Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa bác bỏ báo cáo của Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) liên quan đến thông tin về các ông trùm cao su tại Campuchia và Lào. Phản ánh này được phát đi sau khi có cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang hủy hoại môi trường, sinh kế của người dân nước láng giềng.
Thông tin bịa đặt?
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức vừa ra thông cáo báo chí gọi những thông tin về Hoàng Anh Gia Lai là ông trùm cao su Việt Nam đang chiếm đất Campuchia và Lào là hoàn toàn bịa đặt và không có giá trị.
Ông nói Global Witness đã liên lạc với Hoàng Anh Gia Lai với một loạt các câu hỏi về các hoạt động của Tập đoàn nhưng họ không cung cấp các bằng chứng cụ thể liên quan đến các vấn đề mà họ đề cập.
Ông Đoàn Nguyên Đức lên tiếng như vậy sau khi Global Witness công bố báo cáo ngày 13/5 mang tên ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất ở Campuchia và Lào.
Theo Global Witness, các ông trùm cao su mới đang hủy hoại sinh kế của người dân địa phương cũng như môi trường trong các khoảng đầu tư ào ạt. Cụ thể, các ngôi làng bị ảnh hưởng bởi các vùng nhượng quyền cao su; các dân tộc thiểu số bản xứ đã phải chịu đựng gánh nặng những tác động môi trường; gỗ hồng sắc và các loại gỗ quý khác nằm trong và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền của Tập đoàn đều bị khai phá bất hợp pháp. Kết quả là các hộ gia đình đang đối diện với tình trạng nghèo khó, trong khi các rừng thiêng và đất chôn cất đã bị phá hủy.
Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng từ cộng đồng và người dân sống gần khu vực Công ty để minh chứng Hoàng Anh Gia Lai không tôn trọng luật pháp Campuchia và Lào. <br/> -Bà Megan MacInnes
Global Witness khẳng định rằng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã phớt lờ luật pháp một cách có tổ chức. Hoàng Anh Gia Lai vào các công ty liên kết được bố trí tổng cộng 81.919 ha đất. Trong đó, có 47.370 ha đất tại Campuchia mà theo giới hạn pháp lý tại quốc gia này thì mỗi công ty chỉ được 10.000 ha.
Còn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các công ty liên kết được bố trí tổng cộng 200.237 ha đất, trong đó có 161.344 ha ở Campuchia. Global Witness cho rằng cả hai Tập đoàn này đều công khai phớt lờ các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường và xã hội mà không bị trừng phạt cho đến bây giờ. Riêng Hoàng Anh Gia Lai đã công khai thừa nhận các hoạt động cảu họ tại hai quốc gia đều không tuân thủ pháp luật.
Bà Megan MacInnes, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vấn đề đất đai của Tổ chưc Global Witness phát biểu với RFA:
“Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng từ cộng đồng và người dân sống gần khu vực Công ty để minh chứng Hoàng Anh Gia Lai không tôn trọng luật pháp Campuchia và Lào. Hoàng Anh Gia Lai cần phải thực hiện các hoạt động phù hợp với luật pháp Campuchia và Lào còn hơn phớt lờ báo cáo này. Chúng tôi không biết ông Đoàn Nguyên Đức đang nghĩ gì mà ra thông cáo phủ nhận…”
HAGL bảo vệ rừng?
Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 13/5, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng các công ty con thuộc Hoàng Anh Gia Lai đang có các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực trồng cây cao su, mía đường tại Campuchia, Lào và các hoạt động này đã tuân thủ theo luật pháp nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng.
Ông Đức nhấn mạnh, Hoàng Anh Gia Lai không tham gia vào việc khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế trong khu vực nhượng quyền của Hoàng Anh Gia Lai. Chính phủ Campuchia và Lào có toàn quyền kiểm soát, sở hữu và quyết định đối với toàn bộ khối lượng gỗ.
Vẫn theo thông cáo, Hoàng Anh Gia Lai đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế địa phương bằng cách đóng thuế, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10,000 lao động địa phương và có nhiều đóng góp mang tính cộng đồng. Vì thế, trong những năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ Chính phủ hai nước.
Còn chính phủ Campuchia dường như không quan tâm đến báo cáo của Global Witness. Hơn nữa, còn khuyến khích Global Witness thưa chính phủ nếu có các bằng chứng đầy đủ.
Ông Phay Siphan, phát ngôn viên Hội đồng Bộ trưởng Campuchia cho rằng báo cáo của Global Witness nhằm mục đích sĩ nhục và cáo buộc chính phủ. Campuchia không nhạc nhiên với báo cáo này vì Global Witness là một Tổ chức bảo vệ môi trường đối lập. Ông Phay Siphan nói:
"Chính sách phát triển nông nghiệp Campuchia không chỉ riêng cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho các công ty Việt Nam. Việc nhượng đất đều dựa trên hai yếu tố cơ bản là khả năng tài chính đầu tư và tính chuyên nghiệp phát triển. Mục đích, phát huy hiệu quả trong công cuộc giảm nghèo và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế.
Việc phổ biến báo cáo như vậy không phải là hành động giúp giải quyết vấn đề ở Campuchia, không phải là đối tác để giúp hạn chế người vi phạm. Những gì nêu ra trong báo cáo là có động cơ chính trị, phê phán chính phủ…”
Việc phổ biến báo cáo như vậy không phải là hành động giúp giải quyết vấn đề ở Campuchia. Những gì nêu ra trong báo cáo là có động cơ chính trị, phê phán chính phủ… <br/> -Ông Phay Siphan
Global Witness cũng chỉ trích một số công ty Tài chính quốc tế và ngân hàng Deutsche Bank đã bỏ vốn vào Tập đoàn này mà không thèm rà soát các cam kết về môi trường, nhân quyền và xã hội. Global Winess nói công ty Tài chính quốc tế gần đây đã đầu tư 14,95 triệu USD vào Quỹ Việt Nam, nắm giữ gần năm phần trăm cổ phần trong Hoàng Anh Gia Lai. Còn Ngân hàng Deutsche Bank có một số mối quan hệ với Hoàn Anh Gia Lai, bao gồm nắm giữ 3,4 triệu cổ phiếu, trị giá gần 4,5 triệu USD. Ngân hàng cũng nắm giữ 1,2 triệu cổ phiếu trong công ty thành viên Đồng Phú của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hiện có giá trị 3,3 triệu USD.
Liên quan những rắc rối này, ông Hannfried von Hindenburg, phát ngôn viên của Công ty Tài chính quốc tế ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương phát biểu với RFA rằng mục đích của việc tài trợ vào Quỹ Việt Nam là nhằm tạo công ăn việc, nâng cao đời sống người dân nhưng từ chối thông tin Công ty Tài chính quốc tế đầu tư trực tiếp vào Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ông Hannfried von Hindenburg nói:
“Đối với báo cáo của Global Witness, chúng tôi rất hân hạnh điều tra và nghiên cứu những báo cáo một cách cận thận. Chúng tôi cùng đối tác tài trợ sẽ tiếp tay rà soát những vấn đề vướng mắc.”
Theo báo cáo Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai là Tập đoàn tư nhân Việt Nam, thành lập từ năm 1993 và hoạt động trong các lĩnh vực như thủy điện, bất động sản, khoáng sản, cao su, gỗ đá và bóng đá. Tập đoàn này có 6 công ty đang hoạt động trồng cao su và cọ dầu tại Campuchia trên tổng diện tích 50.000 hécta đất. Ở Lào có 8 công ty với tổng diện tích 40.000 hécta đât. Trong đó, có một dự án Thủy điện, 3 dự án trồng cao su, một dự án khoáng sản và 3 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, kinh doanh và dịch vụ. Năm 2012, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thu lợi nhuận trước thuế gần 525 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2011.
Còn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang đầu tư vào Campuchia tổng diện tích đất tô nhượng và sang nhượng hơn 270.000 ha. Hiện, các công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã trồng được 70.000 ha.
Tổng diện tích đất mà hai Tập đoàn Việt Nam nhận được cao hơn rất nhiều so với báo cáo của Chính phủ Campuchia công bố ngày 8 tháng 5 rằng các công ty Việt Nam hưởng đất tô nhượng trên tổng diện tích 231.000 ha.
Ông Trương Minh Trung, Chánh văn phòng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho RFA biết cả hai Tập đoàn đã có văn bản báo cáo Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bộ Ngoại giao sẽ trả lời chính thức liên quan những cáo buộc của Global Witness.
Global Witness cũng nhấn mạnh chính phủ Campuchia và Lào là thành phần then chốt trong vấn đề nói trên. Họ cấp phép nhượng quyền trái với pháp luật và không có biện pháp hành động nào khi Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su công khai phớt lờ luật pháp tương tự này.
Global Witness cũng nêu bật sự thiếu hụt các quy định quốc tế để ngăn chặn không cho các công ty và các nhà tài phiệt kích động việc chiếm đất ở các nước nghèo nhất trên thế giới. Đồng thời, cũng kêu gọi chính phủ Campuchia và Lào hủy bỏ việc nhượng quyền cho các công ty đang chiếm đất, phá rừng, gây hại cho dân địa phương.