Những chiếc thuyền buồm no gió và những con người có màu da rám nắng, luôn cầu Trời, Phật phù hộ cho mình được một ngày bình an, gió yên, biển lặng và tôm cá đầy khoang. Có thể nói rằng hình ảnh thuyền buồm, dùng sức gió và sức người để căng buồm, lướt sóng, trong thời đại công nghiệp này rất hiếm hoi, trừ vịnh Hạ Long vẫn giữ hình ảnh này phục vụ cho du lịch. Và hình ảnh thuyền buồm của ngư dân xóm Chồ trên phá Tam Giang, thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế, mang vẻ đẹp đượm buồn của cái nghèo, nỗi lạc hậu, đôi khi nghe giống như cổ tích.
Tự cung tự cấp
Với lượng dân cư gần 10 ngàn người, trong đó hai phần ba là lao động chính trong nhà, nhưng người dân xóm Chồ vẫn không tài nào ngóc đầu lên được, một phần vì xóm Chồ ở quá xa những nơi dân cư đông đúc, một nữa vì địa hình hiểm trở, leo lét cứ như giữa ốc đảo, gần như cách ly với thế giới thị thành mặc dù đi theo đường chim bay, xóm Chồ chỉ cách thành phố Huế chưa đầy 25km. Nhưng bước vào xóm Chồ, cảm giác như đang bước vào một thế kỉ nào đó thật xa lạ với thế kỉ hiện đại của con người.
Ông Trần Văn Pha, ngư dân xóm Chồ kể với chúng tôi: “Dạ ở đây cực lắm anh ơi! Ở đây về mùa ni thì làm có tiền nhưng về mùa đông, mùa lụt gió máy quá không dám làm nên không có tiền. 3h mình đi lôi, khoảng 7h, 8h thì về bán tôm cá. Ở đây gió máy thì ở nhà, ngày mô tạnh thì đi làm, thời xưa cá rẻ, bây giờ tôm cá đắt, thứ gì cũng đắt, ngày xưa một ký 15 ngàn đồng, bây giờ 50 ngàn đồng một ký. Dạ… Lượng cá… ngày xưa là 100%, bây giờ thì khoản 30%, 40% thôi…!”.
...Dạ ở đây cực lắm anh ơi! Ở đây về mùa ni thì làm có tiền nhưng về mùa đông, mùa lụt gió máy quá không dám làm nên không có tiền.
Ông Trần Văn Pha
Bà Hoa, vợ ông Trần Văn Pha, cho chúng tôi biết thêm rằng đời sống của ngư dân trên phá Tam Giang cứ trầm trầm, không thể nói là sướng mà cũng khó gọi là nghèo, vì nhà nào cũng ăn nhín uống nhịn, bằng mọi giá phải xây dựng cho được một căn nhà bê tông, cốt thép, lợp ngói, vì muốn sống được, tồn tại được nơi đầu sóng ngọn gió này, không có cách nào khác là xây nhà cho kiên cố, có ăn hai ngày một bữa hoặc ba ngày hai bữa cơm cũng chấp nhận. Nhà ở đây mà không được kiên cố, chỉ cần một trận bão nhỏ là mọi thứ tan tành.
Bà Hoa nói: “Quẳng (gió quật) ở đây quanh năm luôn… Mình hôm nào dư dật thì kiếm được hai trăm, hai trăm rưỡi ngàn đồng (tương đương 10 USD – PV), là nhiều nhứt đó, mà ít khi nào được vậy lắm, ngày trăm, trăm rưỡi thì thường gặp (tương đương 5 đến 7USD – PV), ở đây toàn mua gạo chứ không có ruộng đâu. Ở đây bán từ sớm mai thấu buổi trưa, tiền cá tôm á, là họ mua ra không đưa liền, họ đợi có cá có tôm rồi bán cho người khác, trả cho mình mua mắm muối…”
Bà Hoa cho biết thêm rằng cả xóm, không có ai có mảnh ruộng nào để canh tác, muốn có lúa ăn, phải thuê ruộng của nhà nước, ruộng nước lợ chỉ làm được mỗi năm một vụ, phải trả ba trăm ngàn đồng tiền thuê đất cho một sào, chưa kể phân, tro, giống và công lao động bỏ ra, thường thì làm ruộng chỉ để có lúa, có hạt gạo trong nhà, khỏi phải đi mua xa và khỏi có lo đói rã trong những ngày mưa bão, gọi là “đảm bảo an ninh lương thực” chứ thực ra chẳng có lãi gì trong đám ruộng. Nhưng phải làm, không làm thì sợ đói.
Ông Trần Văn Pha cho biết thêm: “Mình đấu, mình mua đất mình làm được, làm ruộng được đều có cái mình không đấu được, hắn tùy theo ruộng cạn ruộng sâu nữa. Ruộng cạn thì một sào (nộp) một tạ hoặc hai tạ chi đó, ruộng sâu thì năm bảy chục ký trong một năm, ruộng cạn ba tạ trên một sào, ruộng sâu thì một tạ, tạ rưỡi thôi, chủ yếu làm đi mai sớm để kiếm tiền mua gạo, mua cơm, nói chung chỉ có nước là không mua thôi, nước thì có nước máy (tự bơm), nước cũng như mua (vì phải trả tiền điện), cái chi cũng mua hết!”.
Hơn 10 ngàn dân, nhưng số lượng người tốt nghiệp đại học ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, một phần vì đường sá xa xôi, việc đi lại, học hành của các em học sinh ở đây quá khó khăn, mùa nắng thì còn phải lo phụ giúp cha mẹ đi đánh cá, nấu ăn và đi chợ, mùa mưa thì đường sá trở nên xa xôi, cách trở, đó là chưa nói đến chuyện lụt lội, mưa gió, dường như các em học sinh chỉ biết ngồi co ro trong căn nhà đóng kín cửa để nhìn ra đường chứ không dám bước ra khỏi ngõ.
Ước mơ thoát kiếp nghèo
Ông Thi, một ngư dân khác trong xóm chài cho biết thêm là suốt hơn ba mươi năm nay, người trong làng chưa ai đánh thuyền ra khỏi khu đầm phá Tam Giang, quanh năm suốt tháng đánh bắt ở đây, mỗi ngày, nếu trúng đậm, mỗi gia đình kiếm được chừng hai trăm ngàn đồng, nếu chỉ đánh bắt được những con cá nhỏ lêu bêu, thì cũng kiếm được vài ba chục ngàn đồng. Có một điểm lạ là cá tôm trong xóm Chồ đánh về chưa bao giờ bán cho dân bên ngoài, nghĩa là tự cung tự cấp, cứ người nào đánh được cá thì mang về chợ của xóm ngồi bán, những nhà khác mua về làm thức ăn, chưa từng mang ra chợ bên ngoài. Mà cả xóm đều đi đánh cá nhưng chỉ bán quanh quẩn với nhau mà vẫn có cái để sống, để tồn tại qua mưa nắng.
Bà Nguyễn Thị Huệ, một nữ ngư dân có thâm niên đã trên ba mươi năm đánh bắt trên phá Tam Giang nói với chúng tôi rằng suốt cả mấy đời nay, dòng tộc nhà bà chỉ mong mỏi, ước mơ có được một người trong tộc ăn học đến nơi đến chốn, nhưng việc này khó còn hơn cả bơi bộ vượt biển Đông vì đất ở đây nghèo quá, chuyện cho con ăn học quá khó khăn vì thời đại bây giờ, có nghèo cũng phải đi học thêm thì mới lên lớp, mới có điểm cao và có cái chữ được, vì thầy cô giấu bớt chữ, để dành cho việc dạy thêm, mà mình khó khăn quá, không cho con đi học thêm được thì làm sao mà ước mơ bay cao, bay xa được với đời. Thôi thì chấp nhận ôm cây cột buồm, đi ra đi vào với cái chợ xóm Chồ cho mãn cuộc đời rồi để con cháu mai sau tính tiếp!
Có thể nói, đời sống của ngư dân xóm Chồ trên phá Tam Giang, Huế là một đời sống vừa co cụm, vừa lạ lẫm và độc đáo nhất hiện nay!