Việt Nam đứng đầu xuất khẩu cà phê
Việt Nam có một niên vụ cà phê thắng lợi nhất từ trước tới nay với sản lượng 1,6 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu dự kiến hơn 3 tỷ USD. Niên vụ cà phê 2011-2012 khởi sự từ tháng 10 năm trước mới kết thúc ngày 30/9 vừa qua. Bộ NN-PTNT hoan hỉ với sự kiện lần đầu tiên Việt Nam qua mặt Brazil trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Đây là năm thứ nhì nông dân trồng cà phê ở Tây nguyên tham gia điều tiết thị trường giữ vững giá cả ổn định có lãi. Không còn cảnh bán ồ ạt mỗi khi thu hoạch rộ làm cho giá đã xuống thấp càng xuống thêm nữa. Điều này được lý giải là đời sống người trồng cà phê đã khá hơn, nông dân đã có tích lũy và chỉ bán khi đạt mức giá tốt. Sự kiện này trùng hợp với ước lượng của hãng Reuters theo đó từ 100.000 tới 150.000 tấn cà phê vẫn còn được trữ lại trong nhà dân và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Vịnh thuộc nhóm tư vấn cho người trồng cà phê Tây nguyên nhận định:
“ Người trồng cà phê đang vui vẻ, hiện nay hai mặt hàng mà nông dân vui vẻ là cà phê và tiêu. Thực tế là có góp phần của giới đầu cơ thế giới, nhưng giới đầu cơ đã căn cứ vào đâu để phù phép, họ dựa vào hiện tượng lưu hàng của nông dân khắp nơi. Không chỉ nông dân Việt Nam, mà nông dân Brazil, Colombia, Honduras, Nicaragua đua nhau ghim hàng cà phê lại không bán
khi giá thấp, nó trở thành một hiện tượng mang tính phổ biến. Người ta không chịu bán giá thấp nữa vì bán giá thấp không đủ sống."
Cạnh tranh có lợi cho nông dân
Nếu như cách đây vài năm mỗi vụ thu hoạch cà phê đều xảy ra tình trạng được mùa mất giá; càng mất giá nông dân càng ồ ạt bán ra vì sợ giá rớt hơn nữa, thì nay tình hình đã đổi khác. Một trong những yếu tố góp phần làm vững giá là việc các đại gia cà phê nước ngoài tham gia mua cà phê của nông dân, dù thông qua đại lý hay doanh nghiệp Việt Nam, đã tạo ra thị trường cạnh tranh có lợi cho nông dân.
Ông Nguyễn Vịnh nhận định:
“ Có sự tham gia như thế thì tính cạnh tranh sẽ cao hơn, duy trì được mức giá tốt hơn và người nông dân có lợi hơn. Vì vậy khi đề cập tới vấn đề này, người nông dân luôn đứng về phía chủ trương giữ lại các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp vốn ngoại để cho họ làm ăn và người nông dân có lợi hơn. Nhưng mà khi doanh nghiệp nội thất bại rồi thì câu chuyện thuộc về thì tương lai, mình không xác định được nó sẽ như thế nào. Tất cả chỉ là ước đoán mà thôi, tuy rằng phù thủy nước ngoài nhưng mua thấp thì nông dân sẽ không bán, nó cũng giống như thị trường tiêu hiện nay vậy.
Người ta chỉ sợ một điều là sau khi doanh nghiệp vốn nước ngoài thâu tóm thị trường rồi, các doanh nghiệp nội phá sản hết rồi thì còn giữ được vị thế như vậy hay không. Hay là các doanh nghiệp ngoại trở thành
những con bạch tuộc thao túng thị trường và lúc đó đẩy nông dân vào chỗ chết. Người ta chỉ ngại chuyện đó thôi.”
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, sự tham gia tại chỗ của 8 đại gia cà phê nước ngoài trong đó có những tên tuổi lớn như Louis Dreyfus Commodities, Olam, Newman Group, đã nhanh chóng vẽ lại bản đồ thị phần cà phê Việt Nam. Hiện nay các doanh nghiệp FDI đã chiếm lĩnh 60% sản lượng cà phê Việt Nam với lợi thế nguồn vốn lớn lãi suất hạ từ nước ngoài. Trong khi đó hàng loạt doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê Việt Nam vỡ nợ, ngừng hay thu hẹp hoạt động vì không thể cạnh tranh. Ngoài việc điều hành kém nguyên do quan trọng nhất là lãi suất ngân hàng quá cao từ 2010 đến nay. Từ 120 đầu mối xuất khẩu cà phê, hiện nay chỉ còn dưới 20 nhà xuất khẩu là doanh nghiệp nội địa. Ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam, doanh nhân có thời chi phối 25% sản lượng cà phê Việt Nam nhận định:
Công ty nước ngoài có thể sợ mất thị trường buộc phải tham gia vào để giữ thị trường, tự nhiên hình thành giá bắt buộc cân bằng cho nông dân
Ông Đỗ Hà Nam
“ Các doanh nghiệp Việt Nam còn tồn tại đến ngày hôm nay cũng không còn nhiều. Nhưng những doanh nghiệp tồn tại được thì nó đã tốt hơn bền vững hơn. Tôi nghĩ rằng vừa có doanh nghiệp Việt Nam vừa có doanh nghiệp nước ngoài thì nó tốt hơn là chỉ có một trong hai loại. Doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về vốn như vậy sẽ hỗ trợ việc mua hàng vào. Còn doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế thị trường ngách, thị trường nhỏ, cho nên khi doanh nghiệp nước ngoài ép không mua hàng, thì doanh nghiệp Việt Nam lấn sân lên cung cấp cho các nhà rang xay. Công ty nước ngoài có thể sợ mất thị trường buộc phải tham gia vào để giữ thị trường, tự nhiên hình thành giá bắt buộc cân bằng cho nông dân. Như vậy doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài cùng tồn tại.
Niên vụ cà phê 2012-2013 đã khởi sự từ ngày 1/10, thu hoạch rộ trong những tháng đầu năm sắp tới. Chuyên gia dự báo sản lượng có thể giảm từ 10 đến 15% do yếu tố thời tiết. Trong khi đó Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho tạm trữ 300 ngàn tấn cà phê ngay đầu vụ 2012-2013, tiến tới qui chế tạm trữ cà phê hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân.
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam mất khách hàng cà phê do giá cao
- Tại sao các đại gia cà phê vỡ nợ?
- Việt Nam cung cấp cà phê cho Trung Quốc nhiều nhất
- VN đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê
- Mua tạm trữ cà phê quá nhiều dấu hỏi
- Nông dân không có lợi trong kế hoạch mua trữ cà phê
- Các cty Việt Nam sẽ trữ khoảng 200.000 tấn cà phê
- Cà phê ở Việt Nam mất giá, tồn đọng lớn
- Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê số một thế giới
- VN là nhà xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới