Vì sao giá vàng không thu hẹp?

0:00 / 0:00

Sáng nay (2/7) phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau khi quá trình vàng tất toán dành cho các ngân hàng đã kết thúc, đây sẽ được xem là “phép kiểm tra” cho nhu cầu vàng thực sự của người dân trong nước. Tìm hiểu về vấn đề này, Vũ Hoàng có cuộc trao đổi với PGS, TS Ngô Trí Long một chuyên gia kinh tế của Hà Nội để tìm hiểu về diễn biến này và những vấn đề có liên quan khác.

Bất cập thị trường vàng

Vũ Hoàng: Trước hết cám ơn P.G.S, T.S Ngô Trí Long đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Thưa ông mấy ngày gần đây, tình hình diễn biến của thị trường vàng trong nước rất nhiều thay đổi, mà cụ thể là giá vàng liên tiếp sụt giảm, ông đánh giá về diễn biến này như thế nào ạ?

PGS.TS Ngô Trí Long: Giá vàng vừa rồi diễn biến trong nước giảm xuống là theo giá vàng thế giới, vì giá vàng thế giới giảm rất sâu, hiện nay khoảng 1.200 đô la, mà thời kỳ cao nhất là 1.800 đô la. Đây là thời kỳ giảm sâu nhất của nó, vì giá vàng trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá vàng thế giới, khi giá vàng thế giới giảm thì giá vàng trong nước cũng giảm. Nhưng sự cách biệt và tốc độ giảm của giá vàng trong nước vẫn chậm hơn so với thế giới, cho nên vẫn có khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Khi giá vàng thế giới giảm thì giá vàng trong nước cũng giảm. Nhưng sự cách biệt và tốc độ giảm của giá vàng trong nước vẫn chậm hơn so với thế giới, cho nên vẫn có khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

PGS.TS Ngô Trí Long

Hiện nay chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là khoảng 5 triệu đồng/ 1 lượng, khoảng cách này tương đối là xa. Giai đoạn bình thường nhất từ trước Nghị định 24, giá vàng trong nước chỉ giảm khoảng từ 200, 300 hoặc 400.000 đồng thậm chí hơn 1 triệu, nhưng trong bối cảnh hiện nay, nó giảm rất sâu.

Một tiệm bán vàng được Ngân hàng nhà nước cấp phép. RFA
Một tiệm bán vàng được Ngân hàng nhà nước cấp phép. RFA (RFA)

Vũ Hoàng: Vậy theo T.S ngoài lý do là tác động chung của thị trường thế giới, những điều tiết của Nhà nước mà vẫn hay nói "chỉ điều tiết mà không bình ổn giá vàng" có ảnh hưởng gì đến những diễn biến gần đây không ạ?

PGS.TS Ngô Trí Long: Mục đích của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam là trong quá trình khi vàng của VN cách xa với thế giới và khi 5 ngân hàng cùng với một công ty vàng tung vàng ra bán để đáp ứng nhu cầu, sau khi họ bán xong thì không cho họ nhập, nên cuối cùng làm cho lượng vàng của các ngân hàng bị sụt giảm rất lớn. Và theo quyết định của NHNN 30/6 là tất toán toàn bộ trạng thái vàng của các NH. Để đáp ứng nhu cầu đó, NHNN đã tung vàng ra để đấu thầu, nhằm cân bằng cung cầu. Mặc dù, lượng tung ra rất lớn nhưng giá vàng vẫn không thu hẹp.

Nguyên nhân của giá vàng không thu hẹp, một là, do cầu vàng của Việt Nam vẫn còn lớn, thứ hai, khi đưa vàng ra đấu thầu, NHNN lại đặt giá sàn sát với giá thị trường trong nước, mà giá vàng trong nước lại cao hơn giá vàng thế giới vào khoảng 5-6 triệu đồng/ lượng, chính vì lý do đó, làm cho khoảng cách của giá vàng trong nước luôn luôn cách xa giá vàng thế giới mặc dù NHNN có tung một lượng vàng rất lớn ra để cân đối cung cầu trên thị trường, nhưng giá vàng trong nước cũng không sát được với giá vàng thế giới.

Nghị định 24

Vũ Hoàng: Cám ơn T.S, vào sáng ngày 2/7, NHNN sẽ tiến hành phiên đấu thầu vàng mới và đây là phiên đầu tiên sau khi quá trình tất toán vàng cho các ngân hàng đã kết thúc và phiên sáng 2/7 được xem là thước đo cho nhu cầu thực sự của người dân trong nước phải vậy không ạ?

PGS.TS Ngô Trí Long: Nhu cầu vàng của VN hiện nay có 2 nguồn chính, một là của các ngân hàng đang còn thiếu trong trạng thái tất toán, đồng thời có một số ngân hàng không được Nhà nước cho độc quyền về xuất nhập khẩu, họ không được quyền xuất nhập khẩu, cho nên nguồn vàng từ NHNN đối với họ để làm lượng bán ra cho thị trường cũng là nhu cầu thứ nhất.

Ngoài ra, nhu cầu thứ hai là đối với người dân. Mặc dù trong bối cảnh đến 30/6 là buộc các ngân hàng phải đóng trạng thái, tất toán toàn bộ trạng thái vàng thì nhu cầu vàng trong nền kinh tế quốc dân vẫn còn, thế cho nên NHNN vẫn tiếp tục tung vàng ra với hình thức đấu thầu nhằm cung cấp một lượng vàng cho thị trường. Theo tôi được biết, vào ngày mùng 2, NH sẽ đưa ra một lượng tiếp để đưa ra đấu thầu với giá sàn, chào ban đầu là 36,8 triệu.

Vũ Hoàng: Vâng, vậy theo đánh giá của ông, trong ngắn hạn và dài hạn, giá vàng và nhu cầu vàng sẽ như thế nào ạ?

PGS.TS Ngô Trí Long: Nói chung hiện nay, dù là trong ngắn hạn hay dài hạn, trước mắt là ngắn hạn, nhu cầu vàng đối với thị trường vàng Việt Nam rất lớn vì thị trường chứng khoán còn èo uột, thị trường bất động sản không có lối ra, đang đóng băng, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, cho nên, hiện nay kênh đầu tư chủ yếu đối với người Việt Nam, đồng thời, do tâm lý về kinh tế vĩ mô là không ổn định, lạm phát vẫn có khả năng quay trở lại. Cho nên tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam phần lớn vẫn đầu tư vào vàng.

Sau hơn một năm thực hiện Nghị định 24, nghị định này đã bộc lộ một số bất cập...Nhà nước cần phải nắm được những bất cập của nghị định này, xem những gì còn tồn tại mà không đi vào cuộc sống và chưa ổn định, đòi hỏi phải sửa đổi cho phù hợp để làm sao quản lý thị trường vàng một cách hiệu quả và tốt nhất

PGS.TS Ngô Trí Long

Mặc dù trong mấy ngày hôm nay, giá vàng thế giới lên xuống thất thường, đặc biệt xuống rất sâu thì dân Việt Nam đổ xô đi mua vàng. Trước mắt, ngắn hạn là như vậy. Còn trong dài hạn, vàng vẫn là một kênh đầu tư, đồng thời với tập quán truyền thống của người Việt Nam thì người ta vẫn đầu tư vào vàng, là một trong những kênh hết sức quan trọng.

Cho nên đòi hỏi sau hơn một năm thực hiện Nghị định 24, nghị định này đã bộc lộ một số bất cập. Vì thế, theo quan điểm của tôi, Nhà nước cần phải nắm được những bất cập của nghị định này, xem những gì còn tồn tại mà không đi vào cuộc sống và chưa ổn định, đòi hỏi phải sửa đổi cho phù hợp để làm sao quản lý thị trường vàng một cách hiệu quả và tốt nhất.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa T.S, ông có dành một lời khuyên nào đối với những người muốn đầu tư vào thị trường vàng Việt Nam không ạ?

PGS.TS Ngô Trí Long: Ai muốn đầu tư vào thị trường vàng Việt Nam cần phải xem xét Nghị định 24 bởi nghị định này không phù hợp với thông lệ quốc tế, không phù hợp với điều kiện thị trường trong điều kiện hội nhập. Theo quan điểm cá nhân tôi, Nghị định 24 vẫn còn nhiều bất cập và nhiều bộc lộ đòi hỏi phải sửa đổi.

Vũ Hoàng: Xin được cám ơn PGS TS Ngô Trí Long rất nhiều đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.

Thưa quí vị, nghị định 24 do Thủ tướng ký ban hành ngày 3/4/2012, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định. Theo nhiều chuyên gia đánh giá Nghị định 24 nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ và tiến tới xóa bỏ tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế... Với động thái này, NHNN sẽ là người dập ra vàng SJC (loại vàng miếng duy nhất hợp pháp trong nền kinh tế VN) sau đó bán đầu tiên và qua đó xác định giá vàng trong nước.