Thực phẩm và chế độ ăn cho cơ thể khỏe mạnh

0:00 / 0:00

Tháng 3 hàng năm được viện Dinh dưỡng và Ăn uống Hoa Kỳ chọn làm tháng dinh dưỡng. Năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm tháng dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng và ăn uống Hoa Kỳ đưa ra khẩu hiệu ‘ăn đúng, theo cách của bạn, mỗi ngày’. Với khẩu hiệu này, những chuyên gia dinh dưỡng nói rằng mọi người vẫn có thể ăn những thực phẩm mình thích nhưng phải đúng cách, thay vì ăn kiêng hoàn toàn theo quan niệm của nhiều người, nhất là đối với những người có các bệnh phải ăn kiêng như bệnh tiểu đường. Vậy ăn thế nào là đúng cách và chế độ ăn nào là hợp lý cho những người có bệnh tiểu đường, vốn là bệnh khá phổ biến hiện nay trên thế giới? Mời quý vị tìm hiểu chủ đề này trong tạp chí sức khỏe đời sống do Việt Hà phụ trách.

Ăn đúng, theo cách của bạn, mỗi ngày

Nhiều người vẫn cho rằng chế độ ăn tốt cho cơ thể là phải kiêng ăn nhiều loại đồ ăn mình ưa thích, thậm chí bỏ hẳn. Tuy nhiên khẩu hiệu mới trong tháng dinh dưỡng của Hoa Kỳ mới đây lại cho thấy quan niệm khác hẳn của các chuyên gia dinh dưỡng. Khẩu hiệu mới được đưa ra với mọi người là ‘ăn đúng, theo cách của bạn, mỗi ngày’.

Nói về khẩu hiệu này, Giám đốc Viện Dinh dưỡng và Ăn uống, ông Ethan Bergman cho biết: 'có một quan niệm sai lầm rằng, chế độ ăn mạnh khỏe có nghĩa là phải từ bỏ các đồ ăn mà bạn thích….. Khẩu hiệu của tháng dinh dưỡng này của chúng tôi là ăn đúng, theo cách của bạn, mỗi ngày, nhằm khuyến khích khách hàng ăn những thực phẩm mà họ thích trong chế độ ăn của mình phù hợp với cách sống của họ, truyền thống, nhu cầu sức khỏe và khẩu vị của họ'.

Cô Vandana Sheth, chuyên gia dinh dưỡng, người phát ngôn của Viện Dinh dưỡng và ăn uống Hoa Kỳ nói rõ hơn về khái niệm này như sau:

Tất cả các thực phẩm đều có thể được đưa vào một chế độ ăn khỏe mạnh với một mức độ hợp lý, chừng nào bạn có các hoạt động thể dục thể thao hợp lý. Ngoài ra các chuyên gia dinh dưỡng cũng có thể cho bạn những lời khuyên phù hợp với sở thích của bạn, văn hóa của bạn, giúp bạn ăn hợp lý. Một công cụ đơn giản nữa là sử dụng công cụ ‘đĩa ăn của tôi’ trong bản hướng dẫn chế độ ăn của Mỹ. Đó là cách dễ dàng để theo dõi đồ mình ăn vào. Hãy nhìn vào đĩa thức ăn của mình, nửa đĩa là đồ ăn nhiều màu sắc với rau, ¼ đĩa là protein như thịt nạc, cá, đậu phụ, đỗ, ¼ đĩa còn lại là thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt như gạo nâu, quinoa, mì. Nếu bạn ăn theo cách này thì bạn vẫn hấp thụ đủ chất vào người trong khi vẫn thưởng thức được đồ ăn của mình.

Chế độ ăn mất cân bằng và bệnh béo phì

Ảnh minh họa trẻ em béo phì. AFP photo
Ảnh minh họa trẻ em béo phì. AFP photo (Ảnh minh họa trẻ em béo phì. AFP photo)

Trong khoảng một thập kỷ qua, nước Mỹ phải đối đầu với tình trạng người bị béo phì tăng, dẫn đến nguy cơ cao các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm như tiểu đường, và bệnh tim mạch. Thống kê mới được công bố gần đây của Cơ quan kiểm soát và phòng chống bệnh dịch Mỹ cho thấy năm 2010, có khoảng 1/3 người Mỹ bị mắc chứng béo phì. Cũng trong khoảng thời gian 2009 đến 2010, số liệu thống kê tại Mỹ cho thấy có đến gần 17% trẻ em Mỹ mắc chứng béo phì.

Tại Việt Nam, những số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy số trẻ em mắc bệnh béo phì ngày một nhiều. Điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 cho thấy tỷ lệ học sinh tiểu học ở thành phố bị thừa cân cao gấp 15 lần so với suy dinh dưỡng và có đến gần 8% học sinh bị béo phì.

Béo phì là do chế độ ăn uống mất cân bằng. Những người bị béo phì, thừa cân thường do ăn tỷ lệ chất bột, đường, chất béo quá cao trong khi ăn rất ít hoặc hầu như không ăn rau quả. Chế độ ăn mất cân đối kết hợp với lười vận động đã dẫn đến tình trạng béo phì khá phổ biến hiện nay trên thế giới.

Để giảm cân, có những người đã tìm cách nhịn ăn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng việc nhịn ăn không phải là cách làm tốt để giảm cân. Một lần nữa, chế độ ăn cân bằng hợp lý phải được áp dụng ngay cả đối với những người thừa cân muốn giảm cân. Cô Vandana Seth giải thích:

Cách tốt nhất để giảm cân là ăn đúng tỷ lệ, đầu vào đầu ra cân bằng. Bạn ăn bao nhiêu calorie vào thì bạn cũng phải có hoạt động thể chất để tiêu lượng calorie đó. Cách tốt nhất để giảm cân là ăn đúng tỷ lệ, ăn nhiều bữa nhỏ đều đặn, và có hoạt động thể chất để tiêu calorie. Cách này còn tốt hơn là nhịn ăn, vì nhịn ăn làm giảm tốc độ hấp thụ thức ăn của cơ thể. Cơ thể chúng ta làm việc rất hữu hiệu, khi chúng ta nhịn ăn, cơ thể tự hiểu là ta đang bị đói và cứ thực phẩm nào ăn vào người liền sẽ bị biến thành chất béo để dự trữ. Cho nên nhiều khi nhịn ăn lại có tác dụng ngược lại điều bạn muốn.

Thừa cân, mỡ bụng nhiều, cũng là hiện tượng thường thấy ở những người phải ngồi một chỗ nhiều và không có điều kiện nấu nướng, nhất là đối với những người làm việc văn phòng. Lời khuyên mà Viện dinh dưỡng và ăn uống Hoa Kỳ đưa ra cho những người có điều kiện làm việc như vậy là hãy luôn giữ trên bàn hoặc trong cặp những đồ ăn như trái cây tươi, bánh ngũ cốc nguyên hạt hoặc cracker ăn với bơ đậu phộng. Với cách này, những người phải thường xuyên ngồi một chỗ, bận rộn công việc, vẫn có thể duy trì được cách ăn uống tốt cho cơ thể.

Tiểu đường và chế độ dinh dưỡng

Minh họa một khẩu phần ăn. AFP photo
Minh họa một khẩu phần ăn. AFP photo (Minh họa một khẩu phần ăn. AFP photo )

Tiểu đường cũng là căn bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Thống kê của tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2011 cho thấy mỗi năm có khoảng 3 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến đái tháo đường. Thống kê tại Việt Nam năm 2008 cho biết có khoảng hơn 4 triệu rưỡi người đang bị mắc bệnh tiểu đường, chiếm 5% dân số, phần lớn tập trung tại các thành phố lớn.

Từ lâu chế độ ăn cho người bị bệnh tiểu đường cũng được các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng chú ý. Nhiều người bị tiểu đường được khuyên phải tránh hoặc hạn chế ăn các loại trái cây có lượng đường cao như xoài, na (mãng cầu), nho, chuối. Những người bị tiểu đường được khuyên nên ăn các loại trái cây họ cam, bưởi.

Ngoài ra, người bị bệnh tiểu đường phải cẩn thận khi ăn những thực phẩm có hàm lượng carbohydrates cao tức là giàu đường và tinh bột, như cơm gạo trắng, bánh mì, khoai, táo, kẹo, bánh ngọt. Carbohydrates là chất cần thiết cho sự vận động của cơ thể, tuy nhiên việc ăn quá nhiều các thực phẩm giàu carbohydrates có thể làm tăng lượng đường trong máu. Vậy lời khuyên về chế độ ăn uống của các chuyên gia dinh dưỡng dành cho những người bị bệnh tiểu đường là gì? Chuyên gia dinh dưỡng Vandana Seth giải thích:

Cách đơn giản nhất cho người tiểu đường là phải hiểu thực phẩm gồm 3 loại chính, là loại có carbohydrate, protein hoặc béo. Các thực phẩm có carbohydrate cao có ảnh hưởng rất nhiều đến lượng đường trong máu. Điều này không có nghĩa là bạn không ăn chút nào carbohydrate. Cơ thể chúng ta hoạt động tốt nhất nếu có cả 3 loại dinh dưỡng này. Nếu bạn bị tiểu đường nên nhớ là ăn nhiều bữa nhỏ đúng giờ, đừng để đói quá lâu để bạn có thể kiểm soát lượng đường trong máu. Cố gắng ăn đúng liều lượng thức ăn vào các lúc khác nhau trong ngày, vì cơ thể chúng ta có thể nhớ và điều chỉnh đến mức đường cần thiết trong máu. Cố gắng sử dụng thực phẩm tốt cho tim của bạn, nên ăn các thực phẩm nguyên hạt, như bánh mì nguyên hạt, mì nguyên hạt, ăn rau và đậu, ăn protein từ cá, gà, sữa chua có độ béo thấp. Bạn cũng có thể sử dụng dầu olive, dầu canola. Nên nhớ là carbohydrate ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn nhiều hơn là protein và chất béo. Vì vậy cần kiểm soát được lượng carbohydrate mà bạn ăn vào ở mỗi bữa ăn.

Cũng có những người bị bệnh tiểu đường thường thắc mắc về việc có nên ăn các loại quả như nho, táo và chuối hay không. Câu trả lời nằm ở tỷ lệ các thức ăn mà người đó ăn trong một bữa. Cô Vandana Seth nói tiếp:

Bạn có thể ăn các loại quả mình thích nhưng điều quan trọng là biết được tỷ lệ cân bằng. Nếu bạn ăn cơm, mì ống, bánh mì trước đó, bạn biết mình đã hấp thụ vào bao nhiều carbohydrate, từ đó biết mình ăn bao nhiều nho hay táo. Nếu kiểm soát được mức carbohydrate, bạn có thể ăn 10 , 12 trái nho sau bữa ăn hoặc ăn một quả táo nhỏ sau bữa ăn cũng không có vấn đề gì. Cũng nên cân đối trái cây với các protein bạn hấp thụ vào, bạn có thể ăn một trái táo nhỏ với cracker có bơ đậu phộng, hoặc nếu là nho thì có thể ăn một ít nho với phomat, cách làm này sẽ giúp kiểm soát được mức đường trong máu cho bạn. Bạn vẫn cứ ăn bình thường, thậm chí những đồ ăn mà bạn thích, điều quan trọng là kiểm soát được mức carbohydrate mà mình ăn vào. Điều quan trọng với người tiểu đường là ăn điều độ đúng giờ, chọn các thực phẩm tốt cho cơ thể và đảm bảo tính cân bằng giữa các chất ăn vào.

Người Việt Nam vốn quen ăn cơm gạo trắng ngày ba bữa tức rất giàu carbonhydrate, chế độ ăn sử dụng nhiều nước mắm và nước tương có thể làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp. Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng với những người bị tiểu đường đã quen ăn chế độ này là nên hạn chế ăn cơm gạo trắng bằng cách chuyển sang gạo nâu và nên tập ăn đồ nhạt hơn so với những đồ kho mặn thường ngày, không ăn quá nhiều các loại rau muối vì hàm lượng muối trong các loại rau này cũng rất cao.

Tất nhiên, theo như khẩu hiệu của tháng dinh dưỡng năm nay của Viện Dinh dưỡng vă Ăn uống Hoa Kỳ, mọi người vẫn có thể ăn thức ăn mình thích, phù hợp với sở thích và văn hóa, phong tục của mình. Điều quan trọng để đảm bảo một sức khỏe tốt là một chế độ ăn cân bằng và hài hòa giữa các chất.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa