Vài điểm đáng chú ý trong quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt

Cùng hàng loạt những hợp tác quốc phòng, những cuộc thăm viếng song phương, Hoa Kỳ coi Việt Nam như một đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực. Thế nhưng, phía sau những hoạt động bề nổi kia, còn có những điểm đáng gì đáng lưu ý.

0:00 / 0:00

Hợp tác quốc phòng

Hai điểm chính yếu vẫn luôn là những đề tài được các giới chức không chỉ quân sự mà cả ngoại giao đề cập trong mỗi lần gặp gỡ là việc Việt Nam muốn mua vũ khí sát thương từ Hoa Kỳ và ý muốn của Hoa Kỳ muốn thâm nhập sâu hơn vào các cảng biển của Việt Nam cho các hoạt động liên quan đến quân sự. Nhưng bao trùm lên cả là mong muốn xích lại gần nhau trong hợp tác quốc phòng khi chính vị Tổng trưởng quốc phòng Leon Panetta trong chuyến thăm gần đây đến Việt Nam hồi tháng 6 nhấn mạnh “một vai trò hợp tác sâu sắc hơn giữa đôi bên để tăng cường an ninh và thịnh vượng chung cho toàn vùng Châu Á – Thái Bình Dương.”

Hình ảnh ông Panetta ra thăm cảng Cam Ranh được báo giới quốc tế rất quan tâm, nhất là khi ông cho biết tàu hải quân Mỹ được cập cảng Cam Ranh sẽ là “một nhân tố chính” và sẽ mở ra một “tiềm năng cực kỳ to lớn” trong quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt – Mỹ. Cũng xin nói thêm, cảng Cam Ranh nằm ở vị trí huyết mạch, là con đường thông thương từ Ấn Độ Dương lên phía Bắc Thái Bình Dương, nhiều người nhận định ai nắm giữ được cảng này sẽ nắm thế chủ động tại Biển Đông. Và chuyến thăm viếng căn cứ Cam Ranh của ông Panetta lần vừa rồi là chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ kể từ khi Hoa Kỳ rút quân khỏi căn cứ, sau Hiệp Định Paris 1973.

Mặc dù ý muốn của Hoa Kỳ rõ ràng là như vậy, nhưng phía Việt Nam vẫn chưa thể hiện rõ ý định của mình. Phía Việt Nam không đưa ra bất kỳ một cam kết nào rằng họ sẽ cho phép các tàu chiến Mỹ lui tới cảng này, điều kiện mà Việt Nam đưa ra vẫn chỉ giới hạn ở các loại tàu thuộc dân sự hoặc quân sự không vũ trang.

Cũng cần nói thêm ở đây, trong Bạch thư quốc phòng năm 2009, Việt Nam có công bố 3 điều cơ bản là không lập ra liên minh với một nước ngoài, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và Việt Nam sẽ không lợi dụng các quan hệ của mình để chống lại nước khác. Có lẽ với tuyên bố “3 không” trên mà Việt Nam không tỏ ra quá thân thiện chào mời Hoa Kỳ vào cảng Cam Ranh.

Theo đánh giá của nhiều học giả quốc tế thì cách thức mà Việt Nam từ lâu đang áp dụng khá khôn khéo, ông Joshua Kurlantzick, Học giả của Hội đồng Đối ngoại về vấn đề Đông Nam Á cho biết:

Việt Nam mở cửa cho mọi đối tác đến cảng Cam Ranh như là nơi để bảo trì tàu thuyền chứ không phải là căn cứ quân sự. So với các nước trong khu vực như Philippines thì Việt Nam có vị thế mạnh hơn nhiều. Việt Nam khéo léo sử dụng sự hợp tác với mọi quốc gia khác nhau để củng cố vị thế cho mình.

Trong khi đó thì một học giả khác là bà Bonnie Glasser, chuyên viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế (CSIS) thì nhận xét về mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác khác:

Rõ ràng là Việt Nam cho cộng đồng quốc tế thấy là Cam Ranh mở cửa cho hải quân mọi quốc gia trên thế giới đến để thực hiện việc bảo trì tàu bè. Không chỉ với Hoa Kỳ, không chỉ với Nga, với Trung Quốc. Việt Nam hoàn toàn mong muốn những chuyện hợp tác như vậy vì có thể từ đó sẽ tạo ra thêm thu nhập cho Việt Nam.

Nhưng quay lại với mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về việc sử dụng cảng Cam Ranh, việc mỗi năm chỉ có một tàu của nước này được sử dụng tại Cam Ranh là quá ít. Hơn nữa, Cam Ranh chỉ là địa điểm để bảo trì tàu bè với đội ngũ lao động từ Việt Nam thì xem chừng là không đủ, người ta lo ngại chất lượng cũng như tay nghề của Việt Nam không thể đảm bảo chất lượng.

Còn nhiều khúc mắc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trên đường ra tàu USNS Richard E. Byrd tại Cam Ranh tháng 6/2012.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trên đường ra tàu USNS Richard E. Byrd tại Cam Ranh tháng 6/2012. (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trên đường ra tàu USNS Richard E. Byrd tại Cam Ranh tháng 6/2012.)

Có thể thấy ẩn ý đằng sau việc sử dụng Cam Ranh là tàu thuyền các quốc gia vào Cam Ranh để đặt nền tảng mối quan hệ về lâu về dài cho việc sử dụng Cam Ranh vào mục đích khác hơn là nơi chỉ để bảo dưỡng tàu bè qua lại. Riêng về vấn đề, trong một lần phỏng vấn gần đây, T.S Walter Lohman, Giám đốc Viện nghiên cứu Châu Á của Quỹ Heritage cho chúng tôi biết quan điểm của ông về hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà cụ thể là vấn đề sử dụng cảng Cam Ranh.

Không thấy rõ là liệu Việt Nam có thực sự muốn để tàu chiến Hoa Kỳ sử dụng cảng Cam Ranh hay không, phần vì giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn những dấu tích lịch sử, phần vì nó cũng liên quan đến chiến lược đối đầu với sự đe doạ của Trung Quốc. Việt Nam vẫn chưa quyết định sẽ giải quyết mối đe doạ của Trung Quốc ra sao và chưa sẵn sàng liên kết chiến lược với Hoa Kỳ để “ngăn chặn” Trung Quốc. Vì thế họ không sẵn sàng cho phép Hoa Kỳ sử dụng vịnh Cam Ranh. Chuyện hợp tác chiến lược bây giờ chỉ dừng trên góc độ tượng trưng thôi, mỗi năm chỉ cho phép 1 tàu chiến sử dụng thì thực sự cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều.

Điều mà T.S Lohman muốn đề cập thêm ở đây đó chính là “con bài” cảng Cam Ranh để Hoa Kỳ dễ thoả thuận hơn trong việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông Lohman cho rằng Việt Nam hiện tại vẫn chưa rõ ràng trong hợp tác chiến lược sẽ là một bất lợi cho chính Việt Nam vì Hoa Kỳ đã có hẳn một chiến lược đầu tư dài hạn vào quốc phòng với đối tác.

Nói chung, là Hoa Kỳ sẽ tự một mình đứng ra tạo nên một “thói quen” về mặt quan hệ an ninh và quốc phòng với Việt Nam mà không cần quyết định chiến lược của Việt Nam. Dù thế nào đi chăng nữa, tôi cũng muốn nhắc lại, cho đến khi nào Việt Nam xây dựng được quyết định chiến lược thì lúc đó Hoa Kỳ mới có thể bán vũ khí được cho Việt Nam."

Không dừng lại ở đó, một trở ngại khác trong chuyện mua bán vũ khí sát thương của Hoa Kỳ là vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam. Điều kiện này vẫn luôn là những tiêu chuẩn mà Hoa Kỳ đưa ra đối với mọi quốc gia và Việt Nam chưa thể đáp ứng được. Điều kiện này được lặp đi lặp lại từ thời Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, Michalak năm 2010, cho tới Ngoại trưởng Clinton cùng năm, rồi sau đó là của các thượng sĩ Mỹ khi thăm Việt Nam như John McCain hay Lieberman và gần đây nhất là Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Panetta trong tháng 6 vừa qua.

Chuyện hợp tác chiến lược bây giờ chỉ dừng trên góc độ tượng trưng thôi, mỗi năm chỉ cho phép 1 tàu chiến sử dụng thì thực sự cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. <br/>T.S Walter Lohman

Ngoài chuyện nhân quyền và tự do tôn giáo gắn với mua bán vũ khí, thì giới chuyên gia còn lo ngại là những mặt hàng vũ khí tối tân của Hoa Kỳ thường đi theo một gói tổng thể chẳng hạn như huấn luyện, đào tạo sử dụng, cử chuyên gia sang Hoa Kỳ học tập… thì những vấn đề này chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía Việt Nam.

Có thể nói, việc trở thành đối tác chiến lược của Hoa Kỳ và Việt Nam là dấu hiệu đáng mừng kể từ sau 15 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao. Nhưng những khúc mắc và khác biệt về quyền lợi của hai quốc gia trên những lĩnh vực khác nhau vẫn sẽ còn là trở ngại cần phải giải quyết và chuyện này không thể thực hiện chóng vánh. Xin nhắc lại lời T.S Lohman làm câu kết, chỉ khi nào Việt Nam rõ ràng trong hợp tác chiến lược quân sự với Hoa Kỳ và vấn đề nhân quyền được cải thiện thì lúc đó Hoa Kỳ mới có điều kiện để xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Theo dòng thời sự: