Thời điểm hiện nay, mực nước sông Mekong ở Campuchia đang lên cao, đã ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ gia đình, đe dọa nghiêm trọng đến mùa màng của dân. Dấu hiệu này, dự báo năm nay có khả năng lũ sẽ cao nhất trong vòng 9 năm qua, kể từ sau năm 2002. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình chi tiết như sau.
Thiệt hại mùa màng, nhân mạng
Lũ lụt ở các tỉnh Kampong Cham, Stung Treng, Kratie và một số vùng như Chaktomuk, Neak Luong, Koh Khel và Prek Kdam đã làm ít nhất một người Campuchia thiệt mạng, ảnh hưởng đến gần 5 ngàn hộ gia đình và khiến nhiều gia đình buộc phải di dời chỗ ở. Ngoài ra, lũ lụt cũng gây nên những thiệt hại to lớn đến gần 10 ngàn hécta cây trồng, cầu cống, đường xá và trường học, làm cho nhiều xứ đã nghèo về phương diện kinh tế lại càng nghèo hơn nữa.
Tỉnh trưởng Kratie, ông Kham Khoeun cho biết đã có 5 huyện thuộc tỉnh này bị ngập lụt nặng trong đó có hơn 2 ngàn hécta ruộng lúa và ảnh hưởng đến người dân khoảng 5 ngàn gia đình. Lũ lụt này cũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến khoảng 41 trường học, 5 ngôi chùa và đường xá khoảng 52 km. Ngoài ra, lũ lụt làm một người dân, 76 tuổi, bị chết vào ngày 11/8 vừa qua.
Theo ông Kham Khoeun, hiện nay các lực lượng chống thiên tai của tỉnh đang có biện pháp khẩn cấp giúp các gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt về nơi an toàn. Chính quyền địa phương còn cập nhật thông tin mới nhất về mực nước sông Mekong và sẵn sàng cứu giúp họ. Ông Kham Khoeun cũng cho biết những huyện và thị trấn bị ngập lụt nặng là do vùng này có mặt bằng thấp, và nằm sát bờ sông Mekong.
Tính đến ngày 13/8 mực nước tại Kratie dâng lên 21,82m, cao hơn mức trung bình nhiều năm hơn 3,5m và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng hơn 6m. Mực nước này đã gây thiệt hại cho gần 5 ngàn gia súc. Còn tỉnh Kampong Cham, mực nước dâng lên tới 15, 07m. Nếu mực nước dâng lên tới 16m thì cả thành phố Kampong Cham sẽ bị ngập lụt.
Hàng năm những trận lũ lụt và gió mùa Đông Bắc gây nên những trận mưa lớn tại vùng Đông Bắc Campuchia, tuy nhiên lũ lụt và lượng mưa vẫn chưa làm ảnh hưởng đến người dân Campuchia như năm 2002. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến động thời tiết trên toàn thế giới và lượng mưa ở vùng thượng nguồn, những trận bão biển và mưa lớn xảy ra càng khốc liệt hơn khiến nhiều nhà cửa, cây trồng của dân xứ này bị hư hại. Bên cạnh đó, những người sống bằng nghề đánh bắt cá, giăng lưới hay sống trên làng nổi thuộc bờ hồ Tonle Sap và sông Mekong cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí lũ lụt còn đe dọa đến tính mạng họ.
Chạy theo mực nước
Bà Nguyễn Thị Huệ, một trong những người Việt bán hàng trên nhà nổi tại sông Neak Luong cho biết sau khi gia đình bà nhận được thông báo lũ về, gia đình bà phải di dời lên bờ mướn đất ở tạm. Còn đối với những người có tiền thì họ cất nhà hoặc mướn nhà ở.
Bà cho biết thêm: "Mình lên trên bờ rồi, nước cũng dâng lên nhưng không có tới. Mình là dân nghèo, mình mướn khu vực rẻ tiền như ở trong đầm, nên nó sình lầy thì mình cũng phải chịu thôi. Biết chuyện đó khổ nhưng chỉ biết ở thôi, biết làm sao bây giờ.
Nếu có điều kiện, thì đi về Việt Nam. Đi về Việt Nam cũng phải có tiền bạc, thứ nhất. Thứ hai, mình về cũng phải có nơi có chốn mới về được chứ. Đa số người Việt Nam mình cũng mong muốn trở về nước. Những người Việt Nam sống trên này, đối với những người có tiền thì dễ sống thôi. Còn đối với dân nghèo khổ, nói chung vất vả lắm…”
Bà Nguyễn Thị Huệ còn cho biết thêm, đối với những người sống bằng nghề giăng lưới chút đỉnh thì họ đi theo dòng nước nổi bởi vì họ không thể sống trên bờ được. Bà lo lắng cho những người đồng hương khi mực nước ở vùng này dâng cao đến mức báo động.
Bây giờ mực nước dâng cao tới đâu thì chạy tới đó. Chạy theo nước vậy thôi, biết làm sao bây giờ.
Bà Nguyễn Thị Huệ
“Nước lên cao quá thì khó anh. Tại vì nước lên thì ngập bờ. Đi vô, mình đậu trên dòng sông, trên bờ thì đất người ta. Đất của Miên, nó không cho mình làm bờ đi vô cho nên phải đậu ở ngoài sông. Có khi cả tuần lễ chưa được đi vô chợ để mua đồ ăn nữa. Bây giờ mực nước dâng cao tới đâu thì chạy tới đó. Chạy theo nước vậy thôi, biết làm sao bây giờ. Dân Việt Nam mình ở trên sông, cứ nước vô tới đâu thì cái ghe hoặc cái nhà nổi mà người ta cắm ở ven ven bờ, nếu nó ngập thì bỏ nhà chạy. Sau khi nước hết ngập thì về lại.”
Tỉnh trưởng Stung Treng, ông Loy Sophat cũng cho biết mực nước chỉ trong vòng một đêm đã dâng lên 10,87m, trên mức báo động 0,18m, khiến đồng ruộng vá các cây trồng ngắn ngày hơn 5 ngàn hécta bị thiệt hại, gần 40 xã bị ngập lụt nặng.
Theo ông, nhiều nhà cửa người dân ở ven bờ bị trôi theo dòng nước lũ. Vào ngày 13/8 mực nước tại tỉnh Stung Treng ở mức 10,95m tăng mạnh. Ông yêu cầu nhà chức trách địa phương có các biện pháp khẩn cấp giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Theo báo cáo của bộ Thủy văn và Khí tượng Campuchia, mực nước sông Mekong ở vùng Đông Bắc nước này sẽ tiếp tục dâng lên, trừ vùng thuộc tỉnh Stung Treng sẽ giảm lại vào ngày 14/8. Ở vùng Đông Bắc năm nay có khả năng ở mức báo động khi nhiều khu vực bị ngập nặng và nước lũ đang theo dòng sông Sê San chảy ra sông Mekong tiến về phía Nam. Diễn biến lũ lụt này được Bộ giải thích rằng là do lượng mưa ở thượng nguồn tại Lào và Thái Lan. Điều này khiến lũ về sông Tonle Sap và sông Mekong lên nhanh.