Chuyên gia nhân sĩ trí thức tiếp tục phản biện về các dự án Bauxite ở Tây nguyên dù Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cố gắng biện giải.
Càng làm càng lỗ
Sự lỗ lã của Nhà máy Tân Rai Lâm Đồng sản xuất nguyên liệu làm nhôm qua rửa quặng bauxite giờ đây đã được minh chứng trên thực tế, càng làm càng lỗ chưa kể rủi ro môi trường rất nguy hiểm. Đáp câu hỏi của chúng tôi về việc nên dừng hay tiếp tục các dự án bauxite ở Lâm Đồng và Đăk Nông, Giáo sư Chu Hảo nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từ Hà Nội nhận định:
“Nếu tôi có quyền tôi sẽ chấm dứt ngay sau khi thẩm định một lần nữa trên cơ sở ý kiến các nhà khoa học Việt Nam và Thế giới.”
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng Vinacomin đã không nghe theo những ý kiến phản biện từ đầu, cứ cố làm trong khi chưa có đường vận chuyển, việc dừng thực hiện dự án cảng Kê Gà ở Bình Thuận để xuất hàng là một minh chứng về sự tính toán thẩm định sai. Ông nói:
Nếu tôi có quyền tôi sẽ chấm dứt ngay sau khi thẩm định một lần nữa trên cơ sở ý kiến các nhà khoa học Việt Nam và Thế giới. <br/> Giáo sư Chu Hảo
"Đây là một thời điểm nên có sự đánh giá độc lập khách quan và Quốc hội nên chính thức có ý kiến và cách tốt nhất theo tôi là tạm dừng, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay càng đầu tư vào đấy sẽ càng lỗ nữa thì không có lợi cho nền kinh tế Việt Nam."
Ngay trong thời gian các dự án bauxite mới khởi sự, GSTS Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường đã có ý kiến không nên khai thác bauxite Tây nguyên. Ông nói:
“Quan điểm của chúng tôi là hãy chờ đợi tương lai, chờ đợi những công nghệ sạch, chờ đợi các thế hệ sau có thể khai thác và tận thu nhiều hơn, cái lợi sẽ nhiều hơn trong lúc này. Chúng tôi cũng thấy rằng lúc này không khai thác bauxite thì cũng không làm cho Việt Nam có thất thiệt gì trong quá trình phát triển, mà cái hại là cái nhìn thấy trước mắt, nhất là những vấn đề về môi trường, về xã hội và cân nhắc về kinh tế thì các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nếu mà tính toán đầy đủ cả đầu vào lẫn đầu ra thì khả năng lãi là không có, mà sẽ dẫn tới lỗ, riêng nói về phần kinh tế.”
Khi đưa Nhà máy Tân Rai Lâm Đồng sản xuất alumin vào hoạt động, Tập đoàn Than khoảng sản Việt Nam (Vinacomin) đã bổ sung vào gánh nợ công 1,2 tỷ USD, chưa kể một lượng tiền không nhỏ đã đổ vào dự án Nhân Cơ Đak Nông đang thực hiện được khoảng 50% công trình. Hiện nay Vinacomin còn được bão lãnh vay 300 triệu USD để tiếp tục hai dự án bauxite này.
Sự kiện Thủ tướng quyết định dừng thực hiện dự án Cảng Kê Gà Bình Thuận được cho là, nếu để Tập đoàn Nhà nước Vinacomin tiếp tục việc này thì thảm họa kinh tế kiểu Vinashin vỡ nợ 84.000 tỷ đồng sẽ được lập lại. Giờ đây theo các nhà báo công dân, những nhân vật nào chống lưng ủng hộ khai thác bauxite Tây nguyên một cách vội vã, đã bắt đầu có dấu hiệu thoái lui.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, GS Chu Hảo nhận định về tình thế tiến thoái lưỡng nan của Bộ Công thương và Tập đoàn Than Khoáng sản chủ đầu tư các dự án bauxite. Ông nói:
“Chắc chắn đấy là bài toán hiệu quả kinh tế hết sức khó khăn đối với họ. Việc họ đã tiến hành một dự án bắt đầu thì với qui mô rất lớn, sau đó thì do dư luận xã hội và ý kiến của các nhà khoa học thì đã điều chỉnh xuống thành hai dự án thử nghiệm. Nhưng nếu làm thử nghiệm thì cũng không nên làm hai cái một lúc, và ngay cả một cái thì cũng không nên với công suất lớn như vậy. Gần đậy có chủ trương không làm Cảng nước sâu Kê Gà để đón quặng từ Nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ xuống, điều này chưng tỏ dự án Cảng đó chỉ phục vụ cho làm nhôm là chính, nhưng bây giờ qui mô làm nhôm nhỏ lại, rồi đường vận chuyển cũng không có chủ trương sớm làm. Cho nên bỏ dự án Kê Gà là hợp lý, nhưng điều đó không chứng tỏ người thực hiện đã nghiêm túc xem lại cả kế hoạch thực hiện hai dự án lớn về nhôm.”
Cần thảo luận minh bạch
Mặc dù không thể chối cãi sự thua lỗ đã rành rành, giá thành alumin cao hơn rất nhiều giá xuất khẩu ở Cảng xuất, mà sự vận chuyển càng xa càng lỗ nhiều hơn, nhưng Bộ trường Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vẫn phải mặc áo giáp chống những làn đạn phản biện, theo sự ví von của báo chí.
Ngày 10/3 ông Vũ Huy Hoàng xuất hiện trên kênh truyền hình Quốc gia. Những giải thích chống lưng cho các dự án khai thác bauxite Tây nguyên của ông, đã bị các chuyên gia khoa học phản biện quyết liệt, làm rõ từng điểm cụ thể.
Hãy chờ đợi tương lai, chờ đợi những công nghệ sạch, chờ đợi các thế hệ sau có thể khai thác và tận thu nhiều hơn, cái lợi sẽ nhiều hơn trong lúc này. <br/> GS Đặng Hùng Võ
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Các dự án than đồng bằng Sông Hồng thuộc Vinacomin đã gởi thư ngỏ cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về bauxite, vạch ra những điều mà TS Sơn cho rằng Bộ trưởng nói không đúng sự thật. Thí dụ trữ lượng bauxite của Việt Nam chỉ khoảng 2 tỷ tấn không phải 10 đến 11 tỷ tấn. Về khả năng sản xuất nhôm ngay tại Tây nguyên thay vì xuất khẩu quặng nguyên liệu, Bộ trưởng nói là hàng năm phải nhập khẩu nửa triệu tấn nhôm trị giá 1 tỷ USD, tương lai sẽ lập nhà máy làm nhôm để khỏi phải nhập khẩu. TS Sơn nói rằng để làm được sản phẩm nhôm như đang nhập khẩu, Vinacomin sẽ tốn 2,5 tỷ USD thay vì nhập khẩu chỉ tốn 1 tỷ USD…
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề cập tới điều mà nhiều người gọi ảo vọng, khi tin là sẽ có thể thu hồi sút từ bùn đỏ để sản xuất sắt xốp và xỉ.
Chia sẻ quan điểm của TS Nguyễn Thành Sơn trong thư ngỏ, Giáo sư Chu Hảo nhận định:
“Những sản phẩm mới chế đạo từ bùn đỏ hay từ những sản phẩm khác có thể mới chỉ là dự định, cũng có thể mới làm một thí nghiệm thành công trong một qui mô nhỏ nào đó, trong phòng nghiệm, thì cho đến khi có thể sản xuất thành công trong qui mô công nghiệp là một đoạn đường có khi rất dài lâu và có khi không thành công. Cho nên chừng nào mà chưa có được một công nghệ chắc chắn đảm bảo thì những tuyên bố đều là vội vàng.”
Việt Nam đang trả giá quá đắt cho dự án bauxite. GS Chu Hảo nhận định, người ta có thể nói trong một số trường hợp thì phải tính đến hiệu quả tổng hợp, chứ không chỉ riêng về hiệu quả kinh tế mà còn hiệu quả xã hội, hiệu qủa an ninh quốc phòng…Thế nhưng trong trường hợp cụ thể này thì chưa ai nhìn thấy, chưa ai chứng minh được hiệu quả tổng hợp ấy là như thế nào. Cho nên vấn đề này vẫn là một câu hỏi nhức nhối và cần phải được thảo luận một cách dân chủ và minh bạch.