Lúa gạo và kinh tế thị trường nửa mùa

0:00 / 0:00

Việt Nam sản xuất dư thừa lúa gạo, thiếu dự báo thị trường tiêu thụ và việc không tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường khiến cho nông dân trồng lúa lao đao.

Áp lực giảm giá

Chưa khi nào tình hình tiêu thụ lúa gạo lại bấp bênh như hiện nay. Việt Nam đang đứng trước áp lực giảm giá gạo xuất khẩu vì nguồn cung dư thừa trên thế giới và đặc biệt Thái Lan có ý định bán ra mỗi tháng 1 triệu tấn gạo với giá hạ hơn Việt Nam.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2014 giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng lượng gạo xuất khẩu 1,2 triệu tấn, Trung Quốc mua tới 40% và kế đó là Philippines chi phối 30% nhờ các hợp đồng cũ từ năm ngoái. Cùng với các tin tức này, kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long đã không kềm được giá lúa cho nông dân. Nông dân lời rất ít còn những hộ không có đất đi thuê ruộng làm thì chắc chắn đã bị lỗ vốn. Được biết đa số hộ trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long canh tác ít hơn 1 héc-ta, do vậy nhiều hộ phải đi thuê đất để làm. Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn An Giang đưa ra các số liệu ước tính:

Tạm trữ lúa gạo như mọi khi chỉ là giải pháp tức thời, giải pháp tình thế. Nó mang tính chất tâm lý hơn là kinh tế. <br/> -TS Đặng Kim Sơn

“Theo điều tra thì không tính tiền thuê đất, nếu đất là của mình giá thành lúa 4.000đ bán 5.000đ/kg thì lời được 1.000đ tức khoảng 25%. Nhưng nếu thuê đất thì hết trơn, tại vì giá thuê đất vụ đông xuân khoảng 1 triệu một công 1.000m2. Thành ra nếu thuê đất thì không còn gì.”

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết tính đến 31/3/2014 các doanh nghiệp thành viên đã mua tạm trữ vụ đông xuân khoảng 350.000 tấn gạo trên tổng số 1 triệu tấn theo kế hoạch. Tuy được chính phủ cấp bù toàn bộ lãi suất vốn vay ngân hàng để thực hiện tạm trữ, nhưng năm nay các doanh nghiệp tỏ ra không sốt sắng thực hiện và thực tế là giá lúa xuống thấp hơn trước khi khởi sự mua tạm trữ từ ngày 15/3. Cũng có thông tin cho rằng các doanh nghiệp bắt tay nhau để ép giá lúa xuống thấp hơn nữa. Trước các thông tin kế hoạch tạm trữ không mang lại hiệu quả mà nông dân trông đợi, TS Đặng Kim Sơn Viện trưởng viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định:

Một cánh đồng trồng lúa ở Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam hôm 17/02/2013. AFP PHOTO.
Một cánh đồng trồng lúa ở Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam hôm 17/02/2013. AFP PHOTO.

“Tạm trữ lúa gạo như mọi khi chỉ là giải pháp tức thời, giải pháp tình thế. Nó mang tính chất tâm lý hơn là kinh tế, nó có thể làm tăng một chút về cầu nhưng không thể xử lý được việc đẩy giá lên. Các doanh nghiệp họ không hy vọng bán được gạo trong tình hình thế giới xuống như thế này…”

TS Đặng Kim Sơn nói với chúng tôi, vấn đề sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đòi hỏi một giải pháp căn cơ từ đất đai tới tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi giá trị lúa gạo và phân chia lợi nhuận hợp lý hơn.

GSTS Võ Tòng Xuân, nhà nông học nổi tiếng của Việt Nam hiện sống và làm việc ở Cần Thơ, lên án các Tổng công ty lương thực nhà nước đã không nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ gạo mà chỉ lo ăn chặn, ăn hớt của nông dân. GSTS Võ Tòng Xuân đã nhiều lần nhận xét như thế trên báo chí Việt Nam, gần đây ngày 8/4 trên Đất Việt Online, ông Võ Tòng Xuân một lần nữa nhận định rằng: “Việt Nam luôn hô hào kinh tế thị trường nhưng lại không làm theo kinh tế thị trường, làm kiểu tự phát, mù tịt về thông tin.”

GSTS Võ Tòng Xuân nói với chúng tôi:

“Tôi đề nghị với nhà nước cụ thể là Bộ Nông nghiệp không nên biểu nông dân trồng cây này, cây kia…chỉ nói vậy thôi mà không nói nguyên một chuỗi giá trị của nó. Phải nói nguyên một chuỗi giá trị của nó, trồng cái đó thì giống ở chỗ nào, viện nào công ty nào. Qui trình trồng thế nào và huấn luyện người nông dân qui trình đó, đưa giống cho người ta. Kế đó là ai sẽ mua, tiêu thụ và chế biến thế nào. Phải nói luôn một chuỗi như thế thì mới bền vững được. Chứ còn nói chuyển đổi cơ cấu, rồi ai muốn làm gì thì làm thì sẽ chết hơn nữa. Trồng rồi chặt, trồng rồi chặt đã xảy ra từ nhiều năm nay rồi.”

Không cung cấp thông tin thị trường?

Theo nhận định của GSTS Võ Tòng Xuân, khuyết điểm lớn nhất thuộc về nhà nước khi để nông dân tự phát, không cung cấp thông tin thị trường. Nông dân thấy một loại cây trồng nào có lời là đua nhau phát triển, khi hàng hóa ứ đọng tất nhiên giá rớt.

Câu chuyện này đã kéo dài ít nhất 20 năm cho tới giờ phút này và gánh nặng sức ép luôn luôn thuộc về người nông dân chứ không phải nhà nước. <br/> -TS Phạm Chí Dũng

TS Phạm Chí Dũng, một nhà nghiên cứu độc lập ở TP.HCM nhận định, vấn đề tồn tại lớn nhất của nền nông nghiệp Việt Nam là thiếu dự báo thị trường.

“Câu chuyện này đã kéo dài ít nhất 20 năm cho tới giờ phút này và gánh nặng sức ép luôn luôn thuộc về người nông dân chứ không phải nhà nước. Thiếu sót lớn nhất của nhà nước chính là công tác dự báo, chính sách dự báo. Vấn đề dự báo người ta đưa ra từ rất nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ hình thành ở bất kỳ một bộ nào, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương.”

Trong lúc tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đang bế tắc ngặt nghèo thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại xảy ra đấu đá tranh nhau chức Chủ tịch. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải giao Bộ Nội Vụ giải quyết. VFA từ nhiều năm qua do ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam kiêm nhiệm chức Chủ tịch. Ông Phong nghỉ hưu ở Vinafood 2 từ đầu năm 2014 và gần đây bất ngờ sắp xếp việc bầu ông Nguyễn Hùng Linh tổng giám đốc công ty du lịch thương mại Kiên Giang vào vị trí chủ tịch VFA.

Một số thành viên VFA phản đối việc bầu bán cho là không minh bạch và sai nội qui điều lệ. Chắc hẳn chức chủ tịch VFA phải có quyền và lợi rất lớn nên mới xảy ra đấu đá như thế. Nhất là trong một thời gian dài, VFA dưới sự điều hành của ông Trương Thanh Phong bị các đại biểu quốc hội phê phán kịch liệt. Các đại biểu Quốc hội cho là VFA độc quyền xuất khẩu gạo một cách trá hình, các Tổng công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc chi phối tới 60%-70% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và công tác điều hành xuất khẩu gạo đem lại nhiều thuận lợi cho họ. Nhóm lợi ích này chỉ muốn buôn bán gạo xuất khẩu hưởng chênh lệch giá, không muốn đầu tư vùng nguyên liệu hay chia sẻ gì với nông dân, điều mà GSTS Võ Tòng Xuân gọi là ăn chặn ăn bớt của nông dân.