Đóng cửa chính phủ, nước Mỹ về đâu?

0:00 / 0:00

Một hệ thống chính trị thất bại?

Mỗi người đều có những lý do giống nhau và khác nhau để thất vọng, nên khó trả lời câu hỏi "tại sao" cho tất cả mọi người. Chỉ có thể nói là với một số người, thì sự thất vọng là vì hệ thống chính trị của xứ sở này đã thất bại trong nhiệm vụ giải quyết tốt đẹp một vấn đề xã hội. Nói cách khác, hệ thống ấy bị chia rẽ trầm trọng vì hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nhất quyết đối đầu dù phải đưa đến sự hạn chế những hoạt động hằng ngày của chính phủ Hoa Kỳ, là ngành hành pháp của một quốc gia đang phải quán xuyến biết bao nhiêu việc của cả thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều lãnh vực từ an ninh và hoà bình đến kinh tế, thương mại, cả lãnh vực nhân đạo của hầu khắp thế giới.

Đông đảo người Mỹ tỏ ra rất bực tức trước một biến cố chính trị hiếm có trên thế giới, chỉ xảy ra tại Hoa Kỳ. Trước hết, bị "cháy thành vạ lây" là 800 ngàn nhân viên của chính quyền liên bang phải tạm nghỉ việc không lương cho đến khi chính phủ hết hạn đóng cửa và hoạt động toàn phần trở lại. Thử nghĩ họ làm sao trả tiền nhà, tiền chợ, tiền điện nước và các món chi phí bắt buộc hằng tháng khi đồng lương không dư dả so với mức sinh hoạt của họ xưa nay. Rồi những công ty có hợp đồng với những cơ quan bị nghỉ việc cũng gặp sự đình trệ trong việc chi trả của chính phủ và có thể bị ngưng hợp đồng tạm thời, trong khi vẫn phải trả lương cho nhân viên của họ. Nhưng trên hết là mối lo vì ảnh hưởng của biến cố này vào nền kinh tế Mỹ đang hồi phục khả quan, và cả ảnh hưởng trên kinh tế thế giới.

Gây hại cho kinh tế

Con số cụ thể cho thấy sáng thứ tư 2 tháng 10, lúc 9 giờ, thị trường chứng khoán Wall Street đã bị mất điểm tổng quát 0,7% khi thấy hai bên quốc hội và chính phủ nhất quyết không thương lượng hay nhượng bộ. Giới kinh tế ước lượng mỗi tuần biến cố này sẽ làm cho GDP nước Mỹ mất 0,2%, và tỉ lệ thiệt hai sẽ hơn thế nếu kéo dài thêm nữa, khi nó mất niềm tin của giới tiêu thụ và giới kinh doanh. Sáng nay đồng đô la trên thị trường quốc tế mất giá thêm 0,5% sau khi đã xuống giá chiều thứ hai lúc biến cố sắp bắt đầu. (Đến tối thứ tư các lãnh đạo quốc hội vào tòa Bạch ốc họp với Tổng thống trong 1 giờ đồng hồ, nhưng không đạt kết quả nào).

Sáng thứ năm, chỉ số Dow Jones hạ 0,24%, chỉ số S&P mất 0,39%, NASDAG tăng 0,02%.

Trên bình diện thế giới, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi hôm nay tuyên bố rằng biến cố này nếu kéo dài sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán Luân Đôn tỏ ý lo ngại sẽ đi vào giai đoạn mù mở và đen tối nếu vụ tranh chấp ở Mỹ kéo dài hơn 10 ngày, là lúc chính phủ Mỹ ngưng phổ biến các dữ kiện liên quan đến thương mại và sản phẩm, khiến Luân đôn mất định hướng. Các thị trường ở châu Á cũng tỏ ý lo ngại nếu biến cố này kéo dài trong vài ngày nữa và tiếp diễn xa hơn thế. Đó chỉ là sơ lược những ảnh hưởng tức thời của vụ đóng cửa chính phủ Mỹ, còn nếu kéo dài hơn 10 ngày thì sự tai hại còn tăng thêm nhiều hơn nữa.

Mâu thuẫn ý thức hệ?

Trở lại nguyên nhân của vụ đóng cửa chính phủ "kỳ cục" này, nguyên nhân căn bản là sự khác biệt quan điểm về kinh tế và xã hội của hai đảng chính trị chính yếu của Hoa Kỳ.

Một cách tổng quát, đảng Cộng hòa đặt mối quan tâm đến nền kinh tế trên hết, đồng thời chủ trương giới hạn tối đa vai trò của chính phủ trong các hoạt động kinh tế, xã hội của quốc gia, trong khi đảng Dân chủ quan tâm hơn đến vấn đề công bằng xã hội và chủ trương chính phủ phải can thiệp nhiều hơn vào các sinh hoạt kinh tế và xã hội, từ đó đưa đến một chính phủ bị gọi là "còng kềnh và tốn phí".

Đảng Cộng hòa luôn luôn giữ chắc con đường tư bản chủ nghĩa cho lãnh vực kinh tế. Chính phủ chỉ có vai trò điều hành, điều hợp về tổ chức và vận hành, đồng thời giám sát, trọng tài về pháp lý để giúp xã hội tự vận hành trong một môi trường mà mọi ngành kinh tế, sản xuất đều tồn tại và thăng tiến nhờ sự cạnh tranh, tranh đua hoàn toàn của tư nhân; trong bối cảnh đó mọi người đều phải nỗ lực gắng sức tiến thủ để tồn tại và phát triển.

Ngược lại đảng Dân Chủ theo khuynh hướng xã hội, nhưng không dựa theo một chủ nghĩa xã hội hay mô thức chủ nghĩa xã hội nào hết, chủ trương cho chính phủ can dự vào các sinh hoạt xã hội, hạn chế quyền lợi và gia tăng nghĩa vụ của người giàu, trong khi nỗ lực giúp người nghèo được chia sẻ thêm quyền lợi, đồng thời tạo thêm sự công bằng trong cuộc tranh đua để tiến thủ trong xã hội.

Sự mâu thuẫn mang dáng vẻ "ý thức hệ" đó đưa đến vụ đóng cửa chính phủ, khiến Tổng thống Barack Obama chỉ trích "một phe nhóm bất trị của đảng Cộng hòa đã tung ra cuộc "thập tự chinh" ý thức hệ để chối bỏ dịch vụ bảo hiểm y tế vừa túi tiền cho hằng triệu người Mỹ". Thành phần mà ông Obama ám chỉ ở đây là nhóm hơn 40 vị dân cử bảo thủ nhất của đảng Cộng Hòa mang tên Tea Party.

Đảng Cộng hòa với chủ trương như vậy, không muốn chính phủ phình trướng và tăng chi, nên chống đối đạo luật bảo hiểm y tế toàn dân do Tổng thống Obama đề xướng mà họ gọi là Obamacare. Đảng Cộng hoà còn nhìn thấy qua chính sách bảo hiểm toàn dân một khuynh hướng của chủ nghĩa xã hội, trong đó chính phủ kiểm soát và quán xuyến nhiều lãnh vực trong cuộc sống của người dân.

Họ không ngăn cản được đạo luật Affordable Health Care Act thành hình và bắt đầu có hiệu lực nên tìm cách ngăn chặn ngân sách cho đạo luật này bằng đạo luật ngân sách có hạn chế, không cho chính phủ bỏ tiền thực hiện chính sách bảo hiểm mới, nếu không sẽ không được chấp thuận ngân sách vào đúng ngày 1 tháng 10, nghĩa là không có tiền để điều hành chính phủ, và phải đóng cửa từng phần.

Đảng Dân chủ và Tổng thống Obama không thể nhượng bộ và ngưng thực hiện một thắng lợi về mặt chính kiến và xã hội mà họ đã ấp ủ lâu năm, nên Thượng Viện với đa số thuộc đảng Dân Chủ đã bác bỏ đạo luật ngân sách có hạn chế do Hạ viện đưa lên, tất cả là bốn lần, sau những sửa đổi bề ngoài cho luật ngân sách hạn chế để ngăn cản thi hành đạo luật Obamacare .

Hai bên không ai nhịn ai. Tòa Bạch ốc cũng không chịu thương lượng "với khẩu súng chĩa vào đầu" như lời phát ngôn viên của Tổng thống nói, ngụ ý chỉ điều kiện hoãn chi cho luật bảo hiểm.

Đường hầm chưa ánh sáng

Đã vậy, mâu thuẫn làm chính phủ đóng cửa chưa được giải quyết xong thì lại đến vụ nước Mỹ cần được nâng trần nợ công vào giữa tháng này. Người Mỹ phải tự hỏi tình hình kinh tế và chính trị của siêu cường Hoa Kỳ sẽ đi về đâu.

Nếu không được nâng trần nợ công thì uy tín tài chính của Hoa Kỳ sẽ suy giảm nặng nề, uy tín quốc tế cũng bị cùng số phận. Có ý kiến cho rằng từ đó Hoa Kỳ mới buộc phải xây dựng lại chiến lược kinh tế và đối ngoại, với những chính sách kiệm ước, giảm chi đi kèm để hỗ trợ, nhờ thế mới duy trì được vị thế kinh tế hàng đầu thế giới, kéo theo uy thế về chính trị và đối ngoại. Nhiều ý kiến khác nói rằng chưa thể thấy nước Mỹ sẽ làm được điều đó bằng cách nào. Và có dự đoán quốc hội sẽ nâng trần nợ vào ngày 17 tháng này, trong lúc không ai thấy được ánh sáng cuối đường hầm khi biến cố gọi là "đóng cửa chính phủ" vẫn chưa có triển vọng kết thúc.