Vậy tình hình ở Fukushima hiện nay có khác gì so với Chernobyl? Ngoài ra mức phóng xạ từ Nhật lan sang Việt Nam ra sao?
Cùng thang độ nhưng khác mức nguy hiểm
Gia Minh nêu những vấn đề đó ra với tiến sĩ Trịnh Văn Giáp, trưởng Viện Khoa học- Kỹ thuật Hạt nhân Việt Nam ở Hà Nội, và được ông giải thích như sau:
Với thang độ mới thì tình hình trầm trọng hơn so với trước rồi. Việc tăng thang độ lên có nghĩa là mức phát tán phóng xạ tăng lên. Theo tôi, cùng là thang độ 7, nhưng những sự cố khác nhau sẽ có những mức độ nguy hiểm khác nhau. Ví dụ sự cố Chernobyl cũng ở mức 7, và bây giờ Fukushima cũng mức 7; nhưng theo tôi khác nhau.
Gia Minh: Vậy ông có thể cho biết sự khác nhau giữa nhà máy điện nguyên tử Chernobyl và nhà máy điện nguyên tử Fukushima?
Tiến sĩ Trịnh Văn Giáp: Vụ Chernobyl là một vụ nổ mà toàn bộ sản phẩm phân hạch cũng như các chất phóng xạ trong lò bị tung ra ngoài rồi. Còn sự cố tại Fukushima hiện nay chỉ mới rò rỉ phóng xạ ra thôi chứ chưa phải là một vụ nổ, cho nên các sản phẩm phân hạch và các chất phóng xạ phát tán ra không thể như Chernobyl được. Người ta cho rằng mức độ thoát phóng xạ của Fukushima chỉ bằng 10% của Chernobyl thôi. Dù được đưa vào cấp 7 nhưng có khác nhau.
Gia Minh: Sự khác nhau đó cũng còn do thiết kế và công nghệ hai nhà máy khác nhau không?
Tiến sĩ Trịnh Văn Giáp: Không. Theo tôi người ta đưa vào cấp 7 là về mức độ phóng xạ phát tán ra môi trường chứ không phải vấn đề thiết kế và công nghệ. Thang nguy hiểm nói đến mức độ nguy hiểm tác động đến con người; chứ không phải nói đến vấn đề công nghệ.
Gia Minh: Về vấn đề phát tán phóng xạ, trong những ngày qua tại Việt Nam có thông tin phóng xạ đã lan đến, và tại Hà Nội có phát hiện được phóng xạ trong lá cây; rồi lại có tin đồn phóng xạ trong nước biển ở miền Trung. Ông thấy ra sao?
Tiến sĩ Trịnh Văn Giáp: Chúng tôi là đơn vị đo trực tiếp nên có phát hiện một số đồng vị nhân tạo, có thể phát ra từ Fukushima như I-131, Cs-137, Cs-134 trong không khí.
Trong lá cây thì qua sự cố Chernobyl vẫn phát hiện được đến nay, vì chu kỳ của Cs-137 đến 30 năm. Cs-134 thì phát hiện được hồi sự cố Chernobyl, còn không phát hiện được nữa trong cây trồng cho đến khi xảy ra sự cố Fukushima. Như vậy, Cs-137 và Cs-134 phát hiện mới đây là từ Fukushima đến Việt Nam. Tuy nhiên hàm lượng nhỏ lắm.
Ngoài ra như vừa qua chúng tôi có phát hiện một số đồng vị phóng xạ trong không khí nhưng nay đã giảm đi rất nhiều rồi. Kết qủa ngày hôm nay đã được công bố trên trang web của Bộ Khoa học-Công nghệ. Những đồng vị phóng xạ Cs-134, Cs-137, I-131 đo được tại các trạm ở phiá Bắc và phiá Nam đều giảm.
Trong nước biển, một số đơn vị phía Nam trong thời gian gần đây có phân tích và phát hiện một số đồng vị phóng xạ nhân tạo, nhưng hàm lượng rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng đến con người hầu như không đáng kể.
Gia Minh: Cục Quản lý Môi trường Y tế, thuộc Bộ Y tế Việt Nam, hôm nay cho biết kế hoạch cung cấp Kali Iốt cho người dân để chống nhiễm phóng xạ thì thế nào?
Tiến sĩ Trịnh Văn Giáp: Bản thân tôi chưa được nghe chính thức đến kế hoạch đó; nhưng theo tôi không nên vì hiện tại theo những số liệu mà chúng tôi đo đạc được, không nhất thiết khuyến cáo dân uống. Vấn đề này tuỳ thuộc vào mức độ các đồng vị phóng xạ đó trong môi trường.
Gia Minh: Sự phối hợp giữa cơ quan đo đạc phóng xạ và những cơ quan khác để có khuyến cáo chính xác không làm người dân hoang mang được thực hiện thế nào?
Tiến sĩ Trịnh Văn Giáp: Đúng thế, mỗi ngày sau khi đo mức độ phóng xạ xong, chúng tôi đều báo cáo lên cấp trên là Viện Nguyên tử Việt Nam, tại đó có một ban xem xét để công bố số liệu đó, rôi đưa lên các trang web của Bộ Khoa học- Công nghệ. Tất nhiên, cơ quan chuyên môn chúng tôi đánh giá hàm lượng và mức độ nguy hiểm thế nào; sau đó thông tin trên các trang web của Bộ Khoa học- Công nghệ; rồi báo chí hỏi thông tin, tôi giải thích.
Gia Minh: Cám ơn ông.
Theo dòng thời sự:
- Fukushima một Chernobyl thứ 2?
- Việt Nam xúc tiến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
- Trung Quốc sẽ xây nhà máy điện hạt nhân gần Việt Nam
- Vấn đề an toàn nhà máy điện hạt nhân
- Kinh nghiệm sau vụ nổ ở lò phản ứng hạt nhân ở Nhật
- Bài học cho VN từ sự cố Fukushima
- Mức phóng xạ vụ Fukushima không nhiều như vụ Chernobyl
- Ứng dụng của hạt nhân