Thuế phí bất hợp lý
Vừa qua, Bộ Tài chính đã công khai cơ cấu tính giá xăng dầu, qua đó cho biết thuế và phụ phí chiếm tỷ lệ khoảng 32% của giá bán. Với cách tính đó cho thấy các khoản thuế phí bất hợp lý là nguyên nhân khiến giá xăng dầu tăng cao và người tiêu dùng phải gánh chịu.
Xăng, dầu là một những mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng, vì thế cho dù như giá cả thế nào thì người sử dụng cũng buộc phải chấp nhận.
Trong nền kinh tế thị trường thì giá cả các loại hàng hóa nói chung được điều chỉnh bởi quy luật cung cầu, giá trị. Ở Việt Nam, một số ngành như điện, xăng dầu, hàng không... thì dường như không hoạt động theo nguyên tắc này, nhưng nhà nước lại luôn xác định giá bán cho người tiêu dùng.
Việc tăng giá xăng dầu có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và xã hội. Khi giá xăng dầu tăng thì sẽ tạo hiệu ứng cho tất cả giá cả hàng hóa dịch vụ khác cũng tăng theo, làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.
Không thể coi xăng dầu như rượu, golf, casino được, bởi vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu họ không dùng không được cho nên không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để tiết chế tiêu dùng. <br/> -Bà Lê Thị Nga
Từ Đà nẵng, Huỳnh Văn Bảy, một lái xe vận tải đã cho biết cảm nghĩ của ông về vấn đề nhà nước tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng tới công việc kiếm sống của mình như thế nào? Ông Huỳnh Văn Bảy cho biết:
“Xăng tăng giá thì khó làm, vì cước không theo kịp thì chạy không có hiệu quả, không có doanh thu. Ví dụ như trước xăng nó rẻ thì mình trừ dầu ít, bây giờ giá tăng thì mình phải trừ dầu nhiều nên mức thu của mình ít lại”.
Theo báo chí trong nước cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng dầu ở trong nước đã 6 lần tăng giá bán, đặc biệt trong 15 ngày đầu tháng 7.2014 giá xăng tăng liên tiếp 2 lần, khiến giá xăng tăng ở mức kỷ lục chưa từng có.
Ngày 7.7.2014, Bộ Tài chính lần đầu tiên đã công khai cơ cấu tính giá xăng dầu, theo đó một lít xăng dầu phải chịu thuế nhập khẩu 18%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng, thuế trị giá gia tăng 10%, tương đương với 8.244đ/lít.
Giải thích nguyên nhân việc tăng giá xăng liên tiếp hai lần trong thời gian gần đây, và nói về việc thu thuế đối với mặt hàng xăng dầu, một cán bộ của Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính đề nghị không nêu danh tính cho biết, đó là do thời gian qua giá xăng trên thị trường thế giới tăng mạnh. Điều đó dẫn đến giá bán lẻ thực tế thấp hơn giá cơ sở 918đ/lít, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ. Theo ông, trong việc điều chỉnh giá bán xăng dầu thì yếu tố thuế đã được tính toán rất kỹ để tránh ảnh hưởng đến nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Ông cho biết:
“Trong quá trình điều hành, chúng tôi đã cân nhắc yếu tố thuế, tuy nhiên thuế là một khoản thu của nhà nước nên phải được đánh giá rất kỹ. Do vậy khi điều hành giá chúng tôi đã kết hợp hài hòa giữa việc sử dụng quỹ bình ổn và điều chỉnh giá để tránh sự sốc về giá”.
Để có nguồn thu cho ngân sách?
Hiện tại, giá xăng dầu được điều hành theo quy định của Nghị định số 84, theo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nhưng nhiều chuyên gia thấy rằng giá xăng hiện nay đang phải gánh nhiều loại thuế, phí bất hợp lý khiến giá bán lẻ xăng dầu quá cao so với khả năng chi trả của người tiêu dùng.
Giá xăng dầu tại Việt Nam đang ở mức kỷ lục trong khi thuế, phí chiếm gần 1/3 giá bán mặt hàng này và dư luận đặt câu hỏi vì sao nhà nước không giảm thuế thay vì tăng giá xăng, dầu?
Từ Hà nội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền thấy rằng trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện nay có quá nhiều các khoản thuế, phí phụ thu cần phải được xem xét lại cho phù hợp. Theo bà, nếu nhà nước tăng giảm giá xăng dầu do dựa vào giá thế giới tăng giảm, thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần được xóa bỏ để đảm bảo tính minh bạch trong việc điều hành giá xăng dầu, theo đúng nguyên tắc tăng giảm của kinh tế thị trường.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cho biết:
Trên thực tế, rất nhiều cái khoản thuế, phí đưa vào giá xăng dầu để có nguồn thu cho ngân sách, cái đó là một thực tế rất rõ ràng. <br/> -Nguyễn Thị Hiền
“Trên thực tế, rất nhiều cái khoản thuế, phí đưa vào giá xăng dầu để có nguồn thu cho ngân sách, cái đó là một thực tế rất rõ ràng. Chỉ có điều là làm thế nào nguồn thu ngân sách từ xăng dầu nó đừng để giá xăng dầu tăng lên quá mức để nó ảnh hưởng tới giá sản xuất và tiêu dùng”.
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% cho giá bán xăng dầu là một điều hết sức bất hợp lý, vì xăng dầu cũng như điện nước… là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân, là nguyên liệu đầu vào của sản xuất kinh doanh.
Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không đồng tình về việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% cho giá bán xăng dầu. Theo bà việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng dầu vô tình nhà nước đã coi xăng dầu là mặt hàng xa xỉ như rượu, bia, golf, casino… đây là điều cần phải được khẩn trương xem xét để điều chỉnh.
Phát biểu trong phiên họp Quốc hội gần đây, bà Lê Thị Nga nói:
"Một điều đặc biệt quan trọng là chúng ta đang đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào các mặt hàng nhà nước không khuyến khích tiêu thụ, thí dụ như rượu, golf, casino. Tức là các mặt hàng xa xỉ mà nhà nước đánh vào để tiết chế sự tiêu dùng của người dân, không khuyến khích tiêu dùng. Nên không thể coi xăng dầu như rượu, golf, casino được, bởi vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu họ không dùng không được cho nên không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để tiết chế tiêu dùng".
Nói về các giải pháp để khắc phục tình trạng tăng giá xăng dầu được cho là thiếu minh bạch, tránh tình trạng tăng gía tùy tiện làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân. T.S Vũ Thị Minh Hằng, trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng:
“Tổng Công ty xăng dầu phải hoạt động theo cơ chế thị trường, phải tham gia vào thị trường thế giới như là một số các mặt hàng khác, tức là nó phải tham gia các công cụ phát sinh của nó trong việc ký kết các hợp đồng có kỳ hạn, các hợp đồng giao sau mua bán trên thị trường nguyên liệu, để góp phần vào việc phòng ngừa rủi ro của tỷ giá biến động, phòng ngừa rủi ro của giá xăng dầu.”
Đánh giá về thực trạng kinh doanh xăng dầu ở Việt nam hiện nay, theo báo Đất Việt gần đây đã nhận định cho rằng: "Người dân và các doanh nghiệp ngoài Nhà nước ngoài việc đóng thuế để nuôi các ông "vua" không ngai lại còn phải chịu mua những sản phẩm độc quyền với giá cao và giá trị sản phẩm thế nào cũng phải chịu. Người dân và doanh nghiệp tư nhân còn phải oằn lưng gánh chịu hậu quả của doanh nghiệp độc quyền do quản lý kém cỏi, dốt nát và tham nhũng mang lại".