Hacker tấn công trang web của Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia

Nghe bài nàyOpens in new window ]

Nhóm hacker Anonymous Campuchia đã tấn công trang web của Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia thu thập tài liệu danh sách tên và địa chỉ của người Việt Nam tham gia bầu cử ngày 28/7.

Hacker tố cáo số liệu người Việt trái phép có thể bầu cử?

Thông cáo báo chí do nhóm hacker Anonymous Campuchia đề ngày 18/7 cho biết, nhóm này đã bẻ khóa trang web của Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia NEC là voterlist.org.kh thu thập tài liệu khoảng 2 GB, đăng trên trang chủ. Các tài liệu này bao gồm các chi tiết đăng ký cử tri, mã nguồn, báo cáo và danh sách đăng ký của người Việt Nam đang sống tại 24 tỉnh thành của Campuchia.

Tin tặc cũng thông báo họ đã công khai số liệu người Việt trái phép có thể bầu cử mà phía chính phủ Phnom Penh và Ủy ban Bầu cư cố gắng che dấu trước đó. Tin tặc Campuchia còn cho rằng dân Campuchia có thể vào tải dữ liệu miễn phí, chia sẻ một cách rộng rãi, nhằm phơi bày chuyện chính phủ Phnom Penh đang tước đoạt quyền hạn dân bản xứ.

Thông cáo nhóm hacker Anonymous Campuchia viết thêm: "Chúng tôi muốn chính phủ biết rằng chúng tôi không hề im lặng. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ về việc chính phủ lợi dụng công dân, không ủng hộ các công việc chính phủ đang làm và phải chấm dứt vấn đề tham nhũng. Chúng tôi sẽ truyền virus vào trang web trên đến khi nào chính phủ có hành động cụ thể."

Tin tặc thông báo họ đã công khai số liệu người Việt trái phép có thể bầu cử mà phía chính phủ Phnom Penh và Ủy ban Bầu cư cố gắng che dấu. Tin tặc Campuchia còn cho rằng dân Campuchia có thể vào tải dữ liệu miễn phí, chia sẻ một cách rộng rãi, nhằm phơi bày chuyện chính phủ Phnom Penh đang tước đoạt quyền hạn dân bản xứ.

Ngay sau khi có tin trang web của Ủy ban bầu cử Quốc gia Kampuchia bị tấn công, chúng tôi đã truy cập vào trang web trên và tải được hàng ngàn tên người Việt đăng ký bỏ phiếu được xác nhận, ký và đóng mộc bởi Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Im Suosdey. Hầu hết người Việt Nam có thể tham gia bầu cử có họ Nguyễn, Trần, Võ, Dương và họ Lê…v.v.

Ông Tep Nitha, Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) nói với RFA rằng những danh sách người Việt đăng ký bỏ phiếu nói trên có thể là danh sách giả. Đảng đối lập và nhóm bất đồng chính kiến bắt đầu cáo buộc chính phủ cho phép người nước ngoài tham gia bỏ phiếu từ năm 2008 đến nay.

Ông Tep Nitha, Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia trả lời báo chí ngày 23/7/2013. (Photos: Quốc Việt/RFA)
Ông Tep Nitha, Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia trả lời báo chí ngày 23/7/2013. (Photos: Quốc Việt/RFA) ((Photos: Quốc Việt/RFA))

Vẫn theo ông, mỗi năm NEC thường xóa tên người dân cư trú tự do và cập nhật mới những người sống có địa chỉ vĩnh viễn.

Có chứng minh nhân dân và hộ khẩu là có quyền bầu cử

Ông Tep Nitha phát biểu: "Danh sách cử tri đăng ký bỏ phiếu là căn cứ vào tài liệu phù hợp với pháp luật. Chúng tôi không phân biệt người nào tên gì, họ gì mà chỉ cần có giấy tờ sống hợp pháp. Ví dụ, họ có giấy chứng minh nhân dân Campuchia, sổ hộ khẩu thì chúng tôi phải bổ sung tên họ. Vì luật bầu cử không để chúng tôi hạn chế công dân tham gia bầu cử."

Còn Bộ Nội vụ Campuchia cho biết chính phủ đã cho phép nhập tịch không ít người Việt Nam đang sinh sống và lập nghiệp ở đây lâu năm. Phần lớn chính phủ cho rằng nhóm người Việt Nam có quốc tịch vì họ đóng góp cho kinh tế và đáp ứng nhu cầu luật nhập tịch.

Ông Vương Lộc Bình, một người Campuchia gốc Việt cho biết: "Tôi sống ở đây, lên xuống cũng gần 25 năm. Nhà tôi ở Sài Gòn, tôi qua lại. Tôi có nhập quốc tịch Campuchia, hai quốc tịch luôn. Tôi làm ăn ở đây, anh em Campuchia coi tôi như người Campuchia. Tôi tham gia bầu cử vì có hộ chiếu, hộ khẩu ở Phnom Penh."

Danh sách cử tri đăng ký bỏ phiếu là căn cứ vào tài liệu phù hợp với pháp luật. Chúng tôi không phân biệt người nào tên gì, họ gì mà chỉ cần có giấy tờ sống hợp pháp. Ví dụ, họ có giấy chứng minh nhân dân Campuchia, sổ hộ khẩu thì chúng tôi phải bổ sung tên họ. Vì luật bầu cử không để chúng tôi hạn chế công dân tham gia bầu cử<

Ông Tep Nitha

Trong khi đó, viện Dân chủ Quốc gia về các vấn đề Quốc tế (NDI) và Ủy ban Bầu cử Công bằng và Tự do Campuchia (NICFEC) đã đưa ra báo cáo sau thời gian giám định công tác lập danh sách cử tri rằng kết quả kiểm toán đã có 10,8% cử tri được đăng ký bỏ phiếu nhưng không tìm thấy tên mình trong danh sách.

Ông Hang Puthea, Giám đốc điều hành Ủy ban Bầu cử Công bằng và Tự do Campuchia (NICFEC) nói theo kết quả giám sát danh sách cử tri của tổ chức NICFEC cho thấy có rất nhiều cộng đồng Việt Nam đăng ký bỏ phiếu vì họ có giấy chứng minh nhân dân.

Ông nói người Việt có tên trong danh sách đều bất hợp pháp vì Quốc vương chưa bao giờ ban lệnh cho người Việt nhập tịch đúng theo luật pháp Campuchia.

Ông Hang Puthea: "Chúng tôi thấy nhiều điểm bỏ phiếu có tên người Việt Nam đăng ký vì họ có giấy chứng minh. Ngoài ra, có khoảng 1 triệu tên cử tri đăng ký bỏ phiếu nhưng không có người so với thực tế. Chúng tôi nhiều lần thúc giục NEC kiểm tra lại danh sách có tên người Việt, nhưng NEC vẫn khẳng định không thấy có vấn đề như NICFEC nêu lên."

Theo NEC, sẽ có khoảng 9,67 triệu cử tri; trong đó hơn 50% cử tri có độ tuổi từ 18 đến 35, đi bỏ phiếu tại 19.009 điểm bỏ phiếu trên cả nước. NEC còn cho biết có hơn 40.141 người đăng ký làm quan sát viên, giám sát cuộc Tổng tuyển cử lần này, trong đó có 85 quan sát viên quốc tế.

Ông Tep Nitha còn khẳng định sau có sự cố bị tấn công trang web, NEC sẽ đóng cửa trang web này kể từ ngày 27/7. Ông giải thích nhằm tránh khỏi sự bất ổn, phiền phức và phe đối lập lợi dụng danh sách cử tri trên trang web.

Đối với danh sách cử tri đăng ký bỏ phiếu sẽ được Ủy ban Bầu cử công bố, thông báo tại các điểm bỏ phiếu trên cả nước.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa V này, có 8 đảng ra tranh cử, tuy nhiên cuộc tranh đua là giữa hai đảng là đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đang cầm quyền và đảng Cứu Quốc (CNRP) mà người lãnh đạo là ông Sam Rainsy vừa trở về sau 4 năm sống lưu vong.

Nhóm Anonymous Campuchia cũng tuyên bố họ đang chuẩn bị một hoạt động quy mô lớn tấn công các trang web của chính phủ. Anonymous tuyên bố ủng hộ tự do ngôn luận, tiếp tục phơi bày việc chính phủ bênh vực Việt Nam và chống chế độ kiểm duyệt.