Những chiếc bóng lẻ loi trong ngày Lễ Tạ Ơn

Khi những ánh đèn trong các cửa hiệu nhấp nháy muôn màu, người người lũ lượt mua sắm chuẩn bị cho ngày Lễ Tạ Ơn thì khắp nơi trên quả địa cầu này vẫn có những chiếc bóng lẻ loi, cô đơn và đói lạnh.

0:00 / 0:00

Tình trạng vô gia cư

Không phải chỉ có những nước kém phát triển, nghèo khổ mới có người vô gia cư mà ngay cả những nước tân tiến, giàu có nhất cũng có người vô gia cư sống lây lất rày đây mai đó trong các mái hiên của phố chợ, trường học, hay lang thang trên đường phố, công viên…

Có những phụ nữ và trẻ em bơ vơ, côi cút không có một mái ấm gia đình, không có người thân để quây quần bên bàn ăn trong những đêm đông giá lạnh.

Theo thống kê của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc năm 2005, trên toàn thế giới có khoảng 100 triệu người vô gia cư, và Tổ Chức Rais (Red de Apoyo a la Integración Sociolaboral) thống kê vào năm 2010, tại Âu Châu khoảng 3 triệu người.

Năm 2003, tại Úc mỗi ngày có 100.000 người ngủ trên các đường phố, phụ nữ chiếm 44% và 12% là trẻ em dưới 12.

Canada, có khoảng 150,000 người vô gia cư. Nhóm phát triển nhanh nhất của những người vô gia cư đa số là phụ nữ và trẻ em. Mỗi năm chính phủ phải hỗ trợ khoảng 6 tỉ đô la.

Bộ Nội Vụ nước Nga thông báo năm 2008, có khoảng 5 triệu người vô gia cư chiếm 3,4% dân số. Trong số đó có 1 triệu trẻ em.

Nhật Bản có 20,000 đến 100,000 vô gia cư, con số này gia tăng vào giữa thập niên 1990, có khoảng 5,000 sống lang thang tại thành phố Tokyo.

Theo báo cáo của NAEH (National Alliance To End Homlessness), Hoa Kỳ có khoảng 636.017 người vô gia cư trong năm 2011, giảm 1% (700,000). Trước thập niên 1980, người vô gia cư phần lớn là nam giới, thì nay, nhóm người vô gia cư tại Hoa Kỳ bao gồm phụ nữ và trẻ em phát triển nhanh nhất. Trong hai thập kỷ qua, xã hội Mỹ đã bắt đầu thừa nhận những con số ngày càng tăng của phụ nữ và trẻ em vô gia cư. Nếu trong năm 2007, phụ nữ vô gia cư chiếm 24%, thì năm 2008 là 26%.

Họ không xuất hiện trên đường phố vì họ thường tìm nơi trú ẩn với người thân, bạn bè, hoặc người phụ nữ vô gia cư khác. Đa số các phụ nữ vô gia cư trên đường phố vì bị bỏ rơi, ly hôn, trốn chạy khỏi bạo lực gia đình, hoặc bị bệnh tâm thần. Sau khi kinh tế đại suy thoái, các phúc lợi chính phủ bị cắt giảm thiếu nhà ở giá rẻ, thất nghiệp hoặc không có đủ chi phí trả tiền…cũng đã dẫn đến sự gia tăng của tình trạng vô gia cư ở phụ nữ.
Bộ Y Tế Hoa Kỳ và Dịch Vụ Nhân Sinh nghiên cứu cho thấy rằng 46% thanh thiếu niên vô gia cư bỏ nhà ra đi vì bị bạc đãi, 17% vì bị lạm dụng tình dục. Thanh thiếu niên vô gia cư bị các vấn đề sức khoẻ, tâm thần bao gồm trầm cảm, rối loạn, lo âu, căng thẳng sau chấn thương, sử dụng chất gây nghiện và có ý định tự tử. Hàng năm, khoảng 5.000 người vô gia cư trẻ chết vì bệnh tật, bị tấn công hoặc tự sát.

Trong thập kỷ vừa qua, đời sống của người vô gia cư được cải thiện. Một phần là do sự phối hợp giữa Bộ Gia Cư (HUD), Bộ Y Tế, Bộ Cựu Chiến Binh và các Tổ Chức Phi Chính phủ giúp đỡ. Từ năm 2007, Bộ Gia Cư báo cáo thường xuyên lên Quốc Hội tình trạng của người vô gia cư để kịp thời giải quyết tình trạng khó khăn của họ. Từ năm 2006, chính phủ Hoa Kỳ cung cấp $28,5 tỷ đô la được phân bổ cho các chương trình vô gia cư qua HUD, $ 1 tỷ dành cho nhà ở, và 1,4 tỷ đã được sử dụng cho các khoản hỗ trợ người vô gia cư để ngăn ngừa tình trạng gia đình vô gia cư. Thông qua đó, chuyển đổi nhà ở và tạm trú khẩn cấp có sẵn cho những người đang rất cần để bảo đảm rằng các nhu cầu của những người dễ bị tổn thương.

Những việc làm ý nghĩa

Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Pháp chăm sóc người vô gia cư sống trong một đường hầm ga xe lửa ngoại ô Paris hôm 02/11/2012. AFP
Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Pháp chăm sóc người vô gia cư sống trong một đường hầm ga xe lửa ngoại ô Paris hôm 02/11/2012. AFP (Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Pháp chăm sóc người vô gia cư sống trong một đường hầm ga xe lửa ngoại ô Paris hôm 02/11/2012. AFP)

Cộng đồng Việt Nam cũng có những người vô gia cư nhưng chiếm tỉ lệ rất thấp. Tại Nam California, số người vô gia cư tập trung nhiều nhất tại Bolsa, trung tâm Little Sài Gòn. Đã có nhiều tổ chức Việt Nam đến ngày Lễ Tạ Ơn thường tổ chức một bữa ăn miễn phí cho người vô gia cư.

Trong số này, có nhóm Ngày Mai đã hoạt động trên 18 năm liên tục do ông Tạ Bội Quang Khôi, cựu Chủ Nhiệm báo Ngày Mai khởi xướng cùng với những thiện nguyện viên có tấm lòng nhân ái hỗ trợ. Năm nay, nhóm Ngày Mai sẽ tổ chức một buổi ăn miễn phí và tặng túi ngủ cho người vô gia cư trong dịp Lễ Tạ Ơn vào lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật, 25 tháng 11, tại số 11 khu Santa Civic Center trên đường Ross. Khi được hỏi về mục đích hoạt động của nhóm Ngày Mai, ông Tạ Bội Quang Khôi cho biết:

Mục đích cuả việc chúng tôi làm thứ nhất là muốn cảm tạ nước Mỹ, xứ sở mà đã giúp đỡ người Việt Nam khi họ mới đến đây lập nghiệp. Nhờ thế mà đa số người Việt Nam tị nạn qua đây với hai bàn ty trắng, bây giờ con cái họ đã thành đạt. Họ có một đời sống thoải mái thì tôi muốn nhân dịp tỏ lòng biết ơn của cộng đồng Việt Nam đối với nước Mỹ.

Lý do thứ hai mà chúng tôi làm là muốn tạo ra sự cảm thông giữa các sắc dân ở đây vì đây là Hợp Chủng Quốc mà. Để cho người dân địa phương họ biết rằng người Việt Nam mình qua đây không phải chỉ biết nhận mà còn biết cho nữa.

Thứ ba nữa là chúng tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều là anh em một nhà cả, từ một mà ra, từ một đấng sang tạo mà ra, từ một đấng Thượng Đế mà ra vì thế mọi người có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau thôi. Coi đó như là một bổn phận của những người dư giả có bổn phận giúp đỡ những người thiếu thốn. Nếu chúng ta giữ được cái tinh thần đó thì cái xã hội này sẽ tốt đẹp hơn. Cái nhân loại này sẽ tốt đẹp hơn.

Nói về những phụ nữ vô gia cư ông nói có khoảng 1 phần ba trong đó có vài phụ nữ Việt Nam. Ông cho biết tình trạng của họ như sau:

Người Việt Nam mình ít thôi. Họ độ 5, 10 người họ sống rải rác. Có một số sống ở đường Bolsa, khu Little Sài Gòn. Họ ngủ trong những thùng rác hay trong những trụ cột của những toà nhà đàng sau những garage sửa xe. Họ chờ đến tối họ chui vô những chiếc xe trống sửa đó. Nhiều khi tôi đi lang thang gặp họ. Tôi mang đến cho họ túi ngủ hay có đồ ăn và đưa cho họ. Ở Bolsa này có mấy người phụ nữ Việt Nam, đa số họ bị bệnh tâm thần thành ra họ mất hết tất cả giấy tờ. Họ không còn được hưởng quyền lợi của một người công dân nữa. Tôi cũng có kêu gọi cộng đồng nên có cái sự giúp đỡ như các văn phòng luật sư để họ tìm lại, lấy lại thẻ căn cước, giấy tờ tùy thân để từ đó các bác sĩ giúp cho họ chữa trị.

Giấc mơ của ông thật thánh thiện. Ông chỉ hy vọng những người hảo tâm tặng tiền để xây những căn nhà tình thương cho những người vô gia cư có chỗ tắm giặt và nghĩ ngơi.

Bà Huỳnh Kim Liên, một phụ nữ trong nhóm Ngày Mai, 18 năm trôi qua vẫn âm thầm làm việc, chia sẻ tình thương và chén cơm cho những người bất hạnh. Bà cảm thấy xót xa cho thân phận của họ:

Cả gia đình tôi và các cháu nữa đều ra ủng hộ. Nhìn thấy rất là thương, cùng đàn bà cùng cảnh đồng cảnh ngộ mà phải đi như vậy. Dù đàn ông đàn bà gì Kim Liên cũng thấy rớt nước mắt rất là cảm động. Tôi có lại hỏi tại sao phải đi xin như thế này thì cô kia nói rằng cô có ba đứa con, chồng thất nghiệp, không có công ăn, việc làm thành ra phải làm như vậy. Tôi thấy rất đau lòng, rất là thương. Nhưng tôi thấy phụ nữ rất ít đa số là đàn ông, Mỹ, Mễ là đông nhất. Sau Thanksgiving thì ghé cho họ mấy cái túi ngủ để họ ngủ ngoài đường cho đỡ lạnh, bị vì mấy tháng này trở đi bắt đầu lạnh lắm.

Hiện trạng tại châu Á

Trẻ em vô gia cư ngủ trên đường phố Manila, Philippines ngày 04 tháng 2 năm 2011. AFP photo
Trẻ em vô gia cư ngủ trên đường phố Manila, Philippines ngày 04 tháng 2 năm 2011. AFP photo (Trẻ em vô gia cư ngủ trên đường phố Manila, Philippines ngày 04 tháng 2 năm 2011. AFP photo)

Chương trình Định Cư Con Người của Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) đã viết vào năm 1995 rằng “Vô gia cư là một vấn đề tại các quốc gia phát triển cũng như các quốc gia đang phát triển. Hiện nay, có 600 triệu người sống trong điều kiện bị đe doạ về cuộc sống và nhà ở tại Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latin do mật độ dân số tăng nhanh nhất. Trung Quốc có dân số đông nhất thế giới, theo GB Times đưa tin, trong năm 2011 đã có 2,41 triệu người lớn và 179.000 trẻ em vô gia cư. Các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Philippines dù kinh tế đang tăng trưởng nhưng họ vẫn đối mặt với tình trạng dân vô gia cư tăng mạnh.

Theo báo cáo của Tổ Chức Homeless International vào năm 2008, Philippines có 32.8 triệu dân sống trong các nhà ổ chuột, chiếm 40% dân số, ước tính có khoảng 1,200.000 trẻ em không nơi nương tựa. Theo Natgeotv.com, tại thủ đô Manila có hàng nghìn người vô gia cư đã biến khu nghĩa địa thành nhà ở.

Hiện nay, khu nghĩa địa đã trở thành ngôi làng với dân số hơn 10.000 người đang sinh sống và kiếm việc làm. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên ngôi mộ. Khi xác chết chôn đã lâu, họ quật mồ lên và chôn những người mới chết. Xương người chết vung vãi khắp nơi. Chính phủ có giúp đỡ nhưng chỉ một thời gian họ lại trở về đây để sinh sống.

Lào, Campuchia, Việt Nam vẫn không có con số chính thức về tỉ lệ người vô gia cư nhưng ở Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn nơi nào cũng thấy ăn mày và người vô gia cư sống trên vỉa hè, gầm cầu, nghĩa địa. Đội quân ăn xin thường xuất hiện trên các đường phố, tại các chùa chiền lớn vào những dịp lễ hay Tết Nguyên Đáng. Đáng thương nhất là những trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, như trường hợp hai chị em: Hồ Thái Cát Tuyết, 17 tuổi hiện đang học lớp 12A7 trường Trần Phú và em gái là Hồ Thái Ánh Mai, 15 tuổi, hiện đang học lớp 9A1 trường Phan Chu Trinh, Đà Lạt. Do bị lạm dụng tình dục nên phải sống lang thang. Cả hai hiện nay sống nương nhờ vào tình thương của ông bà Phan Ngọc Hoà ở số 3 Cô Bắc, P.9, Đà lạt. Trao đổi với em Hồ Thái Cát Tuyết em cho biết về gia cảnh của mình như sau:

Không biết lý do tại sao từ lúc con 4 tuổi mẹ con bỏ đi từ đó tới giờ không có tin tức. Còn ba con thì cuối năm 2010 thì ba bệnh mất vì bệnh ung thư cổ trướng. Thời gian ba mất thì đợt đầu con ở với cô Út, do cô đi bán suốt ngày đó nên tối cô mới về. Chồng của cô ở nhà, mà chồng cô việc làm lúc có lúc không với lại nhiều khi chồng cô giở trò dâm ô với hai chị em con nên hai chị em con sợ quá bỏ nhà đi. Hai chị em ra chợ Đà Lạt đó cô. Buổi tối gần mấy cái công viên, cái chợ đêm nên một đứa ngủ thì một đứa canh. Con mơ ước con với em được đi học mai sau sự nghiệp đàng hoàng thì trở thành công dân tốt giúp ích cho đất nước.

Giờ đây 2 em đang cần sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm trong và ngoài nước để có thể ăn học nên người (*)

Đi đâu cho xa, ngay tại đất nước Hoa Kỳ quanh chúng ta còn có biết bao người đau khổ, bất hạnh. Ngày thứ Năm 22 tháng 10 là ngày Lễ Tạ Ơn, khi chúng ta đang tham dự những bửa tiệc sum họp gia đình vui vẻ, hạnh phúc thì ngoài kia, những chiếc bóng đói đói lạnh, lẻ loi trên đường phố, đang lang thang vất vưởng trong cơn gió lạnh của mùa đông buốt giá. Họ cần tình thương và những bàn tay đưa ra nâng đỡ.

Chú thích: ông bà Phan Ngọc Hoà ở số 3 Cô Bắc, P.9, Đà Lạt. ĐT: 0912 082 404

Theo dòng thời sự: