Việt Nam sản xuất máy phân loại rác tự động

0:00 / 0:00

Có một kỹ sư trong nước đã bỏ công nghiên cứu đưa vào sử dụng một loại máy phân loại các thứ rác thải để có thể tái chế hiệu quả được dễ dàng và hữu hiệu hơn. Đó là kỹ sư Lại Minh Chức với chiếc máy phân loại rác tự động thân thiện môi trường hiện đang được sử dụng tại tỉnh Hà Nam.

Điều khiển từ xa

Vào đầu tháng 9 vừa qua, kỹ sư Lại Minh Chức, giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ môi trường xây dựng Hà Nội trình chính phủ về chiếc máy phân loại rác tự động mà ông đã bỏ công nghiên cứu, thiết kế suốt thời gian năm năm qua.

Sau ba lần thử nghiệm, nay chiếc máy được đưa vào sử dụng tại nhà máy rác tỉnh Hà Nam. Đây là tỉnh mà Hội đồng của Sở Khoa học- Công nghệ đã có đánh giá xuất sắc đối với tổ hợp thiết bị phân loại rác thải bằng công nghệ tự động điều khiển từ xa do kỹ sư Lại Minh Chức làm ra.

Ông Nguyễn Văn Út, chánh văn phòng Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Hà Nam nói về tổ hợp máy đó như sau:

"Hội đồng của Liên hiệp hội Khoa học đã có đánh giá và đưa đi tham gia Hội thi sáng tạo toàn quốc. Tỉnh đã có đánh giá và cho chạy thử tại khu bãi rác của tỉnh. Hiệu quả các mặt đều tốt: tiết kiệm năng lượng con người, trước đây mất mất chục người trực tiếp, lao động và nó phân được rác, tiết kiệm được điện…"

Bản thân ông Lại Minh Chức cho biết về cơ cấu chế tạo của chiếc máy phân loại rác tự động mà ông Nguyễn Văn Út, chánh văn phòng Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Hà Nam vừa đưa ra một số đánh giá như sau:

"Cơ cấu của máy là một tổ hợp 18 thiết bị điện thành phần chạy bằng động cơ điện, được tích hợp trong một ‘hộp’ như một container 50 mét khối. Có một đường dẫn rác vào và sáu đường ra. Quá trình sau khi rác vào được chạy tự động hết. Máy được điều khiển bằng quá trình tích hợp kỹ thuật số, điều khiển từ xa. Toàn bộ quá trình chạy được đưa lên mạng Internet, để từ xa có thể theo dõi và điều khiển gián tiếp quá trình đó. Máy không cần người điều khiển trực tiếp nên được đặt trong một nhà kính. Rác nhập về cũng đổ trong nhà kính đó và máy tự động phân loại ra được tám đầu ra nhưng gộp lại thành 5 đầu ra.

<br/>Toàn bộ quá trình chạy được đưa lên mạng Internet, để từ xa có thể theo dõi và điều khiển gián tiếp quá trình đó. Máy không cần người điều khiển trực tiếp nên được đặt trong một nhà kính.<br/>-Kỹ sư Lại Minh Chức

Cơ chế của máy tôi phải mất năm năm qua bốn lần chế tạo máy với công suất trên 100 tấn/ngày, tức 5-7 tấn/giờ.Cái này khó hình dung vì chưa có tiền lệ trên thế giới. Tại một vài nước công nghiệp phát triển trên thế giới có công nghệ phân loại xử lý rác, họ cũng có công nghệ phân loại rác tự động nhưng trên cơ sở xử lý rác đã được phân loại 3R tại nguồn rồi. Chứ những nước chưa có văn hóa phân loại 3R tại nguồn thì hầu như chưa có công nghệ. Đây là tổ hợp máy đầu tiên điều khiển bằng công nghệ cao."

Có thể nói công dụng được đánh giá cao của chiếc máy là chức năng phân các loại rác khác nhau ra. Đây là họat động mà lâu nay Việt Nam cũng nói đến và tiến hành với một số dự án có sự hỗ trợ của nước ngòai như phân loại rác tại nguồn, từ đó giúp cho công tác tái chế được dễ dàng và hiệu quả. Thế nhưng mong muốn đó vẫn chưa thể thực hiện được như ý.
Chức năng này có thể thực hiện khá tốt với chiếc máy do kỹ sư Lại Minh Chức chế tạo ra. Ông nói về họat động phân loại đó của máy như sau:

"Đặc điểm rác chưa phân loại tại nguồn ở Việt Nam rất phức tạp; cộng với những tiêu cực trong thu gom, thiếu trách nhiệm trong xả thải từ đó rác thải ở Việt Nam rất hỗn độn. Rác thải sinh họat thường chỉ chiếm từ 40-70% , còn lại là rác thải y tế, rác thải công nghiệp và đô thị cộng với rác thải xây dựng nữa. Thành ra đòi hỏi quá trình phân loại phải có cơ chế rất đặc biệt. Trong trường hợp, rác thải xây dựng lẫn vào đến 30-40% máy vẫn phân loại được."

Xử lý rác thải

Ni lông từ rác thải đang được tái chế thủ công tại tỉnh Hà Tây. AFP photo
Ni lông từ rác thải đang được tái chế thủ công tại tỉnh Hà Tây. AFP photo (Ni lông từ rác thải đang được tái chế thủ công tại tỉnh Hà Tây. AFP photo)

Máy phân loại các thứ rác ra sau đó được đưa đi để tái chế, tái sử dụng theo những cách thức và công nghệ sẵn có. Họat động này được kỹ sư Lại Minh Chức giải trình như sau:

"Xử lý rác thải thực chất là quá trình tái chế, tái sử dụng,hoặc chôn lấp; tuy nhiên muốn làm gì thì làm phải phân loại ra đã. Máy của tôi có thể phân loại thứ nhất toàn bộ nylong màng mỏng, máy có thể thu được từ 80-90% có thể tái chế được. Số này được bán đi cho người ta tái chế. Còn nếu muốn làm mùn hữu cơ sinh học thì phải tách hết cát sạn ra. Máy có thể tách thải sạn ra ngòai, tách thủy tinh ra. Như thế phần hữu cơ có thể sử dụng biện pháp hiếm khí hay yếu khí để lấy gas hay phân compost là tùy. Những thứ còn lại không dùng được chỉ có thể đốt hay chôn lấp thôi thì tôi khuyến cáo nếu có điều kiện lò đốt bảo đảm an toàn môi trường thì đốt để thu hồi nhiệt, vì chúng là những thứ có giá trị nhiệt rất cao. Nếu lò đốt không đạt thì có thể chôn lấp nhưng không cần theo quá trình chôn lấp phải có lớp HDPE ở dưới và đậy lên trên. Còn các loại đá, sỏi, chai lọ, nhôm nhựa, sắt thép và những vật liệu thô như cục gạch, cục đá và những loại vật liệu thô ra một đường. Nêu hầu như có thể thu hồi tất cả 100% chai lọ nhựa, nhôm, sắt thép. Còn cát, sạn, sỏi đá ra một đường có thể mang đi chôn lấp. Hiện nay vật liệu xây dựng phá dỡ hiện nay ở Việt nam mỗi ngày thải ra hằng triệu tấn.

Các công nghệ tái chế có sẵn rồi, vấn đề làm sao phân loại được mà thôi. Nếu phân loại được ra thì chúng phù hợp cho các loại công nghệ tái chế rồi."

Theo kỹ sư Lại Minh Chức tổ hợp thiết bị phân loại rác do bản thân ông nghiên cứu ra được là quá trình tích lũy những nghiên cứu từ các công trình đã có lâu na trên khắp thế giới. Ông nói về điều này:

Các công nghệ tái chế có sẵn rồi, vấn đề làm sao phân loại được mà thôi. Nếu phân loại được ra thì chúng phù hợp cho các loại công nghệ tái chế rồi.<br/>-Kỹ sư Lại Minh Chức <br/>

"Trước hết tôi công tác tại Viện Kiến trúc Nhiệt đới, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tôi là giám đốc một trung tâm khoa học, tôi say mê trong lĩnh vực này. Tôi nghiên cứu hầu như tất cả các công nghệ xử lý rác trên thế giới, đặc biệt những công nghệ thế giới đã nhập vào Việt Nam. Từ đó tôi rút ra một kết luận đơn giản: muốn xử lý rác thải tổng hợp thì chìa khóa then chốt để mở là phải phân loại rác. Đã phân loại rồi thì thành nguyên liệu. Thành nguyên liệu rồi thì rất đơn giản."

Giá thành của một sản phẩm vẫn là vấn đề lớn tại Việt Nam. Theo kỹ sư Lại Minh Chức thì tổ hợp thiết bị phân loại rác tự động từ xa của ông chủ yếu tận dụng các loại nguyên vật liệu có sẵn trong nước, chỉ những bộ phận đặc biệt mới phải nhập mà thôi. Ông cho biết:

"Chỉ mỗi hộp tích hợp lập trình kỹ thuật số PLC là thiết bị ‘logo’ của hãng Siemen, rồi các thiết bị giám sát camera kỹ thuật số, đầu thu hình kỹ thuật số là nhập khẩu, còn tất cả các thứ là trong nước. Nhưng tất nhiên, vòng bi là của Trung Quốc rồi. Động cơ mới cũ trong ngòai nước đều có sẵn. Hiện nay tôi có thể mua 100% thiết bị từ các tỉnh ở Việt Nam."

Cần Nhà nước hỗ trợ

Máy xử lí rác tự động cho phép loại bỏ rác thải cá biệt bằng thiết bị điều khiển từ xa.
Máy xử lí rác tự động cho phép loại bỏ rác thải cá biệt bằng thiết bị điều khiển từ xa. (Máy xử lí rác tự động cho phép loại bỏ rác thải cá biệt bằng thiết bị điều khiển từ xa. )

Mong muốn của người sản xuất như kỹ sư Lại Minh Chức là đuợc sự hỗ trợ tài chính hữu hiệu từ Nhà Nước. Ông cho biết lâu nay phải bán cả tài sản gia đình để có thể theo đuổi họat động nghiên cứu để đưa ra loại máy tự động phân loại rác mà hai tháng qua đã chạy tại nhà máy rác tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, về lâu về dài một sự hỗ trợ từ Nhà Nước vẫn là cấp thiết:

"Tôi là giám đốc của đơn vị có thể liên kết với nhiều đơn vị trong và ngòai nước, nguyện vọng của chúng tôi là có thể chế tạo những thiết bị với chất lượng cao. Vì vốn ít thì không thể chế tạo những thiết bị chất lượng cao được nhằm phục vụ trong nước và xuất khẩu."

Trong thực tế, đối với một sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu thiết thực trong công tác xử lý nguồn rác thải mỗi ngày, nhiều địa phương trên cả nước đã có đặt vấn đề với kỹ sư Lại Minh Chức như chia sẻ của ông sau đây:

"Từ tháng 10 năm 2010, nhiều đơn vị đến đây đều phấn khởi, họ cùng chúng tôi có nhận xét chung do điều kiện tài chính thiếu nên chưa đủ tiêu chuẩn đi vào họat động. Lý do cần inox nhưng chỉ làm bằng thép thường, cần tôn dày nhưng chỉ làm tôn mỏng, cần vòng bi, động cơ tốt nhưng phải dùng loại cũ… Vừa rồi Bộ Khoa học- Công nghệ có hỗ trợ nhưng tiền về chậm nên làm chất lượng chưa cao lắm…"

Kỹ sư Lại Minh Chức cho biết sản phẩm đã được hình thành và đưa vào thử nghiệm từ tháng 10 năm 2010 đến nay. Thành quả ban đầu đang được ghi nhận tại tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, những trở ngại như ông vừa trình bày chỉ có thể vượt qua với sự tận tình hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà Nước. Hỗ trợ không chỉ về tài chính mà còn về lĩnh vực khoa học để sản phẩm có thể hòan chỉnh và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu xã hội.