Hàng triệu người trên toàn thế giới sẽ được giảm nguy cơ đáng kể bị lây nhiễm virut HIV từ nay cho đến năm 2025 nếu các bác sĩ bắt đầu liệu pháp điều trị thuốc cho bệnh nhân HIV sớm hơn.
Đó là khuyến cáo được tổ chức Y tế Thế giới mới đưa ra cho các nước vào hồi cuối tháng 6 vừa qua. Đây là khuyến nghị nằm trong một hướng dẫn mới về điều trị HIV được WHO công bố.
Mục tiêu không có người nhiễm mới
Theo khuyến cáo mới được công bố gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sẽ có khoảng 3 triệu người được cứu sống trên toàn thế giới từ nay đến năm 2025 nếu các bác sĩ bắt đầu kê đơn thuốc cho bệnh nhân nhiễm HIV sớm hơn so với hiện tại.
Khuyến cáo này của WHO nằm trong một hướng dẫn mới, là tiêu chuẩn áp dụng cho toàn cầu và dựa trên một loạt các nghiên cứu về điều trị người nhiễm HIV. Giám đốc Ban HIV/AIDS của WHO, ông Gottfried Hirnschall, cho báo chí biết WHO muốn nâng con số người phải uống thuốc kháng HIV lên 26 triệu người trên toàn thế giới, tương đương với 80% số người đang nhiễm virut này. Người đại diện của WHO cho biết đây là biện pháp nhằm không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người bệnh mà còn ngăn chặn việc lây lan của virut HIV.
Bác sĩ Anthony Fauci, Phụ trách Ban các bệnh truyền nhiễm và dị ứng thuộc Viện Sức Khỏe Hoa Kỳ nhận xét:
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy việc điều trị cho người nhiễm HIV càng sớm bao nhiêu, thì càng có nhiều cái lợi về hai mặt. Thứ nhất là chúng ta có thể duy trì được sự hoạt động của hệ thống miễn dịch của người bệnh, không cho phép hệ thống miễn dịch trong cơ thể bị hủy hoại. Khi lượng CD 4 trong máu người bệnh ở mức 500 tức là khi cần phải có can thiệp. Việc cho uống thuốc sớm không chỉ có lợi cho người bệnh mà còn làm giảm đáng kể khả năng lây lan virut sang người có quan hệ tình dục với người có bệnh. Cho nên việc điều trị sớm có tác dụng đôi, với người bị bệnh và giảm được việc lây lan virut. Tôi tin đây là một khuyến nghị rất tốt từ WHO.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc uống thuốc kháng virut HIV sớm có thể làm giảm đến 97% nguy cơ lây nhiễm HIV sang bạn tình. Đây được coi là một kết quả rất khích lệ đối với những người làm công tác sức khỏe cộng đồng.
Hiện trên toàn thế giới có khoảng 34 triệu người nhiễm HIV có nguy cơ chuyển thành AIDS. Phần lớn trong số này sống ở các nước nghèo và đang phát triển, đặc biệt là ở vùng hạ Sahara ở châu Phi.
Theo Chương trình phòng chống AIDS của Liên hiệp quốc, trong vòng 30 năm qua, kể từ khi HIV lần đầu tiên được phát hiện trên thế giới, đã có 25 triệu người chết vì virut này. Tuy nhiên những năm trở lại đây, con số người chết do nhiễm virut HIV đã có dấu hiệu giảm. Năm 2005, con số người chết do HIV trên toàn thế giới là 2 triệu ba trăm ngàn người, nhưng đến năm 2011, con số này đã giảm xuống còn 1 triệu 7 trăm ngàn người. Nguyên nhân được cho là do các tiến bộ y học trong việc điều chế thuốc kháng virut cho người bệnh.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy việc điều trị cho người nhiễm HIV càng sớm bao nhiêu, thì càng có nhiều cái lợi về hai mặt. <br/> - BS. Anthony Fauci
Tính đến năm 2012, đã có gần 10 triệu người trên thế giới được dùng thuốc điều trị, trong khi con số này vào khoảng 1 thập kỷ trước chỉ là 300,000 người.
Trong tuyên bố vào hồi cuối tháng 6 vừa qua, bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO, nhấn mạnh ‘với gần 10 triệu người đang dùng thuốc kháng HIV, chúng ta đang nhìn thấy những triển vọng không thể nghĩ tới vài năm trước, triển vọng có thể tạo đà cho việc đẩy dịch bệnh HIV theo chiều suy giảm’.
Khuyến nghị này của WHO cũng phù hợp với mục tiêu được Liên Hiệp Quốc đề ra vào năm 2011, đó là 'hướng tới không còn người nhiễm mới HIV'. Theo mục tiêu này, Liên Hiệp Quốc hướng tới giảm 50% các ca nhiễm mới HIV do quan hệ tình dục không an toàn vào năm 2015, loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015 và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS, giảm 50% các ca nhiễm mới HIV trong những người tiêm chích ma túy vào năm 2015.
Khi nào người nhiễm HIV cần uống thuốc?
Theo khuyến nghị mới của WHO, những người nhiễm HIV cần phải uống thuốc ARV là thuốc kháng virut ngay khi CD 4 trong máu giảm xuống còn 500 tế bào trên một mm khối máu. Mức CD 4 ở người thường là từ 600 đến 1200. Khuyến nghị mới của WHO cũng đề xuất tất cả các phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú mà đang nhiễm HIV và trẻ em có HIV dưới 5 tuổi cần phải điều trị thuốc ARV ngay lập tức mà không tính đến mức CD 4 trong máu.
Trước khi đưa ra thay đổi này, khuyến cáo của WHO về mức CD 4 với người nhiễm HIV cần phải uống thuốc là 350 hoặc ít hơn. Tuy nhiên ở nhiều nước nghèo và đang phát triển như Việt Nam, mức này trước kia còn thấp hơn rất nhiều do không đủ thuốc.
Tuy nhiên, cũng có những người nhiễm HIV ở Việt Nam đã được uống thuốc ARV ngay từ khi mức CD 4 cao hơn 500 và cho đến hiện tại, sức khỏe vẫn rất tốt. Đó là trường hợp của hoa hậu HIV đầu tiên của Việt Nam, cô Trần Thị Huệ:
Bản thân em thời gian đầu tiên CD 4 của em là 800, uống một thời gian thì lên 900 và hơn 1,000. Đến thời điểm này thì xuống còn hơn 700 vì nhiều khi mình đi làm xét nghiệm CD 4 mà sức khỏe không tốt thì cũng ảnh hưởng đến kết quả.
Trần Thị Huệ bắt đầu uống thuốc ARV từ năm 2009, 3 năm sau khi cô phát hiện mình nhiễm HIV.
Theo bác sĩ Fauci, ở một số người nhiễm HIV, dù mức CD 4 vẫn rất cao, việc uống thuốc sớm vẫn tốt hơn.
Với người nhiễm HIV, thì họ không giống như người bình thường khác vì ngay cả khi CD 4 của họ chưa bị giảm đáng kể thì cũng vẫn nhận được nhiều cái lợi từ việc điều trị sớm.
Theo bác sĩ Khuất Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, việc được điều trị thuốc ARV sớm đã kéo dài cuộc sống của nhiều người nhiễm HIV ở Việt Nam:
Ngay lúc này thì ở Việt Nam kết quả điều trị cũng không đến nỗi tệ. Người ta tính là sau 12 tháng điều trị từ khi bệnh nhân bắt đầu vào điều trị đến 12 tháng au thì còn khoảng hơn 80% bệnh nhân vẫn còn sống.
<br/>Với người nhiễm HIV, thì họ không giống như người bình thường khác vì ngay cả khi CD 4 của họ chưa bị giảm đáng kể thì cũng vẫn nhận được nhiều cái lợi từ việc điều trị sớm.<br/> - BS. Anthony Fauci
Bác sĩ Khuất Hải Oanh thừa nhận kết quả này đáng lẽ còn có thể tốt hơn nếu các bệnh nhân được điều trị sớm vì rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến điều trị khi lượng CD 4 còn quá thấp, chỉ vài chục tế bào.
Việc điều trị sớm thuốc ARV cũng đã được chứng minh có thể kéo dài tuổi thọ của người dân ở nhiều nước. Một nghiên cứu gần đây ở Đan Mạch cho thấy những người nhiễm HIV ngoài 25 tuổi và được điều trị thuốc kịp thời, có thể sống thêm được trung bình là 39 năm nữa.
Tuy nhiên, cũng có những lo ngại về những tác dụng phụ của thuốc và khả năng kháng thuốc nếu người bệnh dùng thuốc trong một thời gian dài. Bác sĩ Khuất Hải Oanh cho biết:
Bệnh nhân càng điều trị càng lâu thì khả năng kháng thuốc càng cao.
Ngay đối với những người khi mới bắt đầu uống thuốc ARV cũng thường có ngay những phản ứng phụ như nóng sốt, mẩn ngứa kéo dài vài tuần rồi tự hết. Về lâu dài tác dụng phụ có thể là những ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể. Cô Trần Thị Huệ nói:
Thực ra ARV có thuốc có tác dụng phụ, có loại thì làm cho mình phân bổ mỡ không đều, thứ hai là gây ảnh hưởng đến chức năng gan thì mình có thể uống thuốc bổ gan. Một loại thuốc nữa mình uống ban ngày mà đi ra đường thì rất nguy hiểm vì thuốc làm cho thần kinh mình không tỉnh táo, mình chỉ uống vào buổi tối.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Fauci, bất cứ thuốc nào có mức độc dược cao như thuốc ARV đều có tác dụng phụ, nhưng cần phải cân nhắc giữa mức rủi ro và cái lợi:
Tất cả các loại thuốc hiệu nghiệm ở mức này đều có những tác dụng phụ nhưng hậu quả của việc để HIV lây lan mà không có điều trị còn tệ hơn so với những tác dụng phụ mà người bệnh có thể có từ thuốc. Chúng ta phải cân bằng cái lợi và hại từ việc điều trị thuốc. Nhiều người đều cho rằng lợi ích của việc điều trị thuốc sớm quan trọng hơn so với những tác dụng phụ của thuốc. Cho nên bất cứ khi nào bạn định kê đơn thuốc có mức độc cao này cho bất cứ ai, bạn cũng cần phải cân nhắc mức cân bằng thiệt và lợi. Liệu rủi ro của điều trị cao hơn hay cái lợi cao hơn? Trong trường hợp này phần lớn mọi người đều cho rằng dù có những tác dụng phụ do mức độc của thuốc nhưng mức lợi đã vượt những rủi ro.
Áp dụng toàn cầu
Với khuyến nghị mới của WHO, nhiều người cũng có thể đặt ra câu hỏi liệu thế giới có thể có đủ thuốc để cung cấp cho những người nhiễm HIV, nhất là tại các nước nghèo và đang phát triển?
Đại diện của WHO cho biết với hướng dẫn mới, thế giới sẽ cần một mức tăng 10% trong tổng số từ 22 đến 24 tỷ đô la cần được tài trợ mỗi năm trên thế giới để có thể cung cấp thêm thuốc cho người bệnh.
Bác sĩ Fauci cho rằng giải pháp đối với vấn đề này không đơn giản nhưng không phải là không thể thực hiện được. Ông nói:
Tôi nghĩ các nước phải tìm kiếm huy động thêm các nguồn lực, thêm tiền để có thuốc cho người bệnh. Hiện tại rất nhiều tài trợ cho thuốc đến từ các chương trình như Pepfar và Global Funds cho các bệnh như AIDS, sốt rét, viêm phổi, cho nên chúng ta phải kêu gọi sự tham gia của các nước, để mỗi nước bao gồm cả các nước ở Nam phi có thể đóng góp thêm để có nhiều người được điều trị càng sớm càng tốt. Việc này không dễ dàng như nói tại một số nước đang phát triển nhưng đó là mục tiêu mà chúng ta nên hướng tới.
Quỹ Pepfar là một quỹ cứu trợ AIDS của Hoa Kỳ. Việt Nam là một trong 15 nước nhận được tài trợ từ quỹ này kể từ năm 2005 trở lại đây với tổng số tài trợ trị giá khoảng 500 triệu đô la. Theo chương trình này, các bệnh nhân nhiễm HIV ở Việt Nam được nhận thuốc ARV miễn phí.
Theo bác sĩ Fauci, hướng dẫn mới cần được áp dụng rộng khắp trên thế giới và mọi người. Tuy nhiên với điều kiện của từng nước, lúc đầu, ưu tiên dùng thuốc sẽ được dành cho những người có bệnh nặng hơn. Về lâu dài tất cả các nước phải huy động các nguồn lực để áp dụng liệu pháp điều trị sớm của WHO.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa