Tụt dốc
Cuối năm nay là thời điểm đánh dấu 25 năm ban hành Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bắt đầu từ năm 2009, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam chỉ còn 23 tỷ USD, bằng khoảng 30% so với năm trước. Các năm tiếp theo liên tục có xu hướng giảm. 10 tháng đầu năm nay, mới chỉ có gần 10,5 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2011.
Nguyên nhân chính khiến tình hình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, trong những năm gần đây có vẻ sụt giảm, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):
“Kinh tế thế giới đang gặp khó khăn nên cũng ảnh hưởng đến các nước, đến tình hình đầu tư. Hiện nay, xu hướng chung khi nghiên cứu đầu tư thì người ta vẫn chọn Việt Nam là một trong những điểm đến. Nhưng mà để quyết định đầu tư thì người ta cần phải có thời gian chuẩn bị, nghiên cứu sâu hơn. Tình hình chung hiện nay thì cũng rất tốt.”
Ô. Đỗ Nhất Hoàng
Một nguyên nhân quan trọng khác, gây ra hiện tượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam bị tụt dốc là xuất phát từ tình hình các dự án vốn ảo, dự án bất động sản quy mô lớn trong thời gian gần đây đã giảm mạnh. Đồng thời, Việt Nam đang tập trung nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, theo Tiến sỹ Trần Du, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE):
“Bây giờ, chúng tôi muốn chọn lọc một số dự án hiệu quả, chứ không phải để nhiều như trước đây. Tập trung vào một số dự án chuyển giao công nghệ cao, quản lý tiên tiến, lao động phải có chất lượng,v.v... Ngày trước có vẻ hơi tràn lan, miễn có dự án là tốt.
Đặc biệt là rất mong những nhà đầu tư của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Chúng tôi sẽ chọn những đối tác nhiều tiềm năng và có trình độ công nghệ cao vào. Còn những dự án gây ô nhiễm môi trường, trình độ công nghệ thấp... rồi những dự án nhỏ quá khoảng 100.000 – 200.000 USD... thì chúng tôi phải xem xét kỹ. Cho nên các dự án đầu tư bây giờ không ào ạt như trước. Vì thế, hiện nay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có giảm sút là do nguyên nhân này.”
Cải thiện môi trường đầu tư
Không cải thiện môi trường đầu tư thì không thể thu hút được dòng vốn FDI. Một trong những nguyên tắc cơ bản về đầu tư, là ở đâu có lợi nhuận thì các doanh nghiệp sẽ đến đó. Chất lượng tăng trưởng và niềm tin thị trường của nền kinh tế Việt Nam là những vấn đề rất lớn. Nền kinh tế Việt Nam đang gánh chịu những hệ quả xấu bị dồn lại từ nhiều năm trước. Quốc gia này đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Để giải quyết vấn đề này, cốt lõi vẫn là cải thiện môi trường đầu tư.
Nhận xét về môi trường đầu tư tại Việt Nam có thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay không, chúng tôi được bà Tô Thị Mỹ, đại diện công ty Bourbon An Hòa, Tây Ninh cho biết:
“Nếu như ngành nghề hoạt động của nhà đầu tư không có gây ô nhiễm môi trường và nằm trong danh mục đã phê duyệt tác động môi trường, giấy phép kinh doanh là khoảng 1 tuần là có.
Trong khu công nghiệp được ưu đãi thuế. Ví dụ như ở ngoài, thuế thu nhập doanh nghiệp đóng 25%, còn trong khu công nghiệp thì hai năm đầu là giảm 0%, bốn năm tiếp theo là giảm 50%, bốn năm tiếp theo còn lại là đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đánh giá chỉ số cạnh tranh của tỉnh Tây Ninh thì tăng hạng, do thủ tục giấy tờ ở đây đơn giản hơn nhiều. Do tỉnh muốn thu hút các doanh nghiệp FDI, nên chính sách cũng mềm hơn. Ví dụ như vấn đề cấp phép ngắn hơn, bây giờ còn có 7 ngày, nhưng thực ra có doanh nghiệp chỉ mất có 3 ngày thôi.”
Ô. Đỗ Nhất Hoàng
Việt Nam là một thị trường mới nổi lên thuộc khu vực Đông Nam Á, có nguồn nhân lực dồi dào. Ngoài lợi thế này, các doanh nhân nước ngoài còn cần một môi trường đầu tư minh bạch, pháp luật thông thoáng. Cản trở dòng chảy của vốn nước ngoài là thủ tục pháp lý có những nơi vẫn rườm rà; vấn đề trọng tài quốc tế còn trong giai đoạn sơ khai. Theo tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, hiện có tới gần 150 vấn đề vướng mắc pháp luật về đầu tư, kinh doanh liên quan đến khu vực kinh tế FDI cần phải sửa đổi.
p>Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI vào Việt Nam. Mục tiêu của Đề án là cải thiện môi trường đầu tư, theo hướng khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch. Về mặt định hướng, Việt Nam đang khuyến khích các doanh nhân nước ngoài tham gia, ông Đỗ Nhất Hoàng đã nêu ra những lĩnh vực cần đầu tư, cụ thể như:
“Chúng tôi rất khuyến khích các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Cũng như những dự án về sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghệ xanh. Và các ngành chế biến sâu về nông lâm thủy sản... chúng tôi rất ủng hộ.
Ngoài các lĩnh vực này, những lĩnh vực khác thì chúng tôi cũng xem xét nhưng phải được trình bày cụ thể.”
Thực tế cho thấy, không thu hút vốn FDI bằng mọi giá. Tuy nhiên, cần phải có những chính sách kinh tế dài hạn và nhất quán. Để chống lại tình trạng suy giảm của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, có thể sửa ngay các chính sách về ưu đãi đầu tư. Trong thời gian qua, các chính sách của Việt Nam mới chỉ quan tâm đến giai đoạn đầu, thu hút đầu tư, mà chưa chú ý tới việc hỗ trợ doanh nghiệp sau khi cấp phép.
Tại Đề án Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI đến năm 2020, có nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ có một Ban điều phối ở tầm quốc gia về khu vực kinh tế FDI được thành lập. Nhiệm vụ của Ban điều phối là xử lý những vướng mắc trong quá trình thực thi mà các bộ, ngành, địa phương không xử lý được. Về mặt chủ trương chính sách, Việt Nam trong tương lai có những chuyển biến gì cụ thể, theo ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết như sau:
“Nói chung như thế này, chúng tôi muốn kêu gọi các nhà đầu tư vào Việt Nam và luôn ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư để kêu gọi hơn nữa các nhà đầu tư.
Các doanh nhân muốn đầu tư cụ thể lãnh vực nào thì cứ làm đề xuất gởi thẳng lên Bộ Kế hoạch Đầu tư, rồi chúng tôi sẽ xem xét. Về tổng thể, chúng tôi rất ủng hộ các kế hoạch đầu tư phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. Trong Luật Đầu tư và Nghị định 108 của Chính phủ đã có những hướng dẫn và quy định rất rõ.”
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là một trong những tác nhân kinh tế quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng. Việt Nam cần xác định mục tiêu mình sẽ nằm ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các cơ quan có chức năng phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa về môi trường đầu tư.
Theo dòng thời sự:
- Đầu tư nước ngoài (FDI) giảm mạnh
- Vốn FDI giảm nhiều trong khi lạm phát tăng
- Vốn đầu tư FDI giảm 50% trong 4 tháng đầu năm
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm sút
- Giải ngân FDI, mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam hiện nay
- Thu hút đầu tư nước ngoài
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu
- Lợi ích nhóm trong nền kinh tế Việt Nam
- Việt Nam: con hổ thành mèo sa lưới nợ nần