Lũ lụt giúp thay đổi nhận thức

Mặc dù năm 2011 thời tiết khắc nghiệt diễn ra ở cả ba miền Nam Trung Bắc, nhưng Việt Nam trấn an người dân là đủ gạo tiêu dùng nội địa và xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo theo kế hoạch.

0:00 / 0:00

Vẫn đạt chỉ tiêu xuất khẩu

Có chuyến đi thực tế ngay trong trận lũ lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long, tối 6/10 ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn nói với chúng tôi là các tỉnh miền Tây Nam bộ sẽ được cơ cấu lại vụ lúa thứ ba tức thu đông. Ông Ngọc cho biết diện tích canh tác bên trong đê bao khép kín ở đồng bằng sông Cửu Long trong vụ thu đông lên tới 600.000 ha và tính đến hôm nay (6/10) diện tích lúa mất trắng ở An Giang và Đồng Tháp là 5.000 ha

Mưa bão lũ lụt cả ở miền Bắc, miền Trung và lũ lụt ở miền Tây Nam bộ nhưng sản lượng đạt được vượt 1 triệu tấn thóc so với năm 2010.

Nguyễn Trí Ngọc

“Tôi khẳng định mặc dù trong thời tiết năm nay như vậy, rét đậm rét hại rồi hạn hán ở miền Trung sau đó là mưa bão lũ lụt cả ở miền Bắc, miền Trung và lũ lụt ở miền Tây Nam bộ nhưng sản lượng đạt được vượt 1 triệu tấn thóc so với năm 2010 cho nên kế hoạch xuất khẩu gạo sẽ không có gì thay đổi là 7 triệu tấn gạo…có thể xê dịch 7,2 triệu-7,3 triệu tấn vì các hợp đồng gối kề với nhau, hơn nữa vụ lúa của miền Nam kết thúc vụ thu đông khi nước rút đã đã chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân sớm rồi.”

Thanh Niên Online chiều 6/10 trích báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết đã có 18 người chết vũ trận lũ lớn đang xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là ở Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang và Long An. Hơn 30.000 căn nhà bên trong các đê bao khép kín cũng bị ngập trong biển nước, khoảng 6.000 ha lúa bị ngập hoặc mất trắng. Ngoài ra người dân cũng bị thiệt hại 1.400ha hoa màu và hơn 1.300 ha nuôi thủy sản.

Báo chí đưa tin Bộ NN-PTNT đề nghị hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi héc-ta canh tác lúa bị thiệt hại vì lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, tương đương 30% chi phí đầu vào của nông dân trong vụ thu đông. Có thể cho tới lúc này người dân vùng lũ chưa nhận được khoản hỗ trợ nào, nhưng chính phủ đã cấp cho 270 tỷ cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, gồm 100 tỷ để gia cố đê bao trước lũ và thêm 170 tỷ nữa sau khi lũ thực sự phá vỡ đê bao hàng loạt.

Phát triển đê bao chóng mặt

Theo lời Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc thì diện tích vụ thu đông, vụ lúa thứ ba ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay là lớn nhất từ trước tới nay:

“Nói chung vẫn giữ được cơ bản diện tích lúa thu đông đã xuống giống 600.000 ha mà Bộ đã triển khai với các địa phương. 600.000 ha này Bộ đã chỉ đạo kiên quyết trồng trong vùng qui hoạch có đê bao và phải được bảo vệ bằng đê bao.”

debao250.jpg
Người dân đang đắp đê bao ở Vĩnh Long. Courtesy vinhlong.vn

Tổng diện tích trồng lúa có đê bao khép kín đã tăng gấp đôi từ 2005 cho tới nay. Đầu tiên vào năm 1995 người dân và chính quyền vùng Chợ Mới An Giang đã thiết lập đê bao khép kín để chống lũ với diện tích chừng vài ngàn héc-ta và cứ thế đê bao khép kín phát triển chóng mặt lên 600.000 ha hiện nay.

Các nhà khoa học cho rằng đê bao khép kín là thay đổi môi trường tự nhiên, trên diện tích trồng lúa 1.600.000 ha ở đồng bằng sông Cửu Long như thế có tới 600.000 ha bên trong hệ thống đê bao khép kín làm ba vụ lúa mỗi năm, thay vì chỉ có 2 vụ đông xuân hè thu như ở các nơi khác. Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm thuộc Trường Đại học Cần Thơ, một người trong số các nhà khoa học ủng hộ quan điểm chỉ làm hai vụ lúa một năm xóa bỏ đê bao khép kín, lập luận rằng làm hai vụ không đê bao sản lượng ngang bằng làm ba vụ bên trong đê bao khép kín:

Bây giờ mình làm đê bao khép kín càng kiên cố hơn thì nguồn lợi thủy sản không có, ngược lại lúa thóc cũng không đạt kết quả.

Nông dân ĐBSCL

“Chẳng qua là người dân thấy cái lợi ích trước mắt, khi mà phát triển được ba vụ thì năng suất lúa sẽ thêm và hy vọng thêm thu nhập. Nhưng mà xét cho kỹ về mặt môi trường và phát triển bền vững thì cơ cấu đê bao khép kín như vậy thì không đạt hiệu quả, phải nói thẳng như thế. Khi khép kín như vậy thì trong những năm đầu tiên vì đất còn màu mỡ cho nên có khả năng cho năng suất, nhưng về lâu dài 5-7-10 năm thì một số nông dân đã thấy được cái đê bao khép kín không mang lại hiệu quả tốt hơn và cá không còn, mùa lũ cá không vào được. Thứ hai nữa các thứ phân bón, thuốc trừ sâu không được thoát đi mà tồn đọng trong đất vùng lúa ba vụ nằm trong đê bao. Nguy hiểm hơn nữa lũ lớn như năm nay, hệ thống đê bao có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, cụ thể năm nay hàng chục ngàn héc ta của An Giang Đồng Tháp đang bị vỡ.”

Ngày 29/9 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học phát biểu với phóng viên báo Khoa học và Đời sống Online là ông không bất ngờ trước diễn biến lũ lên cao của đồng bằng sông Cửu Long. Lâu nay đê bao tại đồng bằng sông Cửu Long hầu như chỉ có tác dụng ngăn lũ sớm, còn lũ lớn như hiện nay thì không đủ sức chống đỡ. Ông Học tiếp lời: “Bộ (NN-PTNT) đang nghĩ đến chuyện làm đê vững chắc, nhưng xây đê bao, bờ bao rất khó và tốn kém. Về lâu dài, cần phải có một giải pháp căn cơ và bền vững. Ngoài việc xây dụng hệ thống đê bao kiên cố, cần xem lại cơ cấu cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi nào canh tác vụ ba, nơi nào không.”

10 năm quyết định sai lầm

Đối với ý kiến đê bao khép kín ở đồng bằng sông Cửu Long lợi bất cập hại, mà thực tế trận lũ lịch sử năm nay đã chứng minh. Ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu:

“Đây cũng là một nột nhận thức mà chắc chắn phải từ thực tiễn của các vụ lúa trong đó có vụ thu đông năm nay, để đi đến nhận định rằng sẽ nên làm bờ đê bao như thế nào để vừa tiếp nhận được lũ…mà lũ thì năm nào cũng xảy ra, có điều là lũ cao lũ thấp lũ sớm hay lũ muộn thôi. Đấy là câu chuyện mà chúng ta phải tính đến, chúng ta còn phải tính đến là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã được bố trí hài hòa ba vụ lúa đông xuân, hè thu và thu đông. Mỗi một vụ lúa đều có thời gian để cho đất ngủ nghỉ đồng thời mỗi một vụ lúa đều có tính đến khắc phục yếu tố thời tiết bất thuận, vừa để bảo đảm năng suất sản lượng nói chung vừa để nâng cao được độ phì của đất tránh ảnh hưởng chất lượng đất qua nhiều năm sử dụng.”

lua380.jpg
Gặt lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Photo by Bảy Trần.

Chúng tôi trích lại ý kiến một người dân vùng lũ tứ giác Long Xuyên về việc hãy trả vùng đồng bằng về với những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Đó là mùa nước nổi lũ tràn đồng và nguồn lợi tôm cá ê hề:

“Hồi xưa trước năm 1990 không có đê bao thì nguồn lợi thủy sản rất là phong phú nó có chỗ là nơi sinh sản các loài cá. Bây giờ mình làm đê bao khép kín càng kiên cố hơn thì nguồn lợi thủy sản không có, ngược lại lúa thóc cũng không đạt kết quả. Bởi vì phù sa không bồi lắng trên vùng đất, anh làm càng khép kín thì vùng đất càng bị cằn cỗi thêm, càng tốn kém nhiều phân thuốc, không có lợi cho người dân. Khi nước lên nghỉ làm lúa thì giăng câu làm cá, giăng lưới đặt lợp cũng được đâu có mất mát gì. Chỉ nên làm hai vụ thôi.”

Bởi vì phù sa không bồi lắng trên vùng đất, anh làm càng khép kín thì vùng đất càng bị cằn cỗi thêm, càng tốn kém nhiều phân thuốc, không có lợi cho người dân.

Nông dân ĐBSCL

Vậy thì tương lai vụ ba ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ đi về đâu? khi nhà khoa học và một bộ phận người dân cùng nhận thức được sự bất hợp lý khi con người thay đổi thiên nhiên. Ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục Trồng trọt phản biện:

“Quan điểm của chúng tôi vụ ba đã trở thành một vụ chính tuy nhiên vụ ba cần được qui hoạch bố trí như thế nào, ở một vùng tập trung ra sao, để nó không bị ảnh hưởng của lũ nhất là lũ có thể biến động sớm hoặc muộn cao hay thấp. Quan trọng nhất là để sản xuất ba vụ sẽ không ảnh hưởng sản xuất lúa gạo bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long.”

Các nhà khoa học nói với chúng tôi sản xuất vụ ba mà không ảnh hưởng sản xuất lúa gạo bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long thì có nghĩa là chỉ làm vụ ba ở một tỷ lệ nhỏ trong tổng thể. Bởi vì thiên nhiên đã ban tặng cho đồng ruộng miền tây mỗi năm một mùa lũ, nước tràn ngập toàn vùng để làm vệ sinh đồng ruộng và bồi lắng phù sa cho đất thêm màu mỡ, bảo đảm sản lượng cho hai vụ lúa chính là đông xuân và hè thu. Đó là chưa kể nguồn lợi kinh về thủy sản trong mùa nước nổi.

Một khi nhà nước đã qui hoạch vùng đê bao khép kín ở đồng bằng sông Cửu Long tới 600.000 ha, một khi vụ lúa thứ ba đã được xem là vụ chính, thì không thể có một giới chức nào dám nhìn nhận là Nhà nước đã có những bước đi sai lầm trong một thập niên qua và nay cần phải được sửa sai.

Theo dòng thời sự: