Trong số gần 3000 quân nhân Mỹ gốc Việt hiện nay thì có khoảng 300-400 người trong số họ thuộc thế hệ 1.5, là những người được sinh ra ở VN trong thời gian chiến tranh nhưng lại trưởng thành ở Hoa Kỳ. Nhân 40 năm ngày chiến tranh VN kết thúc, Hòa Ái có cuộc trao đổi với cựu Trung tá Bộ binh Ross Nguyễn Cao Nguyên để nghe chia sẻ về cuộc đời của ông luôn gắn liền với 2 chữ “chiến tranh”.
Hòa Ái: Hòa Ái xin phép được chào cựu Trung tá Ross Nguyễn Cao Nguyên.
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Cám ơn cô Hòa Ái. Nhân dịp này Cao Nguyên xin kính chào quý khán thính giả đài ACTD.
Hòa Ái: Xin phép được hỏi cựu Trung tá vào thời điểm hiện nay tưởng niệm biến cố 30/4, hồi ức của ông về những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh VN thì là ông nhớ lại là những hình ảnh gì?
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Thời gian thấm thoát đi quá mau. Cô Hòa Ái cũng biết, thấm thoát thế mà đã 40 năm rồi. Gia đình của Nguyên được may mắn đi vào ngày 27/4/1975 trên chiếc C141, tàu bay cuối cùng của Mỹ. Ngày hôm đó, một điều mà Nguyên nhớ mãi đến nay là khi gia đình đã được xong giấy tờ của Quân lực Hoa Kỳ, ngồi trong xe buýt chạy ra cuối phi đạo Tân Sơn Nhất đợi tàu bay C141 tới.
Nguyên còn nhớ ngày Chủ Nhật, 27/4 này, lúc đó Nguyên được 16 tuổi. Nguyên thấy một số binh sĩ nhảy dù của Quân lực VNCH, có thể kêu là một đại đội Nhảy dù trấn đóng để bảo vệ Tân Sơn Nhất. Họ đứng nhìn từ phía sau hàng rào (fence) nhưng không ai la hét hay chửi bới gì hết. Tất cả những người đứng đó với một cặp mắt mà đối với Nguyên là một cặp mắt vừa buồn, vừa giận và có một vẻ gì đó hơi khinh bỉ.
Đó là niềm nhớ mãi mãi ở trong lòng của Nguyên. Đối với Nguyên, Nhảy dù là một binh chủng rất là dữ dội của Quân lực VNCH, hãy còn trật tự, hãy còn giữ đầy đủ cái tư cách của một người lính đứng nhìn những người đã bỏ nước mà đi.
Đối với Nguyên đó là điều rất là buồn trong lòng của mình tại mình biết mình bỏ người ta đi nhưng đó là một cái chuyện không thể nào đoán được.
Hòa Ái: Thưa ông, theo những chia sẻ của ông thì những hình ảnh trong ký ức đọng lại trong lòng ông có ít nhiều tác động đến quyết định trong việc chọn lựa cuộc đời binh nghiệp cho mình hay không?
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Cô Hòa Ái phải biết, càng lớn tuổi chừng nào thì Cao Nguyên càng tin vào số mệnh chừng đó. Khi tôi khoảng chừng 12 tuổi thì đã nhất định đi theo bước chân của ba.
Ba của tôi là ông Nguyễn Đình Bảng, Đại tá khóa 5 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Năm 1974, Nguyên nói với bố là “khi con thi xong tú tài thì con sẽ xin vào trường Võ Bị”. Năm 1975 mất nước mà khi mất nước rồi mình qua bên Mỹ thì ai cũng biết mình phải lo cuộc sống ở Hoa Kỳ nên chuyện vào trong quân đội bị chìm vào dĩ vãng. Nhưng đến năm 1983, khi Nguyên ra trường đại học rồi thì cảm thấy những điều mình đã trải qua từ năm 75 đến năm 83 có vẻ không đúng cái mộng mà mình muốn làm.
Một hôm (trong công việc làm) được gửi đến Fort Sill, một căn cứ pháo binh của Hoa Kỳ ở Oklahoma thì Nguyên thấy mấy anh Thiếu úy đi qua đi lại rồi Nguyên tự hỏi là “không biết đời lính như thế nào”. Nguyên mới về kí giấy xin đi vào trong quân đội thì được Bộ binh nhận. Thấm thoát 28 năm sau, bây giờ con trai cũng ở trong quân đội Mỹ nên gia đình của Nguyên được 3 đời trong quân đội, rất là hãnh diện.
Hòa Ái: Ký ức tuổi thơ ở VN của ông gắn liền với chiến tranh dưới lăng kính của một cậu thanh niên vừa mới lớn; và trong cuộc đời binh nghiệp, ông từng có mặt ở nhiều chiến trường trên thế giới, nhân sinh quan của ông về chiến tranh có khác biệt so với hồi xưa không?
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Rất là khác biệt. Cô nói rất đúng! Sau 1 năm đóng ở Iraq, phục vụ cho quân lực Hoa Kỳ thì Nguyên đã thấy được rằng chiến tranh đối với Nguyên là một phương tiện cuối cùng. Khi mình không còn phương tiện nào khác nữa mà khi đi đến chiến tranh rồi thì cô biết chiến tranh rất là tàn khốc, người chết, người bị thương, nhà tan cửa nát, gia đình ly tán...
Cho nên đối với Nguyên nếu có cuộc cách mạng nào (revolution) hay việc gì đó thì trước nhất là phải hòa bình (peaceful). Muốn thay đổi thì tự thay đổi chứ không cần đụng đến chiến tranh. Khi đưa đến chiến tranh rồi thì khó lắm, cũng như trường hợp bên nước Syria bây giờ, hơn 4 triệu người dân Syria bị tan nát cho nên những người mặc quân phục rất sợ chiến tranh.
Không phải sợ là vì không đủ sức làm mà sợ là vì khi đưa đến chiến tranh rồi thì phải có đánh nhau và giết nhau. Vì đánh nhau, giết nhau và ghét nhau phải đến 3-4 đời người mới trở lại được hòa ái và thương yêu nhau nên Nguyên sợ chiến tranh lắm.
Hòa Ái: Có vẻ như mâu thuẫn khi ông chia sẻ chọn cuộc đời binh nghiệp nhưng lại sợ chiến tranh. Hiện nay, Hòa Ái cũng ghi nhận được một số những người trẻ ở VN thì họ vẫn không có thiện cảm với quân nhân Mỹ. Theo như lịch sử họ học ngày xưa "Mỹ là kẻ thù của VN". Bây giờ vẫn còn một số người vẫn cho rằng lính Mỹ là lính đánh thuê. Nếu như có cơ hội nói chuyện với họ thì ông sẽ nói gì?
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Nguyên sẽ nói rằng lính Mỹ thật ra không phải là những người lính đánh thuê. Các bạn phải hiểu rằng nước Mỹ bây giờ vẫn là một cường quốc, vẫn là một nước giàu nhất trên thế giới mà khi mình đã giàu như vậy thì mình phải bằng mọi cách chia sẻ sự văn minh, sự tiến bộ, sự tự do dân chủ cho tất cả các nước mà mình có thể tiếp xúc được.
Không phải là mình đàn áp hoặc bắt người ta phải theo mình nhưng mà vì tự do và dân chủ, nước Mỹ đã trở thành một cường quốc như thế này. Một con người không thể nào bị đàn áp bởi tất cả chế độ nào hết. Chuyện Mỹ đi đánh là tại vì Mỹ đã thấy những người dân ở những nước bị đàn áp thật là khổ và thật là vô nhân đạo thì họ sẽ bằng mọi cách cố gắng để giúp những người dân đó. Như Nguyên đã nói, khi đã đụng đến chiến tranh thì Mỹ đánh là phải đánh cho cùng. Vì thế hiện giờ có nhiều chuyện rất là lủng củng trong chính quyền của Mỹ, nhưng tấm lòng của người Mỹ lúc nào cũng là tốt.
Hòa Ái: Câu hỏi cuối cùng là hiện nay có lẽ ông cũng biết VN có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Tình hình càng ngày càng leo thang. Mặc dù VN luôn chủ trương giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, trước những hành động hung hăng của Trung Quốc bây giờ, nhiều chuyên gia phân tích rằng biện pháp quân sự cũng không loại trừ. Ông nghĩ sao nếu trong trường hợp xấu nhất có xảy ra chiến tranh ở Biển Đông, liệu những cựu quân nhân Mỹ gốc Việt như ông sẽ có những đóng góp nào để bảo toàn lãnh thổ cho đất mẹ?
Ông Nguyễn Cao Nguyên: Chuyện đó thì những người quân nhân Mỹ gốc Việt chúng tôi đã giơ tay tuyên thệ là phục vụ cho quân lực Hoa Kỳ. Cô cũng biết Hoa Kỳ hiện giờ đã bằng mọi cách trở về VN, không những về sinh hoạt kinh tế mà đến cả quân sự nữa. Không dám nói là vì sự đàn áp của Trung cộng nhưng mà ảnh hưởng của Trung cộng hiện giờ rất là mạnh trong vùng ĐNA, nhất là vùng của VN.
Sớm muộn gì nếu Trung cộng muốn bành trướng áp lực của họ bằng mọi cách chính trị hoặc là quân sự xuống ĐNA thì dĩ nhiên Hoa Kỳ không thể nào để chuyện đó xảy ra vì vùng đó rất là quan trọng về đường hải lộ. Nếu có chiến tranh xảy ra với Trung cộng thì chúng tôi, những quân nhân Mỹ gốc Việt, cũng phải tình nguyện hoặc bổ nhiệm đi vào những đơn vị đó và phải đánh. Nhưng theo cái kinh nghiệm của Nguyên với sự học hỏi của Nguyên là chiến tranh ở vùng ĐNA sẽ không đi tới tại vì ảnh hưởng về kinh tế, về xã hội của Trung cộng và nước Mỹ đã dính liền với nhau rất là nhiều, đưa đến chiến tranh thì rất là khó. Thể nào cũng đưa ra giải pháp yên ổn (tiếng Mỹ gọi là “peaceful solution”) nhưng với một điều kiện là quân đội Hoa Kỳ phải có mặt ở đó. Bây giờ Nguyên cũng thấy chính phủ VN và chính phủ Hoa Kỳ đã từ từ bắt tay lại, hợp tác với nhau rất là nhiều.
Hòa Ái: Xin được cảm ơn ông dành thời gian chia sẻ với quý khán thính giả của đài.