Những nhà hoạt động vì quyền con người tại Việt Nam cho biết họ phải đối diện với những biện pháp sách nhiễu, thậm chí hành hung, bỏ tù của chính quyền. Thế nhưng càng bị trấn áp bao nhiêu họ lại càng kiên định và mạnh mẽ hơn trên con đường đã chọn.
Hành động phi pháp
Tình trạng ngăn chặn, sách nhiễu và hành hung đối với những người công khai lên tiếng đấu tranh cho mọi quyền căn bản của con người tại Việt Nam diễn ra mới nhất là vào ngày 25 tháng 7 khi nhiều người trong nước hưởng ứng ngày tổng tuyệt thực kêu gọi trả tự do cho những tù nhân lương tâm trong nước.
Lực lượng an ninh tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cưỡng bức về đồn công an một cách thô bạo là những nhà hoạt động đến tại công viên bãi biển trên đường Trần Phú để tọa kháng- tuyệt thực theo như thông báo từ trước.
Anh Phạm Văn Hải, một trong số những người bị đưa về đồn công an phường Lộc Thọ sớm nhất kể lại sự việc đối với bản thân anh và những hành vi của lực lượng chức năng mà anh này cho là vi phạm nhân quyền:
Hôm qua thực sự tôi mới thấy công an đánh dã man thật. Trước đây tôi có nghe anh em bị đánh nhưng chưa nhìn thấy bao giờ hết. Họ như những con thú điên: họ đánh, đá bất kể là phụ nữ, đàn ông gì, họ đánh như vậy
Chị Trương Hoàng Anh
“ Tôi vẫn yêu cầu phải trả tự do cho tôi sớm chứ tôi không muốn ngồi ở đó. Tuyệt thực là quyền của tôi và tôi muốn tuyệt thực ở ngoài kia chứ không phải ở đây. Thế nhưng họ nhất quyết không trả tự do và những lần tôi đi toilet họ đều đi theo và đứng ngoài cửa. Họ vi phạm đến quyền cá nhân của mình một cách rất nghiêm trọng.”
Chị Trương Hoàngh Anh, một trong nhóm tại Nha Trang bị cưỡng bức phải về đồn và bị hành hung cùng với ba người bạn khác là Nguyễn Phi Tâm, Võ Trường Thiện và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trình bày lại sự việc xảy ra vào sáng ngày 25 tháng 7 khi họ ra công viên bãi biển đường Trần Phú để tọa kháng- tuyệt thực:
“Khi đến, tôi thấy công an, an ninh, dân phòng rồi cả công an giao thông dàn quân ra bao vây hết khu đó rồi. Bốn người không làm gì hết chỉ ngồi trên bãi có chỗ lối đi ở công viên, ngồi chơi chứ không làm gì. Đến hơn 9 giờ, tức 9 giờ bắt đầu tuyệt thực, thì họ ập lại họ đánh, họ gây sự lôi từng người ra đánh. Họ lột áo màu trắng đồng phục ra.
Hôm qua thực sự tôi mới thấy công an đánh dã man thật. Trước đây tôi có nghe anh em bị đánh nhưng chưa nhìn thấy bao giờ hết. Họ như những con thú điên: họ đánh, đá bất kể là phụ nữ, đàn ông gì, họ đánh như vậy!”
Chuyện thực nhà tù
Vào sáng ngày hôm qua, một tù nhân lương tâm mãn án sau 15 tháng tù về tội bị buộc là ‘chống người thi hành công vụ’, bà Cấn Thị Thêu. Ngay sau khi ra tù bà cũng cho biết lại tình cảnh của bản thân bà và một số tù nhân lương tâm nữ bị giam tại Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa như sau:
“Họ giam chúng tôi vào một khu biệt lập, phải qua 4 tầng cửa sắt mới vào được nơi ở của chúng tôi. Họ xây tường rất cao, cửa sắt nhỏ, không có quạt nên rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Đối với bản thân tôi từ khi bị bắt, bị đánh cho đến nay ngày nào cũng ‘thổ’ ra máu tươi; nhưng tôi báo với họ thì họ nói chắc do trở trời.
Giam chúng tôi sau bốn tầng cửa sắt không cho giao tiếp với ai, khi gọi điện thoại thì họ cấm không cho thông báo tình hình sức khỏe của chúng tôi ở trong tù. Nơi giam chúng tôi rất bí, không có không khí để thở. “
Biện pháp mua chuộc
Anh Phạm Văn Hải cho biết ngày 25 tháng 7 anh công khai tham gia tuyệt thực để hưởng ứng kêu gọi trả tự do cho những tù nhân lương tâm tại Việt Nam, và khi bị bắt về công an phường Lộc Thọ, trong khi anh tuyệt thực, có nhân viên đến dụ anh ăn:
“ Họ đặt camera và có người đến bảo đến giờ này nên ăn gì. Tôi từ chối tất cả và nói việc tôi tuyệt thực để thứ nhất đòi lại tự do cho những tù nhân lương tâm đang bị giam, mất quyền tự do và tôi tuyệt thực kiên quyết không ăn gì!”
Đối với trường hợp bà Cấn Thị Thêu kiên quyết đấu tranh đòi lại đất đai- tư liệu sản xuất cho gia đình và người dân Dương Nội, trong thời gian bị bắt giam bà cũng bị mua chuộc từ bỏ cuộc đấu tranh. Bà cho biết:
Tôi nghĩ rằng khi họ gây ra quá nhiều tội ác: đàn áp, đánh đập chúng tôi thì chính họ mới thúc đẩy lòng căm thù và ngọn lửa đấu tranh để người dân vùng lên chống lại họ
Bà Cấn Thị Thêu
“Khi tôi bị bắt, nhiều ngày suốt bao tháng trời họ thương thuyết với tôi rất nhiều: họ bảo ‘giúp’ họ thì sẽ giải quyết riêng cho gia đình tôi, họ có thể cho gia đình tôi vài chục tỷ đến cả trăm tỷ để không tham gia cuộc đấu tranh nữa. Nhưng tôi nói thẳng với họ tôi không thể phản bội lại nhân dân chúng tôi, không bao giờ tôi phản bội lại lý tưởng đấu tranh của tôi. Vì không thuyết phục được tôi nên họ mới đưa tôi ra tòa và lập phiên tòa để xét xử tôi. “
Không thể cản ngăn
Những người bị tù tội như bà Cấn Thị Thêu hay bị hành hung, sách nhiễu như chị Trương Hoàng Anh ở Nha Trang đều cho rằng chính hành động nặng tay của các lực lượng chức năng lâu nay khiến họ nhận thấy rõ bản chất tàn ác và củng cố thêm quyết tâm đấu tranh cho chính nghĩa, cho quyền con người.
Chị Trương Hoàng Anh vào ngày 26 tháng 7 phát biểu:
“Những người như tôi không thể khuất phục bằng vũ lực được và tôi tin tưởng bạn bè tôi cũng không bao giờ để vũ lực khuất phục. Chắc chắn tôi và bạn bè tôi sẽ có những hành động hợp pháp, đúng pháp luật, đúng với lương tâm của mình để ủng hộ những tù nhân lương tâm và để ủng hộ nền dân chủ của Việt Nam thay đổi chứ không thể để như thế này được: vi phạm nhân quyền quá trắng trợn. Hôm qua người dân chứng kiến rất đông. Tất nhiên khi về họ sẽ suy nghĩ tại sao xảy ra những chuyện như vậy và họ sẽ biết. Dần dần người ta sẽ hiểu thôi!”
Bà Cấn Thị Thêu ngay sau khi ra tù cũng khẳng định:
“Đối với tôi từ khi bị bắt, cho đến khi ra tòa lúc họ cho tôi nói lời cuối cùng thì tôi thề còn hơi thở cuối cùng nào tôi sẽ đấu tranh đòi lại tài sản, đất đai của gia đình tôi và của nhân dân chúng tôi. Tôi quyết tâm đấu tranh để chống lại quân cướp đất đến cùng
Tôi nghĩ rằng khi họ gây ra quá nhiều tội ác: đàn áp, đánh đập chúng tôi thì chính họ mới thúc đẩy lòng căm thù và ngọn lửa đấu tranh để người dân vùng lên chống lại họ.
Tôi nghĩ rằng nhân dân chúng tôi với sự quyết tâm, với hiện tại chúng tôi không còn gì để sống thì nhân dân chúng tôi phải như nước vỡ bờ vùng lên để đòi lại những gì mà chúng tôi đã mất.”
Tuyên giáo Hà Nội luôn nhắc đến câu ‘ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh’; và thực tế này đang diễn ra ngày càng một rõ hơn tại Việt Nam hiện nay.