Quyền sở hữu hạn chế
Ngày 12/4 vừa qua, Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam có đề nghị một thay đổi trong luật đất đai sửa đổi, đó là Quyền sở hữu hạn chế cho người sử dụng đất.
Báo Đại đoàn kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận tổ quốc đã có bài tường thuật lại hội nghị góp ý kiến về luật đất đai sửa đổi do Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc tiến hành hồi ngày 12 tháng 4 vừa qua. Theo đó thì mọi người tham gia đều đồng thuận ở nguyên tắc đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Tuy vậy những người tham gia hội nghị lại cho rằng có những bất cập trong thi hành, trong việc ban hành những văn bảng dưới luật nên cần phải sửa đổi.
Có hai ý kiến đáng lưu ý. Khi bàn về việc thu hồi đất Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ nhiệm hội đồng tư vấn về khoa học và giáo dục, nêu ra ý kiến rằng hiện nay, việc đền bù giá đất cũng chưa có chế tài thực hiện cụ thể. Trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ghi rõ: “Nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng không thể hiểu đâu là giá trị trường, trong khi đó tính chất thị trường ngầm tương đối nhiều. Theo ông, chúng ta phải có quy hoạch tốt rồi mới tổ chức đấu giá. Nếu vì mục đích kinh doanh thương mại thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân.”
Nếu mặt trận tổ quốc đứng về phía nhân dân thì phải đề nghị công nhận đa sở hữu, tức là nhà nước, tập thể và tư nhân. <br/> -Ô. Lê Hiếu Đằng
Giáo sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật thì cho rằng ông tán thành quan điểm đất đai là thuộc sở hữu toàn dân nhưng mà phải thêm người sử dụng đất có quyền sở hữu hạn chế. Từ việc công nhận sở hữu hạn chế về đất đai thì lúc đó mới tính đến vấn đề bồi thường.
Chúng tôi trao đổi hai điều trên đây với luật gia Lê Hiếu Đằng, phó chủ nhiệm hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật. Ông Đằng nói ông chưa đọc bài báo trên, tuy nhiên ông cho rằng:
“Nếu mặt trận tổ quốc đứng về phía nhân dân thì phải đề nghị công nhận đa sở hữu, tức là nhà nước, tập thể và tư nhân, nước nào cũng vậy. Khi đó thì vấn đề thu hồi không còn tồn tại nữa, vì kinh tế là thuận mua vừa bán thôi.”
Đề nghị của ông Nguyễn Lân Dũng trong hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc trùng hợp với ý kiến trong cuộc họp chuyên đề Hiến pháp của Chính phủ trước đó là sẽ bỏ việc thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Khi nói về việc này ông Đằng nói:
“Cái việc mà người dân phải ly hương, bị cướp đất là do đâu? Do cái sở hữu tòan dân, các cấp chính quyền thu hồi đất vô tội vạ. Anh đứng về nhà giàu, về phía nhà đầu tư để ép dân mà thu hồi đất.”
Khi trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng có phải những đề nghị trên kia là một sự tiến bộ, đi từ chỗ hoàn toàn không công nhận sở hữu tư nhân về đất đai đến một sở hữu hạn chế? Ông Đằng nói:
“Tôi cho là họ rón rén, không đặt vấn đề một cách triệt để, cũng là một tiến bộ nhưng sở hữu hạn chế là như thế nào, đó chỉ làm thành kẻ hở cho nhà nước.”
Thay đổi thực chất?
Cho rằng những tiến bộ này nằm trong sự tiến bộ về quyền con người nói chung, kỹ sư Lê Thăng Long thành viên của tổ chức Con đường Việt Nam chủ trương đấu tranh cho nhân quyền bên trong Việt Nam cũng cho rằng:
“Tôi cho đây là điều tiến bộ, có thể đi từ những diễn biến trong thời gian vừa rồi, tác động của nhiều giới trong xã hội về quyền con người, về dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống.”
Tuy vậy, khi điểm qua những biến chuyển chính trị xã hội vừa qua, ông Lê Thăng Long dè dặt:
“Tôi không biết sự thay đổi có thực chất hay chưa. Nếu muốn thay đổi thì các nhà lãnh đạo đảng phải tự tin hơn nữa trong cách hành xử của mình.”
Đánh giá chung về đề nghị của mặt trận tổ quốc ông Đằng nói:
Tôi không biết sự thay đổi có thực chất hay chưa. Nếu muốn thay đổi thì các nhà lãnh đạo đảng phải tự tin hơn nữa trong cách hành xử của mình. <br/> -Lê Thăng Long
“Mặt trận Tổ quốc nằm trong hệ thống chính trị của nhà nước hiện nay, nó không phải thuộc về xã hội dân sự, không độc lập đối với đảng và nhà nước, tôi ở trong đó nhiều năm tôi biết, chỉ đặt vấn đề dè dặt mà thôi, mọi thứ đều theo quan điểm của đảng và nhà nước.”
Và như vậy có thể là vấn đề có thay đổi hay không nằm ở đảng cộng sản chứ không phải là những kiến nghị dè dặt của mặt trận tổ quốc như ông Đằng nói.
Khi xem xét tổ chức của mặt trận tổ quốc, chúng tôi phát hiện thêm rằng đảng cộng sản cũng là một thành viên của mặt trận này. Như vậy các cấu trúc chính trị Việt Nam chồng chéo lên nhau một cách khó hiểu. Nó cũng khó hiểu như công thức trong quản lý đất đai, trong đó, nhân dân là chủ sở hữu, nhà nước là đại diện chủ sở hữu có chức năng quản lý, từng người dân riêng lẽ thì không phải là chủ. Nay công thức ấy lại được đề nghị bởi mặt trận tổ quốc thêm một chút sở hữu hạn chế.
Một thành viên khác dự hội nghị là ông Nguyễn Túc, chủ nhiệm hội đồng tư vấn về văn hóa, nêu lên một nhu cầu là cần giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa Nhà nước - đại diện chủ sở hữu về đất đai với người sử dụng đất.
Như vậy, trong cuộc hội nghị ngày 12 tháng tư vừa qua các vị thành viên của mặt trận tổ quốc đi tìm kiếm một điều gì đó để hiểu cái công thức khó hiểu ấy. Và hình như các tiến bộ về quyền con người trong đó có quyền sỡ hữu về đất đai còn xa.