Một điểm trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Thái Lan từ ngày 25 đến 27 tháng 6 này cũng khiến một số người quan tâm có ý kiến. Đó là việc phân khoa Khoa học Chính trị, Đại học Thammasat của Thái Lan trong ngày 26 tháng 6 trao cho ông Trọng bằng tiến sĩ danh dự.
Những ý kiến xoay quanh vấn đề đó ra sao?
Quyết định ‘không dễ dàng’
Hoạt động trao bằng danh dự của các trường đại học cho những nhân vật có tiếng, những chính khách nổi bật… lâu nay vẫn thường diễn ra như một sinh hoạt bình thường. Nếu các đại học nhận thấy những vị đó xứng đáng qua những hoạt động thực tế liên quan đến ngành học của nhà trường mà họ đang giảng dạy thì họ trao bằng. Và khi có được những nhân vật như thế trong danh sách các tiến sĩ danh dự của nhà trường, thì uy tín của họ cũng phần nào được tăng thêm.
Trong trường hợp ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam được phân khoa Khoa học Chính trị của Đại học Thammasat trao bằng vào sáng ngày 26 tháng 6 vừa qua, trong thực tế đã không phải diễn ra thông suốt như bình thường đối với nhiều vị khác.
Ông Virot Ali, trợ lý trưởng khoa Khoa học Chính trị của Đại học Thammasat, cho biết chuyện trao bằng tiến sĩ danh dự cho ông Nguyễn Phú Trọng trước hết xuất phát từ đề nghị của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho ban giám đốc của nhà trường. Nhà trường chuyển xuống cho khoa Khoa học Chính trị.
Hoạt động trao bằng danh dự của các trường đại học cho những nhân vật có tiếng, những chính khách nổi bật…Nếu các đại học nhận thấy những vị đó xứng đáng qua những hoạt động thực tế liên quan đến ngành học của nhà trường mà họ đang giảng dạy thì họ trao bằng
Ông này trình bày lại khoa của ông phải có một cuộc họp kéo dài cả tiếng đồng hồ để phân tích những lý do trao bằng tiến sĩ danh dự cho tổng bí thư một đảng cộng sản hiện đang có những vấn đề mà chính những vị giáo sư trong khoa này cũng biết như chuyện vừa có một số blogger bị bắt ở Việt Nam.
Tuy nhiên theo như ông này thì do lâu quá mãi đến cả hai thập niên nay mới có một vị tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam sang thăm Thái Lan. Thứ đến xét về quá trình hoạt động của ông Nguyễn Phú Trọng thì ông xuất thân từ một nhà khoa bảng, viết báo… và dần dần lên đến chức vụ hiện nay.
Trong thời gian ông này làm tổng bí thư thì Việt Nam cũng có một số chính sách kết nối và hội nhập với những quốc gia khác trong khối ASEAN nên các giáo sư tham dự cuộc họp cũng đồng ý đi đến quyết định chấp nhận đề nghị mà Bộ Ngoại giao Thái Lan nêu ra với trường trong chiều hướng như thế.
Tuy nhiên theo ông Virot Ali thì qua việc trao bằng tiến sĩ danh dự của khoa Khoa học Chính trị cho ông Nguyễn Phú Trọng cũng có nghĩa là khoa này sẽ tiếp tục theo dõi những hoạt động liên quan của bản thân người được trao bằng.
Thư ngỏ phản đối
Cái khó vừa nêu không chỉ dừng lại khi bàn bạc để đi đến quyết định, mà sau khi quyết định được công khai và ngày trao bằng sắp đến, vào ngày 24 tháng 6 vừa qua xuất hiện một thư ngỏ trên mạng và đứng đầu danh sách nơi được nhắn đến là Đại học Thammasat. Và danh sách tổng cộng 50 đơn vị gồm các đại học khác cũng như các cơ quan truyền thông và tổ chức tại Thái Lan.
Bức thư ngỏ được ký bởi ba tổ chức là Trang mạng Dân Làm Báo, trang mạng Dân Luận và Vietnamvoice.org với kêu gọi cần phải xét lại quyết định trao bằng tiến sĩ danh dự cho ông Nguyễn Phú Trọng.
Thư ngỏ cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng là một chính trị gia bị xem có những lời nói và hành động đi ngược lại với quyền con người và các giá trị dân chủ. Việc trao bằng tiến sĩ danh dự cho một con người như thế theo thư ngỏ là làm giảm sút uy tín của Đại học Thammasat
Những lý do được nêu ra trong bức thư nói rõ Đảng Cộng sản mà ông Nguyễn Phú Trọng hiện là tổng bí thư từ khi thành lập hồi năm 1930 đến nay luôn theo đuổi chủ nghĩa cộng sản và sử dụng chiến thuật bạo lực để đạt được quyền lực. Sau năm 1975, đảng cộng sản Việt Nam có những biện pháp tàn bạo đối với những người thuộc chế độ cũ ở miền nam, đàn áp đối lập chính trị. Thư nhắc lại đánh giá của những tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới luôn xếp Việt Nam hiện nay vào nhóm những quốc gia bị đàn áp nhất trên thế giới.
Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng gần đây từng lên án những người đòi hỏi phải có đa nguyên chính trị tại Việt Nam; và cụ thể những tiếng nói đối lập đang bị trấn áp mạnh mẽ bằng biện pháp giam tù.
Thư ngỏ cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng là một chính trị gia bị xem có những lời nói và hành động đi ngược lại với quyền con người và các giá trị dân chủ.
Việc trao bằng tiến sĩ danh dự cho một con người như thế theo thư ngỏ là làm giảm sút uy tín của Đại học Thammasat.
Tôi thấy rằng trong thời đại này, đôi lúc người ta có thể khai thác bất cứ cái gì cho mục đích chính trị. Do vậy việc trao bằng danh dự, tiến sỹ danh dự, giáo sư danh dự cho người này, người kia theo tôi nghĩ không có mấy giá trị về mặt cái mà gọi là danh dự đó
Giáo sư Tương Lai
Trò chơi chính trị
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học- Xã hội Việt Nam, có ý kiến về việc Đại học Thammasat của Thái Lan trao bằng tiến sỹ danh dự cho ông Nguyễn Phú Trọng như sau:
Tôi thấy rằng trong thời đại này, đôi lúc người ta có thể khai thác bất cứ cái gì cho mục đích chính trị. Do vậy việc trao bằng danh dự, tiến sỹ danh dự, giáo sư danh dự cho người này, người kia theo tôi nghĩ không có mấy giá trị về mặt cái mà gọi là danh dự đó. Đôi lúc lại trở thành buồn cười. Trong chuyện này, người ta xôn xao; nhưng tôi không quan tâm lắm. Đây chỉ là thủ thuật ngoại giao; mà đã là thủ thuật ngoại giao thì người ta có thể làm tất cả những gì có thể làm được.
Còn người nhận bằng đó mà cũng vênh váo cho rằng mình thuộc loại học thức, học giả ..thì sẽ rơi vào sự lố bịch thôi.
Vấn đề thực lực và bằng cấp tại Việt Nam lâu nay đã được chứng minh. Nhiều trường hợp mua bằng, chạy chức bị phanh phui; tuy vậy còn biết bao nhiêu người đang sở hữu mảnh bằng, dù có đóng dấu chứng thực đấy; nhưng chắc chắn chuyên môn như ghi trong bằng không hề có.