Bao giờ nông dân làm ông chủ lúa gạo

Việt Nam có lượng gạo xuất khẩu thứ nhì thế giới nhưng nông dân những người trực tiếp làm ra hạt lúa rất nghèo và bị nhiều tầng lớp khác xâu xé phần lợi nhuận của mình.

0:00 / 0:00

Xuất khẩu tăng vẫn không khá

Nhìn vào thống kê xuất khẩu gạo của Việt Nam thì sẽ thấy những con số tuyệt vời, nếu năm 1991 mới xuất khẩu được 1 triệu tấn gạo trị giá 230 triệu USD thì đến 2010 kim ngạch này là 6,8 triệu tấn trị giá 2,9 tỷ USD. Năm nay dù có thiên tai lũ lụt, đặc biệt lũ lớn nhất trong vòng 9 năm qua ở đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa xuất khẩu của Việt Nam nhưng kim ngạch sẽ không dưới 7 triệu tấn và trị giá sẽ vượt qua mức 3 tỷ USD.

Những người làm một mẫu trở lại thì phải có nghề phụ hoặc đi làm việc gì ngoài cây lúa để bù đắp phần thiếu hụt…

Ông Tám

Nhà nước Việt Nam có thể tự hào về việc từ chỗ là nước nhập khẩu lương thực đã nhanh chóng trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thế nhưng đa số người Việt lại chau mày khi được hỏi về cuộc sống nông dân và hẳn họ phải có thu nhập khá nếu nhìn vào kim ngạch xuất khẩu gạo từng năm.

Ông Tám một trung nông ở Cần Thơ, gọi ông như thế vì gia đình ông có 4 người và có 3 héc-ta ruộng, trong khi đại đa số hộ nông dân khác làm dưới 1 héc-ta. Ông Tám nói cuộc sống của gia đình ông không khá hơn bao nhiêu, ông vẫn canh tác chừng ấy ruộng trong khi kim ngạch gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 10 lần trong 20 năm qua. Ông Tám mô tả cuộc sống của mình:

“Nếu làm cỡ hai, ba mẫu thì sống được, không dư nhưng lay lắt sống được vì lạm phát nó cao. Ở Việt Nam mình chi tiêu một năm 100 triệu thì hơi ‘hóm’ không đáp ứng đủ. Những người làm một mẫu trở lại thì phải có nghề phụ hoặc đi làm việc gì ngoài cây lúa để bù đắp phần thiếu hụt…có 1 hec-ta mà lo đám tiệc phải quấy, nuôi gia đình con cái không đáp ứng đủ.”

Những hệ thống bên ngoài đồng ruộng

000_Hkg1186300-250.jpg
Gạo VN xuất khẩu sang Philippines. AFP PHOTO.

Nếu không có chục triệu hộ nông dân như gia đình ông Tám, Việt Nam không thể nào trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu. Thế nhưng những người nông dân chịu thương chịu khó lại bị cả một hệ thống bên ngoài đồng ruộng chi phối. Ông Tám nói:

“Người liên quan tới cây lúa như ông phân bón thuốc trừ sâu thì lợi nhuận cao, còn người làm ra hạt lúa đồng lời không có nhiều. Người buôn bán gạo lấy đầu ra của nông dân lời nhiều, ông xuất khẩu gạo nữa cũng vậy.”

Người nông dân nghèo không những vì ít đất canh tác, công nghệ sau thu hoạch lạc hậu cũng làm thất thoát sản lượng hơn 10%. Phần còn lại là con đường qua nhiều trung gian cho tới khi hạt gạo tới tay người tiêu dùng hay xuống tàu ra xuất khẩu.

Người buôn bán gạo lấy đầu ra của nông dân lời nhiều, ông xuất khẩu gạo nữa cũng vậy.

Ông Tám<br/>

Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, GSTS Võ Tòng Xuân chuyên gia Nông Nghiệp uy tín của Việt Nam nhận định về sự chuyển biến nhận thức dù còn nhiều trục trặc. Theo đó, từ 6 năm nay đã có sáng kiến kết hợp doanh nghiệp-nông dân-các nhà khoa học với sự lãnh đạo của nhà nước qua chính sách khuyến khích, như thế nông dân sẽ cùng nhau làm theo đặt hàng của doanh nghiệp để có nguyên liệu chất lượng cao hơn, doanh nghiệp chế biến thật tốt có đăng ký nhãn hiệu để xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước. Nhưng đáng tiếc chủ trương liên kết 4 nhà chưa thực hiện được, một phần là Nhà nước chậm chạp về mặt chính sách, phần khác mấy doanh nghiệp có đầu ra không muốn hợp tác với nông dân mà chỉ mua qua thương lái.

Những mô hình sản xuất mới

harvest-in-an-giang-250.jpg
Thu hoạch lúa ở “cánh đồng mẫu lớn” huyện Châu Thành (An Giang). Photo courtesy of T.Tú/tuoitre.vn.

Hiện nay đã khởi sự những mô hình mới nhưng còn ở qui mô nhỏ, như công ty ADC ở Cai Lậy kết hợp với hợp tác xã để sản xuất lúa chất lượng thương phẩm. Ngoài ra còn có hình thức cánh đồng mẫu lớn ở An Giang hiện đang phát triển lên mức hơn 6.000ha. Tham gia cánh đồng mẫu lớn do Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang tổ chức, nông dân được cung cấp vật tư đầu vào từ công ty, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và đặc biệt có một cụm dịch vụ bao quanh các cánh đồng lúa, đó là kho chứa đạt tiêu chuẩn, nhà máy xay xát… Chúng tôi trích lời ông Huỳnh Thế Năng phó chủ tịch tỉnh An Giang về mô hình này:

“Tiêu thụ là một khái niệm mở, nó gắn chặt trách nhiệm của doanh nghiệp trong suốt quá trình nông dân thu hoạch. Ở tại mô hình này tạo ra một điều kiện mà chúng tôi gọi là điều kiện để người nông dân thể hiện được quyền của mình hay nói cách khác là quyền của người bán. Khi lúa được đưa đến kho được đo độ ẩm, xác định được khối lượng thì người nông dân có quyền bán hoặc gởi lại kho trong một tháng mà không phải tính tiền lưu kho. Nếu giá cả vẫn chưa thuận để bán, người ta vẫn cho gởi lại kho nhưng nông dân phải chịu chi phí.”

Hình thức công ty cổ phần là bền vững tất cả cùng có lợi, nông dân trở thành chủ nhân của công ty cho nên cuối năm họ được chia lãi. <br/>

GSTS Võ Tòng Xuân

Tuy vậy GSTS Võ Tòng Xuân lại có cách nhìn khác đối với hình thức cánh đồng mẫu lớn, ông cho rằng báo chí trình bày mặt tốt của mô hình này mà chưa phản ánh việc nông dân than phiền là công ty cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu cao hơn giá đại lý. Việc bố trí một kỹ sư nông nghiệp phụ trách mỗi cụm 50 héc-ta là chi phí nông dân phải chia sẻ. Vị giáo sư đặt câu hỏi nếu phát triển lớn hơn nữa sẽ không có đủ đội ngũ kỹ sư nông nghiệp và hơn nữa ở cánh đồng mẫu lớn vẫn là mua đứt bán đoạn, người nông dân không được chia phần lợi nhuận khi gạo được tiêu thụ hoặc xuất khẩu.

GSTS Võ Tòng Xuân đề xuất một giải pháp khác mà ông cho là tốt đẹp về nhiều mặt:

“Nếu chúng ta làm liên kết 4 nhà mà tôi gọi là công ty cổ phần nông nghiệp, thì nông dân có thể lấy lúa của họ để mua cổ phần. Hình thức công ty cổ phần là bền vững tất cả cùng có lợi, nông dân trở thành chủ nhân của công ty cho nên cuối năm họ được chia lãi. Đây mới thực sự là xã hội chủ nghĩa, làm theo kiểu khác mấy ông tư bản đỏ như công ty bảo vệ thực vật, công ty phân bón và công ty xuất khẩu lương thực tất cả đều ăn trên đầu trên cổ nông dân hết.”

GSTS Võ Tòng Xuân giải thích rõ hơn về mô hình công ty cổ phần nông nghiệp mà nông dân là cổ đông, một sự kiện chưa từng có ở Việt Nam. Theo lời ông, có hai dự án như vậy đang hình thành và có thể hoạt động từ sang năm 2012:

024_138532-250.jpg
Một thửa ruộng ở ĐBSCL sau thu hoạch. Hemis.fr photo (Một thửa ruộng ở ĐBSCL sau thu hoạch. Hemis.fr photo)

“Nông dân sẽ sản xuất theo đặt hàng của công ty, khi đưa lúa vào nông dân lấy một phần lúa ra để mua cổ phần, phần còn lại lấy tiền. Như thế tới cuối năm tính sổ của công ty ông nông dân được chia lãi cổ tức. Đồng thời khi bán lúa cho công ty nông dân không bao giờ bị ép giá. Hiện nay tất cả nông dân đều bị ép giá, còn ở trong công ty cổ phần nông nghiệp thì sẽ không có chuyện này vì lời lỗ gì cùng nằm trong công ty sẽ chia đều mà nông dân có phần trong đó. Làm công ty cổ phần nông nghiệp sẽ chấm dứt kiếp làm tôi mọi của nông dân mình bỏ sức cho mấy công ty nó ăn, mà người nông dân sẽ cùng làm chủ công ty của họ.”

Những chuyển biến về hình thức cánh đồng mẫu lớn hay ý tưởng về công ty cổ phần nông nghiệp với nông dân là cổ đông chỉ mới bắt đầu hồi gần đây ở đồng bằng sông Cửu Long. Nó cũng trùng hợp với việc cuối năm nay cánh cửa kinh doanh xuất khẩu gạo được mở rộng cho công ty nước ngoài. Thu nhập của nông dân được hứa hẹn sẽ khá hơn với các mô hình sản xuất lớn, đồng nhất, bớt trung gian và chủ động trong tiêu thụ. Nhưng người nông dân lúc này như con chim sợ cành cong, họ hồ nghi mọi lời hứa hẹn. Bởi vì họ đã trải qua biết bao vụ lúa được mùa mất giá.

Theo dòng thời sự: