Tình trạng lão hóa cây trồng
Niên vụ mới 2012/2013 được tính từ đầu tháng này. Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, cà phê của Việt Nam trong vụ thu hoạch này có khả năng sẽ giảm khoảng 15 - 20% sản lượng. Một trong những lý do được đưa ra là thời tiết có nhiều thay đổi bất lợi. Cây cà phê thường chịu tác động rất lớn từ môi trường khí hậu, trời nắng quá hoặc mưa nhiều thì đều gây ảnh hưởng xấu cho cây cà phê. Một người dân trồng cà phê vùng Đak Lak giải thích như sau:
Nói chung là mưa nhiều quá hay nắng nhiều quá đều không tốt. Ví dụ trong một năm 12 tháng, cây cà phê cần cỡ khoảng từ 2 – 3 tháng khô hanh để phân hóa mầm hoa. Sau khi phân hóa mầm hoa xong, có một lượng mưa vào để bung hoa. Lúc này có một lượng mưa đều nuôi hoa tạo quả thì càng tốt. Nhưng mưa nhiều quá thì cũng không tốt, mà nắng nhiều thì cũng không tốt. Đây là yêu cầu sinh lý của cây cà phê.
Diện tích có cây cà phê từ 25 – 35 tuổi chiếm 80 ngàn héc ta. Đa phần cây cà phê đã qua thời kỳ sung sức, và thậm chí là thời kỳ cuối rồi.<br/>Tiến sĩ Phan Huy Thông
Tuy nhiên, điều kiện thời tiết của chúng ta thì không phải lúc nào cũng đáp ứng được yêu cầu này. Thời tiết năm nay, ở một góc độ nào đó thì khó.
Ngoài thời tiết, nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến sản lượng cà phê bị sụt giảm là số lượng cây cà phê bị già cỗi ngày càng tăng. Cây cà phê ở Tây nguyên đang bước vào thời kỳ lão hóa. Diện tích cây cần phải được nhổ bỏ thay thế là không nhỏ, theo Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là:
Một cách khái quát là như thế này. Hiện nay, trong số hơn 500 ngàn héc ta cà phê của Việt Nam đang có thì diện tích được trồng từ những năm 80 cho đến những năm 90, cách đây khoảng từ 20 – 30 năm, là chiếm độ khoảng 120 – 140 ngàn héc ta. Đây là loại cà phê từ 20 – 30 tuổi, chiếm ¼ tổng số.
Diện tích có cây cà phê từ 25 – 35 tuổi chiếm 80 ngàn héc ta. Đương nhiên là theo chu kỳ cây cà phê tối đa là đến 25 năm thôi. Đa phần cây cà phê đã qua thời kỳ sung sức, và thậm chí là thời kỳ cuối rồi.
Để phát triển bền vững, cây cà phê tại Việt Nam cần có đề án quy hoạch cụ thể. Các cơ quan trung ương và địa phương đang tìm cách tái canh lại diện tích cà phê này. Tuy nhiên, để thực hiện việc trẻ hóa cây trồng không hề đơn giản. Với diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ lớn như vậy, nếu nóng vội tái canh mà thiếu bước chuẩn bị; sẽ khiến sản lượng cà phê trong nước nhanh chóng sụt giảm, đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, biện pháp khắc phục là như sau:
Những vườn nào còn trẻ mà chăm sóc kém nhưng bộ rễ còn tốt thì sẽ ghép cải tạo. Còn đa số là phải tái canh, tức là trồng lại. Nghĩa là nhổ cây cũ lên rồi trồng cây cà phê mới, nhưng phải áp dụng biện pháp luân canh. Nhổ lên trồng lại cây khác trong vòng 2 năm, biện pháp này sẽ làm giảm mật độ tuyến trùng trong đất. Chi phí cho việc tái canh này là trong 3 năm, hết 120 triệu/héc ta, nhưng đến năm thứ ba là đã có thu bói rồi.
Định hướng phát triển
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới với sản lượng hàng năm trên 1 triệu tấn nhưng chủ yếu là cà phê vối (robusta). Trong khi đó, cà phê chè (arabica) được đánh giá cao hơn cà phê vối vì có hương vị thơm ngon và chứa ít hàm lượng caffeine hơn. Đồng thời, cà phê chè có giá trị kinh tế cao hơn cà phê vối. Trên thị trường xuất khẩu, sản phẩm cà phê chè đã xuất hiện tình trạng cung không đủ cầu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 3 năm qua (2009 – 2011), giá cà phê chè tăng lên gần gấp đôi.
Nhưng nhược điểm của cà phê chè khiến nhiều người ngại trồng là khả năng kháng sâu bệnh kém. Trong nhiều năm qua, sâu đục thân và bệnh rỉ sắt đã từng tàn phá nhiều nương cà phê chè lớn. Giải thích về thực tế cà phê vối được trồng nhiều hơn cà phê chè, Tiến sĩ Lê Ngọc Báu cho biết:
Bởi vì phần lớn điều kiện sinh thái của Việt Nam là phù hợp với cà phê vối. Muốn trồng cà phê chè, ở miền Nam này phải trồng ở đất có độ cao so với mặt nước biển trên 800m. Chủ yếu là ở vùng đất có độ cao như vậy thì nhiệt độ khí hậu sẽ thấp.
Đồng thời dân mình không có thói quen trồng cà phê chè; nào là thu hoạch vào mùa khô, mất nhiều công sức, rồi chế biến ướt… Chứ thật ra cà phê chè vẫn hiệu quả hơn.
Cà phê chè chế biến đúng quy cách mới có giá trị cao, còn chế biến khô thì không đạt chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, hầu hết các hộ dân trồng cà phê chè lại không có khả năng đầu tư hệ thống chế biến có quy mô thích hợp. Sản phẩm làm ra được bán dưới dạng quả tươi ngay sau khi thu hoạch, thường bị thương lái ép giá. Đặc biệt là những vùng giao thông khó khăn, người dân chỉ bán được giá bằng 2/3 giá thị trường.
Định hướng là sẽ mở rộng diện tích cà phê chè đến khoảng từ 7 – 8% diện tích trồng trên toàn quốc. Tập trung chính là ở vùng Tây Bắc của Việt Nam và một số vùng thuộc Lâm Đồng, Kom Tum. <br/>Tiến sĩ Phan Huy Thông
Về định hướng phát triển của cây cà phê Việt Nam trong tương lai, Tiến sĩ Phan Huy Thông cho biết như sau:
Bộ Nông nghiệp mới phê duyệt phát triển cà phê đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Định hướng lớn nhất là không mở rộng diện tích trồng cà phê so với hiện nay, tức là giữ đến năm 2020 là khoảng độ 500 ngàn héc ta. Các diện tích cà phê mà bây giờ đang già cỗi, thì một số trồng lại được; một số sẽ không trồng lại được thì phải chuyển cây khác. Chỉ tập trung cho những vùng đất thực sự tốt và phù hợp cho cây cà phê.
Thứ hai là một số diện tích trước đây dân trồng tự phát, nhất là thuộc giai đoạn cuối thập kỷ 90 đến đầu thập kỷ 2000, thời điểm giá cà phê lên cao thì người dân phát triển ồ ạt. Họ trồng trên những vùng đất không phù hợp, từ nay cho đến cuối chu kỳ này thì sẽ không trồng lại nữa.Về cơ cấu loại cà phê. Hiện nay, cà phê vối ở Việt Nam vẫn là chủ lực. Cà phê chè chỉ có sấp xỉ 40 ngàn héc ta, chiếm khoảng 3% diện tích. Định hướng là sẽ mở rộng diện tích cà phê chè đến khoảng từ 7 – 8% diện tích trồng trên toàn quốc. Tập trung chính là ở vùng Tây Bắc của Việt Nam và một số vùng thuộc Lâm Đồng, Kom Tum.
Việc thực hiện tái canh cũng là một cơ hội phát triển diện tích cà phê chè. Tránh những tổn thất trong tương lai, ngay từ niên vụ này, ngành cà phê nên nhanh chóng có những bước chuyển mình cần thiết. Nếu các biện pháp cải thiện năng suất và chất lượng triển khai không kịp thời, thì trong vòng 5-10 năm tới, Việt Nam sẽ mất vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê trên thế giới.
Theo dòng thời sự:
- Nông dân cà phê lên đời nhờ cạnh tranh
- Việt Nam mất khách hàng cà phê do giá cao
- Tại sao các đại gia cà phê vỡ nợ?
- Việt Nam cung cấp cà phê cho Trung Quốc nhiều nhất
- VN đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê
- Mua tạm trữ cà phê quá nhiều dấu hỏi
- Nông dân không có lợi trong kế hoạch mua trữ cà phê
- Các cty Việt Nam sẽ trữ khoảng 200.000 tấn cà phê
- Cà phê ở Việt Nam mất giá, tồn đọng lớn
- Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê số một thế giới
- VN là nhà xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới