Lạm phát là do chính sách tài khóa
Như vậy 5 tháng sau khi nghị quyết 11 của chính phủ ra đời, các biện pháp thực hiện có thực sự mang lại hiệu quả hay không?
Nam Nguyên nêu câu hỏi với chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn, nguyên thành viên ban tư vấn của Thủ tướng chính phủ về cải cách hành chánh và đổi mới kinh tế trong thập niên 1990. Từ TP.HCM ông Huỳnh Bửu Sơn nhận định:
Ông Huỳnh Bửu Sơn:
Việc áp dụng nghị quyết 11 có một tác dụng tích cực đối với nỗ lực chống lạm phát của chính phủ, tất nhiên là trong khi thực thi nghị quyết 11 đã có một số biện pháp làm chưa tới. Thí dụ việc tiết kiệm công chi hay tiết kiệm đầu tư công và có những biện pháp theo tôi là làm quá liều lượng như việc siết chặt tín dụng, cũng như tăng lãi suất. Cũng có tín hiệu là Ngân hàng Nhà nước đang xem xét việc hạ giảm lãi suất và trên thực tế lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng như lãi suất cho vay của các ngân hàng trong thời gian gần đây cũng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nam Nguyên:
Mới đây một số tổ chức tài chánh trên thế giới cảnh báo Việt Nam là nếu nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm sẽ làm hỏng nỗ lực chống lạm phát cũng như việc ổn định kinh tế vĩ mô. Thưa ông nhận định gì về ý kiến này:
Tôi không cho rằng lạm phát ở Việt Nam có nguyên nhân chủ yếu là từ chính sách tiền tệ mà là từ chính sách tài khóa. Cho nên thắt chặt tiền tệ với liều lượng quá lớn thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động bình thường.
Ô.Huỳnh Bửu Sơn
Ông Huỳnh Bửu Sơn:
Tôi không cho rằng lạm phát ở Việt Nam có nguyên nhân chủ yếu là từ chính sách tiền tệ mà là từ chính sách tài khóa. Cho nên thắt chặt tiền tệ với liều lượng quá lớn thì sẽ ảnh hưởng đến
sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động bình thường. Do đó việc hạ giảm một mức nhất định lãi suất, cũng như việc thực hiện một chính sách tín dụng có chọn lọc và hướng về việc hỗ trợ tích cực hơn cho khu vực sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là khu vực tư doanh, tôi cho là giải pháp tốt. Nó có thể là giải pháp đứng đắn để mà tránh được áp lực lạm phát trì trệ trong tương lai.
Nam Nguyên:
Hiện nay đang có kế họach miễn giảm thuế và tăng lương tối thiểu trước thời hạn, những việc này có thể gây các tác dụng tới nỗ lực chống lạm phát?
Ông Huỳnh Bửu Sơn:
Vừa rồi nghe nói là có chủ trương và đang thực hiện việc tăng lương tối thiểu cho người lao động làm việc trong các công ty, nhà máy. Đứng ở góc độ đối với người lao động thì tôi cho rằng là biện pháp phù hợp. Người ta có thể nghĩ rằng việc tăng lương nó có một áp lực nào đó đối với lạm phát, nhưng tôi nghĩ rằng mức lương tối thiểu 1 triệu 400 ngàn đồng một tháng thì cũng sẽ không tạo ra một áp lực nhiều đâu. Dù sao cũng cho thấy một nỗ lực để cải thiện đời sống người lao động.
Không thể vừa muốn tăng trưởng vừa chống lạm phát
Nam Nguyên:
Việc giải quyết an sinh xã hội trong tình hình kinh tế bất ổn hiện nay theo ông có sự cải thiện hay không?
Ông Huỳnh Bửu Sơn:
Hiện nay chính phủ đang nỗ lực thực hiện những biện pháp về an sinh xã hội, tất nhiên là Việt Nam chưa có một hệ thống an sinh xã hội tốt như là những nước đang phát triển. Những biện pháp như chương trình xóa đói giảm nghèo, những biện pháp hỗ trợ cho thất nghiệp đang được thực hiện, tuy rằng nó cũng chưa đạt đến mục tiêu mong muốn. Tôi cho rằng đây là những bước đi phù hợp cho một nước đang phát triển như Việt Nam.
Tôi cho rằng, trong một thời gian khá lâu Nhà nước vẫn lưỡng lự giữa mục tiêu tăng trưởng nhanh và mục tiêu chống lạm phát. Cho tới bây giờ chính phủ mới cho thấy quyết tâm thiên về chống lạm phát và duy trì tăng trưởng ở mức độ vừa phải mà thôi.
Ô.Huỳnh Bửu Sơn
Nam Nguyên:
Theo ông, hiện nay Nhà nước và chính phủ đã có sự nhìn nhận thấu đáo giữa mục tiêu tăng trưởng và vấn đề chống lạm phát hay chưa. Trước nay luôn có áp lực về chỉ tiêu tăng trưởng?
Ông Huỳnh Bửu Sơn:
Trong một thời gian dài vấn đề tăng trưởng tuy được nói tới rất nhiều, nhưng riêng tôi cho rằng, tăng trưởng là mục tiêu mà Nhà nước mong muốn thực hiện song song với việc chống lạm
phát. Cho nên có thể nói là chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian khá lâu đã không có tính chất mở rộng như là nhiều người tưởng tượng.
Tuy là trong thời gian vừa qua đã có một mức độ tín dụng hơi nhiều cho khu vực phi sản xuất như là đầu tư bất động sản hay chứng khoán. Nếu xem xét trong một khoảng thời gian khá lâu có thể thấy rằng, mức lãi suất ở Việt Nam tương đối là cao so với các nước trong khu vực và lãi suất cao thì không thể hiện chính sách tiền tệ mở rộng lắm.
Tôi cho rằng, trong một thời gian khá lâu Nhà nước vẫn lưỡng lự giữa mục tiêu tăng trưởng nhanh và mục tiêu chống lạm phát. Cho tới bây giờ chính phủ mới cho thấy quyết tâm thiên về chống lạm phát và duy trì tăng trưởng ở mức độ vừa phải mà thôi.
Nam Nguyên:
Cảm ơn ông Huỳnh Bửu Sơn đã trả lời Đài RFA.
Theo dòng thời sự:
- Kinh tế quá 'nóng' do điều hành sai
- Hệ quả của chính sách thắt chặt tiền tệ
- Nhập khẩu 3,3 tỷ đôla nông sản trong 3 tháng
- Việt Nam nhập siêu gần 2 tỉ đô la từ đầu năm.
- Việt Nam 'chi bạo' nhất thế giới
- Mô hình hợp tác công tư
- Việt Nam ngày nay: kẻ ăn không hết, người lần không ra
- Hàng xa xỉ có thực sự cần thiết? (Phần 1)
- Hàng xa xỉ có thực sự cần thiết? (Phần 2)