Một năm sau vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang

0:00 / 0:00

Vụ cưỡng chế đất bằng vũ lực tại huyện Văn Giang gây nhiều bức xúc trong dân chúng ngay tại địa phương và những người nông dân khác diễn ra cách đây đúng một năm. Tình hình hiện nay tại đó ra sao?

Dậm chân tại chỗ

Sau vụ Tiên Lãng với tiếng súng hoa cải và bom tự chế nổ từ phía người dân bị cưỡng chế mà họ cho là bất công hồi ngày 5 tháng giêng năm 2012; thì đến ngày 24 tháng 4 tiếng súng nổ không phải từ phía người dân bị cưỡng chế mà từ phía lực lượng đi cưỡng chế. Trong vụ này còn có hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam là Nguyễn Văn Năm và Hán Phi Long bị chính lực lượng cưỡng chế hành hung.

Vụ cưỡng chế tại Văn Giang cũng bất thành, nhiều người dân vẫn cương quyết giữ đất và phía nhà đầu tư không thể triển khai dự án của họ.Tuy nhiên sau một năm, những yêu cầu của người dân vẫn chưa được giải quyết, dù rằng họ cho rằng quyết định thu hồi đất cho dự án là sai trái, và đã có đơn khiếu kiện đến tận trung ương.

Đến ngày 24/4 đúng một năm sau đợt cưỡng chế đó, 1244 hộ dân tại ba xã Cửu Cao, Phụng Công, Xuân Quan, huyện Văn Giang ra thông cáo về việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất đai trái pháp luật tại đó.

Ông Phạm Hoành Sơn, một người đại diện cho người dân ở đó vào ngày 23 tháng 4 cho biết về diễn tiến của tình hình và thái độ của người dân tại đó như sau:

So với mong đợi và so với qui định của pháp luật thì chưa được một chút nào cả. Vì nghị quyết 10 của Tỉnh Ủy và Ủy ban Thường Vụ Tỉnh ủy, họ nói vẫn tiếp tục thực hiện dự án; trong khi đó họ nêu ra là đã trả lời các kiến nghị của dân; nhưng trong thực tế chúng tôi gửi đơn khiếu nại và tố cáo. Đúng ra theo luật họ phải giải quyết theo đúng ‘khiếu nại, tố cáo’; nhưng họ lái sang ‘kiến nghị’; điều đó làm cho chúng tôi rất thất vọng.

Thực ra không đáp ứng được chút nào theo nguyện vọng của người dân và hoàn toàn không đúng theo qui định của pháp luật.

Nói chung, chúng tôi vẫn kiên trì, và mình là dân nên chỉ có mỗi một chỗ dựa đó là luật pháp, đồng thời nhờ các đoàn luật sư, mà trực tiếp là luật sư Trần Vũ Hải. Chúng tôi tuyệt đối đi theo pháp luật để có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhưng chính quyền các cấp từ tỉnh đến trung ương, từ ngày đó đến giờ họ vẫn cứ lờ đi. Họ cho rằng chúng tôi ‘chống đối’…; nhưng họ không đưa được căn cứ nào theo qui định pháp luật như vậy. Theo luật sư hướng dẫn, chúng tôi bám sát các qui định của pháp luật’; nhưng rõ ràng họ làm sai họ phải chịu trách nhiệm. Trước sau họ vẫn phải chịu trách nhiệm.

Phía luật sư tư vấn pháp lý cho người nông dân Văn Giang trong việc khiếu kiện về việc cưỡng chế trái pháp luật ở đó cũng có nhận định về diễn biến của vụ khiếu kiện tập thể đó trong suốt thời gian qua cho đến nay:

Trong quá trình, chúng tôi thấy có rất nhiều cơ quan cũng quan tâm đến vụ này. Có vẻ như họ cũng nhận thức rằng vụ việc này rõ ràng có sự vi phạm, trái pháp luật từ các cơ quan chức năng; tuy nhiên họ cũng vì nhiều vấn đề mà họ cho là ‘nhạy cảm’, hay vì lý do nào đó mà họ cũng không muốn tích cực tham gia vào.

<br/>Đúng ra theo luật họ phải giải quyết theo đúng 'khiếu nại, tố cáo'; nhưng họ lái sang 'kiến nghị'; điều đó làm cho chúng tôi rất thất vọng. <br/> -Ông Phạm Hoành Sơn

Chúng tôi có quen biết nhiều quan chức khác nhau; trong chỗ riêng tư họ thừa nhận; nhưng bằng văn bản thì họ né tránh vì lý do nào đó để không thành người phát ngôn để thừa nhận,hoặc xác nhận vấn đề đó.

Theo tôi nghĩ, chưa thành công vì không có cơ quan nào tìm cách giải quyết; thế nhưng thành công là có nhiều người hiểu ra vấn đề; nhưng lại tìm cách tránh né.

Theo thông tin tôi được biết thì thủ tướng chính phủ có yêu cầu ông bộ trưởng văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam đích thân tiếp cá nhân tôi cũng như đại diện các hộ dân Văn Giang để giải quyết vấn đề. Thế nhưng ông ta lấy lý do hiện nay rất bận chưa thể giải quyết được. Tuy vậy chúng tôi vẫn kiên trì gửi thư đến ông bằng các con đường khác nhau.

Chúng tôi cho rằng việc đi tìm công lý từ các cơ quan hành pháp cũng đã ‘cạn kiệt’. Về mặt tư pháp, các hộ dân đã có đơn gửi cho các cơ quan tòa án. Theo luật lẽ ra họ phải xử lý, nhưng họ chưa chịu thụ lý. Chưa thụ lý cũng là bằng chứng cho thấy họ rất lo ngại những vấn đề đó buộc phải xét xử, phải thừa nhận có sự sai trái của chính quyền. Họ lo ngại như thế nên tìm mọi cách né tránh việc thụ lý. Tuy nhiên, theo luật pháp họ phải thụ lý và các nông dân kiên nhẫn để đến khi họ thụ lý.

Như trình bày của luật sư Trần Vũ Hải, dù kiên trì khiếu kiện theo đúng phát luật tại Việt Nam để đòi hỏi quyền lợi của người nông dân như thế; nhưng rồi các cơ quan hành pháp và tư pháp của Việt Nam vẫn né tránh đối với trường hợp nông dân Văn Giang, nay họ phải trở lại cách thức đầu tiên đã thực hiện là yêu cầu quốc hội, cơ quan về mặt nguyên tắc được nói là do dân cử, để giải quyết chuyện đất đai bị thu hồi cho công ty tư nhân làm khu đô thị sinh thái như thế.

Qui chụp ‘chính trị’

Người dân văn Giang trong ngày bị cưỡng chế 25/4/2012
Người dân văn Giang trong ngày bị cưỡng chế 25/4/2012 (Người dân văn Giang trong ngày bị cưỡng chế 25/4/2012 )

Hồi ngày 18 tháng tư vừa qua, tại cuộc họp ở Hà Nội về tình hình khiếu kiện, ông Huỳnh Phong Tranh, tổng Thanh Tra Chính phủ cho rằng ở thủ đô Hà Nội và tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ riêng trong mấy tháng đầu năm đã có hơn trăm đoàn khiếu kiện tập thể về đất đai mang theo biểu ngữ, mặc áo đỏ … kéo đến văn phòng tiếp dân của Trung ương Đảng và chính phủ. Ông này cho rằng trong số đó có những người đi kiện vì ‘động cơ chính trị’.

Ông Phạm Hoành Sơn có ý kiến về điều đó:

Nếu chống đối phải đưa ra căn cứ. Người dân đưa ra vấn đề ( thu hồi đất) là không có pháp lý, không thực hiện theo các quyền mà pháp luật qui định… Còn chúng tôi thực hiện quyền do pháp luật mà chính ‘các ông ấy’ đề ra; thế mà các ông ấy không đảm bảo các quyền ấy cho chúng tôi; đó là lỗi của chính quyền; không thể nói chúng tôi chống đối được. Rõ ràng chính quyền đã không thực hiện những điều luật pháp đề ra để bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân. Chúng tôi nghĩ mình được hưởng những điều đó. Chúng tôi chấp nhận đóng thuế để nuôi hệ thống chính quyền, chỉ mong đến lúc mình cần, chính quyền phải đứng ra bảo vệ.

Luật sư Trần Vũ Hải cũng phân tích về phát biểu của ông tổng Thanh Tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh:

Nói về chính trị, mỗi một người đều có quan điểm khác nhau. Theo tôi, chính trị là một khái niệm rất rộng lớn. Người ta đấu tranh cho quyền lợi của họ cũng là vấn đề chính trị.

Nếu nói chính trị chỉ trong phạm vi hẹp để tranh giành quyền lực hay chỉ để thay đổi thể chế, rõ ràng những người nông dân này không hề có ý định như vậy. Họ chỉ quan tâm và đấu tranh cho quyền lợi của mình và nếu có cao hơn là họ đấu tranh để làm cho luật đất đai tốt hơn đối với họ thôi.

Tình hình khiếu kiện vì đất đai bị chính quyền các cấp thu hồi một cách phi pháp diễn ra suốt nhiều năm qua tại Việt Nam. Những vụ việc như Tiên Lãng, Hải Phòng hay Văn Giang, Hưng Yên, cho thấy cơ quan chức năng hiện nay tỏ ra hết sức lúng túng, dù họ thấy sai như thú nhận của nhiều quan chức đối với luật sư Trần Vũ Hải mới trình bày trong bài.