Họ là ai và động cơ nào đã thúc đẩy những người phụ nữ này tham gia ngày một nhiều hơn vào các họat động khủng bố?
Đóng vai trò tích cực
Năm 1985, cô gái trẻ 16 tuổi Khyadali Sana, người Syri, lái một chiếc xe tải chở bom đâm vào xe hộ tống của quân đội Israel làm 2 lính thiệt mạng. Vụ đánh bom tự sát này được coi là vụ đánh bom tự sát đầu tiên do phụ nữ tiến hành mà thế giới ghi nhận. Tiếp theo sau Khyadali, đã có rất nhiều những phụ nữ khác ở các nước thực hiện những vụ khủng bố tự sát tương tự và tạo thành một làn sóng những vụ đánh bom tự sát nữ.
Đánh bom tự sát hay còn gọi là khủng bố tự sát, được coi như một phương thức được một số các tổ chức áp dụng nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Khủng bố tự sát đã có lịch sử từ khoảng thế kỷ thứ 11 khi những chiến binh Hồi giáo sử dụng khủng bố tự sát như một chiến lược để đạt được chính nghĩa. Nhưng các trường hợp nữ đánh bom tự sát chỉ bắt đầu xuất hiện kể từ sau trường hợp của cô gái trẻ Khyadali Sana.
Mặc dù đánh bom tự sát nữ còn khá mới so với các vụ đáng bom tự sát do nam giới thực hiện, nhưng những nghiên cứu tổng hợp gần đây cho thấy phụ nữ tham gia vào những vụ bạo động chính trị từ rất sớm. Từ năm 1878, tại Nga, một phụ nữ tên Vera Zasulich đã tìm cách ám sát cảnh sát trưởng thành phố St. Peterburg. Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, người ta cũng thấy có rất đông các trường hợp phụ nữ tham gia vào các họat động của các nhóm, tổ chức, có các bạo động chính trị như trường hợp của Astrid Proll và Ulrike Meinhoff của đảng cộng sản tại Đức, hay Mairead Farrell của tổ chức ly khai IRA ở Ireland. Bà Mia Bloom, tác giả của nhiều sách về nữ khủng bố giải thích về sự tham gia của phụ nữ vào các tổ chức khủng bố:
"Phụ nữ tham gia vào mọi mức độ của các tổ chức. Họ có thể là người tuyển mộ, là người kêu gọi cung cấp tài chính, là người họat động xã hội hoặc cũng có thể là người đánh bom tự sát. Nếu nhìn vào thời gian thì điều chúng ta thấy là sự thay đổi trong bản chất của việc tham gia vào các hoạt động này của người phụ nữ. Họ đã chuyển từ vị trí hậu cần phía sau lên phía trước, đóng vai trò tích cực. Số phụ nữ đánh bom cảm tử đã tăng lên theo thời gian. Nếu nhìn chung thì số phụ nữ tham gia không nhiều hơn 30%, nhưng nếu nhìn vào từng xung đột cụ thể thì vai trò của họ ngày một tăng."
Phụ nữ tham gia vào mọi mức độ của các tổ chức. Họ có thể là người tuyển mộ, là người kêu gọi cung cấp tài chính, là người họat động xã hội hoặc cũng có thể là người đánh bom tự sát.
Bà Mia Bloom
Có rất nhiều tổ chức có họat động khủng bố trên thế giới ngày nay đang sử dụng phụ nữ vào các vụ đánh bom tự sát. Tổ chức những con hổ giải phóng Tamil tại Srilanka được coi là một trong các tổ chức dùng nhiều phụ nữ vào các họat động này. Có từ 30 đến 40% các vụ đánh bom tự sát của tổ chức này là do nữ thực hiện. Bên cạnh tổ chức này còn có các tổ chức khác cũng sử dụng phụ nữ đánh bom tự sát như Đảng Quốc xã xã hội Syria, đảng công nhân Kurdistan, các phiến quân Chechen, Hamas, hay Al-Qaeda.
Theo bà Debra Zedalis, tác giả nghiên cứu những phụ nữ đánh bom tự sát xuất bản năm 2004 thì những phụ nữ này còn rất trẻ. Độ tuổi thống kê là từ 16 đến 37. Một số trong số họ là góa phụ, một số khác chưa bao giờ kết hôn. Một số không có việc làm, trong khi cũng có người đã có nghề nghiệp đàng hoàng. Họ cũng có thể xuất thân nghèo đói những cũng có người xuất thân từ tầng lớp trung lưu.
Xóa bỏ quá khứ
Vậy điều gì đã thúc đẩy những người phụ nữ này tham gia vào các hoạt động khủng bố? Tác giả Mia Bloom cho rằng có 5 yếu tố chính.
"Khi phụ nữ tham gia vào các họat động này, họ trở thành những tử sĩ. Không còn ai biết được cô ta không thể có con, hay cô ta có con ngoài giá thú, hay có con với người đàn ông khác không phải chồng mình. Nói theo cách khác là hành động này xóa đi những gì trong quá khứ và cho phép người phụ nữ tự tạo lại mình. Bây giờ cô ta là người chết vì chính nghĩa, vì đạo mà không phải là người mang nỗi ô nhục về cho gia đình."
Yếu tố trả thù cũng được coi là một yếu tố quan trọng thúc đẩy người phụ nữ tham gia vào những vụ khủng bố. Ví dụ điển hình là của những nữ khủng bố người Chechnya hay còn được biết dưới cái tên các góa phụ đen. Người phụ nữ Chechnya đầu tiên đánh bom tự sát là cô Luisa Magomadova khi cô này lao một chiếc xe chở đầy chất nổ vào một đại bản doanh tạm của quân đội Nga vào năm 2000. Tiếp theo đó, các góa phụ đen Chechnya đã tham gia vào 22 vụ khủng bố tự sát khác.
Cái tên góa phụ đen do người Nga đặt cho những phụ nữ này cũng xuất phát từ thực tế là những phụ nữ này hành động là để trả thù cho cái chết của chồng, con, hay anh em trai họ đã bị chết trong xung đột với quân đội Nga. Thế giới vẫn chưa quên vụ khủng bố vào tháng 10 năm 2002 khi 19 phụ nữ Chechnya quấn bom quanh mình chiếm giữ và bắt con tin tại nhà hát Dubrovka ở Nga. Tất cả những phụ nữ này đều mặc đồ đen để tang người đã khuất.
Yếu tố muốn được tôn trọng theo tác giả Mia Bloom cũng hết sức quan trọng. Trong cuốn sách mới được xuất bản có tựa bombshell: the many faces of women terrorists, nói về những phụ nữ đánh bom tự sát, Mia Bloom đưa ra ví dụ về trường hợp của Hamas. Tổ chức này trước kia chỉ nhận nam giới tham gia đánh bom tự sát nhưng đã có chính những phụ nữ Palestin tìm đến tổ chức này xung phong đi đánh bom tự sát vì cái mà họ gọi là công lý và để cống hiến cho sự nghiệp cũng giống như cha, anh trai hay con họ.
Khi phụ nữ tham gia vào các họat động này, họ trở thành những tử sĩ. Nói theo cách khác là hành động này xóa đi những gì trong quá khứ và cho phép người phụ nữ tự tạo lại mình.
Bà Mia Bloom
Tuy nhiên theo tác giả Mia Bloom, yếu tố quan trọng nhất chính là mối quan hệ ràng buộc giữa người phụ nữ và đàn ông đã thúc đẩy người phụ nữ tham gia vào các hoạt động này:
"Đôi khi đây là câu chuyện của một gia đình. Chúng ta đã thấy câu chuyện ở Chechnya khi cả gia đình gồm cha, mẹ, con gái, chị em đều tham gia. Chúng ta cũng thấy ở tổ chức IRA ở Ireland. Tôi nói chuyện với những người phụ nữ này và hầu hết họ đều có cha, có anh hay anh em họ phục vụ trong tổ chức. Nó giống như gia đình cùng làm. Ngoài ra nó cũng giống như một cách để chống sự xâm nhập của các phần tử từ bên ngoài, và đối với các nhóm khủng bố thì điều này rất quan trọng."
Nạn nhân của hận thù và bất công
Nhân tố cuối cùng được các chuyên gia nói đến là những vụ tấn công tình dục. Đó là trường hợp của những phụ nữ đã tham gia đánh bom tự sát trong tổ chức những con hổ giải phóng Tamil ở Srilanka. Tổ chức này đã từng đưa ra một tờ rơi trong đó có hình ảnh ám chỉ người phụ nữ bị hãm hiếp bởi lính quân đội chính phủ Srilanka và vì vậy họ đã tham gia tổ chức và trở thành những quả bom người. Tại những xã hội truyền thống thì việc người phụ nữ tham gia đánh bom tự sát sau khi bị hãm hiếp còn được coi là con đường thoát duy nhất khỏi sự nhục nhã, khỏi cuộc đời bế tắc do hậu quả của tấn công tình dục. Bà Mia Bloom nói:
"Theo truyền thống thì chúng ta thấy là những người lính ở phe bên kia đã làm một hành động tấn công tình dục người phụ nữ và vì đó là xã hội truyền thống, những người phụ nữ này không còn con đường nào khác là tham gia vào các nhóm khủng bố. Thông điệp mà họ muốn gửi ra cho những người phụ nữ này là hãy đừng là những nạn nhân, hãy tham gia vào tổ chức và chiến đấu."
Ngày càng nhiều các tổ chức khủng bố sử dụng phụ nữ vào các họat động đáng bom tự sát, nhất là tại vùng hồi giáo Trung Đông, nơi còn nhiều xung đột. Al-Qaeda còn lập hẳn một tạp chí phụ nữ trên mạng vào năm 2004 để kêu gọi phụ nữ tham gia đóng góp cho Jihad. Tổ chức Al-Qaeda tại Iraq trong năm 2007 sử dụng 32 phụ nữ đáng bom tự sát nhưng vào năm 2008 con số này đã tăng lên đến 60 người.
Hình ảnh những góa phụ đen người Chechnya quấn bom quanh mình tấn công tự sát đã từng làm cả thế giới bị sốc. Người ta đã không thể tưởng tượng nổi những người phụ nữ vốn thường bị coi là chân yếu tay mềm lại có thể dám làm những điều khủng khiếp đến vậy. Có thể có không ít người nghĩ họ là những kẻ điên khùng, có người có thể thương hại, mà cũng có nhiều người căm phẫn nhưng suy cho cùng thì họ chỉ là những nạn nhân: nạn nhân của những xung đột không thể giải quyết, của sự hận thù và bất công.
Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org
Theo dòng thời sự:
- Những phụ nữ nổi bật năm 2011
- Phụ nữ Campuchia còn chịu nhiều áp bức
- Bất bình đẳng giới trong nền kinh tế
- Phụ nữ Hmông vẫn là nạn nhân của bạo hành
- Người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel
- Phụ nữ Arap Saudi sẽ được bầu cử & ứng cử
- Phụ nữ nghèo ở quần đảo Solomon
- Vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế
- Phụ nữ với nạn quấy rối tình dục