Bình đẳng giới để có thể giúp phát triển bền vững là một trong những yêu cầu được đặt ra lâu nay. Công tác đó ở Việt Nam thế nào?
Nhân dịp đến dự kỳ tư vấn cấp cao khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về đề tài ‘Giống, an toàn lương thực và dinh dưỡng: bảo đảm cho nửa kia của nhân loại cơ hội bình đẳng’ tại Bangkok do ADB, FAO, và WoCan tổ chức, bà Nguyễn thị Kim Anh, quyền vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam có cuộc trả lời phỏng vấn Gia Minh về vấn đề đó.
Bình đẳng giới ở Việt Nam
Bà Nguyễn thị Kim Anh: Vấn đề về giới và an ninh lương thực là những vấn đề mà chính phủ Việt Nam rất quan tâm trong những năm gần đây; nhất là từ năm 2006 khi mà Quốc hội Việt Nam ban hành luật về bình đẳng giới. Theo đó tất cả những vấn đề về giới đều được quan tâm và thể chế hóa bằng những văn bản qui phạm pháp luật đưa ra quan điểm: khi đưa ra các văn bản nói chung đều phải lồng vấn đề về giới. Ở đây không phải vấn đề ban hành văn bản mà trong tổ chức thực hiện, cũng phải qui định vấn đề này và coi trọng vấn đề về giới.
Như quí vị đã biết, trước đây có quan điểm chưa coi trọng phụ nữ trong quá trình sản xuất và cuộc sống; nhưng theo xu thế chung và Việt Nam có 70% sống bằng nông nghiệp, và thuộc thành phần sản xuất vừa và nhỏ từ đó bình đẳng giới được coi trọng. Từ việc sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn càng phải coi trọng việc người phụ nữ tham gia vào việc sản xuất, tham gia vào tổ chức thực hiện công việc đó. Chính vì thế mà việc bình đẳng giới được coi trọng.
Không phải một lúc có thể thay đổi được nhận thức. Và không phải chỉ phụ nữ nhận rõ được quyền đó mà tất cả xã hội, nhất là nam giới phải nhận ra được vấn đề đó từ gia đình, cộng đồng và xã hội nói chung
Bà Nguyễn thị Kim Anh
Gia Minh: Dù được coi trọng qua những chính sách ban hành như thế, nhưng việc thực thi ra sao, còn có những vấn đề gì cần phải phát triển thêm nữa?
Bà Nguyễn thị Kim Anh: Không phải một lúc có thể thay đổi được nhận thức. Và không phải chỉ phụ nữ nhận rõ được quyền đó mà tất cả xã hội, nhất là nam giới phải nhận ra được vấn đề đó từ gia đình, cộng đồng và xã hội nói chung. Chính vì vậy mà các chương trình hỗ trợ của FAO điểm được coi trọng nhất là tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho những người trong cộng đồng nói chung, sau đó là thực hiện vấn đề đó.
Qua quá trình thực hiện chúng tôi cũng nhận thấy khó khăn: dù có chuyển biến nhưng thay đổi nhận thức đó là cả một quá trình dài. Và đối với chúng tôi vấn đề là tính bền vững của dự án sau khi kết thúc, chứ không chỉ trong quá trình thực hiện dự án hay chương trình thôi.
Đã có nâng cao giáo dục trong nhà trường, và từ những cuộc lấy ý kiến gọi là hương ước của làng hay thậm chí đến các văn bản qui phạm pháp luật, chúng tôi cũng có đề nghị phản ánh những qui định về giới, về an ninh lương thực để mọi người được tham gia một cách rộng rãi
Bà Nguyễn thị Kim Anh
Gia Minh: Còn việc kết hợp thông qua giáo dục thế nào?
Bà Nguyễn thị Kim Anh: Đã có nâng cao giáo dục trong nhà trường, và từ những cuộc lấy ý kiến gọi là hương ước của làng hay thậm chí đến các văn bản qui phạm pháp luật, chúng tôi cũng có đề nghị phản ánh những qui định về giới, về an ninh lương thực để mọi người được tham gia một cách rộng rãi.
Gia Minh: Trong trường học có thực hiện giảng dạy thế nào về vấn đề này?
Bà Nguyễn thị Kim Anh: Tôi biết phía Bộ Giáo Dục, trong các bài giảng có sự lồng ghép về vấn đề giới cho các học sinh và sinh viên đại học.
Gia Minh: Việc giáo dục cho nam giới có khó khăn gì không và đạt được hiệu quả thế nào?
Bà Nguyễn thị Kim Anh: Chúng tôi đơn cử tại Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn có lập Ban 'Vì sự Tiến bộ của Phụ Nữ'. Ban đầu chỉ có phụ nữ tham gia trong ban đó; nhưng sau này chúng tôi nhận thức thấy nếu chỉ phụ nữ nói về vấn đề phụ nữ thì chưa đủ mà phải tất cả cộng đồng, xã hội cùng lên tiếng để bảo vệ phụ nữ. Và bảo vệ ở đây là quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Chính vì vậy mà nam giới cũng tham gia vào. Ở các cấp địa phương cũng thực hiện như thế.
Gia Minh: Ở thành phố, các nơi mà nhận thức đã được nâng lên nhưng còn ở nông thôn ra sao? Báo chí cho biết ở nông thôn tình hình bạo lực gia đình do nam giới; rồi công sức lao động của người phụ nữ cũng chưa được đánh giá đúng mức; vấn đề được nhận thấy và tuyên truyền ra sao?
Bà Nguyễn thị Kim Anh: Chúng tôi thấy không thể một sớm một chiều mà có thể chấm dứt được. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng nhiều khi mà ở đâu đó có hành vi bạo lực gia đình. Những chuyện đó bị lên án và được xử lý kịp thời. Tôi nghĩ với cách như vậy sẽ sớm chấm dứt tình trạng đó, và từ đó vai trò của họ tham gia trong quản lý rồi trong quá trình sản xuất cũng được nâng lên. Rồi họ cảm thấy bình đẳng với tất cả các thành phần trong xã hội, và đặc biệt với nam giới.
Gia Minh: Cám ơn bà.