Đặc điểm địa hình
Đặc thù lũ miền Trung được gọi là lớn khi có đi kèm mưa to, bao trùm diện rộng, trên nhiều lưu vực sông. Cấu tạo các con sông miền Trung thường phía trong có vũng, cửa sông rộng và nông, hay bị các cồn cát chắn cửa nên việc thoát lũ rất kém. Ngoài ra, đặc điểm các con sông miệt này lại không dài, các đoạn trung lưu của sông đều ngắn thậm chí có sông hầu như không có đoạn trung lưu, khiến cho sức nước mùa lũ hầu như không được giải tỏa bớt trước khi dồn về cửa sông.
Ở đây, mưa bình thường kéo dài chừng 4 ngày là lụt, có năm mưa lớn mới hơn 2 ngày đã ngập tràn rồi. Khi được hỏi về thời tiết ở Phú Yên và nguyên nhân tại sao lại hay xảy tình trạng lũ lụt miền Trung, người trực Trung tâm Phòng chống bão lụt tỉnh Phú Yên cho đài Á Châu Tự do biết như sau:
“Hiện nay là bão đó anh, nó đang ở tây bắc, nó di chuyển theo hướng giữa tây– tây bắc. Sáng sớm ngày mai có khả năng nó di chuyển theo hướng tây. Tình hình hiện nay ở Phú Yên cũng có gió vậy thôi. Cái tình hình mưa bão này, Phú Yên không ảnh hưởng trực tiếp nhưng khả năng nó có mưa. Hằng năm mùa này giờ này gần như kết thúc mùa lụt bão rồi, những trận mưa bão cuối mùa, mưa muộn đó mà. Bây giờ chúng tôi quan tâm nhất là tùy theo giai đoạn, giai đoạn cuối này là cho gieo sạ vào vụ Đông xuân là chính. Thì cũng có một số diện tích gieo sạ người dân phải tiêu thoát nước cho tốt thôi
Cái đấy nó mang yếu tố địa lý là chính, tây bắc Thái Bình Dương là cái vùng ổ bão. Đường bờ biển của mình trải dài như vậy thì yếu tố địa lý bị ảnh hưởng của những cơn bão là tất nhiên. Đấy là cái thứ nhất, cái thứ hai nữa là kèm theo yếu tố địa hình. Phía tây là núi cao, phía đông là giáp biển; sông địa hình là ngắn dốc thì cái chuyện lụt bão chắc cũng khó mà tránh khỏi."
Yếu tố khí hậu
Tuy nhiên, tình trạng lũ lụt miền Trung ngày một nguy hiểm không đơn giản xuất phát từ các nguyên nhân tự nhiên. Thực tế cho thấy trong thời gian gần đây, lũ lụt miền Trung diễn biến trái chiều hơn trước. Có khi chẳng có mưa bão lớn nhưng diện tích bị ngập nước vẫn rộng ngút ngàn. Hoặc lắm lúc nước dâng nhanh hơn và thời gian bị ngập cũng lâu hơn chỉ vì lũ trên thượng nguồn đổ về.
Các nhà khoa học ghi nhận rằng, biến đổi khí hậu có khả năng tạo ra mưa lớn trong thời gian ngắn hơn, nửa thế kỷ qua nhiệt độ trung bình cả nước đã tăng khoảng 0,5 độ C. Biến đổi khí hậu không chỉ khiến phát sinh những vấn đề mới mà còn làm trầm trọng hơn những vấn đề hiện có.
Nhiệt độ trái đất thay đổi không chỉ ảnh hưởng đến vùng ven biển với vấn nạn nước biển dâng mà đang tác động trước hết đến đất liền. Những trận mưa ngắn với cường độ mạnh này làm đất đai bị xói mòn, dời trượt dữ dội. Ngoài sự tác động của con người, biến đổi khí hậu được coi là một trong hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng lũ trên các sông hiện nay được đánh giá là không theo quy luật.
Các yếu tố do con người
Nguyên nhân gây ra lũ lụt khu vực miền Trung còn xuất phát từ việc xây dựng các tuyến xuyên Việt với độ cao toàn tuyến đường cao hơn so với trước, vô tình tạo thành các đê ngăn lũ bất hợp lý, chặn dòng nước xuôi đổ từ trên cao xuống. Đồng thời, hệ thống cống kèm theo những tuyến đường này không đủ khả năng thoát nước cần thiết đã nhấn chìm nhiều khu vực lâu nay không ngập.
Do đặc điểm có hệ thống sông suối dày, độ dốc lớn nên nơi đây là khu vực rất thích hợp để xây dựng các công trình thủy điện. Tuy nhiên, các tổ hợp thủy điện miền Trung phần lớn có quy mô nhỏ và chỉ mới làm tròn trách nhiệm phòng lũ cho công trình, chưa có khả năng cắt giảm lũ cho hạ lưu khi xảy ra ngập lớn. Thực tế cho thấy, vì sợ vỡ công trình nên các hồ thủy điện xả đập, không phải để cắt lũ. Lũ chưa đến mà các hồ thủy điện đã xả đập dẫn đến hậu quả là thời gian ngập lụt kéo dài.
Nhiều dòng sông bị rút ngắn thời gian sống do tách rời giữa quy hoạch điện và quy hoạch nguồn nước. Việc cho phép phát triển nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung cần những nghiên cứu nhiều hơn, một khi môi trường sinh thái trong khu vực đã trở nên mất cân bằng vì hàng trăm hécta rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Quy mô các trận lũ tăng theo tỷ lệ thuận với tốc độ phá rừng.
Cần nhận thức đúng đắn về cách bảo vệ rừng, phải phân biệt tác dụng của độ che phủ và lớp thảm thực vật đối với sự hình thành lũ. Giữ rừng để bảo vệ nước, nhưng phải bảo vệ được thảm thực vật bên dưới các tàng cây thì mới làm giảm hiện tượng tập trung nước, không gây xói mòn các mái dốc tạo nên cường độ lũ lớn.
Các dự án phá rừng phòng hộ để trồng rừng sản xuất hiện nay đã bỏ qua yếu tố ngăn lũ quan trọng này. Đây là nguyên nhân chính khiến hiện tượng lũ quét ngày càng phổ biến ở khu vực miền Trung.
Địa phương gánh vác hết?
Lũ lụt là nỗi khổ của dân và nỗi lo của nhà nước, năm nào cũng có hàng trăm người thương vong, nhà cửa công trình hư hại mất hàng ngàn tỷ đồng. Hầu như mỗi tỉnh trên cả nước đều tổ chức một Ủy ban Phòng chống bão lụt, giữa cấp Trung ương và địa phương có cấp vùng miền. Sau khi trao đổi về tình hình lũ lụt do bão có khả năng ảnh hưởng đến khu vực miền Trung, trả lời về chức năng và công tác triển khai ứng phó khi có sự cố của Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhân viên trực cho đài Á Châu Tự do biết như sau:
"Khu vực miền Trung mình cũng có ảnh hưởng một số tỉnh. Theo cái công điện mới của Trung ương thì các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào. Cái này là của các tỉnh. Bên Trung tâm chỉ là nắm tình hình báo cáo, còn các công tác ấy là của các tỉnh, anh gọi vào các tỉnh chớ. Hiện giờ mình chỉ cập nhật thông tin, thứ nhất là thông tin từ khí tượng thủy văn, thứ hai là các công điện chỉ đạo của Trung ương mình cập nhật cho các tỉnh. Mình thúc giục, nhắc nhở các tỉnh triển khai công tác đối phó, với lại các tỉnh báo cáo tình hình, vậy thôi."
Tình trạng lũ lụt miền Trung sẽ chẳng thể thuyên giảm một khi các cách ứng xử tùy tiện của con người đối với thiên nhiên chưa được ngăn chặn triệt để. Miền Trung hay bị lũ lụt đã được chép vào sách từ thế kỷ XVI, quyển Ô Châu cận lục của ông Dương Văn An có ghi nhận sự việc này. Song hiện tượng lũ ngày càng biểu hiện dữ dội, thậm chí khốc liệt hơn trước, thiết tưởng cần được xem xét nghiêm túc hơn ở cấp độ chính sách nhà nước.
Lũ lụt đã thường xuyên chạm tới sinh kế của người dân. Công tác phòng ngừa và hạn chế thiệt hại lũ lụt ở miền Trung là những yếu tố không thể thiếu trong quá trình tính toán xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội khu vực này.