Cải cách để tái quân bình

0:00 / 0:00

Thứ Hai 07/10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới công bố tại Singapore báo cáo cập nhật về kinh tế Đông Á với những cảnh báo về yêu cầu cải cách cho một số quốc gia để tái quân bình nền kinh tế toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về yêu cầu đó qua cuộc phần trao đổi sau đây của Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, đúng một tuần sau khi một phần của bộ máy công quyền liên bang Hoa Kỳ bị tạm đóng cửa vì cuộc tranh luận trong Quốc hội Mỹ về ngân sách thì Ngân hàng Thế giới công bố bản cập nhật về tình hình kinh tế Đông Á. Ông nhận xét thế nào về bản báo cáo này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi chú trọng nhất đến lời cảnh báo của bản phúc trình.

Nói chung, Ngân hàng Thế giới dự báo về đà tăng trưởng kinh tế của toàn năm và nêu ra nhiều rủi ro đang chờ đợi các nước Đông Á trong năm tới. Phần dự báo là đà tăng trưởng của Đông Á sẽ giảm so với năm ngoái, nhưng dù như vậy thì nhóm Đông Á này vẫn có sức tăng trưởng cao nhất và đóng góp tới 40% vào đà tăng trưởng toàn cầu và một phần ba của cán cân ngoại thương trên thế giới, nghĩa là một nhóm kinh tế năng động và có sức nặng lớn nhất. Phần cảnh báo về chuyện tương lai mới là điều có ích nhất của báo cáo này.

Vũ Hoàng: Thưa ông, Ngân hàng Thế giới nêu ra những rủi ro gì cho tương lai trước mặt?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngoài biến động về an ninh tại Trung Đông với ảnh hưởng vào giá dầu, sự hồi phục của kinh tế toàn cầu có thể gặp trở ngại từ ba chuyện. Thứ nhất là những bế tắc về tình hình ngân sách tại Hoa Kỳ, thứ hai là việc các nước công nghiệp hóa sẽ hút lại lượng tiền đã bơm ra để kích thích kinh tế, và thứ ba là một sự sút giảm đầu tư khá đột ngột của Trung Quốc Trong phần cảnh báo, ta nên chú ý đến một hiện tượng được gọi là "tái cân bằng" và có lẽ đấy là chiều hướng chung của những nền kinh tế mạnh nhất, với hậu quả và dao động lan ra toàn cầu.

Hiện tượng "tái cân bằng"

Vũ Hoàng: Trước hết, xin ông giải thích cho hiện tượng "tái cân bằng" này là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi Ngân hàng Thế giới nhắc đến ba rủi ro kinh tế vừa kể ở trên là ngân sách Hoa Kỳ, là lượng tiền bơm ra để kích thích kinh tế và lượng đầu tư của Trung Quốc, ta cùng thấy ra một nét chung. Đó là sau khi ráo riết bơm tiền đầu tư, để kích thích sản xuất và tiêu thụ từ nạn tổng suy trầm, các nước đều có nhu cầu thu hồi lại lượng tiền bơm ra và tiến trình tái cân bằng đó sẽ gây ra chuyển động ngược với những gì đã thấy trong năm năm qua. Sự chuyển động ngược có thể gây ra nhiều dao động thậm chí biến động cho các nước.

Ngoài ra, nếu nhìn vào viễn ảnh dài hơn và vượt khỏi nội dung của phúc trình cập nhật hóa về kinh tế trong khu vực Đông Á, chúng ta có thể thấy ra một nhu cầu tái cân bằng rộng lớn, xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa và lâu dài hơn. Tôi thiển nghĩ rằng ta nên khởi sự từ viễn ảnh dài đó thì sẽ hiểu ra những rủi ro ngắn hạn ngay trước mắt.

Vũ Hoàng: Dường như ông đang trình bày lại bối cảnh của một vấn đề sâu xa lâu dài đã dẫn đến khủng hoảng tài chính 2008 rồi nạn Tổng suy trầm 2008-2009 khiến nhiều nước có biện pháp kích thích và bây giờ đang đảo ngược tác động kích thích đó. Có phải là như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như thế và nếu mở rộng giác độ để nhìn sự thể trên toàn cảnh thì mình sẽ hiểu vì sao việc "tái cân bằng" sẽ chi phối các lĩnh vực ngoại thương, ngoại hối, tài chính ngân hàng, sản xuất kinh tế và thậm chí xã hội lẫn chính trị của nhiều quốc gia. Đây là một vấn đề phức tạp mà chúng ta phải tìm hiểu nhiều lần từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Trước hết, ta nên ý thức được trào lưu chung là hiện tượng "toàn cầu hóa" hay "kinh tế nhất thể hóa". Đó là khi đại đa số các quốc gia hay nền kinh tế trao đổi hàng hóa, dịch vụ và tư bản với nhau một cách tương đối tự do và mau lẹ hơn trước. Hiện tượng này đã có từ mấy chục năm rồi.

Nói chung, Ngân hàng Thế giới dự báo về đà tăng trưởng kinh tế của toàn năm và nêu ra nhiều rủi ro đang chờ đợi các nước Đông Á trong năm tới. <br/> - Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa

Thứ hai, trong luồng trao đổi, các nước mặc nhiên bù đắp cho nhau qua nhiều ngả. Giả dụ như ta bán hàng qua xứ này thì đạt thặng dư cán cân thương mại, thế đồng tiền thu vào như vậy sẽ chảy đi đâu? Nó có thể chảy qua nền kinh tế bị thâm hụt cán cân thương mại khiến quốc gia bị nhập siêu lại có thêm tiền trong cán cân vãng lai để mua tiếp. Tổng hợp lại thì ta có sự cân bằng chung, y hệt như trong một bảng kết toán về kế toán vậy. Khái niệm có vẻ đơn giản này thật ra khá rắc rối nên chúng ta mới cần nhắc đi nhắc lại để ý thức được hậu quả về chính sách.

Vũ Hoàng: Có lẽ ông đang từng bước trình bày một vấn đề phức tạp để làm nổi bật hiện tượng "tái cân bằng" đang xảy ra trước mắt chúng ta, mà là một sự tái cân bằng toàn cầu.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật là vậy vì nếu nhìn kinh tế toàn cầu như qua bảng kế toán tổng thể thì ta sẽ thấy mối liên hệ giữa ngoại thương và ngoại hối, giữa tiết kiệm và đầu tư và giữa nước này với nước khác. Khi đó, ta hiểu rõ hơn sự kiện ít biết là khi một quốc gia này thay đổi chính sách, thí dụ như cải cách để chuyển hướng, thì các xứ khác sẽ bị ảnh hưởng.

Một cách cụ thể và trở lại lời cảnh báo của Ngân hàng Thế giới, khi Hoa Kỳ hay Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Âu Châu phải chấn chỉnh lại chi thu hoặc cải tổ lại cơ chế kinh tế thì điều ấy tác động vào các nước khác. Sau nhiều thập niên mất quân bình và năm năm ứng phó bằng những biện pháp bất thường, các nước đang ở giữa chu kỳ cải cách sâu rộng với ảnh hưởng toàn cầu.

Vũ Hoàng: Nếu chúng tôi hiểu không lầm thì ông muốn nói đến sự chuyển động tích lũy từ nhiều thập niên nên mới dẫn tới vụ khủng hoảng và suy trầm trong năm năm qua. Vì nạn suy trầm đó, nhiều quốc gia mới tung ra biện pháp can thiệp để kích thích kinh tế và gây ra một trạng thái thất quân bình khác. Nay đến lúc các nước đang cải sửa những gì đã gây ra trong năm năm qua và tìm lại một sự quân bình khác cho nhiều thập niên tới. Có phải là như vậy không?

Một nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc xem chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch, ảnh minh họa. AFP
Một nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc xem chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch, ảnh minh họa. AFP (Một nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc xem chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch, ảnh minh họa. AFP)

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta đang đề cập tới những phạm trù khá trừu tượng mà cách ông tóm lược là điều dễ hiểu nhất về một thực tế quá phức tạp. Bây giờ, ta châm thêm vào bài toán này một khái niệm khác để tổng hợp lại trước khi đi tới kết luận về chính sách. Nói chung, ta nên nghĩ tới hai yếu tố tổng hợp là tiết kiệm và đầu tư, trên nguyên tắc là phải cân bằng trong nền kinh tế gọi là nhất thể hóa của toàn cầu.

Một quốc gia tiết kiệm ít có nghĩa là tiêu thụ nhiều và như vậy phải nhập khẩu nhiều hơn khả năng xuất khẩu nên bị thâm hụt cán cân thương mại, trường hợp điển hình là Hoa Kỳ hay các nước lâm nạn trong khối Euro ở miền Nam Âu Châu. Đối diện thì ta có các nước tiết kiệm nhiều, tiêu thụ ít và đạt xuất siêu, tức là được thặng dư cán cân thương mại, đó là trường hợp của Trung Quốc, Nhật Bản hay nước Đức trong khối Euro.

Vũ Hoàng: Thưa ông, nói nôm na cho dễ hiểu với thính giả của chúng ta tại Châu Á thì Hoa Kỳ tiết kiệm ít, tiêu thụ nhiều nên kết hợp khá ăn khớp với Trung Quốc là xứ tiêu thụ ít, tiết kiệm nhiều, rồi có tiền lại đem qua Mỹ đầu tư. Có phải là như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đấy là hình ảnh dễ hiều nhất. Thế rồi sau mấy chục năm trao đổi hàng hóa và tư bản theo kiểu bổ sung như vậy thì sự cân bằng sụp đổ. Khi khủng hoảng bùng nổ làm sản xuất suy sụp thì xứ nào cũng bơm tiền kích thích và tạo ra một thất quân bình khác.

Tại Hoa Kỳ thì đó là hiện tượng bội chi và đi vay nên mới gây tranh luận ráo riết về ngân sách. Tại Trung Quốc thì chiến lược ráo riết đầu tư và đè nén lợi tức của người dân để thu vét tiết kiệm dồn qua sản xuất cũng gặp bế tắc. Khi thế giới bị Tổng suy trầm thì họ tiếp tục chiến lược đẩy mạnh tiết kiệm, tức là đè nén tiêu thụ, rồi vay tiền bơm vào doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, nên rơi vào tình trạng thất quân bình khá nguy ngập hiện nay.

Thế rồi trong bốn khối kinh tế dẫn đầu thế giới, theo thứ tự là Âu, Mỹ, Tầu, Nhật thì kinh tế Mỹ đã hồi phục sớm nhất. Cho nên từ Tháng Năm vừa qua, Ngân hàng Trung ương Mỹ mới nói đến việc sẽ thu hồi dần lượng tiền đã được bơm qua qua phương pháp bất thường gọi là QE hay "nâng mức lưu hoạt có định lượng". Việc thu hồi đó gọi là "tapering" - nôm na là vuốt nhọn cho một chính sách tiền tệ tinh vi hơn. Dù chưa áp dụng thì lời thông báo cũng làm các thị trường rúng động vì sợ tư bản sẽ chảy về Hoa Kỳ để hưởng lãi suất cao hơn. Nghĩa là khi Mỹ tìm cách tái lập một sự cân bằng mới thì các nước kia bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng đó thể hiện trong lĩnh vực mậu dịch vì Mỹ sẽ nhập khẩu ít hơn và xuất khẩu nhiều hơn, sẽ thể hiện trong lĩnh vực ngoại hối khi tiền Mỹ có thể lên giá sau khi đã sụt trong mấy năm liền vì biện pháp bơm tiền gọi là QE.

Trong ba rủi ro mà Ngân hàng Thế giới cảnh báo thì có hai rủi ro xuất phát từ Hoa Kỳ. Đó là vụ ách tắc về ngân sách khi nỗ lực giảm chi gây tranh luận lớn trong Quốc hội và việc Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giảm dần và thu hút lại lượng tiền bơm ra theo lối QE.

Rủi ro cho Trung Quốc

Vũ Hoàng: Thưa ông, có phải là rủi ro thứ ba cho các nước chính là yêu cầu tái cân bằng của Trung Quốc hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng đây là rủi ro lớn nhất cho chính Trung Quốc và có thể là bài học của cải cách cho Việt Nam trong thời gian tới.

Trước hết, Trung Quốc chọn chiến lược lấy đầu tư làm lực tăng trưởng mà bất kể tới phẩm chất của tăng trưởng. Vì đầu tư và sản xuất quá nhiều, xứ này ráo riết xuất khẩu bằng mọi giá, tức là bất kể lời lỗ mà thường thì lỗ hơn lời. Để vét tiền đầu tư, họ vắt sức tiết kiệm của người dân qua chính sách đè nén tài chính ở ba cửa, là trả lãi suất ký thác quá rẻ, định tỷ giá đồng bạc quá thấp và kiểm soát mức lương công nhân để thu hút đầu tư quốc tế. Kết quả biểu kiến bề mặt là sức xuất khẩu cao, lượng dự trữ ngoại tệ lớn và chính sách bành trướng quân sự khác ngang ngược.

Vũ Hoàng: Khi nói chuyện biểu kiến ở bề mặt, hiển nhiên là ông hàm ý là có những hậu quả chìm sâu bên dưới. Đó là những gì?

<br/>Nói cho vắn tắt thì chiến lược vắt sức dân làm lực đẩy kinh tế qua khu vực quốc doanh được trợ cấp đã hết công hiệu và xứ này cần tái lập một sự cân bằng khác, nếu không thì sẽ bị loạn.<br/> - Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hậu quả tai hại thứ nhất là trái bóng đầu cơ bị bể vì việc phân phối tiết kiệm quá rẻ của người dân vào các dự án có giá trị kinh tế quá thấp. Thứ hai núi nợ quá lớn của ngân hàng, của các địa phương và nói chung của cả nền kinh tế sẽ sụp đổ. Thứ ba, trầm trọng nhất và không thể kéo dài là phần đóng góp quá thấp của tiêu thụ nội địa trong sản lượng kinh tế. Nôm na là xứ này có sức tiết kiệm cao bằng phân nửa lợi tức của người dân, và có mức tiêu thụ nội địa thấp nhất, chỉ bằng 35% Tổng sản lượng, nay sẽ tăng trưởng thấp hơn, với khả năng vỡ nợ và khủng hoảng nếu không chuyển hướng.

Nói cho vắn tắt thì chiến lược vắt sức dân làm lực đẩy kinh tế qua khu vực quốc doanh được trợ cấp đã hết công hiệu và xứ này cần tái lập một sự cân bằng khác, nếu không thì sẽ bị loạn. Mà vì cả thế giới cũng đang tái lập quân bình nên việc chuyển hướng của Trung Quốc sẽ khó khăn hơn.

Vũ Hoàng: Phải chăng đấy cũng là lời cảnh báo của Ngân hàng Thế giới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Không chỉ Ngân hàng Thế giới mà ngày càng có nhiều trung tâm kinh tế và đầu tư đề cập tới những khó khăn này chứ hết còn ca tụng Trung Quốc nữa.

Khi các nước tiêu thụ nhiều tiết kiệm ít đều chấn chỉnh chi thu và giảm nhập khẩu cùng tăng xuất khẩu thì Trung Quốc không dễ gì tìm lực đẩy nhờ xuất khẩu và nếu xứ nào cũng muốn xuất nhiều hơn nhập thì tranh chấp mậu dịch dễ bùng nổ. Khi Mỹ, Nhật hay các nước Âu Châu cùng chấn chỉnh để tái phối trí bên trong, Trung Quốc không có thể trông chờ vào quốc tế mà phải giải quyết lấy bài toán của mình. Vì vậy, nguy cơ biến động, tranh chấp mậu dịch và hối đoái giữa các nước càng dễ xảy ra.

Với Việt Nam, lời cảnh báo đáng chú ý là đà tăng trưởng sẽ còn giảm, khủng hoảng ngân hàng dễ xảy ra vì gánh nợ quá lớn và khu vực kinh tế nhà nước là nơi phải triệt để cải cách. Ngần ấy vấn đề đều đang là bài toán sinh tử của Trung Quốc mà cũng là thách đố cho Việt Nam. Ngược lại, nhân khi Trung Quốc bị bế tắc và phải cải cách thì Việt Nam cũng có cơ hội thoát hiểm, miễn là cũng phải cải cách đề tìm ra sự cân bằng khác trong cơ chế kinh tế.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã trả lời phỏng vấn từ California.