Việc TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Mỹ trong năm 2015 nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ là một sự kiện được đánh giá là hết sức quan trọng.
Theo truyền thông nhà nước cho biết, nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt nam và Mỹ, nhằm tạo đà phát triển và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước, Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Mỹ trong năm nay.
Hai nước cần nhau hơn
Tổng BT Nguyễn Phú Trọng sẽ là người lãnh đạo cao cấp nhất đứng đầu Đảng CSVN lần đầu tiên chính thức thăm Mỹ, một quốc gia vốn là cựu thù của VN.
Đánh giá về mối quan hệ Việt – Mỹ vào thời điểm hiện nay, ông Đặng Xương Hùng , nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève trong nhiều năm cho biết nhận xét của mình, ông nói:
“Đồng ý đón ông Trọng trong năm nay cũng là việc cho thấy rằng hai nước đã có những thay đổi để mà chấp nhận những sự thay đổi khác với ngày trước hơn. Tức là hai nước cần nhau hơn và cần nhau một cách cấp thiết hơn, phía Mỹ thì cần VN có vai trò trong quan hệ để đối phó với các ảnh hưởng của Trung quốc ở Biển Đông và Thái Bình Dương làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Mỹ. Còn phía VN cũng thấy rằng cần Mỹ hơn, vì cũng cần phải có chỗ dựa với người Mỹ để đối phó trong một chừng mực nào đó trong mối quan hệ với Trung quốc hiện nay.”
LS. Vũ Đức Khanh chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế tại Đại học Ottawa – Canada nhận định:
“Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở một cái độ chín muồi và tôi nghĩ rằng các chính khách của cả hai quốc gia đều mong muốn có một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Rõ ràng là phía Hoa kỳ đã làm tất cả những gì mà họ có thể làm được. Cho nên tôi nghĩ rằng mối quan hệ Việt nam – Hoa kỳ đang ở mức rất tốt, tuy nhiên chúng ta cần phải xem phía VN đáp ứng trở lại thiện chí của Hoa kỳ thế nào?”
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở một cái độ chín muồi và tôi nghĩ rằng các chính khách của cả hai quốc gia đều mong muốn có một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. <br/> - LS. Vũ Đức Khanh
Theo báo Tuổi Trẻ, GS. Jonathan London, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ðông Nam Á tại Ðại học Thành Thị Hong Kong nhận định rằng chuyến đi của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ sẽ là một sự kiện rất quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Nhận xét về chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng, LS. Vũ Đức Khanh cho rằng theo ông chuyến thăm này sẽ gặp rất nhiều trở ngại, mà cần phải vượt qua. Ông nói với chúng tôi:
“Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đến (Hoa kỳ) với tư cách TBT Đảng CSVN, thực ra phía Hoa kỳ chưa bao giờ tuyên bố Tổng thống Obama mời TBT Nguyễn Phú Trọng, mà chỉ nói Chính phủ Hoa kỳ mời. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng ông Obama sẽ tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng trong tòa Bạch ốc, mà theo các nguồn tin tôi có thì có thể ông Obama sẽ tiếp ông Nguyễn Phú Trọng ở một nhà nghỉ mát nào đó trên đất Mỹ, trong một khuôn khổ không chính thức, mặc dầu chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng là chính thức. Đó là cái phía VN đang phân vân, và không biết nên đi hay không nên đi và nếu không đi thì ai sẽ là người thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến đi sắp tới.”
Chuyến thăm Hoa Kỳ của ông TBT sẽ giúp củng cố các nỗ lực của ông Nguyễn Phú Trọng, khi ông muốn trở thành nhân vật lãnh đạo chủ chốt của VN trước thềm Đại hội Đảng lần tới. Ông Đặng Xương Hùng khẳng định:
“Việc ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng CSVN đi Mỹ nhằm tạo cho dư luận thấy rằng hy vọng nó sẽ có cái thay đổi hình thức bên ngoài để từ đó dẫn đến sự thay đổi nội dung từ bên trong. Trong tình hình đấu đá nội bộ hiện nay ở VN thì việc ông Trọng đi Mỹ nhằm tạo nên hình ảnh vai trò của ông Tổng BT quyết định mọi vấn đề. Nhằm chứng tỏ với dư luận rằng họ sẵn sàng nhanh chóng phát triển quan hệ với Mỹ mà không chỉ dựa vào Trung quốc thôi. Cái này nó xuất phát từ việc nhu cầu đối ngoại của VN luôn tỏ ra là cân bằng trong quan hệ giữa hai nước lớn.”
Kỳ vọng gì?
Khi được hỏi, ông có hy vọng gì từ chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú trọng lần này?
Ban lãnh đạo Đảng CSVN không muốn một mối quan hệ quá thân thiết hay gần gũi với Hoa Kỳ vì sợ làm phật lòng người anh em Trung Quốc. Ông Đặng Xương Hùng khẳng định:
“Hy vọng của tôi là sẽ xây dựng được mối quan hệ tin cậy đối với phía Mỹ, nghĩa là đã có những bước phát triển đích thực để tạo ra mối quan hệ tin cậy, đủ để Mỹ có thể bảo vệ quan hệ Mỹ - Việt như bảo vệ quan hệ của mình. Chỉ có mối quan hệ tin cậy thì người Mỹ mới quan tâm đến quan hệ Mỹ - Việt và quan tâm bảo vệ lợi ích như của chính họ, thì nó mới có giá trị về mặt thay đổi, về mặt lợi ích cho quốc gia. Còn hy vọng thấp hơn thì hy vọng là sẽ có một sự chuyển biến. Tuy nhiên chuyến đi này, theo tôi chưa đạt được cái mức đối tác chiến lược trong quan hệ với Mỹ, vì người Mỹ cũng rất thận trọng trong quan hệ với VN. ”
Với một thái độ không mấy lạc quan, LS. Vũ Đức Khanh cho biết nhận xét của mình, ông nói:
Trong tình hình đấu đá nội bộ hiện nay ở VN thì việc ông Trọng đi Mỹ nhằm tạo nên hình ảnh vai trò của ông Tổng BT quyết định mọi vấn đề. <br/> - Ông Đặng Xương Hùng
“Trước thềm Đại hội 12 mà ông (TBT Nguyễn Phú Trọng) ấy không có khả năng trở lại chức vụ Tổng BT thì ông ấy cũng chẳng có những tuyên bố được coi là quá lớn. Vả lại những thành tích của ông ấy, chẳng hạn được cho là người giáo điều, tin vào Chủ nghĩa CS hoặc thân Trung quốc thì thử hỏi ông ấy sẽ nói gì ở Hoa kỳ? Điều đó cho thấy VN sẽ không có sự thay đổi lớn nào qua lời của TBT Nguyễn Phú Trọng về vấn đề chính cấp đối với Hoa kỳ được. Do đó, tôi vẫn không nghĩ rằng ông Trọng sẽ đi trong chuyến đi này, nhưng giả thuyết ông Trọng có đi chăng nữa thì ông Trọng cũng chỉ tuyên bố những vấn đề chung chung mà chúng ta đều biết. Tôi nghĩ rằng ông ta sẽ nói: chúng ta mong muốn rằng Việt nam và Hoa kỳ sẽ kết thúc đàm phán về TPP và hai nước sẽ tăng cường mối quan hệ này kia. Và nếu có nói thêm về vấn đề Biển Đông thì ông ta sẽ nói những gì đã tuyên bố. Cho nên tôi không có hy vọng bất kỳ điều gì từ chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng.”
Trả lời câu hỏi sau chuyến đi này của TBT Nguyễn Phú Trọng tình hình nhân quyền và dân chủ ở VN sẽ được cải thiện hơn hay không?
Ông Đặng Xương Hùng cho biết:
“Nếu như chuyến đi này được thực hiện trên cơ sở của một sự thay đổi nhận thức, tức là muốn tăng cường quan hệ với Mỹ trên cơ sở tin cậy và niềm tin với nhau, thì vấn đề nhân quyền chắc chắn sẽ có tiến bộ. Còn nếu chuyến đi này chỉ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại mềm dẻo và khôn khéo thì và chỉ là sự cân bằng quan hệ Mỹ - Việt nam và Trung quốc thì tôi khẳng định không có tiến bộ gì về nhân quyền. Nếu có thì chỉ là chút ít mang tính hình thức.”
Trong lúc này, lợi ích của VN đang nằm trong việc đa dạng hóa các mối quan hệ của mình để vượt ra ngoài sự kiềm tỏa của Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ thì muốn ve vãn đồng minh mới ở Hà Nội như là một phần trong các chuyển dịch nhằm tăng cường ảnh hưởng ở châu Á của mình để đối trọng với sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Vấn đề được đặt ra là liệu Đảng CSVN đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới này tới đâu?