Vai trò lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

0:00 / 0:00

Một trong những nhân vật được nhiều người xem là “lịch sử” và từng được nhắc tới khá nhiều, nhất là khi ông qua đời hôm mùng 4 tháng 10 vừa rồi, là tướng Võ Nguyên Giáp. Trong những ngày qua, đã có rất nhiều nhận định, kể cả các sử gia, về tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng chúng tôi được biết nhà nghiên cứu lịch sử Trần Gia Phụng từ Toronto, Canada, vẫn chưa thấy lên tiếng về diễn biến này. Thanh Quang xin tìm hiểu ý kiến của ông Trần Gia Phụng về nhân vật Võ Nguyên Giáp qua cuộc phỏng vấn sau đây:

Chiến công hiển hách?

Thanh Quang: Thưa ông Trần Gia Phụng, trước hết xin ông cho biết lý do nào mà ông lên tiếng có phần "muộn màng" về trường hợp của tướng Võ Nguyên Giáp?

Trần Gia Phụng: Lúc tướng Võ Nguyên Giáp chết hôm 4 tháng 10 vừa qua, tôi có viết môt bài về trận Điện Biên Phủ để làm tài liệu, chứ tôi không nhận xét về ông này. Lý do đơn giản là vì khi nào có một nhân vật qua đời, dù dó là nhân vật chính trị hay văn hóa cũng luôn luôn có nhiều bài nhận định về nhân vật đó được đưa lên báo. Tôi thích đọc và nghe nhiều ý kiến để tìm những gì mới lạ mà học hỏi thêm. Bây giờ dư luận tạm lắng xuống, ông đặt lại vấn đề này với tôi, thì cũng rất hay. Chúng ta cứ tự nhiên nói chuyện.

Thanh Quang: Cảm ơn ông. Thưa ông, nói đến tướng Võ Nguyên Giáp hẳn nhiều người liên tưởng đến "chiến công" mà thậm chí được cho là "hiển hách" của tướng Giáp, từ trận Điện biên Phủ cho tới công cuộc gọi là "giải phóng Miền Nam" Việt Nam. Ông nhận xét như thế nào về "chiến công" của tướng Võ Nguyên Giáp?

Muốn đánh giá "chiến công" của tướng Võ Nguyên Giáp thì hãy đặt "chiến công" đó trong toàn bộ cuộc chiến Việt Nam. <br/> -Ô. Trần Gia Phụng

Trần Gia Phụng: Thưa ông, muốn đánh giá "chiến công" của tướng Võ Nguyên Giáp thì hãy đặt "chiến công" đó trong toàn bộ cuộc chiến Việt Nam. Trước hết, hãy nói đến cuộc chiến từ 1946 đến 1954. Cuộc chiến này có thể chia thành hai giai đoạn.

Thứ nhứt từ 1946 đến 1949, Việt Minh thua chạy, rút lên núi rừng hay vào bưng biền. Thứ hai từ 1950 đến 1954, Việt Minh phản công nhờ sự viện trợ về mọi mặt của Trung Cộng.

Như mọi người đều biết, năm 1949, đảng Cộng Sản Trung Quốc thành công, chiếm được lục địa Trung Hoa, thành lập nhà nước Trung Cộng ngày 1-10-1949. Bốn tháng sau đó, ngày 30-1-1950, Hồ Chí Minh có mặt ở Bắc Kinh để xin viện trợ. Kể từ tháng 4-1950, Trung Cộng viện trợ toàn diện cho Việt Minh, từ thực phẩm, thuốc men, đạn dược, võ khí lớn nhỏ, kể cả tin tức tình báo, và thành lập Bộ Tư lệnh cố vấn quân sự.

Chính nhờ đại tướng Trần Canh của Trung Cộng, Việt Minh mới thắng trận Đồng Khê tháng 9-1950, và phục kích bắt được 4.000 tù binh Pháp trong đó có hai trung tá. Chiếm được Đồng Khê, quân cộng sản kiểm soát được vùng biên giới. Điều này có lợi cho Việt Cộng vì thông thương với Trung Cộng để dễ liên lạc, chuyên chở hàng viện trợ cho Việt Cộng. Trung Cộng cũng có lợi vì biên giới phía nam Trung Cộng an toàn, không sợ bị Quốc Dân Đảng Trung Hoa kiểm soát.

Chiến lược giữa tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lãnh cố vấn Trung Cộng có một điểm khác biệt căn bản. Tướng Võ Nguyên Giáp chú trọng đến việc tấn công các tỉnh đồng bằng để gây tiếng vang, các tướng lãnh Trung Cộng chú trọng đến việc mở rộng ảnh hưởng ở miền núi làm hậu cứ và từ đó chờ cơ hội chiếm đồng bằng.

Tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh chụp ngày 13 tháng 9 năm 1968. AFP PHOTO.
Tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh chụp ngày 13 tháng 9 năm 1968. AFP PHOTO.

Thưc tế cho thấy chiến lược của tướng Giáp không thành công, nhất là sau những thất bại nặng nề ở Vĩnh Yên, Ninh Bình năm 1951. Từ đó, tướng Giáp theo hẳn chiến lược Trung Cộng, tiến đánh miền núi và cao nguyên phía tây bắc dưới sự cố vấn của các tướng Trung Cộng.

Cao điểm của các chiến dịch tây bắc là trận Điện Biên Phủ tháng 5-1954. Ngay cả trận Điện Biên Phủ cũng được quyết định ở Bắc Kinh. Khi được tin Pháp chiếm Điện Biên Phủ cuối năm 1953, tướng Vi Quốc Thanh, đứng đầu bộ Tư lệnh cố vấn Trung Cộng liền yêu cầu tướng Võ Nguyên Giáp chuyển quân đến bao vây Điện Biên Phủ, đồng thời xin chỉ thị Bắc Kinh. Bắc Kinh liền gia tăng viện trợ, nhất là trọng pháo cho Việt Minh, thậm chí còn gởi cả những chuyên viên đào giao thông hào để tiến sát gần quân Pháp.

Khi trận Điện Biên Phủ bắt đầu vào giữa tháng 3-1954 thì cuối tháng đó, cả Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng có mặt ở Bắc Kinh để xin viện trợ và nhận chỉ thị. Kết quả thì ai cũng biết là trận Điện Biên Phủ kết thúc ngày 7-5-1954, Việt Minh thắng lợi, nhưng thực tế là hoàn toàn nhờ vào Trung Cộng, chỉ có xương máu Việt Nam.

Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp

Thanh Quang: Nhưng thưa ông, có người nói rằng nếu không có Hồ Chí Minh thì không có Võ Nguyên Giáp. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Trần Gia Phụng: Theo tôi, nếu không có Trung Cộng, không có Vi Quốc Thanh thì không có tướng Võ Nguyên Giáp.

Thanh Quang: Còn trong cuộc chiến lần thứ hai, tức từ 1960-1975, thì vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp ra sao, thưa ông?

Theo tôi, nếu không có Trung Cộng, không có Vi Quốc Thanh thì không có tướng Võ Nguyên Giáp. <br/> -Ô. Trần Gia Phụng

Trần Gia Phụng: Trong cuộc chiến 1960-1975, vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp lu mờ bên cạnh những lãnh đạo chính trị như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, nhất là sau vụ án mà Cộng sản thường gọi là vụ án chống đảng từ giữa thập niên 60 trở đi nên không đáng nói.

Xin thêm một điều nữa là sau năm 1975, tướng Võ Nguyên Giáp bị phe Lê Duẩn hạ bệ đến nỗi ông đại tướng đi làm Chủ tịch ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch năm 1983. Những người thân cận với Giáp đều bị loại bỏ. Tướng Võ Nguyên Giáp làm thinh ăn tiền, không dám lên tiếng để giữ hư vị đại tướng. Vì vậy, nhiều người đã chê Giáp là một tên hèn.

Thanh Quang: Thưa ông, có lẽ nhắc tới nhân vật Võ Nguyên Giáp thì điều hẳn cần thiết – và công luận muốn nghe – là vai trò lịch sử của Võ Nguyên Giáp. Ông nhận xét như thế nào về vai trò lịch sử của tướng Võ Nguyên Giáp?

Trần Gia Phụng: Về vai trò lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo tôi nghĩ, tướng Giáp là một người có công đối với đảng Cộng Sản, nhưng có tội với dân tộc Việt Nam. Ông ta có tội vì:

- Tướng Võ Nguyên Giáp góp công xây dựng đảng Cộng Sản là đảng đã áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên dân tộc Việt Nam, đày đọa dân tộc Việt Nam mấy chục năm nay.

-Tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tay với Hồ Chí Minh sát hại dân tộc Việt Nam. Báo Polska Times tức Thời Báo Ba Lan ngày 5-3-2013 đưa ra bảng xếp hạng 13 nhà độc tài đẵm máu nhất thế kỷ 20, trong đó có Hồ Chí Minh. Chắc chắn trong số 1,7 triệu người Việt bị Hồ Chí Minh sát hại, có bàn tay của Giáp nhúng vào.

-Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã nhờ Trung Cộng đánh Pháp, không khác gì người ta nhờ một tên ăn cướp đuổi một tên ăn trộm. Tên ăn trộm bỏ chạy thì tên ăn cướp vào chiếm nhà. Đó là tình trạng Việt Nam hiện tại. Đó là tội lỗi của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và đám lãnh đạo đảng Cộng sản.

-Có vay thì có trả nên đảng Cộng sản đã nhượng đất, nhượng biển cho Trung Cộng, nghĩa là đã trắng trợn phản quốc. Tướng Võ Nguyên Giáp xây dựng một đảng phản quốc thì tướng Võ Nguyên Giáp là một tội đồ dân tộc giống như Hồ Chí Minh.

Thanh Quang: Xin cảm ơn ông Trần Gia Phụng.

Trần Gia Phụng: Xin cảm ơn ông Thanh Quang và đài RFA tạo điều kiện cho tôi trả lời hôm nay. Kính chào ông và kính chào quý khán thính giả nghe đài.