Ngày 10 tháng 4 hơn 100 người Úc gốc Việt biểu tình bên ngoài một nhà hàng ăn Việt Nam tại thành phố Brisbane, Australia để phản đối người chủ của quán này, là một người Úc gốc Thụy Điển, đặt tên quán là Uncle Ho, tức là Bác Hồ.
Bác Hồ là tên gọi tôn kính mà đảng cộng sản Việt Nam muốn cho tất cả những người Việt dùng để chỉ ông Hồ Chí Minh, người thành lập đảng cộng sản Việt Nam hồi năm 1930 và nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo cho đến hiện nay. Nhưng đối với nhiều người Việt Nam, ông Hồ Chí Minh không phải là một tên tuổi, một hình ảnh đáng tôn kính như thế.
Quán ăn Uncle Ho, Brisbane
Quán ăn đã được thành lập từ cuối tháng ba, và cộng đồng người Việt ở Brisbane đã tức giận không chỉ vì cái tên của quán, mà còn là bởi một số các hình ảnh trang trí trong quán lấy từ những tấm tranh cổ động tuyên truyền của quân đội cộng sản trong chiến tranh Việt Nam, như là "Thừa thắng xốc tới quét sạch giặc xâm lược, Tiến về Sài gòn ta quét sạch giặc thù."
Trước ngày 10 tháng tư, tranh cãi đã bùng lên trên mạng xã hội. Phía cộng đồng Việt Nam chống đối thì bảo rằng dù xã hội Úc là xã hội tự do nhưng không thể đặt tên những nhân vật liên quan đến những cuộc thảm sát. Họ nói là nếu đặt tên Bác Hồ được thì cũng sẽ đặt tên Bác Hitler được.
Phía chủ quán bảo rằng lịch sử nên nhìn từ hai phía.
Không thể hòa hợp hòa giải nếu còn nhân vật Hồ Chí Minh này, nhân vật này đã gây đau khổ cho rất nhiều người Việt Nam từ thời cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc. <br/> - Ông Hoàng Ngọc Tuấn
Sự kiện phản đối nhà hàng ăn liên quan đến Hồ Chí Minh đã được truyền thông Úc đưa tin rộng rãi.
Một thanh niên Mỹ gốc Việt ở California sau khi theo dõi sự kiện này nói với đài Á Châu Tự do rằng người chủ quán không hiểu lịch sử Việt Nam.
Ông Hoàng Ngọc Tuấn, người điều hành trang văn học Tiền Vệ của người Việt tại hải ngoại, đang sống tại Úc nói rằng người chủ quán không phải là không biết sự nhạy cảm về hình ảnh ông Hồ Chí Minh với cộng đồng Việt Nam, nhưng muốn gây sốc, nhưng không ngờ gặp sự phản ứng quá mãnh liệt từ cộng đồng Việt Nam.
Đánh giá sự hiểu biết về Việt Nam của người Úc, ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên viên điện toán sống tại nước này từ những năm 80 nhận xét:
"Những người Úc nói chung sau này họ không nắm rõ lắm, đặc biệt là Bộ giáo dục Úc sử dụng những thông tin, sách vở từ nguồn là nhà cầm quyền Hà Nội, và họ cho đó là cái nguồn chính thống, cái đó nó mới kẹt. Thì đương nhiên sẽ có những chuyện phiến diện và không trung thực 100%. Nó đưa vô xã hội dòng chính của Úc thì nó biến thành những cái mảng tiếp nhận khác nhau."
Trong một lần trao đổi với đài Á châu tự do, nhà báo Triều Giang hiện sống ở tiểu bang Texas, cũng có những nhận xét tương tự, khi có một số lượng lớn sách báo ấn hành từ Hà Nội được đưa vào nước Mỹ. Thậm chí, vẫn theo lời bà Triều Giang thì có những tài liệu gây ra sự hiểu lầm nhân vật Hồ Chí Minh và một nhân vật lịch sử khác là ông Nguyễn Thái Học, rất được cộng đồng người Việt ở hải ngoại kính trọng.
Hồ Chí Minh, nhân vật gây chia rẽ
Bên trong Việt Nam, hình ảnh Hồ Chí Minh được tôn kính như là một người suốt đời hy sinh cho dân tộc. Ông được gọi bằng những mỹ từ như cha già dân tộc, và Bác Hồ, tên gọi mà mọi người Việt Nam từ khi bước chân đến nhà trẻ đều phải tôn kính.
Bên ngoài Việt Nam, đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, thì ông Hồ Chí Minh được nhìn nhận là người gây ra nhiều tội ác.
Từ khi Việt Nam chính thức mở cửa về kinh tế, nhà cầm quyền Việt Nam cũng đặt ra nhiều chính sách nhắm tới cộng đồng người Việt ở hải ngoại để tiến tới như lời họ nói là gác lại quá khứ, hòa hợp hòa giải dân tộc.
Cuộc biểu tình ở Brisbane, hay câu chuyện ông Trần Trường treo ảnh ông Hồ cách đây nhiều năm ở miền Nam California cho thấy rằng nhân vật Hồ Chí Minh là trở ngại cho chính các chính sách của Hà nội đưa ra.
Ông Hoàng Ngọc Tuấn, người từng vượt biển và sống nhiều năm trong trại cải tạo của chế độ cộng sản, nói tiếp:
“Không thể hòa hợp hòa giải nếu còn nhân vật Hồ Chí Minh này, nhân vật này đã gây đau khổ cho rất nhiều người Việt Nam từ thời cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc. Rồi cho đến mấy chục năm sau có hàng triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi.”
Anh Trọng Hiền, một người Việt Nam lớn lên sau năm 1975, tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, hiện đang là chuyên viên điện toán cho một công ty viễn thông tại Úc cũng đồng ý là Hồ Chí Minh là một nhân vật gây chia rẽ.
Ông Hoàng Ngọc Diêu nói về các chính sách chủ trương hòa hợp hòa giải của chính phủ Việt Nam:
"Cái chính sách hòa hợp hòa giải của Hà Nội là họ muốn gác đi cái quá khứ, đừng có bới móc cái quá khứ ra để làm nó tồi tệ. Có nghĩa là họ đã làm cái gì sai thì kệ nó, hãy bỏ qua đi rồi hòa hợp hòa giải, nhưng mà phải theo cái đường lối chính sách của họ. Có nghĩa là đừng có chống họ thì mới có thể hòa hợp hòa giải được. Nhưng đối với những người tị nạn ở nước ngoài, khi đi mang theo những ký ức đau buồn, những tâm trạng đến giờ này hãy còn. Họ rất uất ức thì làm sao nói họ quên cái quá khứ đi. Cho nên mình nghĩ rằng là cái chuyện hòa hợp hòa giải của người Việt Nam mình, trong nước cũng như là những người chế độ hiện giờ, chế độ trước đây, mình thấy hầu như không thể được."
Nhân vật HCM với chính quyền VN
Anh Trọng Hiền cho rằng ngay trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, những người đến sau năm 1975, và những người đến muộn hơn, có trải qua một thời kỳ sống và làm việc tại Việt Nam cũng có nhiều điểm khác nhau, nhưng anh lại có hy vọng là người Việt sẽ vượt được trở ngại để ngồi lại với nhau:
“Để tìm được tiếng nói chung thì tôi nghĩ có sự khác biệt rất là lớn, về suy nghĩ về nhận thức. Cuối cùng tôi nghĩ là phải tôn trọng sự khác biệt của nhau, đối thoại với nhau là cái cách để giải quyết. Về ông Hồ Chí Minh thì khi người ta nói chuyện với nhau đa dạng, đa chiều thì những điều khuất tất, hay những điều khó hiểu, những điều không đúng về ông Hồ Chí Minh được các bạn trẻ ra nước ngoài giải thích, tôi nghĩ là cũng dần dần xích lại được với nhau hơn thôi. Thì sự thật rồi sẽ giải thoát cho tất cả chúng ta mà.”
Những người ở Hà Nội, những người đang nắm chính quyền ở Việt Nam thì tôi nghĩ là họ không bao giờ muốn minh bạch, không bao giờ họ muốn làm thay đổi sự tin cậy và tin yêu của người dân đối với Hồ Chí Minh. <br/> - Anh Trọng Hiền
Khi được đặt câu hỏi là liệu chính quyền Việt Nam có thay đổi cái cách họ nhìn về nhân vật Hồ Chí Minh không, anh tiếp lời:
“Những người ở Hà Nội, những người đang nắm chính quyền ở Việt Nam thì tôi nghĩ là họ không bao giờ muốn minh bạch, không bao giờ họ muốn làm thay đổi sự tin cậy và tin yêu của người dân đối với Hồ Chí Minh. Họ tuyên truyền và tẩy não, họ không bao giờ thay đổi đâu.”
Ông Hoàng Ngọc Tuấn một mặt nói rằng hình ảnh ông Hồ ở Việt Nam chỉ thay đổi khi không còn đảng cộng sản nữa, mặt khác ông cũng nói là lòng tin vào những điều không đúng rồi một ngày nào đó cũng sẽ bị vỡ tan. Ông lấy ví dụ về nước Đức Quốc xã:
"Nếu mình quay lại lịch sử thì mình thấy nước Đức dưới thời Hitler, hàng chục triệu người bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền của Hitler. Hàng chục triệu người tin rằng Hitler là thiên tài, là lãnh tụ vĩ đại. Họ tin rằng Đức là một nước vĩ đại dưới sự cai trị của Hitler. Nhưng khi mà Đức thất bại, chế độ Hitler sụp đổ, Hitler phải tự tử, sau đệ nhị thế chiến, nước Đức thua cuộc, thì họ tỉnh ngộ."
Một thanh niên sống trong nước xin giấu tên cho rằng nếu Hà nội thực sự muốn hòa hợp hòa giải dân tộc thì không nên dùng hình ảnh ông Hồ Chí Minh, mặc dù những người những người cộng sản vẫn có quyền ngưỡng mộ ông ấy,
"Người ta nhắc thì cứ nhắc, mình không có quyền trách được, nhưng mà tùy theo cách đánh giá khi mà họ dùng các hình ảnh đó thì sự hàn gắn sẽ bị khó khăn hơn. Thì tùy theo hướng nào thôi, nếu người ta muốn hàn gắn thực sự họ phải chọn cách thực tế, thực dụng hơn. Chứ không thể nói chuyện hàn gắn mà sử dụng những hình ảnh gây chia rẽ được. Tôi nghĩ nhiều khi không hiểu là họ muốn điều gì!"
Tháng tư năm 2016 đánh dấu 41 năm ngày Sài Gòn sụp đổ, với một cuộc chia rẽ ý thức hệ chưa có hồi kết. Còn cuộc biểu tình tháng tư ở Brisbane đã thành công khi quán ăn mang tên Bác Hồ đã phải đổi tên thành quán Bác Bia Hơi.