Trong khi ấy tin tức từ một số tổ chức quốc tế theo dõi tình hình người Hmong cho rằng khi người Hmong tập trung vì những bức xúc lâu nay cũng như do niềm tin tôn giáo của họ đã bị quân đội và chính quyền dùng bạo lực giải tán khiến mấy mươi người thiệt mạng, hằng trăm người bị bắt và đến nay còn cả trăm người bỏ trốn vào rừng.
Phía chính phủ Việt Nam thì cho rằng những người Hmong nghe theo kẻ xấu kéo nhau về đó để đòi lập vương quốc tự trị.
Đã giải quyết ổn thỏa?
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng của chính phủ Việt Nam, sau chuyến đến làm việc tại nơi xảy ra vụ tập trung đông người ở huyện Mường Nhé hồi ngày 7-8 tháng 5 vừa qua, đã có trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, cho rằng vụ Mường Nhé đã được giải quyết ổn thỏa trong hòa bình.
Nhiều người tham gia cuộc tập trung đã được đưa trở về quê quán. Vào chiều ngày 13 tháng 5, chúng tôi liên lạc với ba người Hmông ở Lai Châu từng lên đường đến Mường Nhé trong những ngày cuối tháng tư cho đến đầu tháng năm vừa qua và nay đã trở về.
Số người này không thể nói tiếng Việt và rất nhút nhát ngay cả khi được Mục sư Giàng A Khoa, thuộc hội thánh Liên hữu Cơ đốc ở Lai Châu đưa điện thọai cho họ nói:
Họ không biết nói, không nói…
Những người về giờ đi làm ăn bình thường, có một người thanh niên bị đánh vào chân vào tay nay đang nằm ở nhà.
MS Giàng A Khoa
Ngòai ba người có mặt tại nhà của mục sư Giàng A Khoa kể lại cuộc tập trung ở Mường Nhé mà họ tham gia, còn có một người trở về nhưng bị đánh đang phải dưỡng bệnh, như thông tin mục sư Giàng A Khoa cho hay:
“Những người về giờ đi làm ăn bình thường, có một người thanh niên bị đánh vào chân vào tay nay đang nằm ở nhà.”
Chúng tôi cũng liên lạc với những người Hmong sinh sống ngay tại huyện Mường Nhé để tìm hiểu sự việc. Mục sư Sùng A Dũng, hiện sống tại xã Liên Su sì, chừng 25 kilômét cách bản Huoi Khon, xả Nậm Kè nơi diễn ra cuộc tập trung diễn ra xác nhận như sau:
“Bên này không có người sang đó. Tôi có một người quen làm quán ở đây về dưới đấy; khi lên tôi hỏi thì cho biết có người đông lắm. Không biết từ đâu tới, chắc từ Lào Cai, Dak Lak.
Những người đó đã bỏ mà rồi nhưng không có đức tin. Chủ nhật họ không cầu nguyện với Chúa, họ nói Chúa không làm gì cho nó nên tự làm thôi.”
Anh Giàng A Chu, một người dân ngay tại xã Huoi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biện, đã không tham gia vào số người tập trung nên chỉ có thể cho biết một số thông tin vào thời điểm đó như sau:
“Tôi thấy đông lắm, nhưng chính quyền đến đông lắm, có bộ đội nữa và giải quyết họ về hết rồi. Tôi không vào, lo đi cuốc nương nên không biết.”
Tôi thấy đông lắm, nhưng chính quyền đến đông lắm, có bộ đội nữa và giải quyết họ về hết rồi. Tôi không vào, lo đi cuốc nương nên không biết.
Giàng A Chu
Thông tin không rõ ràng
Vào chiều ngày 12 tháng 5, khi chúng tôi liên lạc được với mục sư Giàng A Khoa thì ông cho hay có 28 người thiệt mạng, do họ chống cự lại chính quyền và bộ đội khi tập trung tại Mường Nhé; nhưng đến khi gặp lại một ngày sau thì mục sư Khoa trả lời giống như phát biểu của phát ngôn nhân Bộ Ngọai giao Việt Nam, và Nguyễn Phương Nga, đưa ra ngày 12 tháng 5 và được truyền thông trong nước loan đi là chỉ có một trẻ em chết do bệnh vì điều kiện vệ sinh kém và thời tiết xấu.
Trong khi đó thì một số tổ chức nước ngòai theo dõi tình hình người Hmông, cũng như tín hữu Cơ đốc giáo tại khu vực miền núi Tây bắc Việt Nam cho biết số người chết do bị quân đội và chính quyền địa phương sát hại lên mấy chục người, ngòai ra có cả trăm người bị bắt và cả trăm người khác chạy trốn vào rừng.
Từ ngày 5 tháng 5 khi thông tin về vụ tập trung đông người ở huyện Mường Nhé bắt đầu được các hãng thông tấn quốc tế loan đi, phía chính quyền Việt Nam vẫn không cho các phóng viên nước ngòai đến tại khu vực Mường Nhé. Lý do đuợc đưa ra là đường xá xấu, thời tiết không thuận lợi.
Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cũng có kêu gọi phải có điều tra cụ thể về những thông tin loan đi.
Tuy vậy đến nay vẫn chưa thể có nguồn độc lập nào để kiểm chứng các tin tức đã đưa ra. Ngay cả những người tham dự và như lời của một mục sư tại Lai Châu sau khi nghe tường trình của đồng bào ông kể lại vẫn bất nhất.
Lúc này những người quan tâm đến tình hình đều mong muốn có được nguồn tin chính xác được kiểm chứng độc lập; nhưng điều này dường như bất khả thi cho đến lúc này.