Ngành giáo dục ở VN lại đón thêm 1 ngày lễ vinh danh thầy cô giáo vào ngày 20/11. Hòa Ái có bài ghi nhận chia sẻ của giáo viên về các góc khuất của ngày tri ân dành cho những người chọn nghiệp “trồng người”.
Không phải đợi đến ngày 20/11 ký ức về trường học, bục giảng, bạn bè và thầy cô mới tràn về nhưng trong không khí ngày tri ân nhà giáo VN hình ảnh về cô giáo lớp 1 của Hòa Ái ngồi bên tủ thuốc lá nhỏ ở ven đường hiện rõ mồn một trong tâm tưởng hơn bao giờ hết. Lâu lắm mới có dịp về quê và lần nào cũng vậy, Hòa Ái tìm đến thăm cô giáo đã tận tình dạy cho mình đánh vần từng chữ trong bản chữ cái tiếng Việt, cầm tay cho Hòa Ái nắn nót từ chữ “O” đầu tiên. Phong thái người thầy đầu đời của Hòa Ái vẫn như xưa của hơn 30 năm về trước nhưng dáng vẻ tiều tụy hơn nhiều sau vài lần thăm gặp. Vóc người gầy gò, gương mặt hốc hác, mái tóc bạc trắng của một bà giáo già đơn thân hưu trí kiên nhẫn ngồi bán từng điếu thuốc lá với nụ cười buồn thi thoảng trên môi mỗi khi nhớ về kỷ niệm nào đó trong nghề gõ đầu trẻ của mình.
Cả năm có 1 ngày vinh danh nhà giáo, học trò cũng đến tặng quà cho xong thủ tục. Việc này đã thành lệ rồi. Thật ra chẳng còn tình cảm gì. Nhiều khi cảm giác như mua bán, nịnh nọt nhau, không có nhiều tình cảm nữa.<br/> - Một thầy giáo ở VN
Hòa Ái hỏi thăm cô có nhiều học trò đến thăm nhân ngày Nhà giáo VN hay không? Cô từ tốn trả lời rằng “không có” và chậm rãi tâm tình quanh năm suốt tháng cô vẫn thường nhận được từ tay của học trò, con cháu của học trò ghé tạt qua với 1 bọc chè, 1 bịch nước mía hay 1 ổ bánh mì cùng lời hỏi thăm “Bà giáo giữ gìn sức khỏe nghen!”. Cô giáo lớp 1 của Hòa Ái nói rằng cô trân quý những tình cảm thân thương như vậy dù cô không có kỷ niệm nào trong ngày Nhà giáo VN, nói thêm rằng cô thương lắm những người học trò ở quê nhà, có thể ngày trước họ học không giỏi, họ không thể “bay cao” với những ước mơ vì hoàn cảnh nào đó nhưng ít nhiều cô biết được rằng họ đã thành “nhân”, không phải vướng vào “đầu trộm đuôi cướp”, không làm điều xấu trong xã hội.
Ngày lễ 20/11 năm nay, Hòa Ái không liên lạc được với cô giáo lớp 1 của mình, tuy nhiên lại có cơ hội tiếp xúc qua điện thoại với những thầy cô giáo khác ở VN. Họ đón nhận ngày lễ vinh danh họ như thế nào? Một thầy giáo ở VN chia sẻ:
“Thật ra ngày xưa nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề. Ngày xưa có thể đúng vì là nghề dạy người nhưng bây giờ nhiều cái tiêu cực, nhiều việc xảy ra trong ngành giáo dục, thầy trò nhiều khi không giống ngày xưa nữa. Cảm giác như thương mại hóa tất cả, dịch vụ hết nên cảm giác tình cảm thầy trò bao năm càng dạy càng không gần gũi càng không thân thiết. Ngày xưa nhớ lại thuở học trò đi thăm thầy cô ý nghĩa hơn. Bây giờ làm giáo viên thấy học trò nói chung thờ ở với thầy cô. Cả năm có 1 ngày vinh danh nhà giáo, học trò cũng đến tặng quà cho xong thủ tục. Việc này đã thành lệ rồi. Thật ra chẳng còn tình cảm gì. Nhiều khi cảm giác như mua bán, nịnh nọt nhau, không có nhiều tình cảm nữa”.
Nhiều giáo viên cho đài ACTD biết ngày 20/11 mỗi năm, Ban Phụ huynh có một cuộc họp để tặng quà cho thầy cô giáo. Bên cạnh đó giáo viên cũng nhận quà tặng bằng tiền được trích trong quỹ phúc lợi của nhà trường. Đa số giáo viên ở VN cảm thấy ngày vinh danh Nhà giáo không còn đúng như ý nghĩa ban đầu. Đối với họ ngày lễ này đã bị biến thành ngày của sự “đổi chác” vì mục đích nào đó. Trong khi nhiều phụ huynh phải đau đầu nghĩ đến những khoản chi cho quà cáp, phong bì gửi đến thầy cô giáo trong ngày 20/11 với hy vọng con em mình được quan tâm giúp đỡ nhiều hơn thì không ít giáo viên nhận lấy trong tâm trạng xót xa vì cho rằng nghề giáo đang dần không được tôn trọng trong xã hội ngày nay.
Nỗi buồn của nhà giáo
Trong những năm qua khi công nghệ thông tin bùng phát trong nước, ngày càng có nhiều giáo viên gặp trở ngại trong công tác do họ kết nối với cộng đồng một cách nhanh chóng qua internet và cất lên tiếng nói chính kiến về những tiêu cực trong ngành giáo dục cũng như những vấn đề của xã hội quan tâm. Họ bị đồng nghiệp và học sinh xa lánh. Và ngày 20/11 là ngày họ cảm thấy bị lạc lõng, buồn tủi nhất. Cô giáo Xuân Mai ở Vĩnh Long tâm sự với Hòa Ái những gì cô đang trãi qua trong cuộc đời dạy học hơn 30 năm:
Cô có nỗi buồn là những việc mình làm là vì cộng đồng, vì đất nước, vì quê hương của mình rõ ràng vậy nhưng thầy cô giáo không hiểu. Những giáo viên đảng viên thì nghĩ mình là phản động. <br/> - Cô giáo Xuân Mai
“Cô có nỗi buồn là những việc mình làm là vì cộng đồng, vì đất nước, vì quê hương của mình rõ ràng vậy nhưng thầy cô giáo không hiểu. Những giáo viên đảng viên thì nghĩ mình là phản động. Còn những thầy cô giáo hiểu biết thì cũng không dám lên tiếng. Người ta biết những việc làm của mình là đúng nhưng người ta không dám nói vì sợ hãi. Chỗ cô ở là nông thôn, người ta đâu có đọc báo trên internet này kia nọ. Em tưởng tượng giáo viên dạy toán giờ này mà còn nói ‘yêu nước là phải chống Mỹ’. Giáo viên dạy văn thì không biết ‘Nhân văn Giai phẩm’ là gì, bây giờ vẫn nói Lê Văn Tám là anh hùng liệt sĩ. Thầy cô ít tai chịu đọc báo trên internet lắm. Quan niệm của thầy cô giáo là báo chí phản động không nên đọc, không nên xem, chỉ xem những báo trong nhà trường quy định. Cho nên trong mắt những thầy cô đó cho rằng cô là phản động”.
Có phải giáo viên nào cũng cảm thấy không tự hào về cái nghề cao quý mà họ đã chọn cũng như không còn niềm vui khi được tri ân nữa? Hòa Ái được dịp trao đổi với thầy giáo Hoa Nguyễn ở Hoa Kỳ. Người thầy giáo 78 tuổi này bắt đầu cuộc đời của một giáo viên dạy lớp 1 từ năm 1956, và dừng lại ở vị thế là một hiệu trưởng trường trung học vào năm 1975. Ông giáo già Hoa Nguyễn năm nào cũng sắp xếp thời gian về VN họp mặt với học trò và đồng nghiệp, trả lời câu hỏi đặt ra của Hòa Ái:
“Nhìn chung tôi có thể nói rất hãnh diện về nghề giáo của mình. Không có gì là buồn lòng. Tất cả những việc làm trong nghề giáo dục đều là hãnh diện, nhất là sau này học trò lớn lên thành đạt mỗi lần gặp đều khoanh tay cúi đầu chào ‘thưa thầy’ làm tôi cảm động vô cùng. Mặc dù nghề giáo lúc nào cũng vậy, đời sống đạm bạc lắm, tuy nhiên về tinh thần thì rất tốt. Tôi rất hãnh diện được làm một nhà giáo VN trong suốt 19 năm trong thời gian đó”.
Ngày Nhà giáo VN năm nay đến với thầy cô giáo với nhiều hoa, cũng có thể là nhiều quà cùng bức thư cảm ơn của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, nhấn mạnh đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục quán triệt Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, tâm tư thầm kín của đại đa số giáo viên hiện nay ước mong họ có thể họ nói lên tiếng lòng một cách chân chính như của thầy giáo Hoa Nguyễn trong ngày nhân danh họ. Phải chăng ước nguyện này là món quà xa xỉ nhân ngày họ được tri ân?