Trường Phan Châu Trinh, đại học phi lợi nhuận đầu tiên ở VN

0:00 / 0:00

Sau bảy năm hoạt động, hôm trung tuần tháng Bảy này thì Hội Đồng Quản Trị Đại Học Phan Châu Trinh, được coi là đại học phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam, tổ chức buổi công bố mô hình phi lợi nhuận của trường.

Lợi nhuận tập trung vào giáo dục

Đại học phi lợi nhuận Phan Châu Trinh ra đời năm 2007 tại thành phố Hội An, tỉnh Quang Nam, có mức học phí thấp với nguồn thu chủ yếu từ những người hiến tặng và bảo trợ.

Theo thạc sĩ Đỗ Thế, phó hiệu trưởng, toàn bộ lợi nhuận của trường đều tập trung vào hoạt động giáo dục, đào tạo và phục vụ cộng đồng.

Ông Nguyễn Sự, bí thư thành ủy Hội An, người mà ngay từ đầu hết lòng ủng hộ ý kiến xây dựng một trường đại học phi lợi nhuận như Đại Học Phan Châu Trinh, cho biết ý tưởng về một trường đại học phi lợi nhuận đã có từ năm 2004:

“Mô hình phi lợi nhuận của Đại Học Phan Châu Trinh không phải là ý tưởng của tôi mà do một nhóm các nhà giáo dục, nhà trí thức như giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc, bà Nguyễn Thị Bình nguyên phó chủ tịch nước. Nhưng với tư cách là người tại địa phương thì tôi ủng hộ ý tưởng trường Đại Học Phan Châu Trinh. Khi đó người ta đặt vấn đề chọn Hội An để làm mô hình này . Tôi và anh em lãnh đạo Hội An đồng ý.”

Những vấn đề lợi nhuận sau này, nếu làm ra được, thì cũng dành cho giáo dục chứ không phải là chia lại, có nghĩa là không phải một đơn vị cổ đông như hiện nay và chia lại bằng cổ tức. <br/> -Ông Nguyễn Sự

Vẫn theo lời ông, bản chất trước hết của giáo dục là phi lợi nhuận nhưng thực tế ngày nay người ta làm giáo dục để tính toán hơn thua, hạch toán lời lỗ, chứ không nghĩ phải đào tạo ra bao nhiêu nhân tài cho đất nước:

“Ban đầu chưa có con đường nào cụ thể, phương thức hoạt động cũng rất khó khăn, đặc biệt vấn đề nguồn vốn. Loay hoay đến nay đã 10 năm rồi thì trường vẫn hoạt động. Nhưng mà 10 năm hoạt động thì coi như là trường luôn luôn phải bù lỗ. Bằng nguồn vốn người ta huy động, nguồn vốn người ta đóng góp vào là bù lỗ. Đến vừa rồi thì mới tìm ra một cách đi, một lối đi thì bây giờ mới công bố điều này.

Tôi cho đây là một ý tưởng rất nhân văn, phù hợp với xu thế gi áo dục hiện nay không những trong nước mà cả thế giới nữa vì nó tạo điều kiện thực sự để đào tạo nhân lực cho đất nước và cho nhân loại."

Từ 2007 là năm khởi sự hoạt động , tính đến giờ vẫn còn những khó khăn tồn tại đối với Đại Học Phan Châu Trinh:

Các vị đại biểu và giới truyền thông tại buổi họp báo của trường ĐH Phan Châu Trinh để công bố mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam và lộ trình thực hiện, hôm 11/7/2014. Courtesy PCTU.
Các vị đại biểu và giới truyền thông tại buổi họp báo của trường ĐH Phan Châu Trinh để công bố mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam và lộ trình thực hiện, hôm 11/7/2014. Courtesy PCTU.

“Bởi như tôi nói từ đầu là mô hình phi lợi nhuận chưa có ở Việt Nam. Mọi vấn đề, kể cả về sự đồng thuận của xã hội và người ta cũng còn nghi ngờ, do đó những người sáng lập và kể cả nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong bảy năm qua.

Vừa rồi thì có các nhà hảo tâm và các nhà giáo dục mạnh dạn đóng góp vào, người ta hiến cho trường một số tiền. Có một Việt kiều ở Mỹ là ông Cảnh hiến cho trường trước hết là một triệu đô la, coi đó là tài sản chung của nhà trường. Những vấn đề lợi nhuận sau này , nếu làm ra được, thì cũng dành cho giáo dục chứ không phải là chia lại, có nghĩa là không phải một đơn vị cổ đông như hiện nay và chia lại bằng cổ tức. Do đó sau hoạt động bảy năm thì tôi tin rằng tương lai của trường đại học này sẽ tiếp tục phát triển, trở thành điểm thu hút để trong việc cải cách giáo dục hiện nay của đất nước có thể thực hiện theo đúng mô hình này."

Đã có rất nhiều người hiểu sai về khái niệm phi lợi nhuận, ông Nguyễn Sự nói tiếp, nghĩ rằng đi học tại một trường phi lợi nhuận thì sinh viên không phải đóng học phí:

"Thực ra mà nói một trường thực sự có chất lượng là một trường phải có nguồn lực, trước hết là đội ngũ giáo viên, hai là chất lượng học sinh tức đầu vào của nhà trường, ba nữa là phải có nguồn lực về tài chính. Cái phi lợi nhuận với một trường đại học là học sinh phải đóng học phí. Những giáo viên những cán bộ giảng dạy thậm chí phải trả lương cho người ta rất cao. Nhưng tiền đóng góp của x ã hội vào trong này, những người đóng góp vốn vào trong này, người ta không chia lời không chia lãi từ những đồng bạc. Lợi nhuận được dành để tái đầu tư cho nhà trường, có nghĩa là dành hết cho giáo dục, dành hết cho công tác giảng dạy, công tác học tập của sinh viên, đồng thời dành cho trang bị cơ sở vật chất kể cả vấn đề nghiên cứu để từng bước nâng chất lượng và truyền đạt một nền giáo dục thực sự có chất lượng."

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tại buổi công bố mô hình phi lợi nhuận của Đại Học Phan Châu Trinh, trong tư cách bí thư thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự cam kết 15 mẫu đất mà Hội An sẽ giao cho Đại Học Phan Châu Trinh chỉ để thực hiện những dự án liên quan đến giáo dục mà thôi. Nếu thực hiện chuyện gì ngoài lãnh vực giáo dục, ông dứt khoát, đất sẽ bị thu hồi lại ngay.

Tất nhiên khó khăn phía trước còn nhiều lắm nhưng bây giờ bắt đầu vượt qua thì tôi tin rằng sự kiên trì của những người đặt ra ý tưởng này và mục tiêu này chắc chắn sẽ thành công. <br/> -Ông Nguyễn Sự

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Sự cũng lưu ý đến một chi tiết quan trọng là tuyển sinh cho năm nay:

“Ban đầu cơ sở vật chất nhà trường không có vốn, không có tiền thì không mời được những giáo viên giỏi về dạy được, mà như vậy ngay cả đội ngũ giảng dạy cũng không ổn định. Thực ra mà nói trong suốt bảy năm qua nhà trường vừa làm vừa chống chọi để tồn tại đến bây giờ và tìm ra hướng đi thích hợp cho phương hướng hay mục tiêu đặt ra.

Ban đầu mở trường ra thì chiêu sinh là trên hai nghìn sinh viên, nhưng sau đó có những vấn đề trục trặc nơi những cổ đông góp vốn dẫn đến khó khăn. Từ khó khăn đẻ ra nhiều vấn đề, lượng sinh viên ngày càng giảm sút, giáo viên dần dần đi các trường khác. Có những năm trước không tuyển sinh được nhưng được cái mừng năm vừa rồi tuyển được gần 200 sinh viên. Đến năm nay theo tôi biết thì hiện gần hai nghìn hồ sơ đã nộp vào Đại Học Phan Châu Trinh niên học 2014-2015 này. Và như vậy thì giáo viên bắt đầu quay trở lại, đăng ký để giảng dạy tại trường. Tôi cho đó là một dấu hiệu đáng mừng cho năm học này và những năm học tiếp theo.

Tất nhiên khó khăn phía trước còn nhiều lắm nhưng bây giờ bắt đầu vượt qua thì tôi tin rằng sự kiên trì của những người đặt ra ý tưởng này và mục tiêu này chắc chắn sẽ thành công.”

Số liệu từ Đại Học Phan Châu Trinh cho thấy từ ngày thành lập và giảng dạy thì năm nào trường cũng phải bù lỗ. Năm 2013, tổng cộng số tiền lỗ của trường là 12 tỷ đồng. Theo dự kiến thì mức lỗ của năm 2014 này chừng 3 tỷ 500 triệu đồng.

Trường đã vận động được nguồn tài trợ vĩnh viễn một triệu đô la không hoàn lại, bên cạnh năm triệu đô la vay ngân hàng thông qua sự bảo lãnh của nhà tài trợ vừa nói.