“Nhóm Ngày Chủ Nhật" kêu gọi tiếp tục biểu tình

Lời kêu gọi xuống đường biểu tình chống Trung Quốc mới được đưa ra trên mạng hôm cuối tuần rồi do một nhóm mệnh danh “Nhóm Ngày Chủ Nhật". Lời kêu gọi đó được đáp trả ra sao?

0:00 / 0:00

Do TQ tiếp tục gây hấn

Kêu gọi vừa nói nêu ra việc Trung Quốc đưa tàu cá 1000 tấn đến Trường Sa bên cạnh 500 tàu cá của nước này thường xuyên hoạt động tại khu vực Trường Sa và phản đối của Bắc Kinh trước hợp tác khai thác dầu khí giữa Hà Nội và New Dehli tại các lô 127, 128 thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây được xem như là những hành động gây hấn, vi phạm mới của phía Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam trên vùng Biển Đông.
Đó là những lý do được Nhóm Ngày Chủ Nhật đưa ra cho lời kêu gọi xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn trong ngày chủ nhật 18 tháng 9.

Cư dân mạng trong ngày hôm nay có thể đọc đuợc trên trang Dân Làm báo bài viết của luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù nhân lương tâm hiện đang bị quản chế, cho biết ý kiến của ông sau khi xuất hiện kêu gọi đó. Trong bài viết sau khi nêu ra những lập luận về việc đi biểu tình trước tình hình đất nước bị họa ngọai xâm ông kết luận ‘ Bởi vậy không có gì quan trọng hơn lúc này là chúng ta hãy thực thi quyền của một con người, quyền của một công dân, trách nhiệm của một con người, trách nhiệm của một công dân đó là đi biểu tình vào ngày mai chủ nhật 18 tháng 9 năm 2011’.

Chính bản thân luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết về yêu cầu bức thiết đó như sau:

"Bức xúc là trong khi Trung Quốc và Việt Nam đang đàm phán với nhau, thống nhất với nhau không có hành động làm căng thẳng trên Biển Đông thì Trung Quốc tiếp tục đưa tàu vào vùng Biển Đông của chúng ta và xâm phạm lãnh hải rất rõ ràng. Trước đây họ chỉ quanh quẩn tại Hoàng Sa, nơi mà họ đã chiếm của Việt Nam thôi. Nay họ đưa xuống Trường Sa, nơi Việt Nam vẫn có quân đội bảo vệ tại đó. Như thế xúc phạm ghê gớm đến lòng yêu nước, tự hào dân tộc của tôi cũng như của 90 triệu người dân Việt Nam. Vì bức xúc như thế nên tôi mới đưa ra lời kêu gọi đó, cũng như theo yêu cầu của bạn bè họ muốn có lời kêu gọi cho mọi người tham gia cuộc biểu tình sáng ngày hôm nay.

Trong khi Trung Quốc và Việt Nam đang đàm phán với nhau, thống nhất với nhau không có hành động làm căng thẳng trên Biển Đông thì Trung Quốc tiếp tục xâm phạm lãnh hải rất rõ ràng.

Luật sư Nguyễn Văn Đài

Sau 11 cuộc biểu tình, chính quyền không muốn xảy ra nữa. Theo tôi việc đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn Việt Nam là việc biểu hiện một quyền rất căn bản của người dân. Việc chính quyền ra văn bản hạn chế quyền đó là một sai lầm. Bởi vì ngăn cản lòng yêu nước của người dân sẽ gây ra sự bức xúc, mà sự bức xúc đó ngày một lớn lên sẽ làm hại đến chính quyền ở đây.

Còn họat động ngọai giao giữa hai nước ở cấp cao họ chỉ đưa ra những lời lẽ ngọai giao mà thôi. Đáng buồn là Việt Nam rất ngây thơ và cả tin vào những lời lẽ của Trung Quốc. Trung Quốc luôn đưa ra những tuyên bố hòa bình, hữu nghị nhưng việc làm của họ luôn ngược lại. Họ tuyển một người Việt Nam làm gián điệp cho họ để thu thập các thông tin tình báo vềkinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng để phá họai chúng ta; cũng như họ gia tăng tiềm lực quân sự, đặc biệt họ gia tăng các họat động nhắm đến Biển Đông là nơi mà phần lớn chủ quyền thuộc về Việt Nam chứ không phải thuộc về họ. Chúng ta không thể nào ngây thơ tin vào lời nói của Trung Quốc mà nhân dân Việt Nam phải có hành động của mình."

Vừa bức xúc vừa sợ

Trên mạng Dân Làm Báo có phản hồi của nhóm Nhật ký Yêu nước hưởng ứng kêu gọi biểu tình mới nhất của Nhóm Ngày Chủ Nhật.
Một người từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc từ cuối năm 2007 và trong những chủ nhật mùa hè qua là blogger Mẹ Nấm, đưa ra lý giải vì bức xúc mà những người như Nhóm Ngày chủ nhật phải ra lời kêu gọi biểu tình mới như vừa nêu:

Người biểu tình bị đàn áp hôm 21/8/2011. AFP photo
Người biểu tình bị đàn áp hôm 21/8/2011. AFP photo (Người biểu tình bị đàn áp hôm 21/8/2011. AFP photo)

"Khó diễn tả cảm giác của người khác nhưng tôi thấy họ đang đứng giữa hai trạng thái là vừa muốn biểu lộ tình cảm mà vẫn sợ."

Nhóm Ngày Chủ Nhật trên trạng Dân Làm Báo cho biết sau khi kêu gọi được đưa ra, trong cộng đồng cư dân mạng đã có thông tin cho nhau qua các phương tiện như chat và facebook. Không khí trên mạng về cuộc biểu tình chống Trung Quốc dự kiến vào sáng chủ nhật 18 tháng 9 được mô tả dù diễn ra ‘ trong âm thầm nhưng hừng hực ngọn lửa nhiệt huyết.’

Tuy nhiên, cũng từ mạng Dân Làm Báo, thông tin cho hay một số người từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa qua đã nhận được lệnh miệng từ phía công an 'Cấm đi ra ngòai vào ngày Chủ Nhật!'. Tin còn cho biết có người còn bị đặt chốt gác trước nhà họ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nói về điều đó đối với bản thân ông:

"Tối qua họ gọi điện thoại nói tôi không được ra ngoài đi Nhà Thờ. Sáng nay hiện có mấy công an dưới đó…"

Bản thân blogger Mẹ Nấm là người từng được công an mời đi ‘uống cà phê’ vào những ngày chủ nhật, cũng thừa nhận việc công an có biện pháp ngăn chặn những người dân muốn bảy tỏ ý kiến theo đúng qui định của Hiến pháp Việt Nam trước tình hình chủ quyền đất nước bị xâm lấn; tuy nhiên theo blogger Mẹ Nấm thì việc ra kêu gọi và có mặt như thông tin trên mạng là một thành công rồi:

Khó diễn tả cảm giác của người khác nhưng tôi thấy họ đang đứng giữa hai trạng thái là vừa muốn biểu lộ tình cảm mà vẫn sợ.

Blogger Mẹ Nấm

"Thực tế nếu cuộc biểu tình hôm nay dù chỉ có một người đứng ra, xuất hiện cũng là một thành công trong tình hình trấn áp rất kinh khủng như hiện nay."

Vừa qua, cơ quan chức năng Việt Nam, ngay cả giám đốc công an thành phố Hà Nội, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh đều cho rằng việc biểu tình chống Trung Quốc của người dân là hành động yêu nước. Tuy vậy, nhiều người tham gia biểu tình cho biết chính quyền yêu cầu họ không tham gia biểu tình mà hãy để chính phủ lo vì biểu tình như thế gây ảnh hưởng đến quan hệ hai quốc gia. Người biểu tình thì cho rằng việc họ công khai phản đối Trung Quốc gây hấn là nhằm ủng hộ Nhà Nước, giúp cho chính quyền dễ ăn nói hơn với phía Trung Quốc trước những hành động xâm lấn và gây hấn của họ.

Nhiều người biểu tình chống Trung Quốc đã bị bắt đưa về đồn công an làm việc; thậm chí hồi ngày 21 tháng 8 vừa qua có những người bị bắt giam mấy ngày do tham gia biểu tình.

Kể từ ngày 5 tháng 6 cho đến ngày 21 tháng 8 vừa qua có tổng cộng 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào ngày chủ nhật ở Hà Nội và hai cuộc tại Sài Gòn.

Đến nay, dù tiếp tục có kêu gọi như của Nhóm Ngày Chủ Nhật mới hôm ngày 17 tháng 9, nói lên mong muốn của người dân Việt Nam ước nguyện được công khai bày tỏ phản đối của họ trước những hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông; nhưng chính quyền cương quyết không để họ thực hiện được nguyện vọng mà bản thân dân chúng chứng minh là hợp hiến đó như lời mà trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam đưa ra với bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt của Trung Quốc hồi ngày 28 tháng 8 vừa qua ở Bắc Kinh; đó là kiên quyết không để xảy ra những vụ tập trung đông người ở Hà Nội như trong thời gian qua.