Tám danh nhân nghệ thuật
Báo chí trong nước cho biết sau hơn 10 năm cấp phát và chỉnh sửa số nhà, đến nay Saigon vẫn còn tình trạng nhà trùng số, nhảy số, các số cũ, mới lẫn lộn, rất nhiều đường phố không tên hoặc trùng lặp tên, gây không ít khó khăn cho công việc quản lý hành chánh và giao dịch của người dân. Dân số thành phố hiện đã tăng tới gần một chục triệu người, cả nội thành lẫn ngoại ô.
Một trong những địa phương được xem là có lắm đường phố lộn tên, nhầm số nhà là các quận 12, quận Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh.
Nhà cầm quyền vừa cho đặt nhiều tên đường mới. Trong số tám văn nghệ sĩ tên tuổi được đặt tên cho các con đường có nhà văn Nguyễn Minh Châu, 1930-1989, một người có ảnh hưởng trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu của đổi mới, có những tác phẩm như Những Vùng Trời Khác Nhau, Dấu Chân Người Lính. Kế đó là nhạc sĩ Đặng Thế Phong, 1918-1942, thuộc thế hệ tiền phong của nền tân nhạc Việt Nam, với ba nhạc phẩm bất hủ là Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu, Đêm Thu. Người thứ ba là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, 1915-1995, một trong những nhạc sĩ , di cư vào Nam và sau này sinh sống tại Hoa Kỳ, có nhiều sáng tác được ưa chuộng như Đêm Tàn Bến Ngự, Bến Xuân, Bóng Chiều Xưa, Cánh Bằng Lướt Gió.
Nữ ca sĩ, nhạc sĩ Quỳnh Giao, từ California, nói lên cảm tưởng của mình, khi đón nhận tin kế phụ của chị được đặt tên cho một con đường ở Saigon:
“Phải nói là tin vui, là người Việt Nam thì một người tên tuổi như ông Dương Thiệu Tước, được đi vào lịch sử, tôi cho là một điều đáng mừng. Công lao của ông đối với tân nhạc Việt Nam rất lớn. Ông là tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam, sáng tác từ 1939, tên tuổi ông cho đến bây giờ vẫn còn được nhắc nhở trên đầu môi của những người yêu nhạc, nhất là loại nhạc, tôi không dám gọi là tiền chiến, vì nói thế là hơi giới hạn, mà phải nói là những ca khúc nghệ thuật của Việt Nam. Đối với tôi, đây là một tin đáng mừng.”
Năm họa sĩ được dùng tên đặt những con đường mới ở vùng Gò Vấp và Tân Phú là họa sĩ Nguyễn Sáng, sinh năm 1923, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, 1912-1977, họa sĩ Bùi Xuân Phái, 1920-1998, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm và họa sĩ Trần Văn Cẩn. VN Express kể thêm tên của họa sĩ Diệp Minh Châu cũng được đặt tên cho nhánh đường Lý Tuệ đến đường Tân Kỳ.
Những việc đáng tán thành
Một người dân Saigon, nhà văn Nguyễn Viện không cho đây là một sáng kiến mới, tuy nhiên ông tán thành quyết định vinh danh những văn nghệ sĩ có công với nền văn học, nghệ thuật nước nhà:
“Theo tôi đó là dấu hiệu rất đáng quý, đáng trân trọng, riêng khu vực tôi ở, tức là quận 9 thành phố Hồ Chí Minh, gọi là cư xá Kiến Thiết, đã từ ít năm nay rồi, có rất nhiều các tên đường là nhà văn, nhà thơ, ông Trần Tế Xương, ông Tản Đà, ông Nhất Linh, là có hết. Hầu hết những tên đường sau này, trong khu tôi ở , là các danh nhân văn hóa, cho nên bây giờ nhà nước vinh danh tám ông danh nhân khác, cho những tuyến đường ở thành phố thì đối với tôi không có gì đáng ngạc nhiên lắm. Tuy nhiên, tôi thấy việc vinh danh này dù sau cũng là một cái gì đó thật sự có thay đổi, trong nhận thức về danh nhân lịch sử của Việt Nam, tôi vẫn nghĩ rằng sự đóng góp cho Tổ quốc, cho Dân tộc, không phải chỉ những anh hùng, có công trạng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mà còn có những con người đóng góp vào nền văn hóa Dân tộc, yếu tố này mới thật sự là lâu dài, cần thiết, để một dân tộc có thể lớn lên được”
Hiện đang thăm Hoa Kỳ, giáo sư tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã lên tiếng:
“Theo tôi về những danh nhân của một nước hay của thế giới thì người ta rất trọng những nhà văn, nhà thơ, từ bà Huyện Thanh Quang, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Nguyễn Du. Bây giờ đặt tên những nghệ sĩ nổi tiếng, như chúng ta đã thấy, thì cũng phần nào thể hiện truyền thống đó, tức là rất tôn trọng những nhà thơ, nhà văn, có đóng góp cho đất nước.”
Về những sự thay đổi gây ít nhiều ngạc nhiên, dư luận người dân Saigon mấy hôm nay cũng nói nhiều đến buổi lễ vinh danh các chiến sĩ Việt Nam của hai miền Nam Bắc đã anh dũng hy sinh chống ngoại bang để bảo vệ bờ cõi, lãnh hải, lần đầu tiên từ năm 1975. Cố Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà, cố Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, là hạm trưởng, hạm phó tuần dương hạm Nhật Tảo cùng 72 chiến hữu đã đền nợ nước trong trận hải chiến chống trả lực lượng hải quân không quân Trung Quốc xâm lấn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đầu tháng giêng năm 1974.