Hiệu quả hạn chế
Trong thời gian qua các cấp lãnh đạo Chính phủ và Đảng CSVN có nhiều phát biểu và hô hào chống tham nhũng, thế nhưng thực tế cho thấy hiệu quả của công tác này trong năm qua còn quá hạn chế.
Sau gần 2 tháng bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ra văn bản trả lời chất vấn của 11 đại biểu Quốc hội về hiệu quả thấp trong công cuộc chống tham nhũng trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra, tiếp tục gây bức xúc trong xã hội.
Văn bản trả lời của Thủ tướng VN được người dân trong nước đang phải chịu đựng tình trạng tham nhũng tràn làn đến từng ngõ ngách trong đời sống cho là giống như một điệp khúc nhàm chán của một bài hát buồn.
Bộ máy hoạt động chống tham nhũng chưa có kết quả. Bởi vì chỉ mang tính chất hô hào, chưa đi vào hoạt động một cách có trách nhiệm hoặc có hiệu lực. <br/> -Ô. Lê Văn Cuông
Dư luận vẫn chưa quên lời tuyên bố nhậm chức Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng hồi cuối tháng 6/2006 rằng “tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”. Dẫu biết rằng “một con én không làm nên mùa xuân” nhưng với lời tuyên bố hùng hồn của vị Thủ tướng mới mang đến ít nhiều niềm tin “quốc nạn tham nhũng” sẽ được đẩy lùi trong tình cảnh như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhận định “Người ta ăn của dân không từ thứ gì”.
Kể từ thời điểm ông Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức Thủ tướng VN cho đến nay hơn 7 năm, công tác phòng chống tham nhũng luôn được Đảng CSVN cùng cả hệ thống chính trị thường xuyên lãnh đạo và chỉ đạo trên tinh thần như tuyên bố của cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh “Đảng kiên quyết chống tham nhũng đến cùng để làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước”. Tuy nhiên, trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 hồi tháng 11 năm ngoái, các đại biểu cho rằng cơ quan phòng chống tham nhũng do Chính phủ dựng lên dày đặc nhưng hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế cũng như các vụ tham nhũng được phát hiện nhưng xử lý còn chậm và những đối tượng phạm tội trong các vụ án tham nhũng thường được xử lý nhẹ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng, ông Lê Như Tiến phát biểu rằng trong kế hoạch phòng chống tham nhũng, cả nước được yêu cầu bày binh bố trận rầm rộ, súng đạn sẵn sàng nhưng kết quả không đạt yêu cầu, tham nhũng chưa bị sát thương.
Mặc dù vấn nạn tham nhũng được các đại biểu thảo luận thẳng thắn ở các kỳ họp quốc hội cũng như có nhiều kiến nghị với các cấp chính quyền thuộc Đảng ĐCSVN và Nhà nước phải tiến hành giải quyết một cách triệt để, nhưng trong thực tế việc chỉ đạo chống tham nhũng của Chính phủ dường như không mang lại hiệu quả. Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông nhận định về tình hình chống tham nhũng ở VN:
“Hiện nay các văn bản quy định pháp luật tương đối đầy đủ và bộ máy từ trên xuống dưới cũng rất hùng hậu nhưng tình trạng tham nhũng vẫn xảy ra khá phổ biến, chưa được ngăn chặn đẩy lùi mà ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi và gây nên sự bất bình cũng như giảm niềm tin trong nhân dân. Điều đó cho thấy bộ máy hoạt động chống tham nhũng chưa có kết quả. Bởi vì chỉ mang tính chất hô hào, chưa đi vào hoạt động một cách có trách nhiệm hoặc có hiệu lực. Do đó, cần phải có một cách thức chỉ đạo cũng như giải quyết quyết liệt và hiệu lực hơn. Nếu cứ như lâu nay thì tình trạng rất khó có sự chuyển biến mang tính chất đột phá”.
Người dân bi quan
Hôm 8/1 vừa qua, Thanh tra Chính phủ VN công bố báo cáo cho biết đã phát hiện 45 vụ có hành vi tham nhũng trong năm 2013. Cùng ngày, qua cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công an VN đã phát hiện hơn 400 vụ tham nhũng trong năm ngoái, nhiều hơn khoảng trên 100 vụ so với năm 2012. Trong năm 2013, có 10 vụ tham nhũng được cho là “đại án” mà dư luận đặc biệt quan tâm, thế nhưng chỉ có 2 trong số 10 vụ “đại án tham nhũng” được đưa ra xét xử với tổng cộng 4 bản án tử hình.
Thuật ngữ nhóm lợi ích ngày càng lộ rõ, bây giờ những nhóm lợi ích đã lớn lên thành tội phạm mafia, nghĩa là gắn kết giữa các nhóm tội phạm, nhóm kinh tế và những người có chức có quyền. <br/> -LS Trần Quốc Thuận
Trong khi người dân ngày càng tỏ ra bi quan trước tệ trạng tham nhũng năm sau nhiều hơn năm trước, không những không đẩy lùi được mà lại giống như một dịch bệnh nguy hiểm ngày càng lây lan với tốc độ không thể kiểm soát như trong các báo nhận định “tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, tinh vi ở nhiều cấp, nhiều ngành”, phải buột miệng than rằng “càng chống càng tham” thì người đứng đầu Đảng CSVN hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc tham nhũng của các quan chức trong bộ máy Nhà nước là hành vi có tổ chức, tuyên bố rằng có dấu hiệu cho thấy việc tham nhũng có sự thống nhất và chỉ đạo từ các lãnh đạo có cương vị cao nhất trở xuống. LS Trần Quốc Thuận, một đảng viên kỳ cựu, từng 14 năm ở cương vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết vì sao Tổng Bí thư ĐCS lại nhận định như vậy:
“Thuật ngữ nhóm lợi ích ngày càng lộ rõ, bây giờ những nhóm lợi ích đã lớn lên thành tội phạm mafia, nghĩa là gắn kết giữa các nhóm tội phạm, nhóm kinh tế và những người có chức có quyền. Đây là biểu hiện rất xấu của chế độ hiện nay”.
Mới đây nhất, hôm 12/1, trả lời TTXVN về việc xử lý những vụ án tham nhũng lớn trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Phú Trọng quả quyết “Tốt nhất là đừng để xảy ra…Còn khi đã xảy ra rồi thì phải kiên quyết xử lý, xử lý thật nghiêm”. Tuyên bố vừa nêu của Tổng Bí thư Đảng CSVN chỉ vài ngày sau khi Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” liên quan đến Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an nhận số tiền 1.510.000 USD qua lời khai của tử tội Dương Chí Dũng.
Dư luận đang chờ xem Đảng Cộng Sản và Nhà nước nghiêm trị vụ án “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” cũng như 8 vụ “đại án” còn tồn đọng như một phép thử để chứng minh hiệu quả chống tham nhũng trong thời gian tới. Bằng ngược lại, “quốc nạn tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ” như chính khẩu hiệu hô hào của Chính phủ VN bấy lâu nay.