Cảnh tấp nập trở lại các thành phố lớn sau 5 ngày nghỉ lễ đã không giúp người dân xóa bớt ưu phiền cho tương lai đời sống của mình. Những vấn nạn của nền kinh tế liên tục được phân tích, mổ xẻ và báo động ngay trước thềm ngày nghỉ lễ kéo dài.
Tin đồn đổi tiền
Đề tài mà báo chí đề cập nhiều nhất vẫn là Ngân hàng Nhà nước và vấn đề quản lý thị trường vàng. Một trong những chuyện có liên quan tới vàng và đô la, thuộc loại tưởng như đùa lại có thể xảy ra tại Việt Nam vào hạ tuần tháng tư. Đó là tin đồn đổi tiền và Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng ra thông cáo bác bỏ. Theo Người Lao động Online, trên thị trường xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước có thể thay đổi đồng tiền đang lưu hành bằng đồng tiền mới và phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng. Tờ báo cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá có lúc vọt lên đến 21.500 một đô la Mỹ.
Một cư dân TP.HCM nói với chúng tôi là không hiểu sao tin đồn lan rất nhanh.
“Vô tình hay nó bị tác động thật thì không biết nhưng giá vàng có lên rõ ràng và cho đến hôm nay vẫn không xuống. mấy hôm đó thì đô la cũng lên hơn 21.000đ… trên phạm vi rộng lớn nó như thế nào thì tôi không biết, chứ trong đám già tụi tôi thì bảo nhau làm gì có chuyện đó… chả tin. Họ cũng nghĩ thế này, bây giờ mình đã vào WTO, đối với quốc tế mình cũng đã có ảnh hưởng rồi, làm gì có cái chuyện đổi tiền đổi bạc, không có chuyện đó đâu.”
Vô tình hay nó bị tác động thật thì không biết nhưng giá vàng có lên rõ ràng và cho đến hôm nay vẫn không xuống. mấy hôm đó thì đô la cũng lên. <br/> -Cư dân TPHCM
Hiện nay thực hiện Nghị định 24 của chính phủ về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mặc nhiên là nhà nhập khẩu vàng thoi độc quyền, kiêm luôn sản xuất chế biến thành vàng miếng với thương hiệu SJC độc quyền, Ngân hàng Nhà nước còn độc quyền cung cấp vàng miếng ra thị trường với giá do mình ấn định. Theo mục đích ban đầu của Nghị định 24 là nhằm bình ổn thị trường vàng, tiến tới liên thông giá vàng thế giới, chống buôn lậu vàng, chấm dứt biến động giá vàng và đặc biệt là chống vàng hóa nền kinh tế. Tuy vậy báo chí Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước không đạt được gì cho những mục tiêu cao đẹp vừa nói, ngoài trừ cung cấp vàng ra thị trường qua các phiên đấu thầu theo giá mong muốn. Theo Báo điện tử Chính phủ Việt Nam, phiên đấu thầu vàng thứ 13 được Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào sáng ngày 3/5 với khối lượng 26.000 lượng giá tham chiếu đặt cọc là 42,25 triệu đồng một lượng.
Trước đó trong vòng 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã mở 12 phiên đấu thầu bán vàng, tổng cộng 340.700 lượng, tương đương hơn 13 tấn. Tuy nhiên giá vàng thương hiệu quốc gia SJC vẫn cao hơn giá thế giới qui đổi từ 5 đến 7 triệu đồng một lượng. Cụ thể vào chiều 2/5, giá vàng SJC cao hơn giá thế giới gần 5 triệu đồng/lượng.
Trả lời chúng tôi, GSTS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ và kinh doanh Hà Nội nhận định:
“Chắc chắn là các cuộc đấu thầu vừa rồi đã làm méo mó thị trường vàng Việt Nam. Mục tiêu đưa ra khác hẳn, tức là qua các cuộc đấu giá thì phải làm sao cho giá vàng Việt Nam xích lại gần với giá của thế giới. Nhưng nó lại không được như vậy, chúng tôi cho rằng việc này rõ ràng không đạt mục tiêu, qua việc đấu giá và giá cả hiện thời dân chúng không tin tưởng về cách làm thực sự của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa rồi..”
Báo điện tử chính phủ trích lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, các phiên đấu thầu đạt mục tiêu tăng cung vàng miếng để ổn định thị trường. Ông Hưng biện giải là trong thời gian qua, dù giá vàng biến động mạnh nhưng không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua bán vàng như trước. Báo điện tử chính phủ còn dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM với nhận định là, các cuộc đấu thầu vàng không phải với chủ đích cung ứng vàng cho các ngân hàng thương mại để tất toán trạng thái vàng trước ngày 30/6, là thời điểm các ngân hang trước đây huy động vàng của người dân phải hoàn trả cho người ký thác.
Lối thoát cho vàng
Tuy vậy, báo mạng VnExpress ngày 2/5 có bài “lối thoát cho vàng” của tác giả Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB) nhận định rằng: “qua 12 phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước có hơn 13 tấn vàng miếng đưa vào lưu thông, có thể thấy nỗ lực chống vàng hóa nền kinh tế rất khó khả thi. Cho dù rồi đây khi tất toán xong trạng thái âm vàng trước ngày 30/6, các tổ chức tín dụng, vốn là những người mua chính, sẽ đưa vàng trực tiếp ra thị trường thì kênh bán vàng vẫn đang còn là một ẩn số.
Tác giả bài báo phân tích kỹ lưỡng về tập quán trữ vàng của người dân Việt Nam từ xa xưa. Đặc biệt, ông cho rằng khu vực nông thôn chiếm hơn 60% dân số chính là nơi có nhu cầu vàng vật chất khá lớn. Vàng còn là của để dành, thừa kế, hồi môn theo truyền thống của đa số người dân. Theo thống kê không chính thức đang có khoảng 200 tấn tới 300 tấn vàng tương đương vài chục tỷ USD đang được cất trữ trong dân. Bài báo đề cập tới nạn buôn lậu vàng, khi chênh lệch giá với thế giới rất cao có lúc 7 triệu đồng/lượng hồi giữa tháng 4 vừa qua.
Cái kiểu một mình một chợ và với cách làm thủng đâu vá đấy thì sẽ hoàn toàn gây bất lợi và chắc chắn ảnh hưởng tới sự hoạt động của nền kinh tế. <br/> -TS Ngô Trí Long
Chúng tôi xin trích nhận định của TS Lê Đăng Doanh đối với vấn đề chảy máu ngoại tệ buôn lậu vàng do giá vàng Việt nam quá cao so với giá thế giới:
“Theo qui luật khi có chênh lệch giá thì xuất hiện tình trạng buôn lậu, ông Nguyễn Văn Bình lúc còn là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã viết trên tạp chí Cộng Sản một bài báo trong đó xác nhận hàng năm có việc buôn lậu từ 20 tấn đến 40 tấn vàng, tức là một khối lượng ngoại tệ khá lớn đã được sử dụng để nhập lậu vàng và Hội đồng vàng thế giới cũng đã xác nhận việc này. Hiện nay mức giá chênh lệch thế này chắc chắn là một kích thích để cho việc buôn lậu vàng lại diễn ra. Nhưng ông Thống đốc Ngân hàng thì lại nói rằng không quan tâm đến việc xử lý chênh lệch giá này và đấy là câu hỏi mà có lẽ công luận muốn sắp tới đây có lời giải đáp từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”
Cùng về vấn đề này, GSTS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ và Kinh doanh Hà Nội nhận định:
“Ở trong một nền kinh tế thị trường thì xu hướng chung và cũng là qui luật, tức là giá nơi nào cao thì giá nơi thấp sẽ đổ hàng về đấy. Nếu giá ở Việt Nam cao thì nó sẽ khuyến khích việc nhập vàng ở bên ngoài vào. Nếu Nhà nước không đủ lượng ngoại tệ để nhập vàng thì chắc chắn nó sẽ phải theo con đường nhập lậu. Đây là điều hiển nhiên và chúng ta không thể quản lý được hết, nếu không có động thái quản lý tích cực thì tôi cho rằng việc nhập lậu sẽ thành hiện thực.”
Trong bài “lối thoát cho vàng” trên VnExpress. ông Trần Thanh Hải đề nghị mở rộng các phiên bán vàng, để các doanh nghiệp vàng có năng lực cùng NHNN tham gia bán thay vì doanh nghiệp chỉ mua. Như vậy. nguồn vàng mới thực sự đi ra thị trường và phát huy hiệu quả và làm giảm nhiệt giá vàng. Bài báo khuyến cáo, trong trung và dài hạn, cơ quan quản lý cần hỗ trợ tập trung phát triển kinh doanh vàng nữ trang và tính tới chuyện mở sàn giao dịch quốc gia. Theo đó đây là một giải pháp có thể hạn chế được cơn sốt vàng vật chất và đưa lượng vàng từ nhà dân chảy vào ngân hàng vì người cầm giữ vàng tìm thấy lợi ích hấp dẫn.
Câu chuyện quản lý vàng theo nghị định 24 và cách thực hiện của Ngân hàng Nhà nước gây nhiều tranh cãi và hầu như rất khó tìm thấy ý kiến ủng hộ cách làm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.
GSTS Vũ Văn Hóa nhận định:
“Nghị định 24 thì cũng có những phần tích cực của nó nhưng ở đây là do việc điều hành thôi. Nếu điều hành công khai và có động thái quản lý chắc chắn, thì tôi nghĩ rằng việc đấu thầu sẽ làm cho giá cả tiệm cận giá vàng thế giới. Còn nếu làm không chắc chắn thì nó sẽ làm xa rời giá vàng đó đi. Ở Việt Nam cách đấu thầu trong xây dựng như mọi người biết, đấu thầu là tích cực nhưng thực sự lại là tiêu cực. Người Việt Nam dùng từ ‘quân xanh quân đỏ’ đấy, tức là một đối tượng thắng thầu nhưng ba bốn đối tượng tham gia cũng chỉ là một thôi. Thành thử nó làm cho cái giá bị méo mó đi, thì ở đây giá vàng cũng tương tự theo cách đấu thầu như vậy.”
Trong tư liệu của chúng tôi, kiên trì và mạnh mẽ hơn hẳn là phản biện dứt khoát của PGS TS Ngô Trí Long ở Hà Nội, cả về nội dung Nghị định 24 và cách thực hiện của Ngân hang Nhà nước.
“Chính sách theo Nghị định 24 bất cập ở đối với Nhà nước, bất cập với doanh nghiệp và bất cập đối với người tiêu dùng. Cho nên quan điểm của tôi là phải thay đổi sửa đổi lại ngay Nghị định 24 và có những điều bổ sung. Còn cái kiểu một mình một chợ và với cách làm thủng đâu vá đấy thì sẽ hoàn toàn gây bất lợi và chắc chắn ảnh hưởng tới sự hoạt động của nền kinh tế.”
Chuyện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một mình một chợ trên thị trường vàng sẽ vẫn cứ phủ đầy thông tin trên mạng, giữa khi nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế là hết sức cấp bách. Chúng tôi xin trích lời ông Lê Nam, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa trên VnExpress ngày 2/5: “Ngân hàng Nhà nước chỉ làm tốt nghiệp vụ bán vàng thay vì cho vay. Những cái cụ thể tác động vào doanh nghiệp, nền kinh tế thì chưa rõ. Cái cụ thể mà dân thấy nổi bật, nổi trội trong thời gian vừa rồi chủ yếu là bán vàng.”