Tin cô y tá người Việt 26 tuổi bị nhiễm Ebola đã làm xôn xao dư luận cả nước Mỹ lẫn các cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Đến trưa hôm thứ ba công luận các nơi bừng lên nỗi vui mừng khi cô Nina Phạm nhắn lời cám ơn tất cả mọi người đã chúc lành cho cô, đồng thời cho biết sức khỏe đang tiến triển tốt đẹp. Suốt ngày hôm qua mọi hệ thống truyền thông Hoa Kỳ đều liên tục nói đến tin này, đề cao người y tá được mô tả là ngoan đạo và tận tụy với nghề nghiệp. Nhưng nỗi xôn xao chẳng phải chỉ vì người y tá trẻ đẹp và tận tụy quên mình, xung pha trên tuyến đầu bào vệ người dân, mà còn vì cả nước Mỹ cảm thấy bức thành phòng vệ quá mong manh trước sự đe dọa của một con virus từ tận châu Phi.
Chưa có câu trả lời
Tuy ai ai cũng hân hoạn nhưng chưa ai thấy câu trả lời thỏa đáng liên quan đến bệnh viện Cơ đốc Dallas, nơi làm việc của cô Nina Phạm, mà cô khen tặng là có một tập thể bác sĩ y tá giỏi nhất thế giới đang chữa trị cho cô.
Trước hết, tại sao bệnh viện đã cho Thomas Duncan về nhà vào lúc anh đến bệnh viện ngay từ khi có những triệu chứng đầu tiên của bệnh nhiễm Ebola, và có khai báo là anh vừa từ Liberia sang Mỹ? Kế đến, Nina Phạm không những là một y tá giỏi, tận tụy với nghề nghiệp, mà còn được một đồng nghiệp ca ngợi là có tài năng huấn luyện về các thủ tục bảo hộ y tế dành cho bác sĩ và y tá trong trường hợp có bệnh nhân gây lây nhiễm nguy hiểm. Vậy tại sao cô lại có thể bị nhiễm virus Ebola, trong khi cơ quan CDC cũng chưa tìm ra nguyên nhân sai sót ở chỗ nào?
Xét lại tình hình vào lúc bệnh nhân Thomas Duncan đến khám lần đầu tiên khi bệnh tình của anh chưa bộc phát nặng nề, có thể thấy dường như giới y tế Hoa Kỳ có chủ quan quá đáng sau khi bác sĩ Kent Brently, người Mỹ đầu tiên bị nhiễm Ebola được đưa từ Liberia về Mỹ, đã được chữa lành bệnh một cách nhanh chóng, với mọi thủ tục bảo hộ y khoa được áp dụng, không gây một ca lây nhiễm nào.
Dù sao cũng có nhiều người cho rằng đó là sự tắc trách trong nghề nghiệp của bệnh viện Cơ Đốc Dallas, khi bác sĩ đã khám nghiệm mà lại không phát hiện được virus Ebola trong người bệnh từ vùng dịch bệnh đến. Đã vậy, cho đến lúc đó các phi trường cửa khẩu của Hoa Kỳ vẫn chưa chịu áp dụng những biện pháp khám nghiệm để ngăn ngừa bệnh nhân mang virus Ebola vào đất Mỹ, mà mãi sau này khi Nina Phạm bị nhiễm thì mới làm điều đó, đồng thời CDC cũng gấp rút chuẩn bị cho tất cả các bệnh viện sẵn sàng đối phó với các ca bệnh Ebola.
Nhiều khiếm khuyết
Thêm vào đó, người ta còn thấy nhiều điều bất cập của hệ thống y tế của Mỹ, là một hệ thống thường được coi là bậc nhất thế giới.
Điều đáng chú ý đầu tiên là chính những quy định về những thủ tục bảo hộ y tế có thể đã mang những khiếm khuyết, nên một người y tá huấn luyện cho người khác về những thủ tục và biện pháp, tức là những cách sử dụng các trang bị bảo hộ đó, lại bị nhiễm bệnh.
Và điều kế tiếp là ngành y tế Mỹ lại tỏ ra quá tin cậy vào hệ thống thủ tục bảo hộ đó. Bằng chứng là trong thời gian chữa trị cho bệnh nhân Duncan, bệnh viện khởi sự khám nghiệm cho 48 người mà Duncan từng tiếp xúc, nhưng không quan tâm tới những nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân thường xuyên hơn trong giai đoạn bệnh trạng trầm trọng và virus đang hoành hành dữ dội.
Những nhân viên này, trong đó có cô Nina Phạm, chỉ tự theo dõi tình trạng sức khỏe của mình. Vì thế mới xảy ra ca bệnh của Nina Phạm, và tối thứ ba lại có một y tá khác của bệnh viện này bị nhiễm Ebola.
Con Ebola 'quái ác'?
Riêng về những quy định về các thủ tục sử dụng trang bị bảo vệ y tế thì hệ thống đó đã tỏ ra hữu hiệu trong mấy chục năm, nếu không nói là cả trăm năm nay, chưa hề có một ca nhiễm nào xảy ra trong những giai đoạn dịch bệnh nguy hiểm hoành hành. Chỉ đến nay mới xảy ra trường hợp của Nina Phạm và một y tá khác vừa được xác nhận hồi tối hôm qua là nhiễm Ebola. Chẳng lẽ con virus Ebola này quái ác hơn mấy con "tiền bối" của nó chăng? Nhưng nghĩ lại, đã gọi là trang bị bảo hộ y tế thì phải phòng ngừa được mọi khả năng lây nhiễm của mọi thứ vi trùng vi khuẩn bất kể độc hại tới đâu. Đó không phải là chuyện khó khăn gì lắm, cho nên vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi tại sao các y tá bị nhiễm virus.
Virus Ebola cũng truyền nhiễm qua đường máu huyết, da thịt và các vật phế thải, không khác nhiều dịch bệnh khác, còn may là không truyền qua không khí như virus bệnh SARS và các bệnh về hô hấp. Nhưng cho đến con Ebola thì hệ thống bảo hộ y tế mới lộ ra những khiếm khuyết có tính cách sinh tử. Điều đó cũng có nghĩa là khả năng lây nhiễm của virus Ebola quả có khác thường, và ngành y tế đánh giá khả năng lây nhiễm đó chưa đúng mức. Ngoài ra người ta còn thấy là không phải bệnh viện nào cũng có khả năng chữa trị bệnh nhân Ebola, như BS Giám đốc CDC Thomas Frieden đã nói. Nhiều bệnh viện có kinh nghiệm dồi dào hơn đối với các bệnh truyền nhiễm. Và như ta đã thấy, bệnh viện Cơ đốc Dallas không nhiều kinh nghiệm chữa trị loại bệnh truyền nhiễm độc hại như Ebola. Đã vậy, cho đến lúc cô y tá bị nhiễm virus, thì CDC cũng chưa thiết lập tài liệu hướng dẫn chữa trị bệnh này.
May là những khiếm khuyết đó dường như đã được CDC lưu ý và sửa chữa. Đó cũng là một điểm hay của xứ sở này.
Qua ghềnh đến thác
Nhưng lại một điều không may nữa, sau khi bạn trai của Nina được xác nhận nhiễm Ebola và cách ly để chữa trị, thì một nữ y tá 29 tuổi cùng làm việc với Nina Phạm lại được nghỉ phép và đi xa sau khi đã nổ ra tin Nina bị bệnh. Amber Vinson đã lên máy bay bay từ Texas đi Cleveland để lo chuẩn bị đám cưới, đi cùng chuyến với 132 hành khách khác. Lúc đi thì không có triệu chúng gì, nhưng từ Cleveland trước khi bay về Dallas hôm thứ hai, cô gọi Cơ quan phòng chống dịch bệnh toàn quốc CDC để báo rằng thân nhiệt của cô lên tới 99,5 độ F và đang lên máy bay. CDC cũng không bảo cô đừng đáp máy bay. Amber đã được cách ly và khám nghiệm ngay khi về tới Dallas, hôm thứ tư được xác nhận đã nhiễm Ebola. Tối hôm đó cô được chuyển đi Atlanta, đến bệnh viện Đại học Emory, nơi đã chữa khỏi hai bệnh nhân Ebola khác và đang chữa trị bệnh nhân thứ ba là 1 nhân viên y tế Mỹ bị nhiễm virus ở Sierra Leone. Tình trạng của cô được báo là bệnh tình ổn định. Giám đốc CDC cho biết cả Amber với Nina đều có tiếp xúc nhiều và gần gũi với bệnh nhân Duncan hôm 28 tới 30 tháng chín, trong lúc bệnh nhân này đến giai đoạn nôn mửa và đi tả.
"Ngồi trên lửa'
Cùng lúc với người y tá thứ nhì, bạn trai của cô Nina Phạm cũng được khám nghiệm và xác nhận nhiễm virus Ebola. Anh đã được cách ly và chữa trị tại Dallas. Nina Phạm được chuyển đến Viện Y tế Quốc gia gần Washington để điều trị. Cô sẽ được chuyển tới bệnh viện tại Bethesda, tiểu bang Maryland. Cha mẹ của cô cũng sẽ đến Bethesda trên một chuyến bay khác.
Giám đốc Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh của Hoa Kỳ đang hứng chịu búa rìu dư luận vì bị cho là phản ứng quá kém trước dịch bệnh này. BS Thomas Frieden được mô tả là đang " ngồi trên lửa", nhất là sau khi nữ y tá thứ hai ở Dallas bị nhiễm virus. Một số nhà lập pháp Mỹ đòi ông Frieden từ chức, trong khi phe đối lập chỉ trích Tổng thống Barack Obama không biết lãnh đạo.n