Trung Quốc đưa siêu giàn khoan ra biển Đông

Giàn khoan nước sâu khổng lồ của Trung Quốc được đưa vào hoạt động tại Biển Đông vào thứ Tư ngày 9 tháng 5. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy căng thẳng leo thang?

0:00 / 0:00

Trung Quốc không gây hấn

Trong cuộc họp báo ngày 7 tháng 5 vừa qua, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc – CNOOC thông báo rằng giàn khoan “Dầu khí Hải dương 981” sẽ bắt đầu hoạt động tại Biển Đông. Đây là giàn khoan thuộc thế hệ giàn khoan thứ sáu trên thế giới, lần đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc. Với trọng tải 30 ngàn tấn, có khả năng hoạt động ở độ sâu 3 ngàn mét và khoan ở độ sâu hơn 10 ngàn mét, giàn khoan này được đánh giá là khổng lồ và được Trung Quốc gọi là “tàu sân bay dầu khí”. Việc Trung Quốc đưa một siêu giàn khoan ra biển Đông giữa lúc tranh chấp nơi đây ngày càng phức tạp có thể gây ra quan ngại cho rằng căng thẳng đang leo thang. Tuy nhiên, theo chuyên gia về Đông Nam Á, GS Carlyle Alan Thayer, đây chỉ là chuỗi nối tiếp những gì Trung Quốc đã làm:

“Tôi không đồng ý với nhận định đó. Dàn khoan đó sẽ hoạt động nơi cách phía nam Hồng Kông 320 km và nằm về phía đông bắc của đảo Hải Nam. Đó là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Chỉ có Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền tại vùng đó”.

Dàn khoan đó sẽ hoạt động nơi cách phía nam Hồng Kông 320 km và nằm về phía đông bắc của đảo Hải Nam. Đó là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

GS Carl Thayer

Tin tức cho biết nơi đặt giàn khoan không nằm trong vùng tranh chấp và theo dự kiến, giàn khoan này sẽ khoan tại giếng dầu Lệ Loan 6-1-1. Khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoan có thể được cho là nằm gần vùng biển phía Bắc của Philippines, nhưng hoàn toàn không thuộc vùng chồng lấn, cũng như không xâm phạm vùng tài phán 200 hải lý mà Philippines luôn khẳng định chủ quyền.

Giàn khoan “Dầu khí Hải dương 981” đã được Bắc Kinh triển khai vào giữa năm ngoái, bắt đầu chạy thử ở khu vực hiện tại từ tháng hai năm nay và bây giờ được loan báo chính thức hoạt động. Vùng biển này được đánh giá là nơi tập trung các giếng dầu của Trung Quốc và đã được khai thác dầu khí từ trước.

Nói về tranh chấp tại biển Đông, giáo sư Carlyle Thayer còn khẳng định thêm, theo quan sát của ông cho đến thời điểm hiện tại thì TQ không tiến hành thăm dò dầu khí ở bất cứ vùng chồng lấn tranh chấp nào. Vụ đụng độ tại Scarborough cũng được đánh giá là nằm trong phạm vi ngư chính và hầu như không có quân đội can dự. Đây là một dấu hiệu mà theo ông Carlyle Thayer, là “tích cực”:

“Hành động gây hấn nghiêm trọng nhất xuất phát từ Trung Quốc xảy ra vào nửa đầu năm 2011. Từ khi có sự đồng thuận về bản hướng dẫn thực hiện Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên biển Đông – DOC, thì không có những sự kiện nào đáng kể. Tôi cho rằng ngoại giao đang được thực hiện trong vấn đề Biển Đông. Scarborough nằm xa vùng Trường Sa và tại Trường Sa cũng không có những sự cố nào kể từ giữa năm 2011 đến nay”.

Hồi cuối tháng trước, nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế ICG cho ra bản báo cáo mang tên “Khuấy động biển Nam Trung Hoa” (Stiring up the South China Sea), trong đó cho rằng chính sách không nhất quán của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra căng thẳng trên biển Đông. Tờ Straits Times, Singapore vừa có bài của ông Michael Richarson, một chuyên gia bình luận về quốc phòng thuộc viện Nghiên cứu Châu Á nói rằng Trung Quốc là một nhân vật “nặng ký” trong các vụ tranh chấp với các nước khác, bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia”.

Tranh chấp từ nhiều phía

000_Del512725-250.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (T) bắt tay Thủ tướng Ấn Manmmohan Singh tại New Delhi hôm 12 tháng 10 năm 2011. AFP (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (T) bắt tay Thủ tướng Ấn Manmmohan Singh tại New Delhi hôm 12 tháng 10 năm 2011. AFP)

Tuy nhiên, ông Carlyle Thayer cho biết việc Philippines và Việt Nam kêu gọi các công ty nước ngoài khai thác dầu khí tại biển Đông cũng góp phần làm căng thẳng thêm gia tăng:

“Vấn đề tranh chấp tại Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp vì Việt Nam và Philippines cho các công ty nước ngoài khai thác dầu khí tại những vùng mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền. Đây là vấn đề phải được giải quyết”.

Hồi năm ngoái, Việt Nam và Công ty dầu khí ONGC Videsh của Ấn đã thỏa thuận khai thác tại lô 127 và 128, nằm ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Trong khi đó, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom hồi tháng trước cũng tuyên bố tham gia dự án khai thác khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 tại vùng trũng Nam Côn Sơn, thuộc Trường Sa. Đây là nơi mà công ty Anh BP từng phải rút lui dưới áp lực của Trung Quốc.

Trung Quốc đã nhiều lần phản đối các dự án thăm dò này trong khi Việt Nam luôn khẳng định các dự án này nằm hoàn toàn “trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Theo đánh giá của giáo sư Carlyle Thayer, chưa có một dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy chiến tranh sẽ xảy ra tại Biển Đông, nhưng ông công nhận rằng tranh chấp nơi đây rất phức tạp.

Tranh chấp chủ quyền thường được phân làm hai loại. Một là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như đất, đảo, bãi đá… Những vấn đề này thường được giải quyết bằng thương thuyết giữa hai quốc gia như những gì mà Việt Nam và Trung Quốc đã làm tại Vịnh Bắc Bộ và biên giới phía bắc; hoặc có thể giải quyết dựa vào một bên thứ ba như tòa án quốc tế mà Philippines đang muốn làm.

Một dạng tranh chấp chủ quyền khác mang tính phức tạp hơn là tranh chấp chủ quyền tài phán. Theo GS Carlyle Thayer, đối với loại tranh chấp này, cách giải quyết thường phải dựa vào sự hợp tác:

“Nếu hai quốc gia có chủ quyền tài phán chồng lấn, họ có thể chọn cách chia nó ra hay mời trọng tài phân xử. Tranh chấp chủ quyền tài phán thì luôn nghiêm trọng và tôi chưa thấy ai có thể giải quyết vấn đề tương tự như thế. Cái mà họ có thể làm là gác tranh chấp và hợp tác. Với những hoạt động của khối ASEAN và Trung Quốc cho thấy các nước tranh chấp không có xu hướng đối đầu mà tìm cách hợp tác”.

Vấn đề tranh chấp tại Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp vì Việt Nam và Philippines cho các công ty nước ngoài khai thác dầu khí tại những vùng mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền.

GS Carl Thayer

Hồi tháng Ba, tạp chí Các vấn đề đối ngoại Foreign Affairs cho đăng tải bài viết “Tất cả đều yên lặng ở Biển Nam Trung Hoa” của ông M. Taylor Fravel, một chuyên gia về Trung Quốc và Đông Á hiện đang công tác tại viện Công nghệ Massachusetts; trong đó cho rằng Trung Quốc đang dịu giọng hơn tại biển Đông.

Tháng trước, tại Diễn đàn An ninh Toàn cầu được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS có trụ sở tại Hoa Kỳ tổ chức, ông Joseph Prueher, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho rằng những vụ đụng độ tại Biển Đông trong hơn một năm trở lại đây đã theo lối ngoại giao hơn:

“Sự việc và đã thay đổi trong hai năm gần đây. Trung Quốc đã dịu giọng hơn và ứng xử theo lối ngoại giao hơn. Tôi nghĩ là họ đã nhận ra rằng họ đã hung hăng quá nhiều ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Và nước này ngày càng cho thấy sự hung hãn cũng được kiểm soát”.

Đây cũng là ý của GS Carlyle Thayer, ông cho rằng ông “lạc quan một cách thận trọng” vì bất cứ ai cũng có thể tạo ra rắc rối. Nhưng ông khẳng định rằng “nên cho ngoại giao một cơ hội”.

Theo dòng thời sự: