Greenpeace và chiến dịch "Bảo vệ đại dương"

0:00 / 0:00

Bảo vệ đại dương, khai thác một cách bền vững là thông điệp mà tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đưa ra trong chiến dịch đang tiến hành tại ba quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á: Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này, Gia Minh theo dõi và trình bày sinh hoạt đang diễn ra tại Thái Lan về chiến dịch đó của tổ chức Greenpeace.

Hành trình điều tra

Chiến dịch lần này của Greenpeace tại khu vực Đông Nam Á bắt đầu từ trung tuần tháng sáu năm nay. Hai chiếc tàu tham gia chiến dịch này là chiếc Esperanza và Rainbow Warrior. Esperanza đi Thái Lan và Philippines còn Rainbow Warrior đến Indonesia.

Cô Sirasa Kantaratanakul, chuyên viên vận động phụ trách mảng đại dương khu vực Đông Nam Á, tổ chức Greenpeace cho biết một số hoạt động cụ thể như sau:

Đây là chuyến tàu với sứ mệnh được gọi là bảo vệ đại dương đi đến ba quốc gia Thái Lan, Philippines và Indonesia. Trong khuôn khổ chuyến đi này có hai tàu của Greenpeace tham gia, một tàu đến Indonesia, và tàu Esperanza đi Thái Lan và sắp tới sang Philippines.

Mục đích của chúng tôi như đã nói là cổ xúy cho việc bảo vệ biển của Thái Lan và hoạt động đánh bắt hải sản mang tính bền vững.

Hôm ngày 15 tháng 6, chúng tôi đã đến tại tỉnh Songkla thuộc mạn nam của Thái Lan. Tại đó chúng tôi đã có những hoạt động cộng đồng trên đất liền về công tác đánh bắt bền vững; chúng tôi cũng có những hoạt động mang tính biểu tượng ở ngoài biển gọi là ‘Nói không với dàn khoan dầu’ đặt quá gần bờ. Dàn khoan mà chúng tôi vận động hiện nằm chỉ cách bờ chừng 12 kilomet mà thôi nên gây những tác động lớn đến cho cộng đồng và hệ sinh thái biển ở đó. Dàn khoan này thuộc một công ty tư nhân có tên NuCoastal. Đây là công ty có nhiều dàn khoan dầu tại vùng biển của tỉnh Songkla. Có dàn khoan từng bị rò rĩ dầu ra trước đây, và như thế theo quan điểm của chúng tôi đã gây tác động lớn đến môi trường của cộng đồng địa phương.

Đây là chuyến tàu với sứ mệnh được gọi là bảo vệ đại dương đi đến ba quốc gia Thái Lan, Philippines và Indonesia. Trong khuôn khổ chuyến đi này có hai tàu của Greenpeace tham gia, một tàu đến Indonesia, và tàu Esperanza đi Thái Lan và sắp tới sang Philippines

Khi đến tiến hành hoạt động lần này, chúng tôi hy vọng công ty đó sẽ có những chính sách giúp đem lại sự bền vững cho cộng đồng địa phương; không còn khoan dầu quá sát vùng bờ.

Tàu Esperanza của Greeenpeace sẽ hoạt động ở vùng biển Thái Lan và Philippines (greeenpeace.org)
Tàu Esperanza của Greeenpeace sẽ hoạt động ở vùng biển Thái Lan và Philippines (greeenpeace.org) ((greeenpeace.org))

Cô này cho biết sau khi có những hoạt động như thế tại tỉnh Songkla, tàu Esperanza với gần 20 thành viên trên tàu tiến hành công tác điều tra, ghi nhận những hoạt động đánh bắt hải sản quá mức, chuyện đánh bắt lậu ở những khu vực cấm… Cô cho biết tiếp:

Sau ngày 16 tháng 6, chúng tôi rời tỉnh Songla và đến tỉnh Prachuab Kiri Khan. Chúng tôi có năm ngày, năm đêm đi trên biển để xem xét và chúng tôi đã ghi lại những tàu thuyền có hoạt động đánh bắt mang tính hủy diệt.

Chỉ trong một khu vực có bán kính chừng 3 hải lý, chúng tôi phát hiện có hằng trăm tàu đánh bắt tận diệt như tàu lưới rà, có những loại lưới mà mắc lưới nhỏ chỉ 0.6 centimet…; như thế họ bắt hết mọi thứ có trong biển. Những hoạt động của họ phá hủy toàn bộ hệ sinh thái đáy biển; nhiều loại động vật biển đang có nguy cơ tuyệt chủng như đồi mồi, cá nhám, cá mập, cá heo đều bị tiêu diệt.

Chỉ trong một khu vực có bán kính chừng 3 hải lý, chúng tôi phát hiện có hằng trăm tàu đánh bắt tận diệt như tàu lưới rà, có những loại lưới mà mắc lưới nhỏ chỉ 0.6 centimet…; như thế họ bắt hết mọi thứ có trong biển. Những hoạt động của họ phá hủy toàn bộ hệ sinh thái đáy biển

Cô Sirasa Kantaratanakul

Trong chuyến đi xem xét như thế, chúng tôi cũng đối diện với tình hình đánh bắt bất hợp pháp. Đó là những tàu lưới cào đột nhập vào các khu vực công viên bảo tồn biển, những khu bảo tồn đánh bắt. Chúng tôi đã ghi ra bằng văn bản và báo cho cơ quan chức năng. Mục tiêu là nhằm có những biện pháp thêm nữa để bảo vệ những nơi như thế.

Chúng ta có thể thấy là tại công viên bảo tồn biển ; khi tàu chúng tôi đến, chúng tôi phát hiện khá nhiều tàu thuyền đánh bắt hải sản ở đó; thế nhưng ngày hôm sau chúng tôi đến lại không thấy chiếc nào nữa. Điều đó cho thấy khó có thể phỏng đoán; thế nhưng cũng phần nào chứng tỏ biện pháp thực thi luật lệ mạnh mẽ, rồi chính quyền và người dân theo dõi việc bảo tồn nguồn lợi sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng đánh bắt lậu như thế.

Chúng tôi nhận thấy có hoạt động đánh bắt lậu từ những nước khác vào vùng biển Thái Lan; khá nhiều.

Cô Sirasa Kantaratanakul, chuyên viên vận động phụ trách mảng đại dương khu vực Đông Nam Á. (Facebook)
Cô Sirasa Kantaratanakul, chuyên viên vận động phụ trách mảng đại dương khu vực Đông Nam Á. (Facebook) ((Facebook))

Thống kê của Greenpeace cho thấy trong năm 2011, ghi nhận được 40 vụ tàu Việt Nam vào đánh bắt phi pháp trong khu vực biển của Thái Lan. Tháng giêng năm ngoái có 8 vụ và tháng 2 có hai vụ. Năm nay tổ chức này chưa cập nhật những vụ đánh bắt trái phép của tàu Việt Nam trong vùng biển của Thái Lan; tuy nhiên theo Greenpeace thì những tàu của phía Việt Nam vừa đánh bắt trái phép, vừa sử dụng những phương thức đánh bắt hủy diệt như lưới rà, câu mực bằng lưỡi câu….

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng

Thuyền trưởng tàu Esperanza, ông Waldemar Wichmann, cho biết tàu của ông từng tiến hành tổ chức chiến dịch bảo vệ các nguồn lợi hải sản và đại dương tại nhiều khu vực như ở biển Bắc Đại Tây Dương, Địa Trung Hải trong vài năm trở lại đây. Nay tàu này đến khu vực Đông Nam Á với ý muốn nâng cao ý thức cho cộng đồng địa phương.

Cô Sirasa Kantaratanakul cũng cho biết tại tỉnh Prachuabab Kiri Khan, nhóm vận động cùng sinh hoạt với ngư dân đánh bắt cá tại đó và cùng họ bàn bạc thảo luận với thông điệp là nếu như không biết bảo vệ nguồn lợi của đại dương, mà khai thác cạn kiệt từ cá lớn đến cá bé bằng những phương pháp như lưới rà tận đáy biển thì chẳng mấy chốc tất cả đều bị hủy diệt và khi đó họ cũng chẳng còn gì để bắt. Cô nhắc lại:

Hiện nay chúng tôi đang trong giai đoạn giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương trước khi quá muộn.

Chủ tịch Hội Ngư dân tỉnh Prachuab Kiri Khan, cho biết tại địa phương ông tổng cọng có 14 nhóm ngư dân với 913 tàu thuyền đánh cá tính đến hiện nay. Tàu có công suất từ 10-15 mã lực. Và tại vùng biển của họ chuyên đánh bắt ba loại hải sản chính là cá sòng, mực và tôm.

Hiện nay chúng tôi đang trong giai đoạn giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương trước khi quá muộn

Cô Sirasa Kantaratanakul

Ông này cho biết khi đi đánh cá sòng phải đi xa khoảng từ 5-7 hải lý, mực 3-5 hải lý, tôm chừng 1 lý thôi. Tàu lớn nhất của địa phương không thể ra xa quá 14 hải lý.

Ông này thừa nhận nguồn thủy sản gần đây bị giảm sút: tính theo lượng cũng giảm và luồng cá hoàn toàn giảm sút. Thực tế cho thấy là khi phát hiện được một luồng cá nhiều tàu thuyền xum nhau vào bắt.

Bản thân ông nêu ra một số lý do khiến cho nguồn thủy sản tại khu vực biển địa phương bị giảm sút như thế là do hoạt động đánh bắt thương mại, rồi những tàu đánh bắt hải sản của ngư dân sử dụng lưới rà. Đối tượng đánh bắt trái phép đi về đêm và sử dụng đèn; cách đánh bắt như thế gây hại cho nguồn lợi.

Ông này cho biết rằng cơ quan chức năng là Cục Thủy sản thực sự không làm gì mấy; hiếm khi họ đi kiểm ta hoạt động đánh bắt trái phép cũng như đánh bắt theo kiểu tận diệt .

Ông nói rằng chính những người ngư dân có ý thức phải tổ chức theo dõi, kiểm tra và báo cho cơ quan ngư nghiệp những trường hợp vi phạm. Tuy vậy phía cơ quan chức năng cũng chỉ ghi nhận mà không có biện pháp cụ thể; do đó hiện nay hội ngư dân địa phương cũng tham gia vận động thúc đẩy để chính phủ đưa ra luật mới. Dẫu thế hạn chế của họ là không thể đi xa để kiểm tra.

Khi tàu Esperanza đến để tiến hành chiến dịch vận động bảo vệ đại dương, ông bày tỏ hy vọng chiến dịch góp phần giúp nâng cao hiểu biết về những hoạt động đánh bắt phi pháp, gây hại và động viên người dân tham gia thêm nữa.

Biện pháp

Cô Sirasa Kantaratanakul cho biết một số việc mà nhóm vận động trên tàu Esperanza thực hiện. Trước hết đối với dàn khoan dầu đặt quá gần bờ ở tỉnh Songkla, trong Vịnh Thái Lan:

Cách làm của chúng tôi không phải là tiếp cận trực tiếp họ mà thả phao với thông điệp trên đó kêu gọi ngưng hoạt động phá hủy đại dương. Hy vọng với biện pháp mang tính biểu tượng như thế, công ty sẽ có sự chuyển hướng hoàn toàn thừa nhận là hiện nay họ vẫn chưa có những chính sách chuẩn giúp cho sự bền vững của địa phương.

Trong tương lai chúng tôi sẽ có những biện pháp nhằm yêu cầu họ có những chính sách cần thiết; nhưng nay chuyến đi mới bắt đầu và chỉ là một chuyến mang tính bảo vệ đại dương nói chung trước bất kỳ tác động nào cho dù đó là do chất độc hại, do đánh bắt quá mức, đánh bắt mang tính hủy diệt, hay do biến đổi khí hậu … Do vậy đây là chuyến đi chính thức phát động chiến dịch bảo vệ đại dương tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan. Do đó nay chúng tôi tiếp xúc với tất cả những nguồn gây đe dọa cho đại dương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những biện pháp mạnh hơn để làm việc sâu hơn với những nguồn gây đe dọa như thế.

Trong tương lai chúng tôi sẽ có những biện pháp nhằm yêu cầu họ có những chính sách cần thiết; nhưng nay chuyến đi mới bắt đầu và chỉ là một chuyến mang tính bảo vệ đại dương nói chung trước bất kỳ tác động nào cho dù đó là do chất độc hại, do đánh bắt quá mức, đánh bắt mang tính hủy diệt

Cô Sirasa Kantaratanakul

Công việc mà chúng tôi phải làm hiện nay là làm sao để chính quyền, những đơn vị đánh bắt thương mại và người dân Thái Lan hiểu điều đó. Cần phải có sự cắt giảm về số lượng tàu thuyền đánh bắt cá tại Thái Lan. Chúng tôi sẽ bắt đầu với ngành đánh bắt thương mại vì đó là ngành gây hủy hại nhiều nhất và mức độ hủy diệt cũng rất lớn. Đó là việc mà chúng tôi phải làm ngay lúc này.

Đối với người dân, yêu cầu của chúng tôi còn có là phải dời khu vực đánh bắt ven bờ. Hy vọng những việc làm đó có thể giúp cho người dân bảo vệ quyền lợi và môi trường

Chúng tôi muốn hình thành ra một mẫu hình để rồi nhân rộng ra cho những nơi khác.

Thuyền trưởng Waldemar Wichmann thừa nhận rằng nhiều nơi người ta vẫn còn hiểu nhầm về tổ chức Greenpeace cho rằng tổ chức này vận động không cho mọi người đánh bắt hải sản nữa. Theo ông đó là cách hiểu không đúng. Tổ chức Greenpeace mong muốn mọi người có cá để ăn, không những cho bản thân những người hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai. Muốn thế cần phải có những phương pháp đánh bắt mang tính bền vững. Mọi người cần phải hiểu rõ vấn đề đó và chung tay góp sức thì mới có thể đạt được mục tiêu như thế.

Xin phép được nhắc lại, Greenpeace – Hòa bình xanh, là một tổ chức toàn cầu mang tính độc lập. Tổ chức này chuyên vận động giúp thay đổi thái độ và hành vi nhằm bảo vệ, bảo tồn môi trường, cũng như cổ xúy cho hòa bình trên Trái đất.

Những lĩnh vực hoạt động nhằm có thể đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường và cổ xúy hòa bình gồm tác động cho cuộc cách mạng năng lượng để đối phó với thách thức hàng đầu của Trái đất hiện nay là tình trạng biến đổi khí hậu; bảo vệ đại dương; bảo tồn những khu rừng nguyên sinh với thảm động và thực vật có khả năng nuôi sống con người; xây dựng một tương lai không có hóa chất độc hại; vận động cho một nền nông nghiệp bền vững; hoạt động kêu gọi giải trừ vũ khí.

Để có thể duy trì tính độc lập của tổ chức, Greenpeace không nhận tài trợ từ các chính phủ hay công ty mà chỉ nhờ vào các khoản đóng góp của những cá nhân ủng hộ việc làm của tổ chức, cùng các khoản từ những sáng hội khác.

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace có mặt tại 40 quốc gia trên khắp thế giới: Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á và vùng Thái Bình Dương.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.