Lợi bất cập hại
Với tình trạng vỡ đê hàng loạt trong mùa lũ năm nay, nhiều ý kiến cho rằng nên phá bỏ đê bao và chỉ làm hai vụ lúa một năm.
Ý tưởng về đê bao khép kín để chống lũ và canh tác ngay trong mùa nước nổi được thực hiện đầu tiên ở vùng Chợ Mới tỉnh An Giang vào năm 1995. Từ những ô bao vài ngàn héc-ta ở Huyện Chợ Mới, 10 năm sau tức thời điểm 2005 vùng đồng bằng sông Cửu Long đã dày dặc đê bao với diện tích canh tác bên trong các ô bao khép kín là 300.000 ha. Chúng tôi không có số liệu cập nhật sau 2005, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng đã gia tăng nhiều vì hệ thống đê bao khép kín đã vươn ra khỏi hai địa phương nhiều đê bao nhất là An Giang Đồng Tháp tiến xa tận Cần Thơ, Tiền Giang, Long An vùng gần Đồng Tháp Mười.
Nếu đê bao khép kín không mang lại lợi ích thì tại sao lại được phát triển nhiều đến vậy ở đồng bằng sông Cửu Long. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm khoa quản lý môi trường và tài nguyên Đại học Cần Thơ nhận định:
“Chẳng qua là người dân thấy cái lợi ích trước mắt, khi mà phát triển được ba vụ thì năng suất lúa sẽ thêm và hy vọng thêm thu nhập. Nhưng mà xét cho kỹ về mặt môi trường và phát triển bền vững thì cơ cấu đê bao khép kín như vậy thì không đạt hiệu quả, phải nói thẳng như thế.
Nhưng mà xét cho kỹ về mặt môi trường và phát triển bền vững thì cơ cấu đê bao khép kín như vậy thì không đạt hiệu quả, phải nói thẳng như thế.
PGS-TS Nguyễn Hữu Chiếm
Khi khép kín như vậy thì trong những năm đầu tiên vì đất còn màu mỡ cho nên có khả năng cho năng suất, nhưng về lâu dài 5-7-10 năm thì một số nông dân đã thấy được cái đê bao khép kín không mang lại hiệu quả tốt hơn và cá không còn, mùa lũ cá không vào được. Thứ hai nữa các thứ phân bón, thuốc trừ sâu không được thoát đi mà tồn đọng trong đất vùng lúa ba vụ nằm trong đê bao.
Nguy hiểm hơn nữa lũ lớn như năm nay, hệ thống đê bao có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, cụ thể năm nay hàng chục ngàn héc ta của An Giang Đồng Tháp đang bị vỡ.”
Thay đổi môi trường tự nhiên
Ngay từ năm 2005, nông dân Chợ Mới tỉnh An Giang vùng đầu nguồn sông Cửu Long đã thấm thía tình trạng đê bao khép kín lâu ngày không có lũ tẩy rửa đồng ruộng và bồi đắp phù sa, dẫn tới tăng chi phí phân bón và thuốc trừ sâu. Bên trong ô bao, vụ ba tưởng là kiếm thêm, ai ngờ năng suất hai vụ chính là đông xuân và hè thu lại giảm đến 1/3. Một người dân ở Long Xuyên phát biểu với chúng tôi:
“Theo tôi thì không nên làm đê bao, hồi xưa trước năm 1990 không có đê bao thì nguồn lợi thủy sản rất là phong phú nó có chỗ là nơi sinh sản các loài cá. Bây giờ mình làm đê bao khép kín càng kiên cố hơn thì nguồn lợi thủy sản không có, ngược lại lúa thóc cũng không đạt kết quả. Bởi vì phù sa không bồi lắng trên vùng đất, anh làm càng khép kín thì vùng đất càng bị cằn cỗi thêm, càng tốn kém nhiều phân thuốc, không có lợi cho người dân. Khi nước lên nghỉ làm lúa thì giăng câu làm cá đặt lợp cũng được đâu có mất mát gì. Chỉ nên làm hai vụ thôi.”
Một người trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long mô tả với chúng tôi về cách làm lúa bên trong những đê bao khép kín trong một thập niên vừa qua. Ông nói:
“Làm một năm ba vụ, nhưng không có tính năm nữa cứ cắt lúa xong là cày ải vùi rơm rạ xuống rồi tiếp tục gieo sạ nữa. Có thể hơn ba vụ như Sóc Trăng, Bạc Liêu họ không biết là mấy vụ nữa. Tính kỹ lại thì nếu anh làm ba vụ thì năm đầu tiên năng suất cao, năm kế giảm lại rồi đến năm thứ ba cộng năng suất của ba vụ chỉ bằng hai vụ lúa trong năm trước kia thôi.”
Bây giờ mình làm đê bao khép kín càng kiên cố hơn thì nguồn lợi thủy sản không có, ngược lại lúa thóc cũng không đạt kết quả.
Một người dân Long Xuyên
PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm nói với chúng tôi là nếu phá bỏ đê bao để mùa lũ nước tràn ngập cả đồng bằng và cho ruộng đồng nghỉ dưỡng, thì ông tin rằng với hai vụ lúa đông xuân và hè thu sản lượng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ không suy giảm.
Vừa rồi là tình trạng thay đổi môi trường tự nhiên của hệ thống đê bao khép kín rộng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Đứng trước tình trạng lợi bất cập hại kéo dài đã lâu, các nhà khoa học đề nghị giải pháp cứu vãn tình hình nếu người dân và chính quyền không muốn triệt bỏ hoàn tòan hệ thống đê bao. Nam Nguyên sẽ trình bày vấn đề này trong một bài khác.