Cùng với ngân sách Chính phủ gặp nhiều khó khăn, cân đối thu chi căng thẳng, dù kiến nghị giảm lương 100.000 đồng đối với mỗi cán bộ công chức đã bị Thủ tướng bác bỏ, song ít nhiều những động thái này cho thấy túi tiền quốc gia đang nhiều eo hẹp, trong đó, nhân tố gánh nặng công chức khiến nhiều người lo lắng.
Dư 30% số công chức
Với nhận định của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây không lâu: "có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào", đã ít nhiều cho thấy thực trạng cồng kềnh và trì trệ của giới công chức Việt Nam. Nếu đối chiếu con số này với một phân tích khác của nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam rằng: "cứ hình dung nếu ngân sách thu 100 đồng…có 65% chi cho thường xuyên, trong số này khoảng một nửa là chi lương cho công chức, viên chức", thì mới thấy một lượng ngân sách nhà nước đã bị lãng phí ra sao.
Hãy khoan bàn tới các con số cụ thể của từng bộ ngành hay các cấp tỉnh thành, tính đến hết năm 2012, Việt Nam có trên 2,2 triệu công chức viên. Theo khái niệm của Luật cán bộ, họ là các đối tượng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị hay xã hội làm việc trên khắp 63 tỉnh thành Việt Nam.
Bây giờ người ta nói nhiều đến chuyện tinh giản biên chế, nhưng sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc sửa luật, nghị định rồi thông tư, điều này rất là khó. <br/> -TS Vũ Ngọc Xuân
Vẫn biết mọi so sánh là khập khiễng, nhưng thử làm một phép tính: Hoa Kỳ có trên 310 triệu dân, số công viên chức quản lý khoảng 2,2 triệu người, trong khi Việt Nam có dân số chưa bằng 1/3 nhưng số công viên chức cũng xấp xỉ, chưa kể xét về địa lý Việt Nam lại nhỏ chưa bằng 1/10 Hoa Kỳ… Những con số biết nói này cho thấy Việt Nam đang gặp một trở ngại lớn về hiệu quả làm việc của đội ngũ công chức… phải chăng túi tiền quốc gia eo hẹp vì lượng công chức quá đông, quá nhiều? Câu hỏi này của dư luận hẳn không phải là không có cơ sở.
Giải thích về hiện tượng trên, T.S Vũ Ngọc Xuân, giảng viên chính khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho chúng tôi biết:
“Về mặt thể chế Việt Nam có mô hình giống với Trung Quốc, công chức viên chức mang tính chất là gắn bó suốt cuộc đời. Cho nên thu nhập của công chức ở Việt Nam thấp, một mặt là do cơ chế của Việt Nam là kinh tế thị trường nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa. Về yếu tố con người, để sa thải người lao động thì luật pháp không cho phép mặc dù có một số trường hợp nhưng rất khó để vận dụng. Vì thế, bây giờ người ta nói nhiều đến chuyện tinh giản biên chế, nhưng sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc sửa luật, nghị định rồi thông tư, điều này rất là khó.”
Vấn đề mà T.S Vũ Ngọc Xuân phân tích chính do cơ chế và luật định của "định hướng xã hội chủ nghĩa" là những rào cản khiến việc sa thải công chức tại Việt Nam không dễ dàng… chưa kể những chuyện chưa nói ra ai cũng biết là một lượng lớn thành phần này lại nằm ở những vị trí được xem là "dễ chấm mút," là con ông cháu cha hay có các mối quan hệ chằng chịt với giới lãnh đạo… vì thế không phải ngẫu nhiên mà bản thân Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng từng thừa nhận "chạy này, chạy kia… khâu nào cũng có."
Để có góc nhìn của người trong cuộc, chúng tôi trao đổi với ông Trương Văn Quảng, một cán bộ phụ trách nhân sự ở một bộ tại Hà Nội, ông cho biết còn rất nhiều bất cập không chỉ ở khâu cuối sa thải, mà bắt nguồn ngay từ khâu đầu vào tuyển dụng công chức ở Việt Nam:
“Khi tuyển dụng những người mới vào làm thì năng lực còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm… nhưng do mối quan hệ cấp trên cấp dưới, do chạy chọt hay nể nang nhau nhưng cứ tuyển người vào làm, nên hiệu quả công việc trong quá trình triển khai thực tế gặp rất nhiều khó khăn, nên không đáp ứng được nhu cầu công việc. Có bức xúc trong vấn đề tuyển dụng cán bộ ngay từ khâu đầu vào.
Đáng lẽ giải quyết công việc nhanh gọn nhưng do cơ chế, chính sách văn bản chồng chéo, thủ tục hành chính cồng kềnh, số lượng người ngồi chơi xơi nước hơi bị nhiều, điều đó làm cản trở công việc.”
Làm ít, thưởng nhiều
Không chỉ những đối tượng được cho là “ngồi chơi xơi nước hơi bị nhiều” mà điểm đáng chú ý là khi có chế độ khen thưởng, tăng lương hay nhận hưởng các quyền lợi thì thường những cán bộ công chức này lại đứng đầu danh sách xét duyệt, ông Quảng cho biết tiếp:
Vấn đề tăng lương hay sắp xếp tổ chức công việc gặp nhiều khó khăn bởi do những quan hệ cấp trên cấp dưới, nể nang đâm ra không đi thẳng vào năng lực cán bộ. <br/> -Ô. Trương Văn Quảng
“Khi họ đã làm việc thì vấn đề tăng lương hay sắp xếp tổ chức công việc gặp nhiều khó khăn bởi do những quan hệ cấp trên cấp dưới, nể nang đâm ra không đi thẳng vào năng lực cán bộ, đây là thực trạng trong bộ máy hành chính sự nghiệp của các bộ ngành hay thành phố hay các cơ sở của các tỉnh.”
Ngoài ra, ông Quảng còn cho biết thêm rằng, bởi nhiều khi trình độ của người quản lý có hạn, họ cần nhận vào tổ chức mình những thành phần “tay chân” để coi như có những người hậu thuẫn anh em, luôn đứng ra ủng hộ mỗi khi bầu cử, bỏ phiếu… Nghiễm nhiên thành phần đó là những kẻ ngồi chơi xơi nước, đi muộn về sớm, ăn cắp giờ công, đến nơi làm việc chỉ để lên mạng mua sắm, facebook, hết giờ về đi nhậu… phải chăng vì thế Việt Nam nghèo nhưng tỉ lệ người dùng internet thuộc diện cao nhất trên thế giới? và Việt Nam cũng trở thành quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới 2,6 tỉ lít bia mỗi năm?
Nếu nhìn vào gốc gác vấn đề, những đối tượng cán bộ công chức là những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mà ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân. Quay lại chuyện 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” nghĩa rằng chúng ta đang có chừng hơn 700.000 cán bộ dôi dư, nhân với con số trung bình 2 triệu đồng/ tháng, nghĩa là, mỗi năm Việt Nam lãng phí khoảng 17.000 tỷ đồng để chi trả cho bộ máy công chức nhà nước.
Số tiền này được chắt chiu từ mồ hôi công sức của những người nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, của những người công nhân vất vả trong các xưởng may nóng nực…họ đóng thuế để cho những công chức ngồi hưởng thụ trong các phòng điều hòa mát lạnh. Phải chăng nỗi nhức nhối cho vấn đề bội chi ngân sách hay túi tiền quốc gia eo hẹp mà Quốc hội đang đau đầu đã có lời giải đáp?
Hẳn câu hỏi mà quý vị đang đặt ra là làm sao để loại bỏ những thành phần "ăn cơm chúa múa tối ngày"này! Chắc chắn không dễ dàng, bởi họ đã có một hệ thống dày đặc những văn bản pháp lý đứng ra bảo vệ, họ có một lớp quan hệ thần thế đứng ra bao bọc. Chỉ khi nào cái tâm của nhà quản lý, của các cấp lãnh đạo thực sự nghĩ đến lợi ích chung của toàn xã hội thì việc chọn lọc và loại bỏ những đối tượng trên mới có thể trở thành sự thật…