Google bị phạt 500 triệu đô la

Đại công ty Google chuyên cung cấp các dịch vụ tìm kiếm trên Internet toàn cầu, vừa bị phạt 500 triệu đô la vì đã cho phép các hãng dược phẩm của Canada quảng cáo dược phẩm không an toàn, trên mạng lưới toàn cầu này.

Các quan chức tư pháp Mỹ loan báo tin này và cho biết các công ty trực tuyến bên Canada lâu nay vẫn bán thuốc trái phép với giá rẻ, cho các khách hàng tại Hoa Kỳ.

Quảng cáo dược phẩm không an toàn

Theo các quan chức tư pháp Hoa Kỳ thì Google đã tạo điều kiện cho các hãng sản xuất dược phẩm Canada quảng cáo và bán các loại thuốc không đúng tiêu chuẩn an toàn của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ, vi phạm quy định của chánh phủ liên bang Hoa Kỳ và làm ảnh hưởng tới giới tiêu dùng tại nước này.

Google cho phép các quảng cáo thuốc y dược của Canada xuất hiện trên trang mạng suốt thời gian từ năm 2003 đến 2009. Số tiền phạt khổng lồ tương đương với thu nhập mà tập đoàn Google nhận được từ các công ty dược liệu Canada trong thời gian 6 năm đó.

Được biết tổng số doanh thu hàng năm mà Google được hưởng qua các dịch vụ quảng cáo lên tới gần 30 tỷ đô la. Ngay sau khi bị cơ quan hữu trách Hoa Kỳ phát hiện những sai phạm, Google cho ngừng ngay các quảng cáo rao bán dược phẩm và đồng ý nộp phạt, tránh bị xoi mói thêm nữa trong việc làm ăn của họ.

Theo báo chí thì trong những năm gần đây, giới tiêu thụ, khách hàng, bệnh nhân ở Mỹ hay tìm kiếm các loại thuốc sản xuất từ Canada để tiết kiệm chi phí y tế, thấp hơn nhiều so với giá bán ở Mỹ, vì phần lớn là do tư nhân ngành công nghiệp y dược cung cấp.

Các chuyên gia y tế cho biết, các loại thuốc được nhập khẩu từ Canada có thể không đáp ứng các quy định về an toàn, vì không được bào chế đúng quy cách, hoặc do các nước thứ ba làm ra rồi chuyển qua Canada in nhãn, đóng vào hộp.

Lên tiếng với báo chí, đại diện của Google nhấn mạnh rằng, "ngay từ đầu, lẽ ra chúng tôi không nên cho phổ biến các mẫu quảng cáo đó".

Việt Nam mình cũng có

glutin-180.jpg
Thuốc Glutin được đăng quảng cáo trên một số trang web VN với lời giới thiệu là có thể tăng đến 10 cm trong 2 tháng rưỡi. Thực ra, loại thuốc này không thể giúp người ta cao lên và cũng chưa hề được cấp phép lưu hành. Photo courtesy of ykhoanet.com.

Nhận định về việc Google bị phạt nặng vì đã cho phép các hãng dược phẩm của Canada rao bán nhiều loại Âu dược không bảo đảm về mặt an toàn, bác sĩ Trần Tịnh Hiền, chuyên gia y tế thuộc Viện Nghiên cứu Lâm sàn, đại học Oxford, Anh Quốc, văn phòng tại Saigon, phát biểu với RFA:

“Vấn đề này cũng không có gì mới lạ, quảng cáo thuốc qua đủ các phương tiện truyền thông bây giờ là TV, người ta đưa đến ký hợp đồng, chuyện này không phải chỉ Google mà Việt Nam mình cũng có, xảy ra nhiều, chứ đâu phải là không có. Không kiểm soát được nội dung, sản phẩm, cứ quảng cáo, sau đó có người phát hiện ra rồi mới điều chỉnh lại.

Lẽ tất nhiên, nếu muốn những quảng cáo đó không xảy ra thì cần phải có ý kiến trước của Bộ Y tế hay Sở Y tế, còn nếu cứ đưa thẳng tới các đơn vị truyền hình thì người ta cứ quảng cáo thôi. Ngay cả trên truyền hình Việt Nam thỉnh thoảng xảy ra như trên Google vậy, quảng cáo rồi người ta mới thấy là không đúng, sau sự thật.”

Bác sĩ Hiền mong rằng ngành y tế Việt Nam cần quan tâm đến những mục quảng cáo thương mại, hay chạy theo lợi lộc mà xem nhẹ sức khỏe của cộng đồng:

“Chuyện này cũng không cần phải đưa ra trước quốc hội, chỉ cần Bộ Y tế tức là cơ quan quản lý của nhà nước, ra những quy định, ví dụ như tất cả những gì có liên quan đến thuốc, cần được thông qua ngành y tế, vì hiện giờ ở mỗi tỉnh tại Việt Nam cũng có một hai đài truyền hình, thật ra nếu thông qua ngành y tế sẽ giảm bớt, không thể nói là đạt 100 phần 100, nhưng sẽ không bỏ sót và giảm thiểu rất nhiều (rủi ro), còn nếu quảng cáo mà không có kiểm soát thì rất khó.”

Ông Tuấn Anh, công chức Bộ kế hoạch, Đầu tư tại Hà Nội cũng nhìn nhận rằng, quảng cáo thương mại ở Việt Nam, nếu thiếu sự kiểm soát chặt chẽ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời cần phải sớm chặn đứng:

“Như ở Mỹ, có hai loại thuốc, thuốc điều trị do bác sĩ kê toa, chỉ được mua khi có toa của bác sĩ, còn loại thứ hai, gọi là thuốc chức năng, thì có thể mua ở các siêu thị.

Ở Việt Nam cũng có hai dạng như thế, ví dụ như vitamine, được gọi là dược phẩm chức năng, việc quảng cáo trên truyền hình, được nhà nước và các truyền thông tiếp nhận, còn loại thuốc dùng để điều trị, thì hầu như không được quảng cáo trên thiết bị truyền hình, bởi vì những thuốc ấy đều có hướng dẫn sử dụng, như chỉ định của bác sĩ, chính vì thế mà việc quảng cáo trên truyền hình bị giới hạn, đối với những thuốc kê toa.

Vấn đề này cũng không có gì mới lạ, quảng cáo thuốc qua đủ các phương tiện truyền thông bây giờ là TV, người ta đưa đến ký hợp đồng, chuyện này không phải chỉ Google mà Việt Nam mình cũng có, xảy ra nhiều, chứ đâu phải là không có.

BS Trần Tịnh Hiền

Còn những loại thuốc ở dạng vitamine, thì có thể quảng cáo thoải mái, đối với chính sách của nhà nước, khi thuốc có chỉ định của bác sĩ, mà bên truyền hình, truyền thông, quảng cáo mang tính chất đột phá, vượt nguyên tắc thường ngày, ngoài danh mục chỉ định của bác sĩ thì đương nhiên đó là hành vi phạm pháp, đưa ra những phương pháp quảng cáo không đúng sự thật, thì chính phủ Việt Nam cần phải nhìn vào, soi vào sự thật, nếu như đã để xảy ra quảng cáo như vậy, thì cần giới hạn lại và có biện pháp.”

Trong khi đó, Ông Đỗ Văn Trung, doanh gia ở Saigon thì nói, một khi xem đồng tiền là trên hết, thì lắm người sẵn sàng bán rẻ lương tâm, cứ quảng cáo tùy tiện:

“Cũng là chuyện kinh tế, đó là bình thường, ở xã hội Việt Nam này, bỏ tiền ra mua làm mờ con mắt hết, đâu có thấy đường, nói chắc ba ngày chưa hết, nhiều chuyện lắm. Không ai chịu trách nhiệm đâu, ở đây trách nhiệm thì đổ lòng vòng, rồi quên luôn.”

Theo thông tin trên mạng thì đây không phải là lần đầu tiên Google bị phạt nặng như thế, tại Mỹ cũng như ở nhiều quốc gia khác, với nhiều “sai sót”, hay “tội trạng” khác nhau.

Trước đây, Google cũng đã bị phạt trên 142 ngàn đô la của Cơ quan Quản lý Dữ liệu cá nhân Pháp vì thu thập tài liệu trái phép. Hiện nay Ủy Ban Châu Âu cũng tố cáo Google lợi dụng vị thế độc quyền để chi phối thị trường toàn cầu, vi phạm luật cạnh tranh tại Châu Âu. Vụ khiếu kiện này có thể kéo dài nhiều năm và trong trường hợp xác nhận có hành vi sai phạm, Google sẽ phải nộp phạt hàng tỷ đô la.

Theo dòng thời sự: