Tướng Giáp và tính chính danh của Đảng

0:00 / 0:00

Từ Quốc tang...

Đám tang của đại tướng Võ Nguyên Giáp là một đám tang lớn nhất trong mấy mươi năm nay tại Việt Nam. Đặc biệt là những người cầm quyền cũng ra sức tổ chức đám tang ấy một cách long trọng, dù rằng Đại tướng quá cố được cho là đã chẳng có quyền hành gì từ rất lâu nay.

Tuần lễ quốc tang đã kết thúc sau khi linh cữu đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa vào lòng đất tại quê nhà ông ở tỉnh Quảng Bình. Cái chết của vị tướng lĩnh đột nhiên làm khuấy động cuộc sống chính trị xã hội Việt Nam đang bề bộn những vấn đề đau đầu như tái cơ cấu nền kinh tế, đền bù giải tỏa đất đai, chất lượng giáo dục giảm sút…

Điều đáng ngạc nhiên là vị đại tướng lại khấy động xã hội sau khi lìa đời, sau đằng đẵng mấy mươi năm trời im lặng, mà nói như nhiều người là cặm cuội học chữ “Nhẫn” từ năm này sang tháng nọ.

Năm 1986 là mốc thời gian chính thức đánh dấu sự nghiệp chính trị của vị đại tướng Điện Biên Phủ khi tên ông bị gạt ra khỏi danh sách những con người quyền lực nhất đất nước là Ủy ban trung ương đảng, ngay từ vòng đề đạt danh sách ứng cử. Và theo một số nhà nghiên cứu thì ngay trước 1975, vai trò của tướng Giáp về cả quân sự và chính trị đã không còn quan trọng nữa, do bị lấn lướt bởi phe nhóm chính trị trong đảng cộng sản, dù ông lúc ấy vẫn mới ở vào độ tuổi 60.

Sự im lặng của vị đại tướng chỉ xôn xao một chút vào lúc gần cuối đời khi ông viết ba bức thư gửi những nhà cầm quyền Việt Nam để phản đối dự án hợp tác khai thác bauxite ở Tây nguyên, do lo ngại sự xuất hiện của người Trung quốc trên vùng lãnh thổ chiến lược của quốc gia, cũng như những hệ lụy môi trường của dự án này. Vì lý do này mà hình ảnh của đại tướng được những trí thức chống khai thác bauxite đưa lên như người dẫn đầu về tinh thần của họ. Hình ảnh ông cũng được giới trẻ nêu cao trong những cuộc xuống đường chống Trung quốc xâm lược. Và chỉ có thế! Truyền thông của nhà nước thì chỉ đưa tin ông gửi thư trong vài số báo rồi im lặng, để tiếp theo đó, đứt đoạn từng năm một, là hình ảnh ông như một cụ già có công với cách mạng về cuối đời được các cấp đảng và chính quyền chăm sóc.

Cái chết của ông không gây bất ngờ, vì ông đã qua tuổi bách niên. Nhưng dường như lại gây bất ngờ cho các đồng chí con cháu ông đang cầm quyền. Họ đã ngần ngừ một ngày trời rồi mới đưa tin ông mất. Theo Tiến sĩ Địa chất học Nguyễn Thanh Giang, một trong những người đầu tiên ký tên phản đối dự án bauxite nói rằng những người cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam đã không lường được hiệu ứng gây ra bởi cái chết của tướng Giáp:

“Sự kiện này diễn tiến với một qui mô ngoài sức tưởng tượng của những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Số người đến viếng Đại tướng tại nhà cũng như tại chổ làm lễ truy điệu quá đông.”

<br/>Đơn cử như cải cách ruộng đất, Bác Hồ không muốn làm theo lối Trung Quốc, nhưng Bộ Chính Trị quyết định làm theo lối Trung Quốc thành ra Bác Hồ cũng chịu.<br/> - Ông Đặng Văn Việt

Bên cạnh sự quan tâm này của những người dân trong nước, đặc biệt tại khu vực thủ đô Hà nội, còn có những cơ quan truyền thông quốc tế lớn đưa tin này trong vài ngày liền. Một nhân vật tưởng đâu đã lui vào bụi bặm của thời gian ở một đất nước mà chỉ có chiến tranh và thuyền nhân mới khuấy động được truyền thông quốc tế, nay lại xuất hiện trong những bài nhận định, phân tích, hồi tưởng trên khắp thế giới. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, sự quan tâm đông đảo của người dân trong nước có hai lý do:

“Theo tôi thì có những người đến vì kính trọng một vị đại tướng tài ba, có tài cầm quân mà cũng có một tầm văn hóa. Người ta đến còn vì lòng thương cảm vị đại tướng đã bị chính những đồng chí đồng đội của ông, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam trù úm, hãm hại, đày đọa ông. Người ta đến như một phản ứng lại hành động của đảng cộng sản Việt Nam là đã chơi xấu.”

Sau một ngày ngần ngừ, bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản đã mở hết công suất để đáp trả. Tướng Giáp đã được ca ngợi với tất cả những gì hoa mỹ mà kho từ vựng tiếng Việt có được. Người ta tôn ông lên làm Thánh, làm Phật, rồi người ta cùng nhau bàn luận về phong thủy của vùng đất mà gia đình ông chọn để an táng ông. Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang cho rằng:

“Người ta đã làm cái đám tang ấy to, trong đó có một phần nhỏ là cho ông Võ Nguyên Giáp, còn phần lớn là người ta lợi dụng cái uy tín của Đại tướng để tô vẽ cho công trạng của đảng cộng sản Việt Nam.”

Đến tính chính danh?

Người dân Hà Nội xếp hàng viếng tướng Giáp hôm 09/10/2013. AFP photo
Người dân Hà Nội xếp hàng viếng tướng Giáp hôm 09/10/2013. AFP photo (Người dân Hà Nội xếp hàng viếng tướng Giáp hôm 09/10/2013. AFP photo )

Trong bản tin ngày 13/10/2013 khi tướng Giáp được an táng, hãng thông tấn AFP viết rằng đám tang của Đại tướng được khai thác để đảng cộng sản vốn độc tôn cầm quyền ở Việt Nam chứng tỏ với dân chúng rằng sự cai trị của họ là chính danh.

Lý luận thường thấy của về chính danh của đảng cộng sản nằm ở chỗ họ tuyên bố rằng họ đã có công lớn trong cuộc đấu tranh chống thực dân ở thế kỷ trước, cho nên bây giờ họ phải cầm quyền, dù rằng đại đa số những người cầm quyền hiện nay chẳng liên quan gì đến cuộc chiến tranh ấy, mà chỉ cùng màu sơn mang tính đảng với thế hệ đấu tranh đó mà thôi. Nay người cuối cùng của thế hệ đó đã ra đi. Cái chết của ông ấy, và sự kính trọng của một số đông dân chúng dành cho ông ấy phải chăng là cơ hội cho cuộc đấu tranh cam go giành tính chính danh của đảng trong những năm gần đây?

Cuộc đấu tranh giành tính chính danh của đảng cộng sản Việt Nam trong thời gian qua quả thật là gay go. Nhất là khi truyền thông điện tử và xã hội phát tán mọi thông tin đến mọi ngóc ngách của đời sống. Hãy nghe ông Đặng Văn Việt, một tư lệnh chiến trường nổi tiếng trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chống thực dân Pháp, phát biểu về ảnh hưởng của Trung Quốc trong những quyết định chính trị,

“Đơn cử như cải cách ruộng đất, Bác Hồ không muốn làm theo lối Trung Quốc, nhưng Bộ Chính Trị quyết định làm theo lối Trung Quốc thành ra Bác Hồ cũng chịu.”

Quả là rất khó giải thích với người Việt nam về tính chính danh khi có những quyết định từ bên ngoài như vậy. Nhưng tính chính danh bị thách thức dữ dội nhất chính bởi những gì đang xảy ra trong xã hội Việt nam hiện tại. Những cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược bị trấn dẹp, những gia đình nông dân một thời theo Đảng nay dùng cả vũ khí để bảo vệ đất đai chống sự "giải tỏa" của cơ quan công quyền, sự nhũng lạm của giới chức cai trị đất nước không có hồi kết,…

Người ta đã làm cái đám tang ấy to, trong đó có một phần nhỏ là cho ông Võ Nguyên Giáp, còn phần lớn là người ta lợi dụng cái uy tín của Đại tướng để tô vẽ cho công trạng của đảng cộng sản Việt Nam.<br/> - Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang <br/>

Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội trí thức yêu nước TP HCM đã nói với chúng tôi về những hành vị của đảng cầm quyền liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992,

"Ý đồ của họ là vẫn tiếp tục kéo dài bất chấp những đời hỏi chính đáng của nhân dân."

Nếu bất chấp đòi hỏi chính đáng của nhân dân thì làm sao có thể mang tính chính danh?

Lịch sử các triều đại Việt Nam không hiếm những trường hợp nêu cao tính chính danh do bởi công lao của tiền nhân để nắm quyền. Nhưng công lao của Đức Trần Hưng Đạo, người Việt duy nhất hiện nay được dân gian tôn là bực Thánh, cũng không thể cứu vãn sự sụp đổ của Triều Trần do sự tham ô nhũng lạm trác táng của Trần Dụ Tông, sự yếu hèn của Trần Phế Đế…và còn nhiều bằng chứng như thế được các nhà sử học ghi lại. Thì làm sao sự ra đi của tướng Giáp, nhân vật cuối cùng của thế hệ cách mạng, lại có thể mang lại tính chính danh cho đảng cầm quyền?