công ty môi giới) kết hợp với công an chở cô về công ty để lùng bắt hết tất cả 9 công nhân làm việc tại đây qua công ty môi giới của ông Ho (ghi chú của RFA: trong hãng này có 2 loại công nhân: loại thứ nhất là người của công ty nhận làm trực tiếp, loại thứ hai là công nhân do công ty môi giới Mã Lai giới thiệu. Hãng này có 9 công nhân do công ty môi giới giới thiệu và khoảng 40 công nhân của công ty.)
Theo lời công nhân tại đây, họ muốn phân tán lực lượng để công nhân không đình công được nữa. Lúc đài RFA gọi sang cũng là lúc công ty môi giới kết hợp với công an lùng bắt 8 công nhân Việt Nam còn lại, công nhân Tuấn có mặt tại chỗ cho biết:
“ Bắt đầu nó kêu police xuống bắt người đi. Police nó đang vào đấy ạ, police nó đang ở ngay trong phòng trọ của tụi em luôn, ở phòng trọ tụi em có tất cả khoảng 50 công nhân Việt Nam ờ cùng một nhà trọ. Nó tuyên bố nó sẽ không đi khi nào nó chưa bắt được hết người. Nó tuyên bố như thế. Bắt được người nào nó cho lên xe người đó. Nó đang ập đến mất rồi, không kịp nữa rồi…”
Khi đó, một số công nhân đi vắng chưa về, một số công nhân nhanh trí đã báo động cho các công nhân thuộc công ty môi giới trốn đi, một mình cô Hương bị bắt chở về công ty môi giới, tại đây cô bị giam lỏng trong một căn phòng dơ bẩn và không được cho ăn uống gì cả.
“Bây giờ nó chở em vể nhà môi giới, từ hôm qua đến hôm nay nó chẳng đoái hoài gì đến mà nó chẳng nói năng gì đến em, không hỏi ăn uống, nó không đưa cho một cái gì hết”
Sau 5 ngày đình công, nơi ở của công nhân bị chủ công ty cúp điện, nước. Chủ công ty tên Tân-Si-Lai có thái độ dứt khoát với công nhân. Tình hình trở nên căng thẳng. Công nhân tên Linh cho biết:
“Ông bảo bây giờ tao không cần Việt Nam chúng bây nữa, không có chúng bây, công ty tao vẫn chạy bình thường, tình trạng bây giờ rất gay gắt, nó cắt điện đến 2 giờ chiều, thức ăn trong tủ lạnh hư hết. Một người chủ đối xử với công nhân như thế thì làm sao mà làm chủ được ? “
Hiện tại công nhân vẫn tiếp tục đình công. Hai công nhân đòi về thì bị bắt bồi thường 1300 Ringgit (đơn vị tiền Mã lai) Công nhân tên Linh tiếp :
“Tình hình ở đây hiện giờ là căng lắm chị ạ. Ở đây hiện nay là đình công được 5 ngày rồi. Đâm lao phải theo lao, mình đã đình công như thế mình phải đòi hỏi quyền lợi. Người quản đốc mà đánh người ta bị thương như thế. Hai người xin về thi nó bảo nộp 1300 Ringgit, nhưng sau khi lên nộp thì nó đòi 3000 Ringgit”
Riêng cô Hương, hơn một tuần lễ sau vẫn còn bị giam lỏng tại nhà môi giới. Cô phải tự mua thức ăn và không biết số phận mình sẽ ra sao. Cũng như tất cả các công nhân khác trên đất Mã, khi đặt chân đến phi trường Mã Lai là cô bị chủ tịch thu hộ chiếu nên có muốn trốn ra ngoài cũng không được.
“Hiện nay em đang ở trên nhà môi giới, 6-7 ngày rồi ạ. Từ hôm nó đưa em lên trên đấy em tự bỏ tiền ra mua cơm về ăn thôi chứ nó không cho một cái gì cả., Không hỏi thăm, không gì hết.”
Công ty Twenty-Twenty là một hãng công nghệ thực phẩm nhỏ, chủ yếu sản xuất các loại bún, mì sợi, tọa lạc tại số 1 đưòng Jalan Kampung, thành phố Alor Setar, thuôc bang Kedah, cách biên giới Thái Lan khoảng 45 km, vùng này chuyên về nông nghiệp. Chủ công ty là người Trung Quốc tên Tân Si Lai.
50 công nhân đang trong tình trạng bấp bênh, không biết số phận mình sẽ ra sao, bức xúc trước tình trạng bạn mình bị đánh đập, bị xúc phạm đến danh dự mà còn bị bắt oan. Công nhân tên Linh nói :
“Bây giờ tiền bạc không mua được danh dự, mà cũng không mua được tình cảm. Bây giờ mình làm thế nào mà mình đòi lại công bằng cho người Việt Nam mình. Lần này thì nó đánh, lần sau thì nó chém, làm sao mà mình bảo vệ được cái tổ quốc, cái danh dự của người Việt Nam mình?”
Câu hỏi của người công nhân tên Linh vẫn còn bỏ ngỏ. Hiện họ đang tìm cách liên lạc với các tổ chức giúp đỡ cho công nhân Việt Nam tại Mã Lai để nhờ hỗ trợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận những chuyển biến chung quanh tình trạng của 50 công nhân này .