Bóng Đá và Kỳ Thị

Khoảng ngày này 2 tháng trước đây, một buổi sáng khi vừa đến sở làm ở Washington D.C. tôi tình cờ đọc được một bài báo của tờ The Washington Post nói về EURO 2012 và kỳ thị chủng tộc.

Nói là tình cờ thì cũng không hẳn đúng, sự thật lúc đó tôi muốn biết thêm tin tức trước ngày lên máy bay đi Ba Lan và Ukraine tác nghiệp, muốn biết chuyện sân cỏ và bên lề sân cỏ EURO diễn ra như thế nào để sắp đặt những gì mình sẽ viết gửi độc giả, và bài báo của tờ Post đập ngay vào mắt tôi vì chuyện tôi không hề biết.

Kỳ thị chủng tộc vẫn là một trở ngại

Bài viết của ký giả Matt Brooks cho hay “kỳ thị chủng tộc vẫn là một trở ngại chưa giải quyết được trong làng bóng đá Châu Âu”, mặc dù UEFA đã mở hẳn một cuộc vận động quy mô để kêu gọi tất cả mọi người hâm mộ môn thể thao được hâm mô nhất thế giới cùng nhau xóa bỏ ranh giới của màu da và chủng tộc. Tôi cũng nhớ trong bài viết đó, nhà báo của tờ Post còn nói rõ chuyện khán giả hăng máu hò hét hay hát những câu “mang tính kỳ thị” là điều thường xảy ra, chỉ với mục đích “chế diễu, làm nản tinh thần cầu thủ lẫn vận động viên hội đối phương”, cho người đọc thấy hai nước chủ nhà Ba Lan và Ukraine là những quốc gia “được biết đến vì những nhóm theo Tân-Quốc Xã, lúc nào cũng sẵn sàng sinh sự với người khác hay bày tỏ thái độ quái gỡ của chúng bằng hành động phá phách”.

..."kỳ thị chủng tộc vẫn là một trở ngại chưa giải quyết được trong làng bóng đá Châu Âu", mặc dù UEFA đã mở hẳn một cuộc vận động quy mô để kêu gọi tất cả mọi người hâm mộ môn thể thao được hâm mô nhất thế giới cùng nhau xóa bỏ ranh giới của màu da và chủng tộc.

Bài báo đăng tải trên tờ Post làm tôi nhớ lại một số chuyện liên quan đến kỳ thị xảy ra trên sân cỏ Châu Âu. Trong cuộc so giầy giữa Manchester United và FC Porto (ở giải Europa League), khán giả của Porto hát những câu hò mang nội dung chửi anh cầu thủ da đen Mario Balotelli của Manchester City là “con khỉ”. Sáu tuần sau đó, UEFA ra thông cáo cho biết phạt Porto $26,000 về tội “đã không kiểm soát được khán giả, để tình huống xấu xảy ra trong trận banh”. Số tiền phạt không lớn nhưng là dấu hiệu cho thấy UEFA không chấp nhận để yên cho những kẻ làm xấu môn bóng tròn, môn thể thao được nhiều người hâm mộ nhất thế giới.

Nhưng không chỉ tờ Post ở Hoa Kỳ cảnh báo chuyện kỳ thị xảy ra trên sân cỏ Ba Lan và Ukraine. Nghe tin tôi sẽ đi EURO 2012, một bạn đồng nghiệp bên Âu Châu gọi sang dặn dò “cẩn thận ông nhé”, gửi kèm trong email bài viết của tờ Daily Telegraph ở Anh Quốc với nội dung cho thấy chung quanh sân vận động của câu lạc bộ Winddzew Lodz lớn nhất Ba Lan, người ta tìm thấy rất nhiều “dấu hiệu kỳ thị”. Bài báo này cũng kể là ở một tiệm tạp hóa nằm gần sân, khán giả có thể mua những biểu ngữ hay những chiếc khăn quàng cổ in hoặc thêu các hàng chữ với ý phỉ bang người Do Thái, hoặc những chiếc áo thun trước ngực có hàng chữ “Hãy Thiêu Bọn Czechs” hay “Đánh Bỏ Mẹ Thằng Hy Lạp”.

...quả có một bọn quấy rối, nhưng bọn này "không tiêu biểu cho tập thể người Ba Lan quý khách và yêu hòa bình". Ông cũng bảo thêm "điều các bạn sẽ nhìn thấy ở Ba Lan là hình ảnh của những người hiền hòa, sẵn lòng giúp đỡ các bạn

ông Jonathan Ornstein

“Quả là có văn hóa kỳ thị ở những câu lạc bộ bóng đá ở Ban Lan”, ông Rafal Pankowski, đại diện cho UEFA ở Ba Lan nói với báo chí. Người đang điều hành cuộc vận động mang tên “Tôn Trọng Đa Văn Hóa Đa Chủng Tộc” (UEFA’s Respect Diversity Campaign) nói thêm là thành phần rất nhỏ này “chính là những con sâu làm rầu nồi canh”, và bọn “đầu gấu” thích gây sự, có tí rượu bia vào là ưa đánh nhau “phát tán tài liệu qua internet, quyền rũ những người khác gia nhập vào nhóm với chúng chỉ để gây xáo trộn trật tự xã hội”.

Nghe ông Pankowski nói thì thấy chuyện có vẻ… không đến nỗi nào, trong lúc thực tế cho thấy chuyện có vẻ đáng ngại hơn. Mới năm ngoái trong trận giữa hội Hapoel Tel Aviv và hội Legia Warszawa của Ba Lan, một tấm biểu ngữ thật to được cổ động viên Ba Lan tung ra, viết bằng tiếng Ả Rập với hàng chữ “Thánh Chiến Legia”, có nghĩa là hội nhà phải thắng cho được “bọn Do Thái”; cuộc nghiên cứu do một tổ chức chống kỳ thị cho thấy chỉ trong vòng 18 tháng (từ tháng Chín 2009 đến tháng Ba 2011) có cả thảy 195 vụ lộn xộn xảy ra ở các sân vận động tại Ba Lan và Ukraine. Lý do: kỳ thị.

Đó là những sự thật xảy ra, nhưng quan trọng nhất là phát biểu của ông Jonathan Ornstein, Giám Đốc Điều Hành Trung Tâm Cộng Đồng Do Thái ở Krakow. Ông Ornstein bảo rằng quả có một bọn quấy rối, nhưng bọn này “không tiêu biểu cho tập thể người Ba Lan quý khách và yêu hòa bình”. Ông cũng bảo thêm “điều các bạn sẽ nhìn thấy ở Ba Lan là hình ảnh của những người hiền hòa, sẵn lòng giúp đỡ các bạn”.

Những điều ông nói là chuyện không sai. Hôm Ba Lan gâp Hy Lạp ở trận mở màn, một nhóm đông đảo người Việt cùng nhau đi xem trận banh để cổ vũ cho hội tuyển nhà, mặc áo mầu cờ Ba Lan, các cô thiếu nữ xinh xắn còn vẽ cờ Ba Lan trên đôi má. Anh T., một người trong nhóm kể lại với tôi là giữa lúc mọi người đang hăng say hò hét, “có một tên Ba Lan chạy đến cà khịa với bọn tớ”. Thằng Ba Lan say rượu này nói gì? “Nó bảo chúng mày chẳng bao giờ được làm người Ba Lan”. Nó muốn đánh nhau à? “Chắc thế”. Thế có đánh nhau à? “Đâu có anh, tức khắc có những người bạn Ba Lan khác xông vào bênh vực, bảo vệ bọn này, và thằng ngợm đó xéo đi ngay”.

Câu chuyện đó làm tôi nhớ lại hình ảnh của một cô bé Việt Nam tên Linh đứng bán cờ Ba Lan mà tôi gặp ở thủ đô Warsaw. “Vui lắm, chú ạ”, cô bảo với tôi bằng giọng thật nhỏ nhẹ. “Cháu bán kiếm tiền tiêu vặt, vừa bán vừa vẫy cờ, vui lắm chú ạ”.

Chuyện người Ba Lan xông vào bênh vực người Việt là chuyện tuyệt vời, có thật. Chuyện cô bé tên Linh vừa vẫy cờ vừa bảo “vui quá” cũng là chuyện tuyệt diệu, có thật. Những điều tuyệt vời, tuyệt diệu đó đủ làm mọi người quên đi bọn quấy rối “không tiêu biểu cho tập thể người Ba Lan quý khách và yêu hòa bình”.

Theo dòng thời sự: